Chồng chỉ cho ăn 10 ml nước mắm mỗi bữa
Mới cưới anh được hơn một năm mà tôi chán anh lắm rồi. Chẳng qua là vì đứa con nên tôi không thể li hôn thôi chứ trong thâm tâm tôi coi thường anh lắm. Đàn ông gì mà nhỏ nhen tính toán không khác gì đàn bà.
Chúng tôi quen nhau ở một công ty du lịch, anh làm việc ở đó đã được 1 năm, còn tôi thì cũng mới chuyển sang công việc đó được mấy tháng. Thấy tôi hiền lành, con nhà tử tế anh đã chủ động bắt chuyện và làm quen, còn tôi thấy anh ít nói, điềm đạm, không chơi bời như những thanh niên khác nên cũng thấy quý mến. Dần dần từ quý mến chúng tôi chuyển sang yêu nhau lúc nào không hay. Anh về ra mắt gia đình tôi và xin phép cưới tôi. Ban đầu gia đình tôi phản đối dữ lắm vì lo thời gian tìm hiểu nhau quá ít sẽ chưa thể hiểu hết về gia cảnh, con người, tính tình của anh, nhưng trước sự cương quyết của tôi, bố mẹ tôi đành phải gật đầu đồng ý.
Vậy là đám cưới của chúng tôi diễn ra chỉ sau đúng 2 tháng quen biết.
29 tuổi tôi đã lấy chồng. Trước khi lấy anh, bố mẹ tôi lo cho tôi lắm. Ông bà sợ tôi ế vì con gái 30 là đã &’toan về già’, nhất là khi gia đình tôi lại sinh sống ở quê. Bản thân tôi, cũng đã trải qua vài mối tình nhưng không đi đến đâu cả, yêu mãi không sao nhưng cứ đến khi bảo cưới thì người ta lại lẩn tránh. Mà số tôi cũng làm sao ấy, yêu ai cũng bị gia đình người ta ngăn cản. Do đó áp lực phải lấy chồng luôn đè nén trên đôi vai tôi.
Cho tới khi gặp anh. Anh kém tôi 1 tuổi nhưng rất chững chạc. Anh cũng đang ở cái tuổi mà bố mẹ thúc giục ghê lắm để mong sớm có cháu bồng cháu bế. Mặt khác mẹ anh lại mê tín, xem tuổi thấy tuổi tôi và tuổi con trai hợp nhau vậy là bà nhanh nhanh chóng chóng tác hợp cho chúng tôi. 2 đứa chúng tôi đã thành vợ thành chồng trong hoàn cảnh đó.
(Ảnh minh họa)
Khi đến với anh tôi cũng chỉ nghĩ đơn giản, không cần phải yêu nhiều, hiểu nhiều, miễn sao mình hết lòng vì chồng vì con, mình chăm chỉ chịu khó thì chắc chắn sẽ hạnh phúc. Ông bà mình ngày xưa đâu có biết nhau đâu mà rồi vẫn cứ sống với nhau tới tận lúc “đầu bạc răng long” đấy thôi. Nhưng cuộc sống thật không đơn giản như tôi nghĩ.
Sau khi cưới, chúng tôi phải thuê nhà ở Hà Nội để sinh sống. Công ty du lịch nơi 2 vợ chồng tôi đang làm lại rơi vào tình cảnh khó khăn, tour ngày một ít, doanh thu mang về cho công ty chẳng còn là bao, do đó họ buộc cắt giảm nhân sự. Và những nhân viên mới như tôi có trong danh sách loại đầu tiên.
Vậy là chỉ còn mỗi anh trụ lại ở đó. Lương của anh cũng bị cắt giảm đi nhiều. Tôi lo lắm, tôi vội vã vác đơn đi khắp nơi để xin việc. Nhưng với cái bằng chuyên ngành về xăng dầu trong tay, tôi chật vật mãi cũng không sao tìm cho mình được công việc ổn định chứ chưa dám mơ đến công việc như ý. Ngay lúc đó tôi phát hiện ra mình đã mang bầu. Vậy là công cuộc tìm việc vốn đã khó nay còn khó hơn gấp ngàn lần. Tôi đã kiên trì mang đơn đi nộp khắp nơi nhưng chẳng nơi nào nhận cả vì họ không muốn nhận 1 đứa bụng mang dạ chửa như tôi. Và tôi rơi vào tình cảnh thất nghiệp như thế đó.
