Chồng bảo tôi nhẫn nhịn dù bố mẹ anh đối xử tệ bạc
Nhà chồng coi trọng tiền bạc hơn tình cảm vì mua cho cháu nội hộp sữa hay viên thuốc đều tính tiền.
Hình ảnh minh họa
Tôi 30 tuổi, lấy chồng hơn chục tuổi. Chồng tôi hiền lành, nghe lời bố mẹ, từng có một đời vợ, ly hôn vì chị ấy chơi bời, nợ nần ( xã hội đen từng tới nhà đòi nên gia đình chồng mới biết), số nợ 300 triệu chồng tôi phải trả thay. Chị ấy không nuôi được con gái nên mang trả cho anh nuôi, không trợ cấp đồng nào. Tôi lấy anh như ma xui quỷ khiến; nhan sắc bình thường, được bố mẹ cho ăn học đàng hoàng, bao người hơn anh mà không lấy, bao mâu thuẫn gia đình tích tụ vì cảnh sống chung với mẹ chồng và con chồng. Giờ con trai tôi 2 tuổi rất ngoan và đáng yêu. Con gái anh ngoan, quý tôi và em.
Lúc tôi ở nhà chăm con chưa đi làm, bị mẹ chồng chửi mấy lần, bảo chồng cõng tôi về thì tôi phải lo mọi việc trong nhà. Bố chồng bảo hối hận khi cưới tôi, vác xác không về mà đã lên mặt. Tôi không nói gì, chỉ nghĩ sao bố mẹ chồng không nhìn xem con ông bà hai bàn tay trắng dẫn theo đứa con mà cứ làm như vàng, còn con người khác là rơm rác. Đỉnh điểm là Tết vừa rồi ông về quê. 28 Tết nghỉ làm, tôi về ngoại luôn vì gửi con nhờ ông bà chăm 2 tháng trước. Nhà tôi cách nhà chồng hơn 40 km nên đợi chồng về mới cùng xuống nội.
Sáng mùng 2 Tết, bố mẹ chồng đi thăm nhà bạn gái của em chồng. 2 năm nay, các cháu ngoại đều về đây ăn Tết. Sáng tôi xin phép ông bà nội lên ngoại, chiều chồng tôi lại về đây. Mới đầu mẹ chồng không đồng ý nhưng sau thấy bố chồng nói tôi “Bay muốn đi đâu thì đi. Sang năm ở trên ngoại luôn đừng về đây nữa. Lấy vợ hay lấy của nợ, thành phần không quan trọng không cần thiết”. Mẹ chồng vào hùa bảo con dâu phải sắm sửa lo việc nhà chồng. Nhà chồng coi trọng tiền bạc hơn tình cảm vì mua cho cháu nội hộp sữa hay viên thuốc đều tính tiền. Tôi nghĩ ông bà sòng phẳng càng khỏi mắc nợ. Nhưng ông bà lại hào phóng với thiên hạ như mua cho làng cái tivi, nuôi mấy cháu ngoại vì con gái ông bà không có công ăn việc làm.
Video đang HOT
Khi ông bà chửi tôi, chồng chỉ biết im lặng. Những lần trước anh chỉ bảo “Dù sao đó cũng là bố mẹ anh, em nên nhịn ông bà”. Tôi đang tính vẫn gửi con ở ngoại rồi ra ngoài thuê nhà một mình vì chắc chồng tôi có hiếu và còn con gái nên không ra cùng tôi. Mẹ tôi biết chuyện bảo rằng họ đã không xem mình ra gì thì cứ ra ngoài mà sống, con để ông bà chăm hộ. Công việc tôi ổn định, đủ nuôi con. Ông bà ngoại chăm bé, tôi cũng yên tâm nhưng thương con phải xa bố mẹ. Tôi và nhà ngoại có quan điểm thà bỏ chồng chứ không bỏ con. Mẹ tôi bảo xem như đây là kiếp nạn của con và con được bù là đứa con này. Tôi có nên chịu nhẫn nhục ở lại mấy năm nữa để mua nhà rồi mới ra ngoài? Xin mọi người và chuyên gia cho tôi lời khuyên trong lúc rối bời này. Xin cảm ơn mọi người.
