Chọn trùm dầu khí làm ngoại trưởng, Trump gửi thông điệp ngầm tới Trung Quốc
Việc Tổng thống đắc cử Mỹ Trump công bố chọn ông trùm dầu khí Rex Tillerson làm ngoại trưởng được coi là tín hiệu ngầm gửi tới Trung Quốc.
Tổng thống đắc cử Trump, phải, tuyên bố chọn ông Rex Tillerson làm ngoại trưởng. Ảnh: Abc.com
Sau một thời gian dư luận đồn đoán khá ồn ào về chức ngoại trưởng Mỹ, với danh sách ứng viên nhiều hơn hẳn các vị trí khác, Tổng thống đắc cử Trump hôm qua đã thông báo sẽ trao chức vụ này cho Rex Tillerson khi ông nhậm chức. Tillerson, 64 tuổi, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành Exxon Mobil, là người giám sát hoạt động kinh doanh của tập đoàn dầu khí này tại hơn 50 quốc gia, trong đó có Nga.
“Khá rõ là cả ông Trump và ông Tillerson đều coi Trung Quốc, không phải Nga, là đối thủ chiến lược chính của Mỹ trên thế giới”, Phó giáo sư Matthew Wilson, Đại học Southern Methodist, Mỹ, trao đổi với VnExpress.
Trong các phát biểu trước đây của ông Donald Trump, Trung Quốc không chỉ hiện lên là một địa điểm “khiến Mỹ mất việc làm” mà còn là nơi đánh thuế cao với doanh nghiệp Mỹ. Tổng thống đắc cử Trump cũng cáo buộc Bắc Kinh “thao túng tiền tệ”, hạ giá đồng tiền Nhân dân tệ của họ, gây thiệt hại cho Washington.
Trong khi đó, ngoại trưởng Mỹ tương lai được đánh giá có mối quan hệ gần gũi với chính quyền Nga. Ông Tillerson đã mở rộng hoạt động của tập đoàn Exxon Mobil tại Nga suốt hàng chục năm qua và là người phản đối các lệnh trừng phạt Mỹ áp đặt lên Nga liên quan đến cuộc khủng hoảng ở đông Ukraine và việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea vào lãnh thổ. Ông còn là bạn của Igor Sechin, chủ tịch tập đoàn dầu khí lớn nhất Nga Rosneft đồng thời là cựu phó thủ tướng Nga. Ông cũng nhận huân chương hữu nghị Liên bang Nga từ Tổng thống Nga Vladimir Putin vào năm 2013.
“Rex biết cách quản lý một doanh nghiệp toàn cầu, điều quan trọng để vận hành thành công Bộ Ngoại giao, và những mối quan hệ của ông ấy với các lãnh đạo trên thế giới là không ai bằng”, Trump ca ngợi ông Tillerson.
Phó giáo sư Wilson đánh giá ngoại trưởng tương lai Rex Tillerson khác hẳn hầu hết các ngoại trưởng Mỹ trước đây, những người có xu hướng am hiểu về chính phủ, học thuật hoặc quân đội. Vì thế có thể “ông trùm dầu mỏ” sẽ đưa một viễn cảnh kinh doanh toàn cầu mạnh mẽ vào chính sách ngoại giao của Mỹ.
“Việc lựa chọn ông Tillerson của ông Trump báo hiệu ý định của tổng thống đắc cử rằng sẽ ông áp dụng thấu kính kinh tế mạnh mẽ với chính sách ngoại giao của Mỹ. Có thể ông Trump sẽ muốn tập trung vào ngoại giao dựa trên đàm phán và đôi khi là tái đàm phán với quan hệ kinh tế của Mỹ với những nước khác trên thế giới”, ông Wilson dự đoán.
