Chồng chẳng còn vai trò gì với tôi từ khi rạch ròi tài chính
Đến khi có tiền, chồng tôi lại là người giữ tiền, chỉ đưa tôi một khoản vừa đủ để lo cho gia đình.
Hình ảnh minh họa
Vợ chồng tôi kết hôn được hơn 10 năm, có 2 con chung, đã có nhà, xe ôtô và chút tài sản tích lũy. Tôi có thu nhập ổn định, tầm 10 triệu một tháng, giờ giấc khá thoải mái nên quán xuyến toàn bộ việc nhà cửa, chăm sóc, dạy dỗ con cái. Thu nhập của chồng tôi khoảng 30 triệu một tháng. Tuy nhiên, anh ấy rất bận nên không đoái hoài bất cứ việc gì trong nhà.
Khi còn khó khăn, tôi là người giữ tiền và tự cân đối mọi khoản chi tiêu trong thiếu thốn. Đến khi có tiền, chồng tôi lại là người giữ tiền, chỉ đưa tôi một khoản vừa đủ để lo cho gia đình. Tôi đã phải ghi chép lại các khoản chi nhưng anh vẫn thường xuyên càu nhàu về việc chi tiêu tốn kém, mặc dù tôi không phải là người hoang phí.
Quá chán nản, hơn năm nay tôi yêu cầu anh tự đóng tiền học cho con và điện nước, tôi lo tiền ăn cho cả nhà và sữa cho con, chi phí phát sinh của bên nào bên đó tự lo. Từ đó, chúng tôi chẳng còn mâu thuẫn về tiền nữa nhưng tôi cảm thấy bất mãn với chồng. Dần dần tôi không muốn nói chuyện với chồng và thấy anh chẳng có vai trò gì trong cuộc sống của tôi. Gia đình tôi có khác biệt quá không?
Video đang HOT
Nhung
Theo vnexpress.net
Lương anh, lương em và con chúng ta
Chuyện lương anh, lương em và con chúng ta đã trở thành một vết rạn hôn nhân khó tránh. Có lẽ, tôi sẽ phải thẳng thắn nói chuyện lại với chồng.
Vợ chồng tôi lấy nhau qua mai mối. Khi ấy cả hai đều đã có công việc ổn định. Tôi làm nhà nước, lương không cao nhưng có thời gian dành cho gia đình. Chồng tôi ít nói, công việc của anh vất vả, chịu nhiều áp lực. Chúng tôi về cùng một nhà như sự bù trừ cho nhau.
Tuy nhiên, mẹ chồng tôi suốt ngày nói về việc thu nhập của hai vợ chồng không cân đối. Bà luôn tỏ ra thương con trai đi làm vất vả, trong khi lương của con dâu thấp. Bà luôn nhắc đi nhắc lại chuyện đó như thể muốn tôi khắc cốt ghi tâm việc lấy được con trai bà và có cuộc sống hiện tại là phúc lớn cho mình. Tôi là người có lòng tự trọng khá cao, nên lẳng lặng tìm việc làm thêm ở nhà. Tiền của chồng, tôi nói rõ với mẹ chồng mình không cầm, nếu thu nhập của anh tốt thì sau này lo cho con, tôi đủ khả năng để không sống dựa vào chồng. Vì chuyện này mà mẹ chồng luôn cho rằng tôi hỗn hào với người lớn.
Ảnh minh họa
Chồng tôi thương vợ nhưng ít ở nhà nên những phức tạp trong mối quan hệ giữa mẹ và vợ, anh không biết hết. Anh chỉ biết là tôi làm tròn nghĩa vụ của một người con dâu, người vợ dù chịu nhiều áp lực. Mẹ hay phàn nàn nhưng anh luôn gạt đi hoặc ậm ừ cho qua. Tôi nói thẳng với chồng là mẹ hay để ý, nên về tiền lương thì của ai nấy giữ, anh thu nhập tốt hơn thì lo cho con, chuyện gì một người không gánh hết thì cả hai sẽ chung tay. Chồng tôi nghe, im lặng.
