Chơi vui thành… buồn
Đang quen làm việc cả ngày, nay về hưu, những ngày tháng đầu, ông Tốt sinh buồn. Rồi ông tìm được thú vui “đan quạt” mỗi khi có đám hiếu, hỉ.
ảnh minh họa
Ông Tốt, đúng như tên gọi, hiền lành, tốt tính. Hồi còn làm ở xã, người ta thường nói đùa, là ông chánh văn phòng. Thực chất, ông chỉ chuyên cái việc “điếu đóm” cho chủ tịch, phó chủ tịch xã. Nhưng việc gì dù nhỏ, dù lặt vặt, ông Tốt cũng làm rất say sưa. Cẩn thận đến mức, dẫu hết giờ hành chính, ông vẫn nán lại hàng tiếng đồng hồ để kiểm tra xem có ai sơ suất không khóa phòng hoặc để quên thứ gì.
Cái thời có điện thoại di động, đã hơn một lần ông nhặt được điện thoại của các cán bộ xã để quên. Dù sớm hay muộn, ông cũng đạp xe đến tận nhà để trả, bởi chỉ cần nhìn cái máy, là ông đã biết của ai rồi. Có người bảo, sao bác không dùng ngay cái điện thoại ấy, gọi đến máy bàn cho người ta, để người ta tự đến lấy? Ông chỉ cười trừ, không đáp. Cũng có người nghĩ rằng, ông chưa sử dụng di động bao giờ, nên không biết gọi chăng?
Video đang HOT
Làm việc mãi, rồi cũng có lúc nghỉ. Ông Tốt nghỉ hưu từ năm ngoái. Nghe đâu lương hưu cũng kha khá. Các con trưởng thành cả. Có cháu nội cháu ngoại. Giờ nghỉ hưu, hai ông bà sống với nhau. Ngôi nhà cấp bốn thôi, nhưng rộng rãi, có vườn, có giếng. Có cả cây mít già nua. Mùa hè vác chõng ra nằm dưới gốc mít thì thật tuyệt.
Thằng con cả tháo vát, khi bố sắp nghỉ hưu, liền ra xã xin chứng nhận, rồi lên tận huyện làm thủ tục. Thế là cái mảnh đất mấy chục năm không ai quan tâm đến giấy tờ, nay đã có sổ đỏ mang tên ông bà đàng hoàng. Có ai hỏi, thì ông tặc lưỡi: “Cái thằng nó cứ vẽ chuyện. Sống cả đời, bán chác cho ai mà phải sổ hồng sổ đỏ?”.
Nhưng cậu con cả tân tiến, thực tế hơn nhiều. Cứ phải xác định chủ quyền cho rõ ràng rành mạch. Sau này, anh em cũng không có lý do gì để tranh giành nhau. Đất của ông bà, cho ai là quyền của ông bà. Con cháu phải tự lực cánh sinh, không dựa bố mẹ. Thế mới nên người.
Ngẫm nghĩ, ông Tốt thấy đúng. Cái sổ đỏ còn có địa đồ, ghi rõ mốc giới. Hàng xóm láng giềng cũng không thể ù xọe mà lấn sang được. Có thế hàng xóm mới sống bền chặt với nhau.
Đang quen làm việc cả ngày, nay về hưu, những ngày tháng đầu, ông Tốt cũng thấy cuồng cẳng. Đi chơi hết nhà này nhà khác. Nhưng đến chơi nhà người ta, ông Tốt phát hiện ra một điều, không ai rỗi rãi để ngồi tiếp chuyện tào lao chi khươn hàng giờ. Người ta bận tối mắt. Người ta còn tính chuyện làm ăn, chuyện kinh doanh.
Bởi thế ông Tốt đủ trí khôn để hiểu rằng, tốt nhất đừng có quấy nhiễu người ta. Nhưng ở nhà, hết ra vườn lại vào bếp, mãi cũng chẳng hết một ngày. Và ông sinh buồn.
Có một điều ở quê, luôn có chuyện hiếu hỉ. Thì trong làng, chẳng quan hệ này cũng quan hệ khác. Thằng con cả tuyên bố, bao cho thầy, u tất tật chuyện phong bao phong bì. Thầy, u cứ vô tư đến dự. Dự cho nó vui. Về hưu ở quê, chỉ có mỗi thú vui ấy thôi mà.
