“Chọn Đảo Yến an nghỉ là ý nguyện của cha tôi”
“Việc an táng ba tôi tại Vũng Chùa – Đảo Yến là ý nguyện của ba tôi, mẹ tôi và gia đình từ năm 2006″ – ông Võ Hồng Nam, con trai út của Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói với Báo Người Lao Động chiều 8/10.
Tâm sự với phóng viên Báo Người Lao Động chiều 8-10 về quyết định chọn nơi an nghỉ cuối cùng của Đại tướng, ông Võ Hồng Nam, con trai út của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, cho biết: “Việc an táng ba tôi tại Vũng Chùa – Đảo Yến là ý nguyện của ba tôi, mẹ tôi và gia đình từ năm 2006.
Ông Nam nói: “Lúc đó, ba tôi đã quyết Vũng Chùa – Đảo Yến ở quê hương Quảng Bình là nơi an nghỉ cuối cùng”. Song ông Nam cũng cho biết thêm rằng cha ông là người của tổ chức nên “gia đình sẽ chấp hành mọi quyết định của tổ chức”.
Bà Võ Hạnh Phúc, con gái Đại tướng Võ Nguyên Giáp, trong buổi tọa đàm trực tuyến “Võ Nguyên Giáp – Đại tướng của Bộ đội Cụ Hồ, Đại tướng của Nhân dân” diễn ra hôm nay 8-10 cũng cho biết từ giữa những năm cuối của thập niên 90, Đại tướng và gia đình đã có ý định tìm một số nơi để khi ông “trăm tuổi”.
Phút thư giãn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi tới Đảo Yến trong một lần về thăm quê Quảng Bình – Ảnh: Tiền Phong
Video đang HOT
“Ông có ý định suy nghĩ về việc đó từ rất lâu. Ban đầu, ba chúng tôi có ý định đi về căn cứ địa Việt Bắc (ở tỉnh Thái Nguyên). Cũng có những lúc ba chúng tôi nghĩ ở đâu đó vùng Sơn Tây (Hà Nội) để gần Bác Hồ” – bà Phúc cho biết.
Cuối những năm 1990, Đại tướng nhiều lần về thăm quê hương Quảng Bình. Ông nghĩ mình sẽ về với quê hương. Gia đình cũng đã đi xem xét nhiều nơi trong tỉnh nhưng cuối cùng ông chọn vùng Vũng Chùa – Đảo Yến thuộc huyện Quảng Trạch. Đó là quyết định của ông.
Ông Võ Hồng Nam, con trai út của Đại tướng Võ Nguyên Giáp – Ảnh: Nguyễn Quyết
Trước đó, ông Võ Điện Biên (con trai Đại tướng) đã trả lời về nội dung này với Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị khi bàn về vấn đề tổ chức tang lễ.
Ông Võ Điện Biên đã nói: Suốt đời ông (Đại tướng – PV) không có yêu cầu gì với tổ chức nhưng đây là yêu cầu duy nhất. Ông muốn về với miền Trung, miền đất nghèo khó nhưng giàu truyền thống anh hùng. Về Quảng Bình nhưng không nhất thiết là ở quê nhà làng An Xá.
“Quyết định về Vũng Chùa – Đảo Yến có từ năm 2006. Ông có bút tích để lại về việc này” – bà Phúc kết luận.
Tang lễ Đại tướng Võ Nguyên Giáp được tổ chức trọng thể theo nghi thức Quốc tang. Lễ viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp được tổ chức tại Nhà tang lễ quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội, bắt đầu từ 7 giờ 30 phút ngày 12/10/2013. Lễ truy điệu trọng thể Đại tướng được tổ chức tại Nhà tang lễ quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội, bắt đầu từ 7 giờ ngày 13/10/2013. Theo kế hoạch, sau lễ truy điệu sáng 13/10, linh cữu của Đại tướng sẽ được chuyển từ Nhà tang lễ quốc gia lên máy để đưa về sân bay Đồng Hới (Quảng Bình). Từ sân bay Đồng Hới, linh cữu Đại tướng tiếp tục được chuyển tới địa điểm an táng tại khu vực Vũng Chùa – Đảo Yến (xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch). Khu Vũng Chùa – Đảo Yến cách quốc lộ 1A khoảng 3 km và cách Đèo Ngang ranh giới 2 tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh khoảng 4 km đường chim bay. Khu vực Vũng Chùa được baobọc bởi 3 hòn đảo Hòn La, Hòn Gió và Hòn Nồm. Đảo Yến cách đất liền chừng khoảng 20 phút đi thuyền, có diện tích khoảng 10 ha.
