Chôn lấp rác thải công nghiệp: Có thể phạt hàng chục tỉ
Cơ quan chức năng sẽ tiến hành đào đất lên để xác định rác chôn lấp là loại gì, nếu đúng là chất thải nguy hại thì sẽ xử lý mạnh tay…
Liên quan đến thông tin phản ánh của báo Tuổi Trẻ về việc các xe tải đổ hàng chục tấn rác thải nguy hại san lấp mặt bằng ở xã Phong Phú, huyện Bình Chánh
(TP.HCM), sáng 21-11, PV báo Pháp Luật TP.HCM đã có mặt tại khu vực san lấp để ghi nhận. Cùng ngày, lãnh đạo cùng các đơn vị chức năng UBND xã Phong Phú cũng đã tiến hành khảo sát hiện trạng ban đầu tại khu đất này. Sở TN&MT TP.HCM, Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT), Cục Cảnh sát môi trường (Tổng cục Cảnh sát) cũng đã nắm thông tin và vào cuộc điều tra, xử lý.
Dân không hay biết
Theo quan sát, đây là khoảnh đất rộng khoảng 8.000 m2 nằm ngay mặt tiền đường Thành Long nối với quốc lộ 50 (ấp 2, xã Phong Phú, huyện Bình Chánh). Mảnh đất vừa được san lấp từ nhiều ngày trước đó nay đã khá bằng phẳng, cỏ dại mọc xanh tốt. Nhiều người dân sống tại khu vực này khi được hỏi đều không hề hay biết vụ việc chôn lấp rác thải ở đây.
Một người dân (đề nghị giấu tên) cho biết mảnh đất này trước đây ngập nước, được người chủ be bờ thả cá. “Khoảng bảy năm về trước, một người tên Th. ở chợ Kim Biên mua lại và chuyển thành đất vườn rồi san lấp. Tôi ở đây nhưng chỉ thấy có xe tải chở bùn đất màu đen vào san lấp chứ không thấy rác thải. Trường hợp họ đem tới đổ vào ban đêm thì tôi không biết” – người này nói.
Theo quan sát của PV, khu vực này khá vắng vẻ, thưa dân cư và ít người qua lại. Bên cạnh khoảnh đất vừa được san lấp là hồ nuôi cá của một người dân tên V. Nước ở khu vực có nhiều tảo xanh và không ghi nhận mùi hôi. “Ở đây nhà tôi sinh hoạt, tắm giặt bằng nước giếng khoan, nếu thông tin họ chôn lấp rác thải ở đây là thật thì rất lo lắng. Trước đây, ở khu vực này có xuất hiện mùi hôi nhưng không thể biết được nguồn phát ra từ đâu” – ông V. cho hay.
Đi sâu vào khoảnh đất đã được san lấp hoàn chỉnh, chúng tôi thấy trên bề mặt xuất hiện nhiều rác thải sinh hoạt lẫn lộn trong đất cát như vỏ chai nhựa, túi nhựa, lốp xe, giày dép… Chúng tôi quan sát thấy nhiều chỗ bùn còn ướt và kết cấu không vững.
Khoảnh đất rộng khoảng 8.000 m2 (ấp 2, xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, TP.HCM) nghi là nơi chôn lấp hàng chục tấn rác thải nguy hại nay đã khá bằng phẳng, cỏ dại mọc xanh tốt. Ảnh: N.TÂN
Một kênh nước đen ngòm nằm cạnh khu đất chôn rác thải. Ảnh: N.TÂN
Đất trộn lẫn rác
Sáng cùng ngày, lực lượng chức năng xã Phong Phú (huyện Bình Chánh) và các đơn vị nghiệp vụ liên quan cũng đã có mặt ghi nhận hiện trường. Ông Phùng Quốc Việt, Phó Chủ tịch UBND xã Phong Phú, cho biết đã nắm được sự việc.
