Chơi đâu khi du lịch Thái Bình?
Dù không có thế mạnh về du lịch, Thái Bình đang dần trở thành điểm đến thu hút du khách với những bãi biển nguyên sơ, bề dày văn hóa lịch sử…
Chùa Keo
Chùa Keo, có tên chữ là Thần Quang Tự, cách trung tâm thành phố Thái Bình khoảng 15km, chùa Keo tọa lạc bên bờ sông Thái Bình quanh năm hiền hòa, thuộc xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư.
Toàn cảnh chùa Keo nhìn từ trên cao. Ảnh: Sở Du lịch Thái Bình
Được xây dựng từ thời vua Lê Trung Hưng năm 1632, chùa Keo được đánh giá là ngôi chùa cổ có quy mô rộng lớn bậc nhất ở Vệt Nam, toàn bộ ngôi chùa được làm bằng gỗ lim, không sử dụng đinh tán mà chỉ dùng mộng gỗ ghép lại với nhau, qua mấy trăm năm nhưng toàn bộ kiến trúc gỗ vẫn rất chắc chắn.
Với những giá trị lịch sử, kiến trúc độc đáo, chùa Keo Thái Bình đã được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt năm 2012, được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2017 và đặc biệt Hương án chùa Keo Thái Bình đã được công nhận là Bảo vật quốc gia vào tháng 12.2021.
Gác chuông bằng gỗ độc đáo của chùa Keo. Ảnh: Sở Du lịch Thái Bình
Hàng năm, chùa có 2 ngày hội chính là hội Xuân vào mùng 4 tháng Giêng và hội Thu vào trung tuần tháng 9 Âm lịch với nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật gần gũi với nét sinh họat của người dân Thái Bình cùng những nghi lễ truyền thống.
Khu Lưu niệm nhà bác học Lê Quý Đôn
Là điểm đến của cầu truyền hình VTV trong trận Chung kết Đường lên đỉnh Olympia năm 2022, Khu Lưu niệm nhà bác học Lê Qúy Đôn cách thành phố Thái Bình khoảng 35km, thuộc xã Độc Lập, huyện Hưng Hà. Đây là nơi lưu giữ, bảo tồn những hiện vật, dấu tích của nhà bác học Lê Qúy Đôn
Video đang HOT
Khu Lưu niệm Nhà bác học Lê Qúy Đôn. Ảnh: Sở Du lịch Thái Bình
Khu lưu niệm cổ gồm 3 công trình: từ đường danh nhân văn hóa Lê Qúy Đôn, lăng mộ Lê Trọng Thứ (thân phụ của nhà bác học Lê Quý Đôn), và hồ Lê Quý.
Dù đã được xây dựng thêm khu tưởng niệm mới, khánh thành nhân dịp kỉ niệm 293 năm ngày sinh Nhà bác học Lê Quý Đôn năm 2019, song nơi đây vẫn mang đậm nét cổ kính bởi khu di tích cổ trước đó vẫn còn nguyên vẹn từ bia đá viết vào năm 1860 đến lăng mộ của phụ thân nhà bác học vẫn được bảo tồn và lưu giữ. Khu Lưu niệm nhà bác học Lê Quý Đôn đã được xếp hạng Di tích quốc gia từ năm 1986.
Lăng mộ cụ Lê Trọng Thứ vẫn giữ được nét rêu phong cổ kính. Ảnh: Du lịch Thái Bình
Nhà thờ Chính tòa Thái Bình
Nằm ngay trung tâm thành phố, Nhà thờ Chính tòa Thái Bình có lối kiến trúc đẹp và độc đáo nhất Việt Nam, được xây dựng từ năm 1906, có diện tích lên đến hơn 1.500m2.
Nhà thờ chính tòa là một công trình kiến trúc khá bắt mắt với 2 tầng nhà, dài gần 70m và rộng 18m lòng, đủ để trưng bày nội thất bên trong nhà thờ và khu làm lễ. Bên ngoài nhà thờ còn chừa thêm 3m hành lang, để du khách có thể tản bộ, thăm quan trọn vẹn vẻ đẹp của nhà thờ.