Biết được điều đó, ban đầu anh cũng thông cảm và an ủi tôi rất nhiều. Anh bảo tôi cứ nghỉ ngơi ở nhà sinh con xong rồi đi làm cả thể. Để mình anh đi kiếm tiền. Anh sẽ cố gắng. Nghe anh nói vậy tôi cũng yên tâm.
Nhưng rồi thật không may, công việc của anh cũng không thuận lợi. Anh lại phải chuyển hết công việc này đến công việc khác hết công ty này đến công ty khác bởi toàn bị nợ lương. Cuộc sống khó khăn bắt đầu bủa vây lấy gia đình bé nhỏ của tôi. Hàng tháng tôi phải chi tiêu rất tiết kiệm.
Video đang HOT
Tôi luôn cố gắng căn cơ dè xẻn từng đồng để cuối tháng không bị thiếu trước hụt sau. Thời gian mang bầu nhiều lúc thèm ăn nhưng cứ nghĩ đến số tiền ít ỏi và nghĩ đến chồng đang vất vả vậy là tôi đành nhịn. Ngay cả sữa bầu cũng là một thứ xa xỉ. Vừa chi tiêu vừa phải lo lắng dành dụm để khi con ra đời còn có tiền mà nuôi nấng, thành ra tuy mang bầu nhưng tôi gầy như xác ve. 6, 7 tháng mà chẳng thấy bụng đâu cả.
9 tháng 10 ngày trôi qua, những tưởng có đứa con thì gia đình ngày càng thêm hạnh phúc gắn bó nhưng đứa con ra đời lại khiến cuộc sống của tôi rơi vào bế tắc.
(Ảnh minh họa)
Lương tháng anh bị nợ liên tục. Để có tiền trang trải sinh hoạt, anh đã phải xoay xở vay mượn khắp nơi. Tôi biết anh vất vả nhưng không thể làm gì giúp anh được. Tôi thấy thương anh và náy náy lắm. Nhiều khi nhìn bữa cơm chỉ với vài ba miếng thịt tôi ứa nước mắt.
Còn về phía anh, từ khi con ra đời, anh đi sớm về muộn hơn. Việc chăm sóc con anh giao phó hoàn toàn cho tôi. Con quấy khóc cả đêm anh cũng mặc kệ. Nhiều lúc mệt quá tôi nhờ anh bế con giúp thì anh nổi cáu với tôi. Anh bảo “anh đi cả ngày mệt nên đêm phải ngủ”. Cứ thế, ban ngày tôi xoay xở cơm nước, dọn dẹp, giặt giũ, đêm đến thì thức chong chong để trông con. Nhiều khi có cảm giác mình kiệt sức..
Thiếu ăn thiếu ngủ trầm trọng, cơ thể tôi bị suy nhược. Đến khi con được khoảng 2 tháng thì tôi không đủ sữa cho con bú. Con ngày một lớn, trộm vía cháu ăn cũng tốt nên háu ăn lắm, cứ luôn miệng khóc đòi ăn, không đủ là nó hờn, khóc ngằn ngặt. Mỗi lần như vậy, vắt sữa của mẹ mà mãi chẳng đủ, tôi xót con và quyết định mua sữa bột để cho con ăn thêm. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc chi phí sinh hoạt lại đội lên trong khi tiền lương thì ngày càng eo hẹp, lại phải lo chi trả trăm thứ tiền, tiền nhà, tiền điện, tiền nước…
Một hôm đi làm về, nhìn thấy hộp sữa ở nhà, anh trợn mắt lên quát tôi: “Sao cô lại cho con uống sữa ngoài? Không có gì tốt bằng sữa mẹ. Người ta mong cho bú mẹ còn chẳng được, đằng này… Từ nay tôi cấm cô cho con ăn sữa bột đấy!”. Thái độ của anh khiến tôi sững sờ. Tôi có giải thích thế nào anh cũng không nghe. Anh còn chửi tôi là ngu, có mỗi việc ăn với đẻ mà làm không xong. Tôi cũng không hiểu lúc đó có phải anh muốn tốt thực sự cho con không hay do anh tiếc tiền mua sữa cho con?
Bị chồng mắng chửi tôi thấy uất ức vô cùng, nước mắt cứ lăn dài trên má. Vì thương con, tôi vẫn tự lén lút làm theo ý mình. Vì vậy 4 triệu 1 tháng anh đưa đã không đủ để chi tiêu trong tháng này. Tiền nhà tiền điện tiền nước đã ngốn của tôi hết 2 triệu. 2 triệu còn lại tôi đã thực sự cố gắng nhưng không xoay xở được.