Theo ông Việt, vị trí san lấp thuộc tổ 8, ấp 2 gồm có hai chủ sử dụng đất tên là NTCS và THT. Hai người này có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và đã chuyển mục đích sử dụng từ đất lúa sang đất trồng cây hằng năm. Hai người này đã thông báo san lấp và xin duyệt san lấp tại UBND xã và đã được xã duyệt. Tổng diện tích san lấp khoảng 8.000 m2. Quá trình san lấp bắt đầu từ khoảng giữa tháng 5-2018 và hoàn thành đầu tháng 8-2018. Trong quá trình san lấp, UBND xã có phân công tổ đô thị, địa chính xây dựng, trưởng ấp, công an khu vực tăng cường phối hợp kiểm tra.
Video đang HOT
“Trong giai đoạn đầu, khi thực hiện được khoảng 50% khối lượng san lấp thì lực lượng xã kiểm tra rất dày và ghi nhận là san lấp đúng quy trình, vật liệu là đất đen trộn ít xà bần phù hợp với việc trồng cây. Sau đó lực lượng có giảm tần suất theo dõi, kiểm tra chủ yếu ban ngày, giờ hành chính mà hụt về ban đêm. Đây có thể là nguyên nhân khiến đơn vị san lấp đã trộn những vật liệu khác trong quá trình san lấp như báo đã phản ánh” – ông Việt nói.
Cũng theo ông Việt, sau khi kiểm tra, lực lượng chức năng ban đầu ghi nhận bề mặt đất có lẫn rác thải sinh hoạt và cỏ dại mọc nhiều trên bãi đất. “Chúng tôi có đào xuống thử nhưng đất khá cứng và khó đào, phía dưới cũng giống như trên bề mặt, tức là có đất trộn lẫn rác” – ông Việt cho biết thêm.
Ông Việt cũng cho biết UBND xã có kiến nghị với UBND huyện phối hợp cùng Phòng TN&MT huyện Bình Chánh và Sở TN&MT tiến hành phân loại, xác định thành phần loại rác chôn lấp. “Điều này phải tiến hành đào lên để có cơ sở, nếu đây đúng là chất thải nguy hại thì mình sẽ có cơ sở xử lý. Nếu phát hiện rác thải nguy hại san lấp với khối lượng lớn thì sẽ có biện pháp xử lý đối với chủ san lấp và yêu cầu khôi phục hiện trạng ban đầu. Bên cạnh đó, nếu có vi phạm thì sẽ có biện pháp xử lý đối với những cá nhân có liên quan” – ông Việt khẳng định.
Ông Việt nói hiện cơ quan công an cũng đã vào cuộc điều tra, xử lý.
Cục Cảnh sát môi trường vào cuộc
Trao đổi với PV báo Pháp Luật TP.HCM, bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở TN&MT TP, cho biết ngay sau khi thông tin được báo chí phản ảnh, Sở đã phối hợp với các bên liên quan và địa phương tiến hành rà soát, kiểm tra, xử lý.
Trả lời câu hỏi vì sao hành vi san lấp trộm chất thải diễn ra trong thời gian qua không được phát hiện, ngăn chặn, bà Mỹ khẳng định qua các thông tin làm việc trong ngày (21-11) với các bên liên quan thì ngành chức năng có biết về hành vi này và cũng đã có xử lý. “Tất nhiên, chúng tôi sẽ thông tin về vụ việc một cách chi tiết sau. Về mức độ vi phạm như thế nào, xử lý ra sao, chúng tôi phải kiểm tra tổng thể, sau khi có kết quả mới có các hình thức xử lý cụ thể” – bà Mỹ nói thêm.
Cùng ngày, đại diện Cục Cảnh sát môi trường (thuộc Tổng cục Cảnh sát) cho biết: “Chúng tôi đã nắm thông tin, lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát cũng đã có chỉ đạo. Ngay trong tuần này, chúng tôi sẽ phối hợp với các bên liên quan kiểm tra, xử lý và thông tin kết quả cụ thể”.
