Chống buôn lậu hàng giả: Đường dây ổ nhóm lớn chưa xử lý được
Lực lượng quản lý thị trường muốn điều tra, trinh sát chuyên sâu những vụ án lớn đều phải phối hợp với lực lượng công an.
Càng về cuối năm và cận Tết Nguyên đán, các đối tượng buôn hàng lậu hàng giả, hàng kém chất lượng càng sử dụng nhiều hành vi, thủ đoạn gian lận tinh vi để gom hàng, vận chuyển đưa vào thị trường nội địa tiêu thụ.
Mặc dù còn nhiều khó khăn, song với những động thái sửa đổi một số cơ chế chính sách cũng như ban hành các kế hoạch cụ thể, quyết liệt của Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (gọi tắt là Ban Chỉ đạo 389 quốc gia) cho thấy những quyết tâm đấu tranh, ngăn chặn hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại.
Hiện nay, hoạt động buôn lậu lại “ nóng” trên nhiều địa bàn khắp cả nước. Trên tuyến biên giới và cửa khẩu đường bộ khu vực phía Bắc và miền Trung, nổi lên hoạt động buôn lậu ma túy, thuốc nổ, pháo, thực phẩm, mỹ phẩm, gia cầm… Trên các vùng biển Đông Bắc, miền Trung và vùng biển Tây Nam lại nổi lên tình trạng buôn lậu xăng dầu, than, quặng, gỗ, thuốc lá điếu… Trong khi đó, tại các cảng hàng không quốc tế, hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép các loại hàng cấm, hàng có giá trị kinh tế lớn và các loại hàng hóa có thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt vẫn xảy ra.
Theo Ban Chỉ đạo 389, năm 2015, lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ, xử lý gần 200.000 vụ việc vi phạm, thu nộp ngân sách Nhà nước gần 12.000 tỉ đồng. Một số vụ buôn lậu lớn được phát hiện như bắt gần 32kg cocain vận chuyển từ Nam Mỹ về Việt Nam; Vụ bắt giữ 490 bánh heroin tại Hà Nội; bắt giữ 611.000 lít dầu lậu trên vùng biển Kiên Giang, hơn 1 tấn ngà voi ở Đà Nẵng, hơn 200 container hàng cấm nhập ở TPHCM…Mặc dù bắt giữ được nhiều vụ, nhưng số vụ được chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự quá ít, như quản lý thị trường bắt giữ 3.000 vụ, nhưng mới đề nghị khởi tố 11 vụ.
Nhiều đường dây tội phạm về buôn lậu, hàng giả lớn vẫn chưa được phối hợp xử lý. (Ảnh minh họa: KT)
Ông Đỗ Thanh Lam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho biết, trong công tác chống buôn lậu, hàng giả vẫn còn nhiều khó khăn.
“Quản lý thị trường mới xử lý ở nội địa, các đường dây ổ nhóm lớn chưa xử lý được. Nhiều lần lãnh đạo bộ yêu cầu phải xử lý được những vụ lớn hơn nhưng quản lý thị trường không được phép điều tra, trinh sát chuyên sâu. Những vụ lớn đều phải phối hợp với bên công an điều tra mới làm được. Vấn đề cốt lõi là con người, trong nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả chống buôn lậu, xây dựng lực lượng quản lý thị trường là nhiệm vụ cấp bách lâu dài”, ông Lam nói.
Theo ông Dương Xuân Sinh, Phó Chánh văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, hiện một số cơ chế, chính sách còn không ít hạn chế, vướng mắc dễ bị các đối tượng lợi dụng. Trong khi đó, các đối tượng thường xuyên thay đổi phương thức, thủ đoạn, tuyến đường, địa bàn để hoạt động… cũng gây nên nhiều khó khăn đối với công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại. Thực tế này đòi hỏi các bộ, ngành chức năng sửa đổi, bổ sung một số cơ chế, chính sách.