Và bất đắc dĩ tôi lại phải “ngửa tay xin tiền anh”, anh lại nổi cáu với tôi lần nữa. Anh nói tôi tiêu hoang phí. Anh nói tôi vô dụng, nuôi con cũng không biết đường nuôi, tiền không kiếm ra mà cứ tiêu như phá. Cuối cùng anh đề nghị tôi ghi sổ mỗi khi đi chợ hàng ngày.
Để anh yên tâm, cũng không muốn làm mọi chuyện căng thẳng, tôi ngoan ngoãn ghi sổ đi chợ hàng ngày. Mua từng mớ rau con cá, từng chai nước mắm hay gói bột canh, quả chanh quả ớt.. tôi cũng ghi rất tỉ mỉ.
Cuối tháng, anh bắt tôi mang sổ ra và tổng kết số tiền đã chi tiêu trong tháng. Không hiểu cộng nhầm lẫn thế nào tôi lại bị nhầm mất 1 trăm nghìn. Không ngờ anh trợn măt lên nhìn tôi quát tháo ầm ĩ. Trông anh lúc này thật đáng sợ, cứ như một con thú chuẩn bị ăn tươi nuốt sống con mồi. Anh cho rằng tôi dối trá, lừa lọc, anh chửi tôi là đàn bà ăn tàn phá hoại. Tôi sững sờ tủi hổ. Hóa ra anh mang ngay một cuốn sổ anh cũng lén ghi chép y hệt như quyển sổ của tôi và lôi máy tính cộng cộng trừ trừ. Nó ra con số ít hơn của tôi 100 nghìn.
Tôi bật khóc, tôi thấy uất ức tủi hổ. Tôi không ngờ chỉ vì 100 nghìn mà người chồng của tôi lại đối xử với tôi như vậy. 100 nghìn đối với anh nó to đến vậy sao?
Sau lần đó tôi đã tự nhủ. Thôi đành cố nhịn vì con, vì giờ con còn bé nên chưa thể đi làm được. Đợi con cứng cáp chút nữa nhất định tôi sẽ phải kiếm một công việc dù lương ít hay nhiều cũng phải đi làm chứ không thể sống cảnh khổ nhục thế này được nữa. Tôi vẫn âm thầm chịu đựng và vẫn công cuộc ghi sổ sách đều đặn như vậy, có điều từ đó trở đi không bao giờ tôi “dám” cộng nhầm nữa. Trước khi đưa sổ cho chồng, tôi tính toán thật kĩ lưỡng.
Nhưng dường như “cây muốn lặng mà gió chẳng đừng”. Mới hôm qua thôi, trong mâm cơm của gia đình tôi có món rau luộc. Tôi nhỡ tay rót hơi nhiều nước mắm. Gọi là nhiều nhưng thực ra với tôi nó chỉ đủ cho đĩa rau kia thôi. Chỉ có vậy thôi mà anh cũng đỏ mặt tía tai quát tháo tôi. Anh bảo tôi cứ hoang phí thế này bảo sao lúc nào cũng kêu hết tiền. Bực quá, tôi cãi lại:”Chẳng may em rót nó ra nhiều, ăn không hết thì để tối ăn tiếp có sao đâu”. Thấy tôi chưa bao giờ nổi nóng như vậy, anh cũng dịu giọng. Anh nhẹ nhàng đưa ra một “sáng kiến” giúp tôi: “Lần sau em lấy cái cốc đong thuốc của con ra mà đong, đủ 10 ml nước mắm thì dừng. Nhà mình đầy cái cốc loại đó đấy. Như thế sẽ tránh không bị đổ quá tay, lãng phí”. Đến nước này thì tôi thật sự “bó tay”. Đúng là có câu “đàn ông đo lọ nước mắm, đếm củ dưa hành” không sai chút nào. Tôi đành vâng dạ cho xong. Trong thâm tâm tôi, tôi ngán anh lắm rồi.
Đến khi con tôi tròn 4 tháng. Tôi quyết tâm nhờ mẹ đẻ ra trông con hộ (vì mẹ chồng từ chối không trông được). Thực ra mẹ tôi cũng không muốn ra trông đâu bởi bà không thích anh từ hồi mới lấy nhưng vì thương con nên mẹ tôi đành miễn cưỡng đồng ý.
Những tưởng có mẹ ra ở cùng và tôi đi làm có thêm thu nhập thì cuộc sống sẽ bớt ngột ngạt hơn. Anh sẽ thoáng tính hơn. Nhưng không ngờ, anh vẫn không thay đổi.
