Chọn lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu 10 năm hay 15 năm?
Mặc dù Chính phủ đưa ra 2 phương án tăng tuổi nghỉ hưu với lộ trình tăng trong 10 năm và 15 năm, song các chuyên gia, cho rằng chọn lộ trình tăng chậm sẽ giữ ổn định xã hội và phù hợp với thông lệ quốc tế.
Phụ nữ nghỉ hưu sớm sẽ nhận được lương hưu thấp . ẢNH: NGỌC THẮNG
Tăng từ từ tránh “gây sốc” thị trường lao động
Theo lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu (nam tăng lên 62 tuổi, nữ lên 60 tuổi), từ năm 2021, phương án 1: mỗi năm tăng 3 tháng với nam và tăng 4 tháng với nữ. Với phương án này, đến năm 2028 thì nam đạt 62 tuổi và đến năm 2035 thì nữ đạt tuổi nghỉ hưu là 60 (sau 8 năm với nam và sau 15 năm với nữ). Còn phương án 2 có lộ trình nhanh hơn. Mỗi năm tăng 4 tháng với nam và tăng 6 tháng với nữ. Đến năm 2026, nam đạt 62 tuổi và đến năm 2030 nữ đạt tuổi nghỉ hưu là 60 (sau 6 năm với nam và sau 10 năm với nữ).
Qua khảo sát, đánh giá và tham vấn ý kiến các bên trong quá trình soạn thảo, Bộ LĐ-TB-XH, cho biết đến thời điểm này đa số ý kiến đề xuất chọn phương án 1. Phương án 1 là phương án có ưu điểm hơn, phòng tránh cao hơn các rủi ro khi điều chỉnh tuổi đối với thị trường lao động, tránh gây sốc thị trường lao động, giữ được ổn định xã hội và phù hợp với thông lệ quốc tế.
Tăng tuổi nghỉ hưu tăng chậm tránh gây sốc đến thị trường lao động . ẢNH: T.HẰNG
Ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH chia sẻ: “Lộ trình theo phương án 1, mỗi năm chỉ tăng 3 tháng với nữ và 4 tháng với nam, như vậy “dòng chảy” của thị trường lao động sẽ chậm lại đôi chút, chứ không gây “tắc nghẽn. Việc điều chỉnh theo lộ trình này sẽ tạo tâm lý tốt hơn cho xã hội, đối với người lao động”.
Theo ông Diệp, việc điều chỉnh theo lộ trình thì cũng tạo tâm lý tốt hơn cho người sử dụng lao động. Lẽ ra người sử dụng lao động sẽ tiếp tục sử dụng người lao động lớn tuổi thêm một năm nữa, nếu theo đề xuất của Ban soạn thảo, họ chỉ phải sử dụng người lao động lớn tuổi thêm ba tháng nữa. Điều này cũng giải tỏa được khá nhiều tâm tư và những điều không mong muốn của người sử dụng lao động. “Chúng tôi vẫn quan niệm rằng việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu mang lại sự tốt đẹp chung cho cả đất nước, của tất cả các lực lượng tham gia lao động cũng như sử dụng lao động. Chính vì vậy, chúng tôi mong sự chung tay, nỗ lực của mỗi người lao động cũng như mỗi doanh nghiệp trong việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu theo lộ trình”, ông Diệp bày tỏ.
Video đang HOT
Thu hẹp khoảng cách giới trong tuổi nghỉ hưu
Tới đây khoảng cách giới tuổi nghỉ hưu được thu hẹp lại . ẢNH: T.HẰNG
Về việc xác định mốc tuổi nghỉ hưu của nam là 62 và nữ là 60, ông Doãn Mậu Diệp cho biết, qua nghiên cứu từ quốc tế, có 54 quốc gia quy định tuổi nghỉ hưu của nữ dưới 60 tuổi, có 66 quốc gia quy định tuổi nghỉ hưu của nữ từ 60 đến 62 tuổi, còn 56 quốc gia quy định tuổi nghỉ hưu từ 63 tuổi trở lên.
Đối với nam thì trong 176 quốc gia chỉ có 13 quốc gia quy định tuổi nghỉ hưu dưới 60 tuổi, có 83 quốc gia quy định tuổi nghỉ hưu từ 60 đến 62 tuổi, và 80 quốc gia còn lại thì quy định tuổi nghỉ hưu từ 63 tuổi trở lên.
