Chồng chỉ mặt vợ, xơi xơi mắng chửi
Anh quản lý và đòi hỏi vợ phải hoàn hảo trong mọi việc chẳng khác gì như đối với nhân viên của mình. Ngày còn yêu, anh trẻ trung, phóng khoáng và vui tính so với cái tuổi hơn 30 của anh bao nhiêu thì giờ về nhà, chị lại thấy sợ cái tính cầu toàn, chi li của anh trong nếp sống gia đình bấy nhiêu.
Chồng chị là giám đốc một trung tâm ngoại ngữ có tiếng, còn chị chỉ là cô nhân viên làm công ăn lương cho một công ty tầm tầm, mức lương không phải là tệ nhưng cũng chưa một lần nếm trải mùi vị của chiếc ghế lãnh đạo. Anh chị quen nhau và yêu nhau khi cả hai đã có công việc ổn định, và đến với nhau trước sự vui mừng của cả hai gia đình. Những tưởng chuyện tình yêu êm đẹp sẽ mang đến một cuộc sống hôn nhân cũng yên ả không kém. Nhưng rồi, chị ngày càng nhận ra chồng mình đã quá quen làm “sếp”, nên dường như không thể làm chồng.
Quen làm sếp nhưng anh lại lạ lẫm với vai trò của một người chồng
Cưới nhau chưa được bao lâu, anh đi tu nghiệp ở trời Tây, bố mẹ đôi bên thì ở quê, mình chị bụng mang dạ chửa đã đến giai đoạn gần sinh nở loay hoay với căn nhà chung cư rộng hoác và thiếu vắng hơi người.
Bụng bầu vượt mặt nên việc hương khói những ngày giỗ lễ trước chiếc bàn thờ cao ngất ngưởng, buộc phải leo bằng thang với chị quả thật là khó khăn và đáng sợ. Chị bàn với chồng chuyển chiếc bàn thờ sang vị trí khác. Ngay lập tức anh ra chỉ thị: “Em cứ làm rồi chụp ảnh gửi sang anh xem”, và không một lời dặn dò dù chị là phận đàn bà, chẳng thể nào rành rọt trong những việc này như đàn ông được. Mất 3 ngày tự phi xe máy đi mua bàn thờ, thuê thợ đến lắp đặt, rồi dọn dẹp những tàn dư, chị nhận được một tràng mắng té tát của chồng: “ Sao lại để nó ở vị trí đó? Sao lại mua cái bàn thờ màu tối như vậy? Không biết thì cô phải hỏi chứ?”.
Tích góp được ít tiền, hai vợ chồng chị vừa mua một chiếc xe ô tô, trước là để chị có phương tiện đi lại lúc gần sinh, sau sẽ để lại cho bố chồng sử dụng khi anh chị sang bên kia sống. Từ việc mua bảo hiểm, anh đã dặn dò: “Phải mua cái loại cao nhất, có bảo hiểm trầy xước và ngập nước”. Chị y lời dặn, yêu cầu nhân viên bảo hiểm bán cho mình loại đó. Nhưng khi hoàn thành xong thủ tục, chồng chị bỗng dưng hỏi: “Thế cái bảo hiểm đấy có những gì?”.
Ngơ ngác, chị đáp lại: “Em mua đúng loại như anh dặn rồi mà”. Vậy mà, anh nổi đóa lên và bắt đầu giảng giải: “Cô tiêu một khoản tiền lớn mà cô không tìm hiểu xem nó có cái gì à? Sao cô không sống chủ động lên nhỉ? Ít ra tôi không ở đó thì cô cũng phải lên mạng tìm hiểu xem nên mua loại nào, cái mình cần là gì chứ?”. Chị vẫn cho rằng, trong một nhà, vợ lo lắng chuyện này thì chồng phụ trách chuyện kia, lúc cần thì đỡ đần cho nhau – như thế mới là một gia đình.
