Chơi xe sang cũ, toát mồ hôi vì phí sửa ngốn cả tỷ đồng
Chiếc Audi cũ có giá 1,6 tỷ đồng, khi vào xưởng nhận hóa đơn báo giá chi phí sửa hơn 1,2 tỷ đồng khiến chủ nhân sốc.
Phát hoảng vì chi phí sửa xe tốn cả tỷ đồng
Hiện nay trên thị trường ô tô cũ đang xuất hiện khá nhiều mặt hàng là các dòng xe sang đã qua sử dụng thuộc các thương hiệu như BMW, Mercedes-Benz, Audi, Land Rover…trên 10 năm tuổi, có giá bán rẻ giật mình, chỉ bằng 1/3 hoặc thậm chí 1/4 so với xe mới.
Thế nhưng, khi phải đụng chuyện sửa chữa, chủ mới của những chiếc xe sang cũng giật mình không kém. Đã có nhiều trường hợp báo giá sửa xe khiến cả người trong cuộc lẫn bên ngoài phải kinh ngạc.
Mới đây nhất, trường hợp chiếc Audi A8L 4.2L đời 2012 đăng ký tên một công ty ở Đông Hà, Quảng Trị gặp phải lỗi hộp số nhiễm nước, hư hại nặng. Khi mang đến đại lý chính hãng Audi để kiểm tra, chiếc xe được xác định không thể sửa chữa mà cần phải thay thế phụ tùng.
Báo giá lập ngày 20/1 lên tới 1,239 tỷ đồng, trong đó riêng việc thay thế hộp số đã hết 724,6 triệu đồng, thước lái khoảng 130 triệu đồng… Sau khi nhận báo giá này, người đang sử dụng xe là anh N.P.Q đã đi tham khảo nhiều nơi để chọn giải pháp sửa xe rẻ hơn.
Audi A8L được xếp vào dòng xe sedan hạng sang cỡ lớn, ra mắt Việt Nam theo diện chính hãng từ năm 2010 với giá khoảng 5 tỷ đồng. Hiện tại, giá bán của Audi A8L 2012 rơi vào khoảng 1,6 đến 1,8 tỷ đồng trên thị trường xe cũ.
Khi nhận báo giá sửa chữa, nhiều chủ xe giật mình với chi phí không hề rẻ. Ảnh nhân vật cung cấp
Cũng thuộc vào hạng xe đắt tiền, bảng báo giá sửa của chiếc Bentley Mulsanne 6.8L V8 đời 2012 từng gây xôn xao dư luận vào thời điểm tháng 8/2017.
Theo đó, chiếc siêu sang này không sửa chữa mà thay thế khoảng 12 hạng mục liên quan tới hệ thống lái gồm thước lái, càng chữ A, rô-tuyn cân bằng, cao su cân bằng, phuộc nhún…
Tổng chi phí và công thay thế lên tới hơn 733 triệu đồng, trong khi giá xe cũ cùng đời vào thời điểm 2017 rơi vào khoảng 9 tỷ đồng, giá xe mới năm 2012 vào khoảng 12 tỷ đồng. Cùng các hạng mục thay thế như vậy, ở các dòng xe bình dân, chi phí chưa đến 20 triệu đồng.
Video đang HOT
Xe sang, thậm chí siêu sang theo năm tháng có tỷ lệ rớt giá trị khá cao so với xe bình dân. Ảnh minh họa.
Ở những dòng xe dù chưa ở cỡ siêu sang nhưng cũng thuộc các tên tuổi Châu Âu khác, chi phí sửa chữa cũng khiến chủ xe…bạc đầu.
Anh Trần Q.H (Hoàn Kiếm, Hà Nội) sở hữu chiếc Mercedes-Benz GLC 300 4Matic đăng ký tháng 4/2017, đến tháng 2/2018 xe gặp va chạm không quá nặng nhưng vỡ đèn xi-nhan, gương chiếu hậu trái phải hỏng.
Tổng chi phí cho ca phục hồi lên tới hơn 150 triệu đồng, riêng tiền thay cặp gương (camera, mặt gương, khung gương) đã là hơn 90 triệu đồng. Rất may, xe đã mua bảo hiểm và được chi trả, nhưng cũng đủ để thấy rằng, phụ tùng bên ngoài của những mẫu xe này không hề rẻ, chưa nói đến nếu đụng sửa chữa bên trong.
Chơi xe sang cũ cũng cần có bản lĩnh
Nói về trường hợp chiếc Audi A8L 4.2L đời 2012 như ở trên, đại diện Audi Việt Nam xác nhận đây là báo giá của đại lý ở Tp.HCM, nhưng cũng cho biết chiếc xe này không phải nhập khẩu chính hãng. Vì vậy, hãng xe đưa báo giá để tham khảo, còn sửa và thay thế hay không nằm ở quyết định của khách hàng.
Theo nhận định của anh Hà Quốc Huy, nhà sáng lập MNAuto Service – xưởng cung cấp Dịch vụ sửa chữa và bảo dưỡng cho các dòng xe Châu Âu, báo giá trên chiếc Audi A8L là phụ tùng hàng mới và nhập khẩu qua kênh chính hãng nên giá khá đắt. “Thường % lợi nhuận và chi phí vận chuyển của phụ tùng cao hơn 2 lần so với xe hoàn thiện hoặc lắp ráp”, anh Huy cho biết.
