Chơi hụi theo kiểu… đa cấp?
Không khó để nhận ra cách chơi hụi Tụ Hiền na ná kiểu kinh doanh đa cấp. Điều đó lý giải vì sao có rất nhiều thủ lĩnh của các Cty đa cấp lao vào chơi, kéo theo cả hệ thống của mình tham gia.
Vào trang thunhapkhung.mss.vn, khi kích vào phần “Đăng ký hội viên” đường link sẽ dẫn tới trang tuhien.vn. Chúng tôi được biết trang web này của Cty TNHH tư vấn quản lý kinh doanh Tụ Hiền ( Cty Tụ Hiền) có trụ sở ở số 864 Quang Trung, phường 8, quận Gò Vấp, TP HCM. Cty này được Sở Kế hoạch và đầu tư TP HCM cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp ngày 3-11-2014, đăng ký thay đổi lần hai ngày 27-1-2015 do bà Nguyễn Ngọc Dung làm GĐ, người cùng góp vốn với bà Dung là ông Mai Hoàng Anh Tuấn.
Trong buổi làm việc với chúng tôi, bà Dung phủ nhận việc Cty Tụ Hiền dính đến đường dây hụi Tụ Hiền. Theo bà Dung, đường dây hụi Tụ Hiền do ông Anh Tuấn làm chủ, ông Tuấn chịu trách nhiệm toàn bộ về mặt pháp lý về việc này, bà Dung chỉ là trợ lý của ông Tuấn trong đường dây hụi Tụ Hiền. Tuy nhiên, bà Dung thừa nhận thời gian qua, con dấu của Cty Tụ Hiền đóng vào biên lai thu tiền của người chơi hụi là do thủ quỹ sơ suất!?
Nhân viên đường dây hụi Tụ Hiền thu tiền của người chơi tại quán cà phê. Ảnh: H.Sơn
Khi được hỏi trang thunhapkhung.mss.vn được “câu” vào trang tuhien.vn do Cty bà Dung làm giám đốc, bà Dung tỏ vẻ ngạc nhiên nói không hề biết chuyện này (sau cuộc làm việc với chúng tôi, trang thunhapkhung.mss.vn đã bị xóa)
Chúng tôi trở lại quán cà phê trong siêu thị trên đường Hoàng Đạo Thúy, chị H người quen – một thủ lĩnh đã từng làm nhiều ở các Cty đa cấp không ngần ngại hỏi thẳng: “Theo em, đường dây hụi này tồn tại được 5 tháng không?”. Hỏi vậy bởi chị H tính toán, chỉ cần tồn tại được 5 tháng là chị H sẽ “vợt” được 290 triệu đồng (theo cách trả tiền trực tiếp và gián tiếp của hụi Tụ Hiền). Chị H tự tin làm được điều đó vì dưới chị có mấy trăm “quân” làm đa cấp, mà người làm đa cấp đều rất tin vào thủ lĩnh của mình, chỉ cần ới một tiếng là họ sẽ nhào vào tham gia.
Từng ăn ngủ, trắng tay rồi lại có tiền cùng đa cấp, chị H rút ra kinh nghiệm “xương máu”: Không cần quan tâm đến tính pháp lý, thấy ngon là phải nhảy ngay vào làm, nếu không may đường dây hụi vỡ thì đã kiếm được một mớ. Nếu tính toán quá, sợ quá thì cơ hội tuột mất.
Ảnh: Bà Dung (ngồi thứ 2 từ trái sang) đang “tư vấn” cho người chơi
Tôi đã hỏi một vài người, họ đều là “quân” đa cấp và thật ngạc nhiên, họ đều có ý nghĩ như chị H. Họ không cần quan tâm “Bản thỏa thuận” có những điều khoản gì, cứ đưa ra là ký, thậm chí có nhiều người còn “ủy quyền” cho thủ lĩnh của mình ký thay, nộp tiền thay. Tất cả như ăn phải “bùa mê, thuốc lú” trong cơn say kiếm tiền.