Video đang HOT
Mới đây, mẹ chồng chị ra chơi đúng dịp 20/10. Rút kinh nghiệm những lần mua quà trước không hợp “gu” của mẹ chồng khó tính, chị cẩn thận gọi điện cho chồng xin ý kiến. Chị trình bày rành rọt: “Sở thích của em và mẹ khác nhau, nên em không mua sẵn quà mà chờ mẹ ra chở mẹ đi mua để mẹ chọn cho thoải mái. Ban đầu em cũng định mua sữa canxi vì thấy mẹ kêu đau lưng…”. Chưa để chị nói hết câu, anh đã cắt ngang lạnh lùng: “Lại còn &’định’ cơ à, đã định thì mua luôn đi chứ còn chờ gì nữa?”. Mỗi lần nữa, chị chẳng biết phản ứng thế nào trước thái độ của anh. Hê không hài lòng là anh chỉ thẳng vào mặt chị, xơi xơi mắng chửi. Nếu chị đã mua rồi, biết đâu anh sẽ chuyển sang hướng khác để bắt bẻ, rằng chị mua món quà như vậy là thực dụng và chưa đủ giá trị, hay chăng mua như thế là áp đặt không cho mẹ lựa chọn…
Những câu chuyện tương tự cứ diễn ra hàng ngày như cơm bữa. Người ta bảo rằng khi người phụ nữ mang thai, vợ chồng sẽ dễ xảy ra xung đột, nhưng đấy là với những đôi ở cạnh nhau. Còn với anh chị, đã ở xa nhau gần nửa vòng trái đất mà tại sao xung đột xảy ra còn nhiều hơn cả những đôi vợ chồng bình thường?
Chị biết chồng mình có nhiều năm làm “sếp”, nên anh quen thói cầu toàn và đòi hỏi chất lượng công việc cao. Thế nhưng chị đâu phải là nhân viên dưới quyền, chị là người vợ anh đầu ấp tay gối, nay lại đang cận kề ngày sinh nở mà vẫn phải loay hoay xoay xở mọi việc một mình.
Khi mới cưới, những lần lạnh lùng “cô – tôi” kéo theo sự im lặng của đôi bên chỉ kéo dài chưa đầy 30 phút. Giờ đây, khoảng thời gian đó đã giãn ra thành vài ba ngày. Chị tự hỏi, cho đến lúc vợ chông chị có thể im lặng không nói gì với nhau, không liên lạc với nhau cả tuần, cả tháng, thì cuộc hôn nhân này rồi sẽ đi về đâu?!
Theo afamily
Bán mình cứu người yêu
Mỗi lần vật vã là Khang lại mắng chửi, cắn cấu nhưng Linh vẫn cắn răng chịu đựng trong mỗi cuộc hành xác
Vĩnh viễn là một khoảng thời gian quá dài, là một bài toán khó tìm ra đáp số, vì nó biến đổi khôn lường. Vĩnh viễn không ở trước mặt mà hiện hữu ở tương lai, nên không thể tùy tiện nói ra hai từ đó. Em là thiên sứ hay ác quỷ được phái xuống để hành hạ anh? Tại sao cứu anh để rồi lại bỏ anh ra đi? Cứu sống anh rồi lại bắt anh sinh ly, chẳng thà cứ để anh tử biệt với em có lẽ còn được an ủi phần nào...
Sinh ra là đàn ông không có nghĩa ai cũng sẽ trở thành chính nhân quân tử. Bởi một lẽ, mất đi là điều đáng hối tiếc, lùi bước là bất công và trốn chạy là xấu hổ. Khó khăn lắm Khang mới chọn được cách đối mặt, vì chỉ có đối mặt, con người ta mới biết mình có đủ khả năng và nghị lực để vượt được qua chính mình hay không mà thôi. Cái khó ở chỗ chính hoàn cảnh sống quá dư thừa về vật chất đã nhào nặn Khang thành một con người mang nhiều khiếm khuyết. Thứ anh khát thèm nhất ngoài các chất trắng chết người còn có một vòng tay âu yếm của người mẹ. Nhiều lần Khang tự hỏi: "Tại sao các bạn được mẹ bế ẵm, còn mình thì không, các bạn ngã thì được mẹ đỡ dậy, còn mình phải tự đứng dậy, các bạn được nũng nịu đòi mẹ mua quà, còn mình phải tự cầm tiền đi mua..." và câu trả lời duy nhất là mẹ bận.