Anh vẫn bắt tôi hạch toán sổ sách hàng ngày. Ngay cả khi mẹ đi chợ cũng không ngoại lệ.
Khi nào tiền chợ phụ trội hơn bình thường là anh tra khảo xét nét tôi. Đôi lúc vì thương con ít sữa mẹ tôi có mua thêm cái chân giò về ninh cháo, hay thỉnh thoảng bồi dưỡng cho tôi bằng một quả tim thì anh cũng mắt chữ O mồm chữ A tra khảo tôi cho tới nơi. Nhiều lúc tôi muốn “độn thổ” trước mặt mẹ. Anh còn bóng gió nói với tôi rằng, chỉ muốn mẹ trông con hộ ban ngày. Còn tối bà về nhà anh trai (các anh cũng ở gần tôi) cho đỡ tốn kém.
Tôi thật không ngờ càng ngày con người anh lại càng quá quắt như vậy. Tôi coi thường anh lắm, anh là đàn ông mà tính toán như đàn bà. Càng ngày tôi càng chán anh. Cứ nhìn thấy anh là tôi ghét, tôi sợ. Tôi ám ảnh mỗi lần bị anh tra khảo tiền nong. Chẳng qua tôi cố nhịn anh để cho êm cửa êm nhà vì có mẹ ở đây. Nhưng sức chịu đựng cũng có giới hạn.
Tôi đang không hiểu bản tính keo kiệt của anh là do có từ trong máu hay do hoàn cảnh tạo nên? Tôi thật sự thất vọng và chán anh lắm rồi. Làm thế nào để thay đổi được tình hình bây giờ? Hãy cho tôi một lời khuyên.
Theo blogtamsu
Cách cư xử của nàng dâu ít học
Sau tất cả những việc làm dối trá ấy tôi mới biết được con người thật của em. Hóa ra bao lâu nay em vẫn tự coi mình là bà hoàng, còn mẹ chồng chỉ là "o sin" của em.
Đến giờ phút này tôi không thể bênh vợ mình thêm được nữa, chắc có lẽ vì cô ấy "ít học" nên mới cư xử với mẹ chồng như vậy. Chúng tôi cưới nhau được gần một năm nhưng cũng đủ dài để nếm được những trái đắng của cuộc sống hôn nhân. Tôi quyết định cưới một cô gái kém mình 12 tuổi. Tôi 31 tuổi, em 19 tuổi, chúng tôi quen nhau chừng 3 tháng thì quyết định cưới. Khi đó, một phần vì bị gia đình thúc giục chuyện vợ con, phần vì tôi có lớn nhưng chưa có khôn, nghĩ em trẻ đẹp, lại ăn nói dễ nghe nên đưa ra quyết định nông nổi.
Mặc dù biết gia đình em khó khăn nên phải thôi học từ sớm nhưng tôi chưa bao giờ câu nệ điều đó. Tôi là kiến trúc sư có chỗ đứng trong ngành xây dựng, nói thật là gia đình tôi khá giả, lương tôi cao. Tôi đâu có ngần ngại chuyện em có học đại học, hay làm việc lớn lao gì đâu. Tôi có thể nuôi em cả đời, miễn sao em có thể toàn tâm chăm lo cho gia đình, sinh cho tôi những đứa con kháu khỉnh, có hiếu với bố mẹ chồng là được rồi.
Đổi lại, tôi luôn được gia đình em tôn trọng vì là rể nhưng tôi luôn coi bố mẹ vợ, gia đình vợ như gia đình mình, giúp đỡ bố mẹ vợ hết sức có thể. Thế nhưng gần một năm chung sống với em, tôi mới biết tất cả những ý nghĩ đó không bao giờ thành sự thật, em là người vợ quá tồi, người con dâu quá tệ.
Một người đàn ông 31 tuổi yêu thương, chiều chuộng vợ hết mực. Tất cả những khoản nợ bên nhà vợ một mình tôi gánh vác, rồi các em vợ đi học cũng do tôi đảm nhiệm. Em thích gì tôi cũng chiều, từ xe đẹp, quần áo đẹp... Nhưng có lẽ vì tôi chiều quá nên em hóa hư, coi mẹ chồng như ô sin. Điều này phải mãi sau tôi mới biết. Bố mẹ tôi vốn hiền hậu, luôn nghĩ cho các con, không muốn lời ra tiếng vào gây ảnh hưởng đến tình cảm vợ chồng tôi nên tất cả mẹ tôi đều nhịn.