Anh S ở Mỹ Đình, đưa vợ là một thủ lĩnh đến lấy tiền hỉ hả khoe, vợ anh vừa giới thiệu 3 người, thu ngay được 2,4 triệu đồng trực tiếp. 3 người đó cũng đã giới thiệu được 9 người, anh chị đang chờ đến tháng thứ 2 khi 9 người kia nộp tiền là kiếm được 7,2 triệu đồng nữa.
Video đang HOT
Theo anh S, chơi hụi này rất ngon, hình thức như đa cấp mà lại không phải là đa cấp. Nếu đa cấp thì phải bán sản phẩm, tư vấn đau họng, đôi khi phải “lòe bịp” nói quá về công dụng của sản phẩm thì mới dụ được khách hàng. Còn chơi hụi kiểu này, không bán mua sản phẩm gì hết, cứ tiền tươi mà lấy. Anh S cũng không cần quan tâm đến tính pháp lý của đường dây hụi này, người ta kiếm được tiền thì anh chị cũng kiếm. Còn khi nào hụi vỡ thì…tính sau.
Trở lại cuộc làm việc với bà Dung, bà Dung cho biết cách chơi này tiên tiến nhất thế giới và nhân văn, tạo điều kiện cho nhiều người làm giàu. Bà Dung cũng tiết lộ, đã có nhiều thủ lĩnh của các Cty đa cấp ở Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Nghệ An… xin được làm đại lý.
Bà Dung cũng khẳng định việc chơi hụi này được cơ quan chức năng cho phép theo Nghị định 144/2006/NĐ-CP. Tuy nhiên khi hỏi sâu về vấn đề mỗi thành viên tham gia phải giới thiệu tối thiểu trực tiếp được 3 người khác như mô hình “3 chân” của các Cty đa cấp vẫn làm, bà Dung từ chối trả lời bởi chỉ có chủ hụi là ông Anh Tuấn mới đủ thẩm quyền nói về vấn đề này.
Chính sách của Nhà nước về hụi (họ) là: “Quyền và lợi ích hợp pháp của những người tham gia họ nhằm mục đích tương trợ trong nhân dân” (Khoản 1, Điều 2 của Nghị định số 144/2006/NĐ-CP). Hụi (họ) là một hình thức giao dịch về tài sản, tiền giữa những người tham gia. Hình thức giao dịch này đã phát sinh từ lâu trong dân gian, theo phong tục tập quán của từng địa phương, giao dịch này được hình thành trên cơ sở thỏa thuận, tự nguyện của một nhóm người tập hợp lại với nhau, giao dịch này là một hình thức cho vay, có tính chất tương trợ lẫn nhau.
Hoạt động chơi hụi (họ) không vi phạm pháp luật nếu nằm trong khuôn khổ pháp luật. Tuy nhiên, hình thức lôi kéo thêm nhiều người chơi bằng các phương thức cho hưởng tiền hoa hồng khi rủ thêm được người chơi (kiểu đa cấp) như trên không phù hợp với chính sách của Nhà nước về hụi (họ) là nhằm mục đích tương trợ trong nhân dân. (Luật sư Trương Anh Tú, văn phòng luật sư Trương Anh Tú, đoàn luật sư Hà Nội)
Sỹ Hào
Hùng Sơn- Lê Hiền
Theo VB
Dồn sức chống "giặc"... hạn
Ngay sau khi chủ trì Hội nghị tổng kết công tác xây dựng cụm tuyến dân cư vượt lũ tại ĐBSCL, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng trở ra Nam Trung Bộ trực tiếp kiểm tra tình hình khô hạn tại một số địa phương ở Ninh Thuận; làm việc với tỉnh Ninh Thuận, Khánh Hòa về các giải pháp chống hạn.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải thị sát tình hình hạn hán tại Ninh Thuận. Ảnh: VGP/Nguyên Linh
Hiện nay, Chính phủ, chính quyền địa phương và người dân Ninh Thuận, Khánh Hòa... - vùng đất khô hạn nhất nước đang phải dồn sức chống chọi với nạn hạn hán khốc liệt nhất trong vòng 10 năm qua.