Donald Trump ngay từ khi tiến hành chiến dịch tranh cử tổng thống đã thể hiện rõ xu hướng chính sách coi trọng lợi ích của Mỹ. Ông nhiều lần chỉ trích chính quyền của Tổng thống sắp mãn nhiệm Barack Obama vì để người lao động “mất việc làm” vào các nước đối tác và cam kết sẽ đưa việc làm trở lại cho người dân Mỹ khi trở thành tân tổng thống.
Tỏ ra thận trọng hơn, bà Elizabeth Saunders, Phó giáo sư tại Đại học George Washington cho rằng hiện vẫn chưa biết ông Donald Trump sẽ triển khai chính sách ngoại giao như thế nào, vì vậy chưa biết tầm ảnh hưởng của ông Tillerson. Với châu Á, hiện cũng còn quá ít dấu hiệu để dự đoán.
Video đang HOT
Về thái độ của chính quyền Mỹ mới với châu Á, chuyên gia Wilson của Đại học Southern Methodist nhấn mạnh bất kỳ một ngoại trưởng Mỹ nào trong thế kỷ 21 đều chắc chắn quan tâm đến khu vực này. Ngoại trưởng Mỹ sẽ phải dành rất nhiều thời gian để tập trung vào nhiều vấn đề gắn liền tới vành đai Thái Bình Dương, đó là ngoại giao, kinh tế và an ninh.
Theo ông Wilson, là người đứng đầu ExxonMobil, ông Tillerson giám sát và quản lý những lợi ích đáng kể trên khắp thế giới và châu Á chắc chắn là một phần lớn trong đó. Thêm nữa, kinh nghiệm sâu rộng của ông về Nga cũng có thể giúp đưa ra tầm nhìn trải khắp châu Âu và châu Á.
“Kết quả là chúng ta hoàn toàn có thể trông đợi Mỹ gia tăng tập trung về an ninh với vùng Viễn Đông, đồng thời tăng cường xây dựng quan hệ với các nước châu Á để kiềm chế Trung Quốc. Chúng ta đã thấy một số dấu hiệu với Nhật Bản và Đài Loan “, ông Wilson nói.
Việt Anh
Theo VNE
Bước ngoặt trong cuộc đua ngũ mã giành ghế ngoại trưởng Mỹ
Ông trùm dầu khí vượt lên 4 đối thủ sáng giá khác để lọt vào mắt xanh của Trump trong cuộc chạy đua cho vị trí cao nhất tại Bộ Ngoại giao.
Rex Tillerson sẽ được bổ nhiệm làm Ngoại trưởng Mỹ trong chính quyền của ông Trump. Ảnh: AP
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump xác nhận sẽ bổ nhiệm Rex Tillerson, giám đốc điều hành tập đoàn dầu khí Exxon Mobil, làm ngoại trưởng trong chính quyền mới. Tuyên bố này đã chấm dứt cuộc đua khốc liệt cho vị trí quan trọng nhất trong nội các của tỷ phú, với sự tham gia của 4 ứng viên sáng giá khác, theo Politico.
Trước đó, cựu thị trưởng New York Rudy Giuliani, người ủng hộ nhiệt thành cho ông Trump trong chiến dịch tranh cử, đã công khai thể hiện mong muốn đối với chiếc ghế ngoại trưởng. Cựu ứng viên tổng thống Mitt Romney đã hai lần gặp gỡ Trump để bàn về việc bổ nhiệm vị trí này.
Tướng về hưu David Petraeus không hề giấu giếm tham vọng trở thành người đứng đầu Bộ Ngoại giao. Cựu chủ tịch ủy ban đối ngoại Thượng viện Bob Corker cũng đến gặp Tổng thống đắc cử tại Tháp Trump giữa một rừng ống kính máy quay để bàn về việc bổ nhiệm.
Chỉ vài ngày sau cuộc bầu cử, Giuliani nổi lên như ngôi sao sáng nhất cho vị trí ngoại trưởng. Ông từ lâu đã công khai bày tỏ mong muốn hướng tới vị trí này, thậm chí còn từ chối hai đề xuất chức vụ khác trong nội các.