Qua số liệu trên có thể thấy rằng, rất ít nước trên thế giới quy định tuổi nghỉ hưu của nam là dưới 60 tuổi. Khoảng 1/3 số nước trên thế giới quy định tuổi nghỉ hưu của nữ là dưới 60 tuổi. Xu hướng chung của các nước trên thế giới là sẽ nâng dần tuổi nghỉ hưu lên từ 65 đến 67 tuổi. Ngay cả các nước trong khu vực như Malaysia và Indonesia họ cũng bắt đầu điều chỉnh để đến năm 2045 thì tuổi nghỉ hưu của nam và nữ bằng nhau là 65 tuổi.
Xu hướng chung của các nước trên thế giới nâng dần tuổi nghỉ hưu lên 65-67 tuổi . ẢNH: NGỌC THẮNG
Trong khi đó số liệu khảo sát trong năm 2018 của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá về chỉ số sống khỏe mạnh sau 60 tuổi của 183 quốc gia, VN xếp thứ 41 và đứng trên 142 nước. Số năm sống khỏe mạnh sau tuổi 60 của Việt Nam là 17 năm, quốc gia có chỉ số cao nhất là Singapore với 21 năm và Nhật Bản đứng thứ ba với 20,8 năm. Tại 46 quốc gia trong khu vực châu Á, đánh giá về chỉ số sống khỏe mạnh sau tuổi 60, Việt Nam đứng thứ 5 sau Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, Israel. “Chất lượng, thể trạng sức khỏe và tuổi thọ của người lao động VN ngày càng tăng. Tuổi thọ bình quân của nam hiện là 72,1 tuổi, của nữ là 81,3 tuổi; và cả hai giới tính là 76,6 tuổi, cao hơn tuổi thọ trung bình của dân số thế giới là 72 tuổi.
Ông Diệp lý giải: “Việc tuổi nghỉ hưu của nữ tăng lên 5 năm, của nam tăng lên 2 năm vì chúng ta muốn thu hẹp khoảng cách giới trong tuổi nghỉ hưu. Chúng tôi đã tham gia một số lần điều trần của Chính phủ trước Ủy ban về thúc đẩy bình đẳng phụ nữ, rất nhiều kiến nghị, đề xuất tuổi nghỉ hưu của nam và nữ cần phải bằng nhau và bước đầu tiên là điều chỉnh cho gần lại, nam 62 tuổi và nữ 60 tuổi. Các đề xuất như vậy chúng ta cũng tham khảo của các nước. Các nước điều đầu tiên là họ thu hẹp lại khoảng cách nghỉ hưu của nam và nữ, sau đó họ sẽ điều chỉnh cho bằng nhau đó là lý do trong dự thảo Bộ luật Lao động đề nghị nâng dần tuổi nghỉ hưu của nữ lên 60, của nam nâng dần lên 62″.
Theo Thanhnien
Đang tinh giản biên chế, sao lại tăng tuổi nghỉ hưu?
Tổng hợp ý kiến thảo luận tại tổ của Tổng thư ký Quốc hội cho thấy có rất nhiều ý kiến khác nhau về tuổi nghỉ hưu ...
Khi thảo luận tại tổ, nhiều đại biểu băn khoăn về đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu.
Đó là một trong rất nhiều băn khoăn của đại biểu Quốc hội liên quan đến đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu tại dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi). Chiều 12/6 Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án bộ luật này.
Tổng hợp ý kiến thảo luận tại các tổ ngày 29/5 của Tổng thư ký Quốc hội cho thấy có rất nhiều ý kiến khác nhau về tuổi nghỉ hưu.
Tại dự thảo, Chính phủ trình 2 phương án để Quốc hội xem xét, cho ý kiến.
Phương án 1, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường: cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với nam và 4 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.
Phương án 2, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường: cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng đối với nam và 6 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.
Chính phủ đề xuất lựa chọn phương án 1 vì đây là phương án có ưu điểm hơn, phòng tránh cao hơn các rủi ro khi điều chỉnh tuổi đối với thị trường lao động, tránh gây sốc thị trường lao động, giữ được ổn định xã hội và phù hợp với thông lệ quốc tế.