Thu
Chuyên gia tham vấn tâm lý Phong Nguyên gợi ý:
Chào Thu,
Có rất nhiều khúc mắc trong cuộc sống hôn nhân của chị mà để giải quyết, có lẽ không có khởi đầu nào tốt hơn bằng bối cảnh gia đình chồng chị.
Theo thông tin chị cung cấp, ông bà và chồng chị vừa phải trả một khoản nợ khổng lồ do cô con dâu trước để lại. Tôi hình dung trong quá khứ không quá xa, ông bà hẳn có một lối hành xử rất khác: khó lòng có thể khẳng định bố mẹ chồng chị là người ích kỷ, keo kiệt, tính toán chi ly, thích làm khó người khác khi họ có thể sẵn lòng mua cho làng một cái tivi, đề cao tình cảm gia đình, nuôi mấy cháu ngoại bất chấp có thể khiến cuộc sống cá nhân của họ trở nên vất vả và ít thời gian dành cho bản thân hơn. Trên quan điểm chuyên môn, tôi nhìn nhận việc họ đối xử với chị không phải ngẫu nhiên, nó xuất hiện như một di chứng từ sau cú sốc mà người con dâu đầu mang lại, và rất không may, chị, cũng với tư cách là con dâu, phải gánh trách nhiệm dọn dẹp hậu quả bất đắc dĩ.
Cú sốc đó có thể đủ lớn để khiến họ nhạy cảm với mọi thứ liên quan đến tiền. Thậm chí, với cung cách ứng xử của gia đình, họ mở rộng phạm vi nhạy cảm này sang cả những nguồn lực khác liên quan đến con người như: thời gian, công sức, trí tuệ… Mỗi sự vắng mặt của chị, dù ít dù nhiều đều có khả năng gợi nhớ đến sự “phản bội” của người con dâu cũ, và điều này vô tình kích động họ xem chị như người ngoài thay vì là một thành viên trong gia đình. Nỗi đau ban đầu của họ khiến họ mất khả năng nhận ra và thông cảm với những nỗi đau khác, dù ngay sát bên mình.
Tôi phân tích như trên không phải như một cách để “ép” chị chấp nhận những gì đang diễn ra, mà để giúp chị hiểu những hành động của gia đình chồng có lẽ không nhiều dã tâm và ác ý đến thế. Sẽ cần rất nhiều nỗ lực và cố gắng để hai bên cùng hiểu và thông cảm cho nhau. Khó khăn nhất ở đây là chỉ có thể đạt được sự thấu hiểu và thông cảm này khi một bên quyết định trao đi trước, bất chấp mình có thể bị tổn thương đến thế nào.
Việc chuyển ra có thể là lựa chọn dễ dàng, thậm chí dễ dàng hơn nếu mình quyết dứt áo ra đi, coi tất cả là thù địch, là người dưng, là “nước sông không phạm nước giếng”. Chị hoàn toàn có thể lựa chọn phương án này vì nó đem lại sự dễ chịu nhanh chóng, nhưng xét về lâu về dài, sẽ tạo ra một tiền lệ mà sự trốn chạy sẽ được đề cao hơn là tính xây dựng, sự vứt bỏ sẽ được ưu tiên hơn là hàn gắn. Với những gì tôi thấy được ở chị như một người mẹ đầy trách nhiệm yêu thương các con, không phân biệt đối xử con riêng con chung, một người con hiếu thảo biết nhẫn nhịn trong những lúc cần thiết, tôi tin chị hoàn toàn có đủ sức mạnh để chọn phương án đúng đắn dù khó khăn.