Những tưởng từ trước đến nay công việc nhà do em đảm đang, nào ngờ tất cả chỉ là ngụy biện. Em thật khôn ngoan khi nắm rõ lịch trình làm việc của tôi. Biết tôi rất bận, tối nào em cũng tỏ ra quan tâm bằng cách hỏi han công việc ngày mai của chồng, thấy vậy tôi càng yêu em hơn. Nào ngờ những mối quan tâm ấy đều nhằm mục đích "điều tra" lịch trình làm việc của chồng để em dễ dàng trở thành bà hoàng còn mẹ chồng biến thành "osin" cho em.
Những bữa cơm dẻo canh ngọt thường ngày đều do một tay mẹ chồng nấu, bữa sáng cũng do mẹ nấu, quần áo mẹ giặt, nhà cửa mẹ dọn... thậm chí cả những ngày mẹ tôi mệt mỏi vì thời tiết cũng vẫn phải lọ mọ ngồi dậy để lo cơm nước. Còn em, những lúc đó em nhởn nhơ đi spa, đi sửa móng tay, đi shopping, quần áo em mua trật tủ, giày dép đi không hết. Nếu không phải chính mắt tôi bắt gặp những hình ảnh đó thì có lẽ em sẽ vẫn là bà hoàng, còn mẹ chồng vẫn là "osin" cho em cả đời.
Ảnh minh họa.
Sáng đó, theo lịch trình tôi sẽ đi Hưng Yên cả ngày, em tiễn tôi ra khỏi cửa, nhưng lại không ngờ được rằng 10h trưa tôi quay lại nhà để lấy bản thiết kế. Vừa về đến nhà hình ảnh người mẹ ho sặc sụa đang loay hoay lau nhà, trên người vẫn mặc tạp dề nấu ăn, còn tiếng em vang vọng trong phòng ngủ "Mẹ làm ơn cho nhỏ tiếng máy được không điếc hết tai con làm sao con trang điểm được, mà sáng mẹ đi chợ mua gì đấy, đừng có mua vịt đấy, sao cái tất chân của con lại rách thế này, mẹ giặt kiểu gì vậy... mẹ chẳng làm được việc gì ra hồn, Mà thôi trưa nay mẹ ăn cơm với bố đi, con đi ăn với bạn...". Nếu không phải tiếng ho của tôi vang lên chắc em sẽ còn ca tiếp những lời nói "ít học".
Thấy tôi về em vội thanh minh, nhưng mọi chứng cứ vẫn diễn ra trước mắt tôi, hình ảnh một người mẹ 60 tuổi lom khom làm mọi việc còn con dâu lại đỏng đảnh trang điểm và ra lệnh khiến tôi không giữ nổi bình tĩnh. Tôi kéo mạnh tay em chỉ vào phía mẹ "Cô coi mẹ tôi là ô sin à, cô là gì, cô nên nhớ cô là con dâu chứ không phải là mẹ... Thế từ trước đến nay cô vẫn đối xử với mẹ tôi như vậy sao...". Em lí nhí mãi trong miệng rồi bỗng hét toáng lên "Lấy vợ trẻ phải chấp nhận thôi, anh không thấy tôi với anh chẳng khác gì chú cháu à... Vậy nên anh đừng đòi hỏi. Còn mẹ, là mẹ tự nguyện, không phải tôi ép...".
Đó là lý do vì sao tôi nhất quyết ly hôn với em, có lẽ cũng vì em biết sẽ có ngày hôm nay mà gần một năm qua em không muốn sinh con. Nhưng kể ra em cũng khá cao tay, gần một năm qua em cũng tích trữ được số tiền khá lớn từ gia đình chồng. Nhưng rồi đây em sẽ ra sao nếu tiêu hết chỗ tiền ấy, hay em lại trở về là cô gái bán hàng thuê. Đáng thương cho em, cho tôi và cho cuộc hôn nhân nông nổi này.
Theo BÌNH AN/Doisongphapluat
Tôi và gia đình suýt nữa "sập bẫy" người chồng nham hiểm Tôi không tin anh ta lại khốn nạn, hệt lần này đến lần khác lừa dối tôi. Nếu không có chuyện hôm nay, có lẽ tôi và bố mẹ mình sẽ ngây thơ "sập bẫy" của anh ta. Tim tôi như có ai bóp nghẹt, nước mắt cứ thế chảy ra. Tôi đau hơn khi nhận ra tình cảm của mình đã dành...