“Chi phí phụ tùng của các dòng xe sang khá đắt, trong khi nghịch lý là theo thời gian, giá trị của loại xe này lại giảm nhiều. Nên thị trường mới đẻ ra các đơn vị cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp ngoài hãng xe, nhận sửa và thay thế các phụ tùng lướt chính hãng, giá rẻ hơn”, anh Huy nói thêm.
Theo các chuyên gia ô tô, xe sang và xe bình dân không khác biệt về thời gian thoái hóa phụ tùng, nhưng chi phí thay thế lại chênh lệch rất lớn. Ảnh minh họa.
Còn theo kỹ sư Lê Văn Tạch (chủ gara ô tô tại Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc), việc thay thế phụ tùng trên ô tô theo thời gian là không phân biệt xe sang hay xe cỏ, vì công việc này thường tiến hành khi xe đã chạy được 100.000 km hoặc đi 5 đến 7 năm.
“Thời gian cần thay thế phụ tùng giống nhau nhưng xe sang và xe thường chênh lệch nhau về giá tiền. Những chiếc xe sang thường có công nghệ cao, có thể chạy tốc độ cao vẫn ổn định, trọng lượng cũng nặng hơn nên đa số đồ phụ tùng đắt hơn”, kỹ sư Tạch nói.
Tuy nhiên, kỹ sư Tạch cho rằng cũng không vì thế mà người dùng phải e dè khi muốn mua xe sang đã qua sử dụng, không thể lấy trường hợp “cá biệt” để nhận định chung cho tất cả xe mang mác “sang”.
Để so sánh trường hợp của chiếc Audi A8L báo giá thay phụ tùng tiền tỷ, kỹ sư Tạch lấy ví dụ chiếc Lexus LX570 mới sửa tại gara của mình, chi phí khắc phục và phục hồi bộ côn, hộp số chỉ hết khoảng 70 triệu đồng, trong khi nếu làm chính hãng sẽ tốn kém khá nhiều.
“Nếu buộc phải sửa chữa, thay thế mà tài chính giới hạn, người dùng xe có thể tìm đến các công ty cung cấp phụ tùng ngoài hãng, thường rẻ hơn tới 50%, thậm chí có những món còn rẻ tới 70-80%. Khi mua xe sang cũ, nên mang tới gara uy tín, kiểm tra kỹ. Mua về cần bảo dưỡng lại toàn bộ, và tuân thủ lịch bảo dưỡng mới”, kỹ sư Tạch chia sẻ.
Cùng quan điểm chơi xe sang cũ cần phải “hiểu biết” như ý kiến kỹ sư Tạch, chuyên gia ô tô Nguyễn Thanh Hải (còn được biết đến với tên Hải Kar) nhận xét: “Bản thân các mác xe sang dù cũ hay mới thì nó vẫn là chính nó. Tức là không có nghĩa xe 10, 20 năm tuổi thì phụ tùng phải rẻ đi. Đơn giản giá trị xe giảm đi vì đến lúc bán, chủ xe cũng đã tính tới giá trị đã được hưởng và chi phí tiếp theo nếu phải gánh nó”.
Chuyên gia Hải Kar lấy kinh nghiệm “chơi xe” của mình, cho rằng khi dấn thân vào xe sang đã qua sử dụng, người mua cần “tính đầu ra, đầu vào”.
Nghĩa là cần tính được khả năng bản thân có đáp ứng được những chi phí sẽ phát sinh sau khi mua xe, chăm nó thế nào để chạy ổn định, chứ chỉ “ham hố” nhìn vào giá rẻ thì dễ rơi vào trường hợp….ngậm đắng.
Anh lấy ví dụ đơn giản, xe sang như Bentley dùng giảm xóc bóng hơi đem lại sự êm ái không thể thiếu khi vận hành, nhưng nếu phải thay thế chi tiết này, giá khá “mặn”, rơi vào khoảng 120 triệu trong khi ở một số dòng xe khác giá chỉ từ 20 đến 30 triệu đồng.
Có nên mua xe sang đã qua sử dụng trong dịch Covid-19?
Lựa chọn xe hạng sang cũ giúp bạn tiết kiệm được rất nhiều tiền so với mua xe mới nhưng giữa thời điểm dịch Covid-19 đang bùng nổ hiện tại có thực sự hợp lý?
Xe sang cũ mất mùa vì Covid-19
Thông thường, sau Tết Nguyên Đán là thời điểm nhộn nhịp của thị trường mua bán xe cũ, trong đó có xe hạng sang. So với trước Tết, người mua có cơ hội mua được xe sang cũ giá tốt hơn bởi một số chủ xe cũ thường giữ lại xe chơi Tết xong mới thanh lý. Tuy nhiên, năm nay thị trường xe cũ có biến động không hề nhỏ được cho là ảnh hưởng từ dịch Covid-19 đang bùng nổ trên toàn cầu, khởi nguồn từ Vũ Hán (Trung Quốc) ngay trước và sau Tết.