Nhà thờ Chính tòa Thái Bình. Ảnh: Du lịch Thái Bình
Trong khuôn viên nhà thờ là linh đài Đức Mẹ Lavang. Một bức tượng đài được mô phỏng theo linh đài ở thánh địa Lavang và đây cũng là điểm nhấn, thu hút sự quan tâm của du khách khi tới nhà thờ chính tòa Thái Bình.
Tuy không quá đồ sộ và nổi bật, nhưng sự bình yên và không gian thiêng liêng nơi đây sẽ mang đến cho du khách những trải nghiệm thú vị.
Tượng đài “Bác Hồ với nông dân Việt Nam”
Khánh thành tháng 12.2021, tượng đài được xây dựng trên Quảng trường Thái Bình, công trình như một biểu tượng cho niềm tin yêu, tình cảm kính trọng của giai cấp nông dân Việt Nam và nhân dân Thái Bình đối với Bác Hồ.
Cận cảnh tượng đài “Bác Hồ với nông dân Việt Nam” . Ảnh: Du lịch Thái Bình
Công trình được làm với chất liệu bằng đá xanh, Bác Hồ ở vị trí trung tâm với chiều cao đến 5,04m, cùng nhóm 12 nhân vật đại diện cho các thế hệ đứng xung quanh Bác.
Các mảng phù điêu của tượng đài là những hình ảnh về nông thôn, nông dân Việt Nam ở khắp mọi miền đất nước và một số hình ảnh đặc trưng của Thái Bình. Ngoài tượng đài, du khách đến đây có thể tham quan Đền thờ Bác Hồ, công viên cây xanh trong lành, thoáng mát.
Toàn cảnh tượng đài nhìn từ trên cao. Ảnh: Du lịch Thái Bình
“Biển vô cực” Thái Bình
Cách trung tâm thành phố khoảng 40km, bãi biển Quang Lang và Thụy Xuân, thuộc huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình gần đây được du khách cả nước gọi là “biển vô cực”.
Bởi khi bình minh lên, cả bãi biển như tấm gương khổng lồ, phản chiếu bầu trời dài bất tận, cùng với nét đẹp lao động chân chất của người nông dân hiện lên lung linh dưới ánh nắng bình minh khiến ai cũng phải rung rinh trước sự kì diệu của thiên nhiên.
“Biển vô cực” Thái Bình. Ảnh: Haf Lee
Tuy nhiên, để chinh phục “biển vô cực” thành công, bạn cần phải nghiên cứu trước mực nước của ngày hôm đó để săn được “biển vô cực” đẹp nhất. Vì phải đi bộ khá xa nên cần hạn chế tối đa hành lý để không gặp khó khăn khi di chuyển
Ấn tượng bãi biển Thụy Hải, Thái Bình
Bãi biển Thụy Hải (Thái Thụy, Thái Bình) nằm cạnh cửa sông Diêm Hộ, một nhánh sông nhỏ của sông Hồng với đặc trưng là bãi cát bồi màu nâu, có độ phẳng và trải rộng như một tấm gương soi khổng lồ phản chiếu cảnh vật.
Thời gian gần đây, bãi biển Thụy Hải nổi lên như một điểm du lịch mới lạ, độc đáo, thu hút du khách đến khám phá, trải nghiệm, có nhiều bức ảnh đẹp được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội.
Du khách được chiêm ngưỡng và trải nghiệm khung cảnh thiên nhiên trời nước giao hòa lúc mặt trời mọc tại bãi biển Thụy Hải. Nguồn ảnh: Tô Mạnh
Qua kiểm tra, khảo sát thực tế, vùng bãi biển này có diện tích khoảng 2.000ha, nằm trên địa bàn 02 xã: Thụy Hải (khoảng 1.110 ha) và Thụy Xuân (khoảng 870 ha). Thời điểm xuất hiện khung cảnh thiên nhiên đẹp nhất tại bãi biển là khoảng thời gian từ 4h30 - 6h sáng, khi mặt trời bắt đầu nhô lên, cùng lúc thủy triều xuống thấp, thì giữa bãi biển và bầu trời dường như không còn ranh giới, tạo ra cảnh quan như một tấm gương khổng lồ phản chiếu, kết hợp với hình ảnh người dân lao động, khai thác hải sản trên bãi triều sẽ tạo ra khung cảnh rất đẹp. Theo báo cáo của UBND xã Thụy Hải, xã Thụy Xuân và kinh nghiệm của người dân, thời gian du khách thăm quan, khám phá, trải nghiệm đẹp nhất trong năm là từ tháng 3 đến tháng 9 âm lịch hàng năm (theo lịch thủy triều); các tháng mùa Xuân và mùa Đông không có ánh nắng mặt trời, nên không thích hợp cho việc tham quan, trải nghiệm.