Đáng chú ý là ban hành quy định chặt chẽ hơn về chế độ hóa đơn, chứng từ đối với hàng hóa nhập khẩu lưu thông trên thị trường nhằm ngăn chặn tình trạng lợi dụng buôn lậu, vận chuyển trái phép, bày bán hàng hóa nhập lậu ngang nhiên trên thị trường. Ngoài ra, việc quản lý hoạt động thương mại biên giới cũng nghiêm ngặt hơn, khống chế số lần và số lượng mua hàng miễn thuế, ngăn chặn tình trạng lợi dụng chính sách cư dân biên giới đưa hàng thẩm lậu vào nội địa.
Video đang HOT
Ông Dương Xuân Sinh, Phó Chánh văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 Quốc gia cho rằng, phương thức thủ đoạn của các đối tượng buôn lậu có thay đổi lớn so với trước khi lợi dụng hóa đơn chứng từ, lợi dụng sự ưu đãi tiêu chuẩn miễn thuế 2 triệu đồng/người/ngày của hàng hóa cư dân biên giới. Đặc biệt sau khi Ban chỉ đạo 389 có sự chỉ đạo quyết liệt thì không còn cảnh đoàn xe buôn lậu đi trên đường.
Một điểm nổi bật nữa là lần đầu tiên Chính phủ ra Nghị quyết 41 với giải pháp tổng thể mang tính hệ thống từ việc sửa đổi cơ chế chính sách, tăng cường cho các lực lượng chức năng, cho đến phân công phân trách địa bàn, lực lượng trong mặt trận chống buôn lậu.
Trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, tình hình buôn lậu vẫn diễn biến phức tạp. Các đối tượng trong nước cấu kết với nước ngoài lợi dụng chính sách ưu đãi trong thu hút đầu tư hoặc các cam kết của Việt Nam trong các hiệp định thương mại để vận chuyển, buôn bán hàng lậu, hàng kém chất lượng, giả mạo xuất xứ các nước vào nội địa. Điều đáng lo ngại là có những mặt hàng ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe như thực phẩm, mỹ phẩm, thức ăn chăn nuôi, nguyên liệu…
Ông Nguyễn Văn Cẩn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan kiêm Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia cho biết, Ban Chỉ đạo đã chủ động xây dựng kế hoạch cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, đặc biệt trước và trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới. Điểm mới là năm 2016 sẽ giao nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ, ngành, địa phương vùng trọng điểm và có đánh giá cụ thể để xác định trách nhiệm.
“Ban chỉ đạo chủ trì xây dựng kế hoạch cao điểm để đấu tranh xử lý đối với hành vi sản xuất, buôn bán vận chuyển tiêu thụ phân bón giả, thuốc thú y giả, thực phẩm giả…liên quan đến nhóm hàng ảnh hưởng sức khỏe cộng đồng. Theo đó, kế hoạch này sẽ xác định cụ thể trách nhiệm từng ngành từng cấp, địa phương. Tuyên truyền và xử lý cán bộ nào làm ngơ hoặc bao che. Năm 2016 cũng sẽ đổi mới và tăng cường công tác kiểm tra. Theo đó có hệ thống cảnh sát chống buôn lậu. Lực lượng này là nòng cốt để đấu tranh phòng ngừa xử lý đối với đường dây ổ nhóm lớn”, ông Cẩn cho biết.
Thời gian tới, Ban chỉ đạo 389 Quốc gia sẽ tiếp tục kiến nghị sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Đồng thời, tăng cường sự phối hợp giữa các lực lượng chức năng triển khai các phương án đấu tranh có trọng tâm, trọng điểm, phối hợp bắt giữ và xử lý kịp thời, hiệu quả; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, có dấu hiệu tiếp tay cho buôn lậu./
Việt Hà
Theo_VOV
Phá "hang ổ" tập kết hàng lậu cuối năm
Cuối năm là thời điểm lực lượng chức năng mở đợt cao điểm tấn công vào sào huyệt của các đối lượng buôn lậu, khi hoạt động buôn lậu và gian lận thương mại có dấu hiệu bùng phát.
Lực lượng chức năng đang kiểm tra hàng tại kho hàng hóa tại Nhà máy Xe lửa Gia Lâm
Chỉ còn hơn 2 tháng nữa là tới Tết Nguyên Đán Bính Thân 2016. Theo quy luật, đây là dịp các đối tượng buôn lậu, hàng giả, hàng nhái tập kết hàng để tung ra thị trường. Với các lực lượng chức năng, đây là thời điểm chín muồi để "hốt ổ", tấn công vào sào huyệt của tội phạm buôn lậu.