Cũng xin nói nhỏ, ở nhà quê không chỉ đám hỉ là vui. Ngay cả đám hiếu cũng vui. Sang chia buồn chỉ là cái cớ, mà mục đích chính là buổi tối, ngồi bắt chân bằng tròn trên tấm sập gụ. Ấy là các cụ chơi tổ tôm, chắn, ba cây, tá lả…
Chơi cho vui thôi mà, nhưng hễ “có đám” là có bài. Thật đúng là chơi vui, vì mỗi ván chỉ có mươi ngàn. Sạt phạt ghê lắm mới tới năm mươi ngàn. Ấy thế mà vui đáo để. Cũng hồi hộp nữa. Thua được, cũng chỉ cỡ trăm bạc, kiếm đâu được thú vui hơn?
Thực ra lúc đầu ông Tốt không tham dự cái “thú vui” này. Hồi còn làm việc ở xã, ông chúa ghét những cán bộ xã chơi cờ bạc. Cho nên hễ có ông Tốt, là không ai dám trêu ngươi ông. Người ta bèn bố trí một chỗ riêng, bí mật để chơi. Và tốt nhất, là lúc ông đã đạp xe về nhà.
Bây giờ về hưu, ông mới ngộ ra rằng, nếu đến đám, buổi tối cơm no rượu say rồi, không ngồi vào đám bài, thì chẳng ai người ta chơi với mình. Thậm chí lúc vào mâm, ông cũng phải ngồi ghép với đám choai choai. Thấy tức anh ách mà không nói ra được.
Vậy thì chơi. Ô hay! Chơi vui chứ sát phạt gì nhau? Kỳ lạ một điều, mặc dù mới nhập cuộc, nhưng ông Tốt có vẻ rất “đỏ”. Thắng nhiều hơn thua. Hôm nào vào loại “đen” cũng chỉ “lõm” khoảng vài chục. Đa phần là thắng. Không biết có phải các cụ nhường cho ông ham?
Nhưng quả là ông bắt đầu ham đánh thật sự. Rồi nghiện lúc nào không biết. Bây giờ thì không đám nào vắng mặt ông. Và cũng không chiếu nào thiếu ông. Mặc nhiên ông được các cụ cho vào hội. Thậm chí còn có người tỏ ra rất khoái, khi được ngồi cùng chiếu với ông.
Tết năm nay tôi không về quê ăn Tết, nhưng ra Giêng, lại nhận được hai cái thiếp mời. Còn đang dùng dằng chưa biết có đi, hay gửi phong bì về mừng, thì ông Tập sang chơi. Ông Tập với tôi cùng họ. Ông chi dưới. Bởi vậy cứ có đám, thế nào ông cũng rủ tôi đi. Lần này chắc cũng vậy. Tôi khấp khởi mừng thầm, đang nghĩ một lý do thuyết phục, để gửi ông cái phong bì về mừng. “Tôi biết bác sang đây…Nhưng quả thật tôi không đi được…Bác giúp tôi”.
Nghe cái giọng “trình bày hoàn cảnh” của tôi, ông Tập trầm ngâm. Ông nói: “Tôi cũng đoán bác không về. Nhưng tôi thì phải về. Cũng tại cái ông Tốt bây giờ lại đổ đốn”. Tôi giật nảy mình: “Không có lý! Ông ấy…”, ông Tập khoát tay: “Thì xưa nay vẫn vậy. Ai ngờ khi về hưu, sinh buồn, ông ấy lại lao vào chuyện đỏ đen. Mới đầu thì đúng là chỉ chơi cho vui. Ở quê cũng chả trách. Nhưng gặp phải bọn xấu chơi, nịnh thối ông ấy là số đỏ, rủ chơi ăn dày. Mới đầu cũng trúng quả đậm thật. Nhưng ông ta có ngờ đâu chúng giăng bẫy. Đến khi thua tới ba chục triệu mới tỉnh ra, thì sự đã rồi. Nghe nói ông ấy mang sổ đỏ đi thế chấp để vay tiền, tôi mới giật mình. Đành thu xếp vay mượn, cầm tiền về chuộc cái sổ đỏ cho ông ấy”.
Vậy là đã rõ. Tôi thầm nén một tiếng thở dài. Thì nào có ai ngờ một ông hiền lành, sống mẫu mực, mà ngày xưa chúng tôi hay đùa, là “bôn” nhất làng, lại ra cơ sự như vậy.
Theo VNE