Thảo luận tại tổ, nhiều ý kiến tán thành tăng tuổi nghỉ hưu, nhưng cần đánh giá, phân loại và có danh mục cụ thể theo từng nhóm lao động cụ thể để xác định rõ những nhóm có thể tăng tuổi nghỉ hưu (ví dụ: công chức, người làm nghiên cứu khoa học...), những ngành nghề, công việc đặc thù không nên tăng (người lao động trực tiếp, giáo viên mầm non, tiểu học, nghệ sĩ xiếc, người làm nghệ thuật, vận động viên thể thao và cán bộ, công chức cấp xã...).
Nhiều đại biểu đề nghị ban soạn thảo làm rõ cơ sở khoa học của đề xuất tăng tuổi hưu lên 60 đối với nữ và 62 đối với nam, đồng thời phân tích rõ những ưu điểm, nhược điểm của từng phương án về độ tuổi và lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu.
Một số ý kiến đề nghị đánh giá tác động toàn diện, thận trọng trên nhiều khía cạnh: tuổi thọ và tuổi thọ mạnh khỏe, đặc thù lao động Việt Nam chủ yếu là lao động giản đơn, thủ công, hao tốn sức lực, các nước trên thế giới tăng tuổi nghỉ hưu do thiếu hụt lao động trong khi Việt Nam có lực lượng lao động trẻ, dồi dào cần được tạo điều kiện tham gia thị trường lao động...
Đại biểu cũng băn khoăn về đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu trong bối cảnh đang thực hiện tinh giản biên chế, công tác quy hoạch cán bộ, cơ hội giải quyết việc làm cho lao động trẻ, nhiều doanh nghiệp không muốn sử dụng lao động lớn tuổi...
Tổng thư ký Quốc hội cũng cho biết, một số ý kiến đề nghị quy định tuổi nghỉ hưu của nam và nữ bằng nhau (cùng 60 hoặc 62 tuổi), không nên tăng theo lộ trình mỗi năm mấy tháng khác nhau giữa nam và nữ.
Ý kiến khác cho rằng nên thực hiện tăng tuổi nghỉ hưu theo 2 giai đoạn, trước mắt tăng khoảng 2 - 3 tuổi đối với nữ, 2 tuổi đối với nam, sau một thời gian sẽ điều chỉnh tiếp thì dễ đồng thuận xã hội hơn quy định ngay lộ trình tăng 5 tuổi đối với nữ.
Một số vị đại biểu ý kiến đề nghị thực hiện lộ trình tăng với nam mỗi năm kéo dài 2 tháng, nữ 3 tháng. Có ý kiến đề nghị lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu với nữ có thể kéo dài 20 năm hoặc 30 năm để không tạo ra thay đổi quá đột ngột.
Đại biểu cũng góp ý, nên quy định việc tăng tuổi nghỉ hưu trong các luật chuyên ngành như Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức, Luật Công an nhân dân, Luật Sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam, Luật Tổ chức Toà án nhân dân, Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân...; một số ý kiến đề nghị rà soát kỹ và làm rõ khi bộ luật được thông qua thì quy định tuổi nghỉ hưu trong các văn bản pháp luật khác sẽ được sửa đổi thế nào.
Đề nghị nữa của đại biểu là cần làm rõ các vấn đề liên quan đến chế độ bảo hiểm xã hội khi tăng tuổi nghỉ hưu, bổ sung quy định về chế độ bảo hiểm xã hội đối với người đủ tuổi nghỉ hưu nhưng chưa đủ số năm tham gia bảo hiểm xã hội và ngược lạị, bổ sung quy định về tuổi nghỉ hưu đối với lao động làm việc ở khu vực có phụ cấp khu vực 0,7.
Một số vị đại biểu cho rằng cần chú trọng bảo đảm bình đẳng giới trong điều chỉnh tuổi nghỉ hưu, quy định cơ chế để thực hiện quyền nghỉ hưu ở tuổi 55 đối với nữ, 60 đối với nam và tạo điều kiện ưu tiên cho lao động nữ nghỉ hưu sớm.
Theo VNEconomy
Tăng tuổi nghỉ hưu: Cần xem xét đặc thù nghề giáo Tăng tuổi nghỉ hưu đã trở thành một "điểm nóng" trong nội dung Dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi mà Bộ LĐ-TB&XH đưa ra để lấy ý kiến rộng rãi của toàn xã hội. Trong ngành Giáo dục, nội dung này đang dấy lên tâm tư, băn khoăn của đông đảo cán bộ, giáo viên. Cần xét đến tính đặc thù...