Theo D.Ngọc (Người lao động)
Đà Nẵng: Dừng vui chơi giải trí trong 2 ngày Quốc tang Đại tướng
Ngày 7/10, Chủ tịch UBND TP Văn Hữu Chiến đã ký văn bản gửi các tổ chức chính trị xã hội, các đơn vị, sở, ban, ngành, địa phương, các hội, đoàn thể và các cơ quan thông tấn báo chí về việc tổ chức Quốc tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Theo đó, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng yêu cầu các công sở, các nơi công cộng treo cờ rủ, đồng thời ngừng mọi hoạt động vui chơi giải trí trên địa bàn TP trong hai ngày tang lễ Đại tướng Võ Nguyên Giáp (từ 12 giờ ngày 11/10 đến 12 giờ ngày 13/10).
Đại tướng Võ Nguyên Giáp với ông Hồ Nghinh (1913 - 2007), nguyên Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Nam - Đà Nẵng (Ảnh tư liệu)
Việc treo cờ rủ thực hiện theo Điều 10 Nghị định 105/2012/NĐ-CP (ngày 17/12/2012) của Chính phủ về tổ chức lễ tang cán bộ, công chức, viên chức. Cụ thể: Cờ có dải băng tang (có kích thước bằng 1/10 chiều rộng lá cờ, chiều dài theo chiều dài của lá cờ và chỉ treo cờ đến 2/3 chiều cao của cột cờ, dùng băng vải đen buộc không để cờ bay).
Cùng ngày, ông Thái Thanh Hùng, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh TP Đà Nẵng cho biết, thể theo nguyện vọng của nhân dân, quân nhân, cựu quân nhân và các cựu chiến binh trên địa bàn TP, Thường trực Thành uỷ và UBND TP Đà Nẵng đã thống nhất chủ trương về việc Hội Cựu chiến binh TP tổ chức lễ viếng và truy điệu Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Theo đó, lễ viếng và lễ truy điệu Đại tướng Võ Nguyên Giáp sẽ được tổ chức tại trụ sở Hội Cựu Chiến binh TP Đà Nẵng (số 68 Quang Trung, quận Hải Châu) từ 7g30 sáng 12/10 đến 10g sáng 13/10 theo đúng lịch của Ban tang lễ TƯ. Các cơ quan, tổ chức, đơn vị, các cán bộ, hội viên, cựu chiến binh, HS-SV... có thể đến viếng, tưởng nhớ Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhưng không mang theo hương đèn, vòng hoa.
Hiện Hội Cựu chiến binh TP Đà Nẵng có 17.500 hội viên và hơn 14.000 cựu quân nhân. Sau lễ tang, Hội sẽ lập bàn thờ và không gian tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại tầng 2 của Văn phòng Hội (số 68 Quang Trung) vì Đại tướng không chỉ là vị Tướng của nhân dân mà còn là Chủ tịch danh dự Hội cựu chiến binh Việt Nam.
HẢI CHÂU
Theo infonet
Hà Nội đã nghiên cứu đặt tên đường, phố Võ Nguyên Giáp từ lâu Thành phố Hà Nội đã nghiên cứu về vấn đề đặt tên đường, phố Võ Nguyên Giáp từ lâu. Trong nhiều phiên họp, có ý kiến nên đặt tên đường, phố Võ Nguyên Giáp ngay khi đại tướng còn sống... Tại cuộc họp giao ban tuyên giáo Thành ủy Hà Nội chiều 8.10, nhận được câu hỏi về việc thành phố Hà Nội...