Cần phải xử lý triệt để
ông Phạm Viết Thuận, Viện trưởng Viện Kinh tế Tài nguyên và Môi trường, cho rằng hành vi chôn lấp trộm rác thải, không có lót màng như quy định là hành vi bị nghiêm cấm. “Tất nhiên, chúng ta phải xem đó là chất thải gì, mức độ ô nhiễm tới đâu để tiến hành xử lý. Nhưng về cơ bản, hành vi này là không thể chấp nhận được và cần xử lý triệt để, cứng rắn để làm gương” – ông Thuận nhấn mạnh.
Về nguyên tắc, theo ông Thuận thì phải đào lên, đưa rác thải đi xử lý và trả lại hiện trạng ban đầu của khu đất như trước khi được chôn lấp chất thải. Ngoài ra, đơn vị tự ý chôn lấp đó còn bị xử phạt hành chính ở mức cao nếu cơ quan chức năng xác định đây là rác thải nguy hại.
Vào những ngày giữa tháng 8-2018, theo phản ánh của báo Tuổi Trẻ, hàng chục tấn rác thải được các xe ben chở đầy rác chạy tới một con hẻm thuộc ấp 2, xã Phong Phú, huyện Bình Chánh đổ xuống khu đất để máy xúc san lấp. Những khối rác đủ thành phần, từ nylon, thủy tinh, kim loại và nhiều loại tạp chất khác lần lượt được vùi vào lòng đất, cuối cùng là công đoạn cào đất, phủ lên trên bề mặt để lấp đi số rác bên dưới.
Sai phạm nghiêm trọng
Tôi cũng mới nắm được vụ việc Công ty TNHH Kỹ thuật môi trường Bắc Nam (trụ sở tại xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè – đơn vị có hợp đồng xử lý rác thải công nghiệp cho Nhà máy giấy Lee&Man (Hậu Giang) đã chở phần lớn số rác thải thay vì phải xử lý lại đi san lấp mặt bằng ở huyện Bình Chánh (TP.HCM) thông qua kênh báo chí. Về việc này, tôi sẽ chỉ đạo anh em trong tổng cục kiểm tra, xác minh. Đơn vị nào làm sai sẽ phải chịu trách nhiệm. Khi có đầy đủ thông tin, chúng tôi sẽ cung cấp cho truyền thông. Nếu đúng như báo chí phản ánh thì việc chở rác thải công nghiệp đi san lấp mặt bằng là sai phạm nghiêm trọng, vi phạm pháp luật về môi trường, cần phải được xử lý nghiêm.
Ông NGUYỄN VĂN TÀI , Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT)
Có thể bị phạt đến 20 tỉ đồng
Trước tiên, cần xác định hành vi chôn, lấp chất thải rắn từ Nhà máy giấy Lee&Man (Hậu Giang) ra môi trường thay vì vận chuyển đến cơ sở xử lý theo hợp đồng là của cá nhân hay được thực hiện nhân danh Công ty TNHH Kỹ thuật môi trường Bắc Nam (pháp nhân thương mại). Thứ hai, hành vi chôn, lấp chất thải với số lượng 4.000 tấn (như thông tin báo chí nêu) thì có dấu hiệu của tội gây ô nhiễm môi trường theo Điều 235 Bộ luật Hình sự (BLHS).
Nếu xác định hành vi phạm tội là do cá nhân thực hiện thì tùy vào số lượng chôn, lấp ra môi trường mà người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 1 tỉ đến 3 tỉ đồng hoặc phạt tù từ ba đến bảy năm theo điểm d khoản 3 Điều 235 BLHS tùy theo mức độ vi phạm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt thêm tiền từ 30 triệu đến 200 triệu đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một đến năm năm theo khoản 4 Điều 235 BLHS.