Khi tôi có hai bé, mẹ chồng ngày càng lo tôi giữ tiền của con trai bà. Tôi cũng vì thế mà càng ít nói. Những chuyện thường ngày hai mẹ con không thể đồng cảm, chia sẻ. Tiền sữa cho hai con, chồng tôi lo, tiền học cho các bé hàng tháng, anh đóng. Tôi lo chi tiêu sinh hoạt hàng ngày cho gia đình. Anh tham gia vào giỗ chạp, cưới xin hay biếu tiền cho cha mẹ hàng tháng bao nhiêu tôi không biết. Chuyện làm ăn hay lương thưởng của chồng, tôi không hề quan tâm. Lúc rảnh, anh cũng đưa vợ con đi chơi chỗ này chỗ kia; có lúc anh trả tiền, khi tiện thì tôi trả.
Nhiều khi nghe bạn thân khuyên, làm vợ phải biết quản lí tài chính, tôi chỉ ậm ờ. Tính tôi tự trọng cao, những lời của mẹ chồng cứ găm nguyên đó. Lâu dần nhà tôi thành tiền anh, tiền em, chỉ có con là chung của chúng ta.
Mới đây, mẹ chồng khoe con với bà dì mà tôi vô tình biết được anh giúp hai em ruột của mình nhiều lắm. Khi em trai nợ cá độ bóng đá gần ba trăm triệu, anh giúp nó hơn một nửa để trả nợ. Em gái chồng cất nhà, anh cho em vay hai trăm triệu. Những chuyện ấy anh không hề bàn hoặc thông báo với tôi một tiếng. Anh em trong nhà, khi cần mà mình có điều kiện hơn thì giúp đỡ cũng tốt, nhưng đè nặng trong tôi là cảm giác của người vợ không được tôn trọng, không có tiếng nói gì trong nhà chồng. Có phải vì thế mà các em chồng mỗi khi có dịp tụ tập là chỉ một điều anh, hai điều anh, chẳng mấy khi chúng để ý hay lắng nghe chị dâu?
Ảnh minh họa
Nỗi buồn còn nguyên đó thì tôi bị cảm. Nằm một mình èo uột, tôi không dám nhờ mẹ chồng một tiếng. Tôi chờ chồng về rồi nhờ anh đi mua thuốc. Anh mang về một túi thuốc bệnh lẫn thuốc bổ, thêm một bát cháo nóng cho tôi. Rồi không biết vô tình hay cố ý, anh nói: " Của em hết hai trăm ngàn". Tự nhiên tim tôi thắt lại, tôi quay mặt vào tường, nước mắt cứ thế trào ra, tổn thương ghê gớm. Chắc chắn anh thương nên mới mua thêm tô cháo, nhưng cay đắng thay, anh làm việc đó như một người làm công. Hai trăm ngàn đồng phủi bay tình yêu thương, lo lắng cho người bạn đời của mình.
Lẽ nào anh quá quen với việc độc lập và rạch ròi tài chính nên khi vợ ốm đau cũng "tiện thể" rạch ròi như vậy? Sao anh không nghĩ tới những lúc tôi chăm cha mẹ già ốm đau mà không đòi hỏi, khi tôi mang nặng đẻ đau hai đứa con cho anh mà không tính toán thiệt hơn sức mình?
Tôi biết chồng mình ít nói, cũng ít thể hiện tình cảm. Nhưng không có nghĩa anh được phép sống vô tình như vậy. Chuyện lương anh, lương em và con chúng ta đã trở thành vết rạn hôn nhân khó tránh. Có lẽ tôi sẽ thẳng thắn nói chuyện với chồng, chúng tôi sẽ sắp xếp lại mọi thứ. Tôi không biết cái nếp do chính tôi và anh tạo ra trong từng ấy năm có thể xóa bỏ được không? Nhưng nếu cứ thế này, tôi cũng héo mòn theo.
Phương Mai
Theo phunuonline.com.vn
Mẹ chồng bày mưu lấy vợ hai cho con trai, phản ứng của anh mới khiến tôi chua chát Anh biết tôi vì anh mà nhận lấy chỉ trích nên anh càng thương tôi. Chúng tôi vẫn đều đặn đi khám, đều đặn uống thuốc, nỗ lực hết mức để có được một sinh linh bé bỏng. Tâm sự bạn đọc: Mai Tình Yêu cho tôi hỏi, nếu mẹ chồng xui chồng lấy vợ hai, thì tôi có nên ly hôn luôn...