Giuliani chính là đồng minh trung thành nhất với ông Trump ngay cả trong những giờ phút đen tối nhất của chiến dịch tranh cử, khi tỷ lệ ủng hộ tỷ phú sụt giảm thê thảm sau bê bối khoe sàm sỡ phụ nữ. Chính cựu thị trưởng New York đã đứng ra hứng chịu búa rìu dư luận thay Trump trong cuộc họp báo ngay sau vụ bê bối.
Thế nhưng sau đó bắt đầu xuất hiện những xì xào về các hoạt động kinh doanh quốc tế ngoài luồng của Giuliani, cộng với việc ông này liên tiếp từ chối các đề nghị về vị trí khác, khiến Trump cảm thấy không hài lòng và tính tới phương án khác.
"Ông ấy cảm thấy Rudy có vấn đề về lòng trung thành và điều đó rất đau đớn", một người thân cận với Trump từng trao đổi với tỷ phú về việc lựa chọn ứng viên cho biết.
Giuliani (trái) là đồng minh rất thân cận của ông Trump trong chiến dịch tranh cử. Ảnh: Reuters
Đến ngày 19/11, chỉ 11 ngày sau khi Trump đắc cử, ông Romney xuất hiện tại sân golf của tỷ phú ở New Jersey và có một cuộc gặp được mô tả là "vô cùng tốt" với ông Trump. Đội ngũ cố vấn của Trump rất hài lòng với việc Romney tới thăm, bởi ông này từng là người phản đối tỷ phú dữ dội nhất. Romney ngay sau đó vụt sáng trở thành ngôi sao mới cho vị trí ngoại trưởng thay thế Giuliani.
"Ông ấy trò chuyện, dẫn dắt câu chuyện rất khéo", một người thân cận với Trump tiết lộ. "Romney giống như ngôi sao Omarosa trở lại với chương trình truyền hình thực tế 'Người tập sự' của ông Trump. Đó là điều rất thú vị".
Nội bộ chiến dịch tranh cử của Trump lập tức chia làm hai phe. Một phe do Reince Priebus, chánh văn phòng của Trump, cùng phó tướng Pence dẫn đầu, ủng hộ việc bổ nhiệm Romney. Phe còn lại của giám đốc chiến dịch Kellyanne Conway và ông trùm truyền thông Steve Bannon kiên quyết phản đối phương án này.
Mâu thuẫn bùng phát vào dịp Lễ Tạ ơn, khi Conway tuyên bố công khai trên truyền hình rằng việc lựa chọn Romney sẽ khiến những người ủng hộ ông Trump cảm thấy "bị phản bội". Tuyên bố này khiến Trump cảm thấy khó xử, và bố trí một cuộc gặp với Romney và hai ứng viên còn lại vào cuối tháng 11.
Khi Trump và Romney cùng dùng bữa tối tại một nhà hàng sang trọng ở New York vào ngày 29/11, Giuliani gửi một bức thư tuyên bố rút khỏi vị trí ứng viên ngoại trưởng. "Tôi sẽ nhận công việc đó nếu nó tử tế và dễ dàng, cũng như tôi chỉ là ứng viên duy nhất với quy trình lựa chọn thuận lợi. Tôi không muốn vị trí đó nhiều đến mức phải ganh đua vì nó", Giuliani viết. Lá thư này chỉ mới được công bố hồi cuối tuần trước.
Trong khi đó, Romney làm mọi thứ có thể để đạt được nguyện vọng của mình, kể cả ca ngợi Trump là "hòa đồng" và có thể dẫn dắt nước Mỹ "tới một tương lai tốt đẹp hơn", dù vài tháng trước ông vừa gọi tỷ phú là "kẻ giả tạo" hay "lừa đảo".
