Choáng với trà chanh “chém gió, khoe hàng”
Đám nam thanh nữ tú, ăn mặc sành điệu, xế hộp chưa tới nhưng từ LX, SH, đến Wave “ghẻ”, “rim” tàu dựng tràn đường. Chém gió cứ gọi là tắt hết cả… bật lửa zippo, nào hôm qua đi chơi với em 9X, “hàng họ” ngon thế nào, hôm kia sinh nhật thằng bạn bay lắc…
Các cô nàng thì y chang một phong cách giống nhau, mắt kẻ đen sậm, lót thêm miếng áp tròng cho giống búp bê, lông mi dán cong vút, dày cộp, áo lệch một bên vai, tay xách theo túi LV, Hermes hàng “phếch”, đi đứng như Paris Hilton chuẩn bị sải bước thảm đỏ, cứ gọi là há mỏ nghe các chàng chém, chớp chớp mắt rất ra vẻ thỏ non rình cáo. Một bộ phận thanh niên ngày nay đang phí thời gian vào những cuộc giải trí trà chanh vỉa hè vô bổ như thế này.
Phi chém bất thành… trà chanh!
Tối nào cũng vậy, từ phố trà chanh nhà thờ đường Lý Quốc Sư đến Lương Ngọc Quyến, Đào Duy Từ và rải rác khắp các phố cổ Hà Nội đông nghìn nghịt nam thanh nữ tú, nhiều nhất là teen.
Trà chanh chỉ là cái cớ, một cốc nước trà loãng toẹt, thêm tí đường, vài lát chanh, có giá từ 8.000 đến 15.000 đồng, một đĩa hạt dưa hoặc hướng dương, nam thanh thì thêm vài điếu thuốc, thế là đã có một buổi tán gẫu vui như tết, tha hồ chửi tục, nói bậy, chém gió túi bụi. Hình như đó là một nhu cầu… xả, hay gọi một cách hình tượng hơn là… thoát xác của một bộ phận giới trẻ hiện nay.
Giống như nhu cầu của cánh đàn ông trung niên, cuối buổi chiều nhất định phải gặp nhau làm vài vại bia hơi trước khi về nhà ăn cơm với vợ, thì đám thanh niên hoi cũng vậy, phải gặp bạn bè để “chém”, thậm chí chỉ cần vác thêm cô người yêu ra quán trà chanh, ngồi im nghe dân tình xung quanh “chém” cũng là thỏa mãn lắm rồi.
Các quán trà chanh tại phố Nhà Thờ luôn đông khách teen.
Hàng loạt chuyện trên giời dưới bể, nhưng chủ yếu vẫn xoay quanh câu chuyện muôn thuở: “hàng họ”, “gái mú”, “lô đề, bóng bánh”, và xe cộ, toàn những thể loại “khủng long” hàng mấy tỉ, chả liên quan tới mấy con rim “ghẻ”, Wave “chiến” dựng ngoài đường, bọn con trai kể cho bọn con gái, đơn giản và tự nhiên như một phần tất yếu của cuộc sống.
Một tối ép mình lê la giữa cái chốn vỉa hè đầy bụi và ngập tràn “hơi thở cuộc sống” ấy, tôi bỗng thấy mình già nua và lạc hậu vô cùng, khi nghe họ hồn nhiên nói chuyện, bàn luận về sex không chút ngượng mồm.
Đám con gái cũng nhao vào hưởng ứng một cách cuồng nhiệt. Đến giờ cơm chẳng ai buồn về, các chàng không phải nấu cơm đã đành, các nàng cũng không phải về nhà nấu cơm nốt (chắc việc ấy dành cho osin). Chợt giật mình vì một lối sống bị buông lỏng quản lý đến kinh hãi.
Đêm thứ bảy: 22h. Đám thanh niên cả nam lẫn nữ ngồi cạnh chúng tôi vừa “chém” vừa chửi thề, câu chuyện của họ đang nhắc tới một nữ sinh lớp 9, họ chỉ nói với nhau 3 câu nhưng đồ rằng ai cũng đoán được nội dung: “Mày chén nó chưa?”. “Chưa”. “Thế thì tối nay gặp, chén phát cho máu”.
Nhưng hình như anh chàng kia nhát gan hơn nên sau một hồi rất lâu suy tư, đành trả tiền mấy cốc nước, mấy đĩa hạt dưa, rồi lèm bèm một câu nghe đến tủi: “Gái mú là phù du, thầy u mới là tất cả”. Rất lõm bõm, nhưng tôi nghe được, các chàng và các nàng mới đang là học sinh lớp 11.
Còn đám thanh niên ngồi bên trái, sau khi chém chán chê, hò nhau đứng dậy. Tưởng họ về, ai dè một thằng con trai rủ cả hội sang bên kia cầu… nghỉ. Nhìn họ, cùng lắm là vừa tới 20 tuổi, tất nhiên chưa chồng chưa vợ, nhưng đã có lịch sinh hoạt như… người lớn. Lạ là ngồi suốt buổi tối, tôi căng tai ra nghe trộm nhưng không thấy cô cậu nào bị bố mẹ tróc nã gọi về. Chỉ thấy họ nghe những cuộc điện thoại của bạn bè.
Video đang HOT
Từ trà chanh vỉa hè, các vấn đề xã hội được đem ra “chém gió” nhiệt tình.