Bố mải lo chuyện kinh doanh để kiếm thật nhiều tiền xây nhà lầu, tậu xe hơi, còn mẹ thì bận chuyện học hành nghiên cứu để trở thành nhà khoa học có đầy đủ học hàm học vị. Cuối cùng, bố trở thành đại gia và mẹ cũng trở nên nổi tiếng trong giới làm khoa học của ngành giáo dục, chỉ cần nhắc đến tên bà đã có nhiều người phải tấm tắc ngợi khen đó là một nhà khoa học chân chính có rất nhiều thành tựu.
Quả nhiên là thế, bố nghiễm nhiên trở thành cây ATM không bao giờ sợ hết tiền, còn mẹ trở thành cái gương cho Khang đeo trước trán mỗi khi cần khoe với bạn bè. Khi Khang đang còn ở tuổi thôi nôi thì mẹ đã để con lại cho bà và người giúp việc để ra nước ngoài du học. Học xong thạc sĩ lại học tiến sĩ, đến lúc trở về, Khang đã vào lớp một. Khoảng thời gian con thơ cần có mẹ nhất thì Khang lại phải rời xa vòng tay mẹ nên anh không có cảm giác được che chở mỗi khi bạn bắt nạt hay lúc "trái gió trở trời".
Bố thường xuyên làm việc với đối tác nước ngoài, mẹ lại du học trời Tây nên họ có xu hướng dạy con tự lập giống "con Tây". Thế rồi mưa nắng đã tạo nên một cái cây không có định hướng, cứ phát triển tự do. Khang cần mua gì thì dùng tiền trong thẻ tự do, cần dọa ai thì mang mẹ ra để làm lá chắn, chính vì thế mà 12 năm học trôi qua không có "sóng to gió lớn" gì. Có lần Khang cầm đầu một vụ gây lộn trong trường dẫn đến hậu quả là phải nhập viện, các bạn khác bị đình chỉ học, còn Khang thì chỉ nhắc nhở qua loa, viết bản kiểm điểm rồi cho qua mọi việc. Còn đang ngồi trên ghế nhà trường nhưng mùi đời thì Khang đã nếm đủ, thứ Khang nghiện nhất là điện tử và nàng tiên nâu.
Ngày Khang có thể đứng trước Linh khỏe mạnh và tự tin thì cũng là lúc anh nhận được án phạt từ người mình yêu (Ảnh minh họa)
Người ta vào đại học được thì Khang cũng có thể vào được một cách dễ dàng nhưng đó không phải dựa vào nỗ lực của bản thân mà đều nhờ vào lá chắn. Chính vì thế, dù con trai mình có "làm mưa làm gió" bên ngoài thì thành tích học tập vẫn luôn ở hạng "không tốt không xấu, không thấp không cao".
Giữ vai trò vừa là chủ trì vừa là chủ chi nên Khang luôn cầm đầu nhóm bạn trong mọi cuộc chơi. Các bạn gái trong lớp đa phần tỏ rõ sự ngưỡng mộ Khang ra mặt vì anh là một tay chơi hào hoa, phong độ, duy chỉ có Nhật Linh là thờ ơ mọi chuyện. Cô không quan tâm đến sự chói sáng của người bên cạnh, cũng không nhìn thấy cái xấu xa của người đối diện. Tuy xuất thân là con nhà nghèo, lại ở tỉnh xa về học nhưng cô luôn biết cách làm cho mình tỏa sáng bằng chính sự dung dị và thành tích nổi bật trong học tập của mình. Cô nổi tiếng là một pháo đài "bất khả xâm phạm" vì mục tiêu trước mắt của Linh chỉ có học, học và học để không phụ công bố mẹ.
Trước bao lời thách đố của bạn bè, Khang quyết định phải công phá cho bằng được cái lô cốt kia. Trước một cô gái chân chất, không toan tính cũng chẳng mưu mô, không hiểu sao Khang như bị lạc vào một thế giới khác hẳn - một thế giới không có kim cương làm quà tặng mà chỉ có hoa dại và cỏ lồng vực thật dễ chịu. Rồi không nhớ đã mất bao lâu anh mới chinh phục được chú "cua đồng" kiên định, chỉ biết rõ một điều là anh không còn muốn "bay đêm" cùng đám bạn chỉ biết sống "kí sinh" trên người mình nữa.