Trong thời điểm vừa qua, mặc dù tình hình thời tiết không thuận lợi, nhưng rất nhiều du khách đã nô nức đến với biển Thụy Hải, Thụy Xuân để tham quan, khám phá, trải nghiệm. Nắm bắt được tình hình đó, UBND xã Thụy Hải, xã Thụy Xuân đã chỉ đạo, phân công lực lượng đảm bảo công tác an ninh trật tự, an toàn cho du khách, sắp xếp người trông coi xe và làm công tác vệ sinh môi trường. Việc ăn, nghỉ, đi lại của du khách còn khó khăn do địa phương chưa có nhiều dịch vụ; mặt khác, mặc dù dịp đó mực nước triều cao nhưng nhiều du khách không nắm được lịch thủy triều nên không được chiêm ngưỡng và trải nghiệm khung cảnh thiên nhiên trời nước giao hòa lúc mặt trời mọc. Mặc dù không có được những bức ảnh đẹp, nhưng phần lớn du khách đều háo hức với những trải nghiệm mới lạ và rất mong muốn quay trở lại.
Thủy triều xuống thấp, giữa bãi biển và bầu trời dường như không còn ranh giới, tạo ra cảnh quan như một tấm gương khổng lồ phản chiếu, kết hợp với hình ảnh người dân lao động, khai thác hải sản trên bãi triều sẽ tạo ra khung cảnh rất đẹp. Nguồn ảnh: Tô Mạnh.
Để được chiêm ngưỡng và trải nghiệm khung cảnh thiên nhiên đẹp của bãi biển, trước khi du khách có ý định về với biển Thụy Hải cần theo dõi dự báo thời tiết và tra cứu lịch do địa phương cung cấp, hoặc lịch thủy triều Hòn Dáu, ngày đi được là ngày có mực nước thấp (theo lịch thủy triều Hòn Dáu) từ 1,2 mét trở xuống, còn nếu thời tiết không thuận lợi thì du khách không nên khởi hành. Du khách nên sắp xếp thời gian di chuyển cho phù hợp để khoảng 04 giờ sáng có mặt tại đê biển 8 và bắt đầu xuất phát ra bãi biển, đi qua rừng ngập mặn theo đường dân sinh khoảng trên 03 km thì đến bãi. Đường qua rừng ngập mặn có bề mặt bùn trơn trượt và nhiều khi cần lội nước, du khách nên chuẩn bị sẵn 1 đôi ủng, giày nhựa hoặc đi tất dày. Đồng thời, do đây là điểm tham quan du lịch mới, chưa có đầy đủ các loại hình dịch vụ phục vụ, nên du khách cần chủ động chuẩn bị các điều kiện sinh hoạt như: đồ ăn, nước uống, ủng, giày nhựa, tất chân, dầu gió, máy chụp ảnh, ghế ngồi... và các vật dụng cần thiết khác.
Cách Tanzania làm du lịch safari: Tạo thêm nhiều trải nghiệm độc đáo để thu hút du khách Du lịch đóng góp hơn 10% tổng GDP của Tanzania và tạo công ăn việc làm cho khoảng 623.000 người vào năm 2019. Một nghiên cứu của trường Đại học African Leadership (ALU), Tanzania thu được 2,6 tỷ USD từ 1,5 triệu du khách vào năm 2019. Ngành du lịch của quốc gia Đông Phi này đã tạo công ăn việc làm cho...