"Hốt ổ" nhiều kho hàng lậu
Nếu như việc chặn hàng lậu từ các cánh cửa biên giới, trên biển là "chân thứ nhất" chặn đầu nguồn, thì việc đột kích vào các kho hàng lậu ở các địa điểm tập kết trước khi tung ra thị trường là "chân thứ hai" của chống buôn lậu chặn ở hạ nguồn. Với chiến lược này, các lực lượng chống buôn lậu đang ráo riết tấn công vào các kho tập kết hàng lậu.
Mới đây nhất, hàng loạt kho hàng lậu đã bị lực lượng chức năng đột kích.
Tại Kho hàng của Ga Giáp Bát, Cục Cảnh sát kinh tế (Bộ Công an) đã phát hiện khoảng 2 tấn tân dược được đóng trong 25 thùng carton, mỗi thùng chứa 100.000 lọ loại 100 viên. Toàn bộ số tân dược trên đều có xuất xứ từ Trung Quốc và nhập về từ phía Bắc, không có hoá đơn chứng từ. Ước tính, lô hàng có trị giá 3 tỷ đồng.
Còn tại kho hàng ở địa chỉ 6B, Nhà máy Xe lửa Gia Lâm (Long Biên, Hà Nội), Đội Quản lý Thị trường số 4 (Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội) phối hợp với Ban Chỉ đạo quốc gia về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389), lực lượng đặc nhiệm 113 của Bộ Công an và lực lượng của Bộ Y tế phát hiện hàng chục tấn mỹ phẩm, bánh kẹo, thực phẩm chức năng... nghi là hàng lậu.
Tại thời điểm kiểm tra, chủ hàng chưa xuất trình được đầy đủ hóa đơn, chứng từ bản gốc của số hàng hóa. Toàn bộ hàng hoá chất đầy trong hai nhà xưởng với diện tích khoảng 450 m2 đều không có nhãn phụ và không có số lưu hành trên sản phẩm. Các mặt hàng trong kho gồm: bánh kẹo, nước uống, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm... đều có bao bì ghi chữ Hàn Quốc, không có nhãn mác bằng tiếng việt theo quy định.
Chủ kho hàng trên là Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại Thành Hoa (số 3, đường Nguyễn Văn Cừ, phường Ngọc Lâm, Long Biên, Hà Nội), Giám đốc là bà Mai Thị Quỳnh Hoa. Theo tìm hiểu, kho hàng trên được Công ty Thành Hoa thuê của Công ty cổ phần Thiết bị công nghiệp Đại Đồng từ ngày 1/11/2015 - 31/12/2015 làm chỗ chứa và phân phối sản phẩm.
Trước đó, Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm buôn lậu (Bộ Công an) phối hợp với Công an Hà Nội và Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội phát hiện một lượng lớn hàng hóa có nguồn gốc không rõ ràng đang tập kết tại kho hàng thuộc Công ty TNHH MTV Vận tải đường sắt Hà Nội.
Tai kho chứa hàng hóa của Trạm vận tải đường sắt Hà Nội (thuộc Công ty TNHH MTV Vận tải đường sắt Hà Nội), lực lượng chức năng đã kiểm tra, thu giữ 20 hóa đơn và 187 kiện hàng, chủ yếu gồm các mặt hàng như quần áo, giày dép, linh phụ kiện điện thoại, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, hàng tiêu dùng... tổng trọng lượng gần 30 tấn, trị giá ước tính khoảng 10 tỷ đồng.
"Ngoài việc tấn công trọng điểm vào các kho tập kết hàng lậu , chúng tôi sẽ chú trọng vào việc kiểm soát các tuyến đường bộ, bến xe, ga tàu, các điểm tập kết hàng hóa nhằm kịp thời phát hiện, triệt phá các đường dây, ổ nhóm buôn lậu các mặt hàng liên quan mật thiết đến đời sống dân sinh", ông Trần Hùng, Phó chánh văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389.