Thế nhưng Romney vẫn chưa thể khiến Trump gật đầu sau hai cuộc gặp. Đến cuối tuần, ông vẫn tiếp tục băn khoăn lựa chọn giữa Romney với hai ứng viên khác là Petraeus và Corker. "Phải có ai đó có thể khiến ông Trump trầm trồ và lóa mắt. Tôi không nghĩ rằng chúng tôi đã tìm được người như vậy", một quan chức thân cận với Trump nói. Đúng lúc đó, bước ngoặt của cuộc đua xảy ra.
Trump (trái) và Romney ăn tối trong một nhà hàng ở New York. Ảnh: CNN
Ngựa ô xuất hiện
Vài ngày sau, cựu ngoại trưởng Mỹ Condoleezza Rice và cựu bộ trưởng quốc phòng Robert Gates tới gặp Trump ở New York, đề nghị tỷ phú xem xét phương án lựa chọn Tillerson. "Trump có vẻ rất ngạc nhiên và tò mò với đề xuất này", một nguồn tin thân cận với ông Gates cho biết.
Khi Tillerson đến Tháp Trump bằng cửa sau vào ngày 6/12 để gặp Trump, họ đã "tâm đầu ý hợp" ngay lập tức, theo một quan chức trong đội ngũ chuyển giao quyền lực của tỷ phú. Cả hai đều là những người đã ký những hợp đồng trị giá hàng tỷ USD và đều tự hào về việc điều hành những công ty đa quốc gia.
"Ông ấy là một hình mẫu mạnh mẽ... Sau khi gặp Tillerson, ông Trump nói với mọi người rằng ông ấy là mẫu đàn ông dễ khiến người khác tôn trọng. Ông ấy có những nét giống như Romney hay Rudy, nhưng ông ấy mạnh mẽ hơn. Ông Trump thích người mạnh mẽ", quan chức trên nói.
Đã có rất nhiều lo ngại đối với "ngựa ô" Tillerson, người được Tổng thống Nga Vladimir Putin trao Huân chương Hữu nghị vào năm 2013. "Tôi không biết quan hệ giữa ông Tillerson với ông Putin thế nào, nhưng đó là điều khiến tôi quan ngại", thượng nghị sĩ John McCain tuyên bố hôm thứ bảy.
Thế nhưng ông Trump - người chưa từng để ai can thiệp vào quá trình ra quyết định của mình - đã gật đầu rất nhanh. Tuyên bố về việc lựa chọn Tillerson làm ngoại trưởng được chính thức đưa ra chỉ 3 ngày sau đó.
Shane Goldmacher, cây bút chính trị kỳ cựu của Los Angeles Times, cho rằng động thái bổ nhiệm Tillerson của ông Trump phản ánh rất rõ cách thức ra quyết định của nhà tài phiệt New York, người từng tuyên bố rằng ông đã được dẫn dắt bởi bản năng hơn bất cứ thứ gì khác trong hàng chục năm qua. Ông lắng nghe rất kỹ các cố vấn, xem xét các khả năng, rồi đưa ra những quyết định không ai có thể ngờ đến, giống như việc ông lựa chọn Mike Pence làm phó tướng trong chiến dịch tranh cử.
"Ông ấy giống như một thẩm phán lắng nghe lời khai của mọi người và rồi đưa ra phán quyết của riêng mình. Khi đó không ai được quyền thảo luận hay phản đối nữa", một trợ lý cấp cao trong đội ngũ chuyển giao quyền lực của ông Trump tiết lộ.
Trí Dũng
Theo VNE
Ông trùm dầu mỏ được Trump chọn làm ngoại trưởng giàu cỡ nào? Rex Tillerson, được Donald Trump chỉ định làm ngoại trưởng, có tài sản ước tính 150 triệu USD cùng hơn hai triệu cổ phiếu Exxon Mobil, nơi ông là giám đốc điều hành. Rex Tillerson, giám đốc điều hành Exxon Mobil, người được chọn làm ngoại trưởng Mỹ dưới thời Donald Trump. Ảnh: Reuters. Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump ngày 13/12...