Ngay từ đầu năm nay, tình hình khô hạn ở Ninh Thuận đã hết sức căng thẳng, 20 hồ chứa nước- nguồn sống của bà con Ninh Thuận bị cạn, đất nông nghiệp buộc phải bỏ hoang, nông dân mất dần sinh kế, đời sống đảo lộn.
Do cạn kiệt nguồn nước cho sinh hoạt và sản xuất, nhiều làng, xã ở Ninh Thuận, Khánh Hòa, Phú Yên giờ chỉ còn người già và trẻ con. Đồng ruộng khô cháy, nứt nẻ. Hàng nghìn ha hoa màu, ruộng lúa bị bỏ hoang. Đàn gia súc quay quắt vì thiếu thức ăn, nước uống... Cư dân địa phương buộc phải tha hương... "làm thơ" (giọng địa phương "làm thuê" phát âm nghe giống "làm thơ") kiếm sống qua ngày, chờ trời đổ mưa.
Theo dự báo, năm nay là năm khô hạn đỉnh điểm trong 10 năm trở lại đây ở Ninh Thuận. Ngay từ đầu tháng 1/2015, tổng dung tích các hồ chứa nước ở Ninh Thuận chỉ còn 40 triệu m3, đạt 20% dung tích thiết kế.
Trong bản tin mới nhất về tình hình hạn hán tại Nam Trung Bộ, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn TW cho biết, một số các sông suối nhỏ ở Ninh Thuận đã khô kiệt, không còn nước. Tình hình khô hạn, thiếu nước vẫn tiếp tục xảy ra ở các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận.
Tính đến ngày 10/4, dung tích trữ của hầu hết các hồ chứa thủy lợi ở Ninh Thuận chỉ đạt dưới 20% dung tích thiết kế, các hồ ở Khánh Hòa, Bình Thuận đạt trung bình khoảng 30-40% dung tích thiết kế...
Lường trước những khó khăn do biến đổi khí hậu, hạn hán diện rộng gây ra, ngay từ đầu năm 2015, Lãnh đạo Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương đã có những chỉ đạo và giải pháp cụ thể để ứng phó với giặc hạn.
Tại địa phương, lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận cho biết, các biện pháp tiết kiệm nước đã được tính toán và ráo riết thực hiện song hành với việc tiến hành gieo trồng, tưới tiêu có địa chỉ ngay từ đầu năm. Bên cạnh đó, việc chuyển đổi cây trồng, vật nuôi theo hướng tiết kiệm nước vốn được thực hiện trong những năm qua, nay lại tiếp tục được thực hiện triệt để...
Tuy nhiên hạn hán kéo dài, dù tiềm lực có hạn, tỉnh phải tiến hành hỗ trợ cứu đói, cấp nước sinh hoạt, bổ sung kinh phí đào ao, hồ cung cấp nước lâu dài đối với hàng loạt địa bàn, hàng ngàn hộ dân trong tỉnh, đồng thời đề nghị Trung ương ứng cứu!
Từ phía cơ quan TW, bên cạnh việc kịp thời văn bản chỉ đạo, gỡ vướng cho địa phương (từ đầu năm), Lãnh đạo Chính phủ và thành viên Chính phủ liên tục thị sát, bám sát cơ sở để có những quyết định kịp thời nhất nhằm tiếp sức cho nhân dân và chính quyền địa phương chống hạn.
Ngay từ những ngày cuối năm 2014, Bộ NNPTNT đã có văn bản chỉ đạo phòng chống thiếu nước cho gia súc các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên; chỉ đạo các địa phương lên kế hoạch ứng phó hạn hán diện rộng. Trong Chỉ thị về tổ chức đón Tết Nguyên đán Ất Mùi (tháng 2/2015), Bộ trưởng Bộ NNPTNT cũng yêu cầu Sở NNPTNT các tỉnh triển khai ngay các biện pháp chống hạn.