Theo nhận định của Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm buôn lậu, trong vụ việc này các đối tượng đã sử dụng hóa đơn bán hàng có dấu hiệu in giả để hợp thức hóa nguồn gốc hàng, cũng như qua mắt cơ quan chức năng trong quá trình chuyển từ Ga Hà Nội đi vào các tỉnh phía Nam để tiêu thụ.
Tại khu tập kết lưu trữ hàng hóa ở Pháp Vân (quận Hoàng Mai, Hà Nội), lực lượng liên ngành gồm Cục phòng chống tội phạm và buôn lậu (C74-Bộ Công an), Phòng Cảnh sát kinh tế Công an Hà Nội và Đội 4, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội đã tiến hành kiểm tra phát hiện số hàng lậu lớn 200 bao tải gồm: quần áo, giày dép, linh kiện điện thoại, thực phẩm chức năng, nhân sâm... Ước tính ban đầu, trị giá số hàng trên hơn 10 tỷ đồng.
Tại thời điểm kiểm tra, các chủ hàng đã xuất trình nhiều hóa đơn giá trị gia tăng, nhưng qua công tác nghiệp vụ, lực lượng chức năng đã phát hiện nhiều loại hóa đơn không được đăng ký với cơ quan thuế và không có số tài khoản ngân hàng, mã số thuế. Bước đầu, lực lượng chức năng đã xác định toàn bộ số hàng trên có dấu hiệu là hàng hóa nhập lậu.
"Nóng" cuộc chiến chống hàng lậu cuối năm
Ông Trần Hùng, Phó chánh văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 cho rằng, dù đã thu được một số kết quả đáng chú ý, nhưng công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả chưa tạo được những chuyển biến căn bản, tình hình vẫn diễn biến phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi, làm thất thu ngân sách, thất thoát tài nguyên, tác động xấu đến môi trường đầu tư, kinh doanh và hội nhập quốc tế
"Căn cứ vào diễn biến thị trường, từ này đến Tết Bính Thân 2016 tình hình buôn lậu sẽ phức hơn. Vì vậy, ngoài việc tấn công trọng điểm vào các kho tập kết hàng lậu , chúng tôi sẽ chú trọng vào việc kiểm soát các tuyến đường bộ, bến xe, ga tàu, các điểm tập kết hàng hóa nhằm kịp thời phát hiện, triệt phá các đường dây, ổ nhóm buôn lậu các mặt hàng liên quan mật thiết đến đời sống dân sinh", ông Hùng cho biết.
Để chủ động ngăn chặn kịp thời, hiệu quả tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, nhất là từ nay đến Tết Nguyên đán Bính Thân 2016, Ban Chỉ đạo 389 vừa ban hành Kế hoạch cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả từ nay đến Tết Nguyên đán Bính Thân 2016.
Theo đó, Ban Chỉ đạo 389 yêu cầu các lực lượng xác lập chuyên án đấu tranh, triệt phá các tụ điểm tập kết hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng cấm từ khu vực biên giới đến các tụ điểm trong nội địa; tập trung phát hiện, bắt giữ các đường dây, ổ nhóm buôn lậu, sản xuất hàng giả để đưa ra truy tố, xét xử.
Ban Chỉ đạo 389 yêu cầu các cơ quan chức năng tăng cường các biện pháp nghiệp vụ, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ tại các cửa khẩu, các tuyến biên giới trên bộ, trên biển, các tuyến vận tải từ biên giới vào nội địa, các chợ đầu mối, các trung tâm thương mại, các khu vực buôn bán khác trong nội địa nhằm phát hiện, ngăn chặn có hiệu quả các hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, các hành vi trốn thuế, gian lận thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả.
Theo Hữu Tuấn
baodautu.vn
Theo_Tin Nhanh Chứng Khoán
10 tháng, truy thu hơn 10.000 tỷ đồng từ buôn lậu, gian lận thương mại Tổng cục Hải quan cho biết trong 10 tháng đầu năm 2015, các lực lượng chức năng đã bắt giữ, xử lý 168.939 vụ việc vi phạm; số thu nộp ngân sách từ vi phạm hành chính, bán hàng tịch thu và công tác thanh tra, kiểm tra, truy thu thuế đạt hơn 10.120 tỷ đồng; khởi tố hơn 1.000 vụ án hình...