Trong đó, thị trường xe sang cũ chứng kiến đà tăng trưởng tới 15% của những tin rao bán so với cùng kỳ năm ngoái trong quý I/2020, theo dữ liệu từ Chợ Tốt Xe - trang mua bán sàn xe được yêu thích nhất Việt Nam. Con số "tăng trưởng" này được cho là phản ánh đúng tình hình kinh tế thời Covid-19 khi người đi xe sang thường là chủ doanh nghiệp, hộ kinh doanh dịch vụ - ngành nghề dễ chịu tổn thương khi kinh tế "đóng băng". Việc "bán xe cứu chủ" là hoàn toàn có thể xảy ra.
Số xe sang bị rao bán tăng mạnh từ đầu năm nhưng lại bị người tiêu dùng thờ ơ.
Theo thống kê của Chợ Tốt Xe, top 5 xe sang qua sử dụng được rao bán nhiều nhất đầu năm 2020 thuộc về Mercedes-Benz và BMW - 2 thương hiệu có thị phần lớn trong phân khúc. Trong đó, ngoại trừ mẫu S450L 2018, tất cả đều thuộc dòng "bình dân" trong phân khúc xe sang như Mercedes C200/E200/GLC 250 hay BMW 320i.
Tuy nhiên, trái ngược với số tin rao bán tăng mạnh, số lượt liên hệ mua xe chỉ bằng 73% so với cùng kỳ năm ngoái. Có thể thấy rõ dịch Covid-19 còn ảnh hưởng nặng nề hơn tới những người có ý định mua xe sang đã qua sử dụng đầu năm nay, đặc biệt là khi cả nước bước vào giai đoạn cách ly xã hội, khiến nhu cầu đi lại giảm mạnh.
Nhiều xe đời 2018 đã bị rao bán trong bối cảnh kinh tế khó khăn thời Covid-19.
Có nên mua xe sang cũ giữa dịch Covid-19?
Như đã đề cập ở trên, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng không ít tới kinh tế, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ, cá nhân kinh doanh dịch vụ. Điều này khiến không ít xe sang phải "ra đi cứu chủ" đặc biệt là các dòng xe "bình dân" như Mercedes C-Class hay BMW 3-Series. Tất nhiên tình hình kinh tế còn ảnh hưởng nhiều hơn tới những khách hàng đang có ý định mua xe sang cũ để tiết kiệm chi phí khiến lượng người liên hệ lẫn xem xe vẫn chưa thể tăng nhanh.
Rõ ràng nghịch lý trên mang đến cơ hội tuyệt vời để mua xe giá rẻ với những người vẫn đủ tiềm lực tài chính trong thời điểm này. Bởi khi cung vượt quá cầu sẽ có nhiều chủ xe sẵn sàng hạ giá sâu nếu cần thanh lý gấp chống "bão" Covid-19. Tuy nhiên, cũng nên cân nhắc tới nhu cầu sử dụng bởi cho đến thời điểm này, nếu chưa thực sự cần thiết thì có thể "hoãn binh" bởi tình hình dịch bệnh trên thế giới vẫn diễn ra hết sức phức tạp, chuyện mua xe nhưng phải "đắp chiếu" thì rẻ hơn một chút cũng bằng thừa.
Khách hàng cân nhắc nặng nhẹ khi mua xe thời Covid-19.
Chưa kể thời gian tới giá xe sang cũ khó có dấu hiệu khởi sắc nếu tình hình dịch bệnh chưa dập tắt hoàn toàn. Ngay cả khi dịch bệnh được dập tắt cũng không hẳn là tín hiệu vui với những chủ xe cũ muốn thanh lý bởi sau khoảng nửa năm (có thể hơn) gần như đóng băng các hoạt động bán xe, các hãng xe sang hẳn sẽ tung nhiều chương trình ưu đãi, giảm giá kích cầu người tiêu dùng cũng như tranh giành thị phần trong cuộc đua doanh số vốn bị rút ngắn 1 nửa lộ trình.
Có thể nói từ nay cho đến vài tháng tới là thời điểm hợp lý để xuống tiền tìm kiếm một chiếc xe sang cũ đã qua sử dụng giá tốt. Tuy nhiên do đặc thù xe sang, đặc biệt là xe cũ người mua nên cùng người bán tới các xưởng dịch vụ chính hãng hoặc gara uy tín kiểm tra xe cẩn thận tránh "tiền mất, tật mang".
Đức Cảnh
Lột xác ấn tượng, chiếc Bentley giá 2,5 tỷ khiến cư dân mạng 'ngã ngửa' với màn hình 'tàu' trong nội thất ODO của chiếc Bentley hiện dừng ở ngưỡng 50.000 km. Bên cạnh màn lột xác tốn kém, một chiếc Bentley Continental Flying Speed model 2008 mới đây đã gây chú ý trên thị trường xe cũ chỉ bằng một chi tiết độ không tưởng, hiếm thấy trên những chiếc xe sang tại thị trường Việt Nam. Phía bên ngoài, toàn bộ hệ thống...