Khi Linh đã thực sự yêu, anh cũng muốn được yêu và rất sợ mất đi người mình yêu nên dù khó khăn đến mấy anh cũng cố giấu đi cái lỗi chết người. Anh không dám cho Linh tiếp xúc với bạn bè của mình, không dám cùng cô đi chơi quá giờ... và anh càng không dám nói sự thật về con người mình cho Linh biết.
Tất cả mọi thứ đều có thể che giấu trừ sự thật. Anh đã phải đối diện với sự thật phũ phàng ấy khi một cơn mưa rào bất chợt ập xuống ngay trong lúc chuẩn bị chia tay. Anh không thể bỏ đi trong mưa để lại cho Linh bao hoài nghi như thế... nhưng anh cũng không biết sẽ phải làm gì khi cơn sắp ập đến? Cuối cùng mọi nỗ lực che giấu của bản thân đều thất bại vì anh không thể khống chế nổi bản thân mình. Anh phải dùng thuốc ngay trước mặt người yêu khiến cho Linh chết lặng. Cô lao đi dưới mưa như một mũi tên không định hướng và lang thang suốt đêm cho đến lúc toàn thân run lên vì lạnh cóng.
Khang biết mình không còn cơ hội để sửa chữa, chỉ còn biết nhốt mình trong phòng với mịt mùng khói thuốc và muốn kết thúc cuộc đời mình trong vô vọng. Linh cũng bỏ học cả tuần, nhốt mình trong phòng không cười, không khóc, hỏi không nói, gọi không thưa. Rồi cô bất chợt hét lên: "Không thể thế!". Cô lại như một mũi tên vừa tuột khỏi dây cung lao thẳng đến nhà người yêu. Nhìn người mình yêu "thân tàn ma dại" ngồi thu lu trong góc phòng, râu tóc lởm chởm, Linh không nén nổi lòng mình. Họ cứ ôm nhau khóc ngay trước mặt phụ huynh.
Bố mẹ Khang phải chính thức có lời nhờ vả: "Con biết không, tâm bệnh phải dùng tâm dược điều trị mới khỏi, mà con chính là tâm dược của nó. Hai bác chỉ có mỗi mình nó nên không thể không cứu nhưng nó không muốn sống... Bác cầu xin cháu!". Cô tự nguyện làm "bác sĩ" tại gia để điều trị cho Khang. Mỗi lần vật vã là Khang lại mắng chửi, cắn cấu nhưng Linh vẫn cắn răng chịu đựng trong mỗi cuộc hành xác vì cô biết qua được một giờ, cắt được cơn nghiện thì tương lai của Khang sẽ mở rộng thêm vài milimet.
Mọi nỗ lực của Linh cuối cùng cũng được đền đáp xứng đáng. Ngày Khang có thể đứng trước Linh khỏe mạnh và tự tin thì cũng là lúc anh nhận được án phạt từ người mình yêu: " Em xin lỗi vì đã không thể cùng anh đi đến cuối con đường. Chỉ còn một tuần nữa em lên xe hoa, có thể tình yêu sẽ đến sau hôn nhân, nhưng người em đã chọn nhất định là một người đáng tin tưởng, Người ấy đã giúp em rất nhiều trong việc nỗ lực tìm lại tương lai cho anh trong suốt một năm qua".
Uống cà phê hay trà đá, xem ti vi hay ngủ, mặc quần hay mặc váy, ăn thịt hay ăn cá... cuộc sống không phải giây phút nào cũng phải đối diện với sự lựa chọn sao? Cái tách bị sứt cho dù là rất nhỏ cũng có thể làm đau miệng người thưởng thức trà.
Theo Bưu Điện Việt Nam
Tôi phải hầu cả nhà chồng mà vẫn bị mắng chửi Trước mặt mọi người, bố chồng bắt tôi đền tiền cái đồng hồ làm vỡ, chạy khắp nhà tìm đôi giày cho em trai chồng. Tôi là người miền Nam, đã tốt nghiệp đại học và có công việc ổn định. Tôi và chồng cưới nhau sau khi quen nhau được tám năm. Chúng tôi cưới nhau được hai năm rồi nhưng chưa...