Chúc chị sớm giải quyết được vấn đề.
Theo vnexpress.net
Tôi có nên để hai con ở nhà để đi xuất khẩu lao động
Lương tôi chỉ đủ gửi hai con, chồng có thu nhập không đều, ngoài ra còn ham mê lô đề, làm được bao nhiêu là lo trả nợ gần hết.
Hình ảnh minh họa
Lúc này tôi rất bế tắc, không biết nên làm gì tốt nhất cho bản thân và tương lai con cái. Tôi 30 tuổi, kết hôn được 6 năm, có một con gái 5 tuổi và một con trai gần 2 tuổi. Tôi có công việc nhà nước ổn định, tương đối nhàn nhưng thu nhập chỉ đủ tiền gửi hai con. Chồng làm kinh doanh tự do, có nhiều việc nhưng thu nhập lại không đều, ngoài ra anh còn ham mê lô đề nên làm được bao nhiêu tiền là lo trả nợ gần hết. Đến giờ vợ chồng tôi vẫn đi ở trọ, chưa có nhà riêng, trước đây anh chơi bời nên chúng tôi còn một khoản nợ của anh nữa. Chồng tôi 40 tuổi rồi, chẳng còn bao thời gian để phấn đấu, các con mỗi ngày một lớn, kinh tế khó khăn, tôi nhiều lúc rất chán nản. Dù đã khuyên nhủ và làm căng với chồng nhưng anh không thể bỏ được thói ham mê lô đề, vẫn giấu tôi để chơi.
Nhiều lần nói chuyện với chồng về tương lai, anh luôn bảo vài năm nữa sẽ cho mẹ con tôi một chỗ ở ổn định, tôi biết với tình hình này thì chẳng mong gì ở chồng. Tôi đang tính đi học tiếng Nhật để đầu năm tới con trai cứng cáp hơn sẽ làm thủ tục sang đó lao động, vợ chồng em gái tôi đang bên đó. Tôi cũng bàn bạc với chồng, nói rằng sẽ sang đó làm và gửi tiền về nuôi con, anh đi làm cũng thêm thắt vào lo cho các con, còn đâu đưa ông bà ngoại giữ hộ. Chồng không muốn cho tôi đi, bảo rằng số tiền ấy đưa cho anh làm vốn kinh doanh sẽ lãi hơn. Tôi không còn tin chồng nữa, vay tiền cho anh làm ăn nhiều lần rồi nhưng đều không thấy kết quả. Nếu tôi đi thì cũng nhờ bố mẹ bên ngoại và anh chị em nhà ngoại cho mượn tiền, còn mượn đưa cho anh thì chẳng ai dám cho tôi mượn.
Giờ tôi băn khoăn là nếu đi thì không biết gửi con cho ai, ông bà nội đã cao tuổi, tới nay đều không giúp tôi được gì. Bố mẹ vẫn phải buôn bán để nuôi em tôi ăn học nên rất bận, không thể giúp được. Nếu để con ở nhà cho chồng chăm thì tôi không yên tâm dù trước tới nay anh rất yêu thương các con, có điều tính anh bừa bộn, không sạch sẽ. Tôi không biết nên làm sao, đi thì thương các con sẽ thiếu bàn tay mẹ chăm sóc, ở nhà thì tương lai mù mịt, chẳng biết đến bao giờ mới khá được lên. Mong các bạn tư vấn giúp.
Hiền
Theo vnexpress.net
Chồng không về nhà vợ dịp Tết dù chỉ cách hơn 100 km Tôi biết ba mẹ vô cùng buồn, còn bản thân rất thất vọng khi có người chồng như vậy. Hình ảnh minh họa Tôi xin chia sẻ câu chuyện của gia đình vào mùa Tết vừa rồi. Vợ chồng tôi sinh sống và làm việc ở thành phố. Chồng tôi ở với mẹ và ông bà ngoại từ nhỏ. Tôi sinh em bé...