Chỉ tính riêng trong tháng 3, đầu tháng 4/2015, Lãnh đạo Chính phủ và thành viên Chính phủ cũng liên tục thị sát, chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương huy động tổng lực chống hạn.
Ngày 10/3/2015, Văn phòng Chính phủ phát công văn số 1634/VPCP-KTN thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải với các Bộ: NN&PTNT, TN&MT, Công Thương, Tài chính về phòng, chống hạn, xâm nhập mặn đảm bảo cấp nước phục vụ, sinh hoạt, sản xuất.
Ngày 14/3, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải trực tiếp thị sát tại các "điểm nóng" về nước ở Ninh Thuận, Khánh Hòa. Trong buổi làm việc với địa phương sau đó, ông yêu cầu "tuyệt đối không để dân đói, dân khát".
Đồng thời, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải quyết định hỗ trợ 40 tỷ đồng để thực hiện các biện pháp cứu đói, cấp nước cùng 30 tấn ngô giống, 300 tấn gạo cấp cho người dân ở các khu vực đặc biệt khó khăn...
Trong Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2015 (phát hành ngày 5/4), Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ NN&PTNT, các Bộ và địa phương cần tiếp tục tập trung triển khai công tác phòng, chống hạn, hỗ trợ địa phương vượt qua khó khăn do hạn hán trong thời gian tới.
Ngày 6/4, Bộ trưởng NNPTNT Cao Đức Phát cùng bà Victoria Kwakwa - Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam khảo sát tình hình khô hạn tại Ninh Thuận... Sau đó, đại diện WB cam kết sẽ cử chuyên gia phối hợp với tỉnh bàn thảo cụ thể những giải pháp chống hạn hữu hiệu để có thể tiếp cận các khoản vay từ ngân hàng này.
Ngày 10/4, Văn phòng Chính phủ thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại Hội nghị tổng kết công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2014, triển khai nhiệm vụ công tác năm 2015. Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu tiếp tục triển khai các biện pháp phòng, chống hạn, nhất là đối với các tỉnh khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên; đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng tiết kiệm nước trong sản xuất và sinh hoạt, chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp nhằm chủ động ứng phó với tình hình khô hạn.
Hôm nay và ngày mai (13-14/4), ngay sau khi chủ trì Hội nghị tổng kết công tác xây dựng cụm tuyến dân cư vượt lũ tại ĐBSCL, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng trở ra Nam Trung bộ thăm đồng bào, trực tiếp kiểm tra tình hình khô hạn tại một số địa phương ở Ninh Thuận; làm việc với tỉnh Ninh Thuận, Khánh Hòa để tìm giải pháp chống hạn.
Tình hình hạn hán tại Nam Trung Bộ do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu được dự báo ngày càng khốc liệt hơn, nhưng với sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương, sự chung tay của bạn bè quốc tế,... những giải pháp căn cơ, vừa giải quyết khó khăn trước mắt, vừa bảo đảm đời sống ổn định lâu dài cho người dân địa phương chắc chắn sẽ sớm được ban hành, thực thi để tiếp sức cho đồng bào Nam Trung Bộ vượt qua đỉnh hạn, ổn định cuộc sống lâu dài.
Bình Minh
Theo_Báo Chính Phủ
Bộ trưởng Lao động thừa nhận việc tăng lương vẫn nặng tính hình thức Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền thừa nhận tiền lương so với yêu cầu mức tối thiểu mới đạt trên 60%. Nâng lương lần này chưa phải đã thỏa đáng, chưa đáp ứng được yêu cầu giải quyết vấn đề cơ bản của tiền lương. Là người cuối cùng trong 4 vị tư lệnh ngành trả lời chất vấn trước Quốc hội kỳ...