Nếu công ty vi phạm thì theo khoản 3 Điều 235 BLHS công ty có thể bị phạt tiền từ 12 tỉ đến 20 tỉ đồng hoặc bị đình chỉ hoạt động từ một đến ba năm tùy vào số lượng chôn, lấp ra môi trường. Ngoài ra, công ty còn có thể bị phạt thêm từ 1 tỉ đến 5 tỉ đồng, cấm kinh doanh hoặc cấm hoạt động trong lĩnh vực vận chuyển, xử lý rác từ một đến ba năm theo điểm đ và c khoản 5 Điều 235 BLHS.
LS NGUYỄN ĐỨC CHÁNH , Đoàn Luật sư TP.HCM.
T.PHÚ – N.CHÂU ghi
NGUYÊN TIẾN – KIÊN CƯỜNG
Theo PLO
Từ 24-11, người dân phải phân loại rác trước khi vứt
Từ ngày 24-11, nếu người dân ở TP.HCM không tự phân loại rác trước khi vứt thì đơn vị thu gom có quyền từ chối tiếp nhận rác.
UBND TP.HCM vừa ban hành Quyết định số 44/2018 về việc phân loại chất thải rắn tại nguồn.
Theo quyết định này, người dân phải phân loại rác tại nguồn trước khi bỏ vào bịch rác chuyển giao cho đơn vị thu gom rác.
Không phân loại sẽ bị phạt
Thành phố khuyến khích người dân sử dụng các bao bì, thiết bị phù hợp, đảm bảo vệ sinh môi trường như sử dụng túi có màu trắng, màu xanh để chứa chất thải hữu cơ. Các túi chứa được dán nhãn, ghi chữ có màu sắc khác nhau hoặc đánh dấu để dễ nhận biết trước khi chuyển đến điểm tập kết hoặc giao cho đơn vị thu gom, vận chuyển.
Việc tổ chức thu gom cũng được quy định rõ. Cụ thể, chất thải hữu cơ được tổ chức thu gom thứ Hai, Tư, Sáu, Chủ nhật trong tuần; chất thải còn lại sẽ được thu gom vào các ngày còn lại. Tùy điều kiện thực tế tại địa phương, UBND các quận, huyện tổ chức, sắp xếp thời gian thu gom phù hợp.
Các hộ gia đình khi có phát sinh chất thải đột xuất hay có khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh mà có nhu cầu được tổ chức thu gom hằng ngày hai nhóm chất thải thì phải trả thêm chi phí dịch vụ thu gom, vận chuyển.
Người dân được quyền giám sát và phản ánh với chính quyền địa phương khi phát hiện các đơn vị thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt thực hiện không đúng theo khung thời gian và tần suất thu gom theo quy định.
Đơn vị thu gom có quyền từ chối thu gom chất thải của hộ gia đình khi họ không phân loại, chuyển giao đúng theo quy định.
Trường hợp hộ gia đình không chấp hành phân loại, chuyển giao rác theo quy định, sau khi đã được nhắc nhở nhiều lần (ba lần trở lên trong một tuần) thì sẽ bị xử lý theo quy định.
Các thành viên trong gia đình ông Nguyễn Thành Phục đã được UBND phường 4, quận Tân Bình, TP.HCM hướng dẫn phân loại rác trước khi bỏ đi. Ảnh: ĐÀO TRANG
Phải hướng dẫn cụ thể cho dân
Bà Lê Thị Yến, Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ phường 4, quận Tân Bình, cho biết: "Từ hai tháng trước, phường 4 đã triển khai phân loại rác tại nguồn trong hẻm 33 đường Trường Sơn và nhận được sự ủng hộ của người dân. Trong đợt vận động này, UBND phường đã xuống từng nhà dân để tuyên truyền, hướng dẫn cách phân biệt và xử lý từng loại rác. Nhiều người ban đầu cũng phản ứng vì ngại rắc rối nhưng khi nghe chúng tôi tuyên truyền thì đã làm theo".
"Gia đình tôi không phải ai cũng biết thu gom rác, nhiều lúc cũng bỏ lộn từ thùng rác này sang thùng rác khác. Đến khi UBND phường tổ chức hướng dẫn người dân phân loại rác tại nhà, lúc này mọi người biết cách. Vì vậy, trước khi áp dụng quy định này, các địa phương cần tuyên truyền cụ thể tới từng hộ gia đình để người dân thay đổi thói quen bảo vệ môi trường tốt hơn. Việc phân loại rác tại nguồn cần thực hiện đồng bộ ở toàn TP.HCM. Bởi trên thực tế người dân chúng tôi phân loại rác tại nguồn, sau đó nhiều đơn vị thu gom rác dân lập lại trộn lẫn các loại rác lại với nhau, như vậy thì lãng phí".
Ông NGUYỄN THÀNH PHỤC, phường 4, quận Tân Bình
Ông Nguyễn Trung Sơn, Chủ tịch UBND phường 4, quận Tân Bình, nhận định: Ngoài việc hướng dẫn người dân phân loại rác tại nguồn thì việc quản lý các cơ sở rác dân lập hiện còn nhiều khó khăn. Đa số các đơn vị này tự hợp đồng với các hộ dân nên phường rất khó quản lý và xử lý. Nhiều trường hợp đơn vị thu gom rác tiếp nhận rác khó tiêu hủy rồi sau đó đi vứt xuống kênh rạch.
Bà Bùi Thị Kim Oanh, phường 4, quận Tân Bình nhận định: "Lâu nay, người dân chưa biết phân loại rác tại nguồn nên thường bỏ chung một mối. Nhiều lúc gia đình có rác là chất thải rắn khó tiêu hủy phải năn nỉ người gom rác mà họ vẫn không thu. Khi Quyết định 44/2018 có hiệu lực, người dân có quyền giám sát đơn vị thu gom rác có lấy rác đúng giờ, có phân loại hay không. Từ đó, chính quyền có thể xử phạt mạnh tay các trường hợp vi phạm".
Bà Trần Thị Hồng Cúc, Chủ tịch UBND phường Tân Thành (quận Tân Phú, TP.HCM), cho biết hiện nay UBND phường mới tiếp nhận và vận động, tuyên truyền đến người dân. Theo bà Cúc, khó khăn khi thực hiện Quyết định 44/2018 là các cơ sở vật chất của các đơn vị thu gom rác dân lập còn hạn chế nên khó triển khai đúng tiến độ. UBND phường đang phân loại rác tại nguồn tại các tuyến đường do Công ty Dịch vụ công ích quản lý như đường Độc Lập, Trần Hưng Đạo, các chung cư trên đường Âu Cơ... Việc xử phạt chưa thể thực hiện ngay mà cần có thời gian hướng dẫn, chuyển đổi để người dân thích nghi.
Phạt tiền đến 20 triệu đồng nếu không phân loại rác
Trước đó Chính phủ đã ban hành Nghị định 155/2016 quy định mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Trong đó, Điều 20 của nghị định này có quy định:
Phạt tiền từ 15 triệu đến 20 triệu đồng đối với hành vi không phân loại, không lưu giữ chất thải rắn sinh hoạt theo quy định; không ký hợp đồng hoặc không chuyển giao chất thải rắn sinh hoạt cho đơn vị có chức năng thu gom, vận chuyển và xử lý theo quy định.
ĐÀO TRANG
Theo PLO
Người Sài Gòn không phân loại rác sẽ bị phạt đến 20 triệu đồng Từ 24/11, các hộ dân phải phân rác thành 3 loại (hữu cơ, tái chế, rác thải còn lại) và chuyển giao đúng nhóm. UBND TP.HCM vừa ban hành quy định về phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn. Các hộ gia đình, chủ nguồn thải, không phân loại rác và chuyển giao theo nhóm chất thải, đơn vị thu gom...