Và, chao ôi là chửi thề. Cá rằng, nếu các nhà xã hội học làm một cuộc điều tra về “văn hóa chửi bậy” thì có lẽ ở các quán trà chanh này là số 1 về cấp độ và mật độ. Lời “ngọc”, ý “ngà” cứ phun ra ào ào từ những khuôn miệng rất xinh của cả nam lẫn nữ.
Có rất nhiều kẻ đang luyên thuyên chém tắt hết cả đèn đường thực chất đang trong trạng thái… ảo tung chảo. Vào bar, lên sàn đập đá mới có nguy cơ bị Công an tóm, chứ cứ ra chém gió ngoài vỉa hè, khó bị đưa vào tầm ngắm. Nếu có bị xử lý, họa hoằn lắm chỉ là bị phạt vì cái tội để xe dưới lòng đường. Thế nên, như một thời đám choai choai vác cả tài mà ra vỉa hè ngồi hút, giờ thì rất nhiều kẻ phê pha chán chê ở đâu đó rồi cũng mò ra trà chanh để xả.
Và show hàng
Trà chanh giống như một hiệu ứng tâm lý đám đông, ví như một thời đám sinh viên, học sinh thích tìm đến trà sữa trân châu Đài Loan. Khi trà sữa hạ nhiệt là lúc trà chanh lên ngôi. Giải khát chỉ là cái cớ, rất nhiều lý do để rủ nhau túm năm tụm ba ở hàng trà chanh: Gặp gỡ, buôn chuyện, chém gió, thậm chí không có việc gì làm, rảnh quá cũng ra trà chanh ngồi cho đỡ… buồn.
Được nghe thiên hạ chém gió, và đặc biệt được ngắm gái đẹp, nhất là giữa mùa hè này, các nàng diện quần sooc, áo ba lỗ, váy ngắn, da thịt trắng ngần cứ phơi phới trước mắt. Hình xăm từ 3D đến 4D, lại có cả phát quang, tối cứ nhấp nha nhấp nháy như ma trơi. Chả biết có… bổ mắt hay không nhưng ngập tràn những lời bình luận khiếm nhã từ đám đàn ông.
Không biết từ bao giờ, dân tình đã truyền nhau “kinh nghiệm”: Muốn ngắm gái đẹp, hot girl thì ngồi trà chanh. Tuy là vỉa hè thật, nhưng gái xinh cũng nhiều và giống nhau đến nản.
Các cô nàng đều có một búi tóc cao vút giữa đỉnh đầu, lông mi giả dày cộp, váy ngắn, áo lệch vai, tay nhất định là phải xách thêm chiếc túi hàng “phếch”, guốc cao mười mấy phân, đi đứng giống hệt các cô ca sĩ, người mẫu cỡ Hoàng Thùy Linh, thỉnh thoảng lại bắt gặp một hình xăm 3D quả sơ ri đậu trễ nải ngay trên bầu ngực. Còn các chàng thì kiểu gì cũng phải lấp ló sau ống tay áo cộc là một hình xăm hoa văn, tóc nhum nhủm giữa đầu, hai bên cạo trắng. Như những bản sao nam ca sĩ Hàn Quốc, không thấy họ có gì là “bản sắc”.
Trà chanh ở Hà Nội, ban đầu chỉ là hai hàng cạnh nhau gần nhà thờ, sau phát triển ở khắp các phố phường. Sầm uất nhất phải kể đến Đào Duy Từ, Lương Ngọc Quyến, Cát Linh, Giảng Võ, Ngã Tư Sở (chỉ riêng khu vực Ngã Tư Sở có tới gần 20 hàng trà chanh). Buổi tối, dọc phố Huế lên tới Bờ Hồ, thanh niên ngồi kín hàng trà chanh, và đây chính là “cổ động viên” phấn khích nhất chuyên cổ vũ các đối tượng đua xe tuyến đường này. Không có cổ động viên thì các tay đua có khi chỉ rú ga theo cơn, nhưng khi có người xem, lập tức, nhiều tay đua nhiệt tình thể hiện.
Cơn sốt trà chanh hiện đã lan ra các tỉnh, trên mạng người ta còn thành lập hẳn “hội trà chanh chém gió Hải Dương”, “trà chanh chém gió Hải Phòng”, “trà chanh chém gió Quảng Ninh”. Chẳng phải vì yêu thích gì cái món nước (đến 90% là nước lã, pha thêm tí chè, tí đường, tí đá, vài lát chanh, có vị chát chát, chua chua), mà cái chính là gặp nhau ở đấy tha hồ chém, tha hồ ngắm gái xinh, tha hồ nghe các câu chuyện trên giời dưới biển.
Hàng trăm người đổ về mỗi tối ở quán trà chanh gần nhà thờ, nhân với từng ấy quán ở khắp địa bàn Hà Nội này, cho thấy, một số lượng khủng khiếp nam thanh nữ tú cứ rảnh là đi chém gió. Con trai chém đã đành, con gái cũng buôn dưa lê suốt buổi. Lạ một điều, họ đều là những người trẻ, nhiều người có học, nhưng không ai thấy lăn tăn khi bưng một cốc nước (đầy nghi vấn về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm) uống một cách thản nhiên.
Nếu hỏi những kẻ đang ngồi trà chanh sợ gì nhất, xin thưa, không phải là sợ vi trùng, virus lấp ló trong mỗi cốc trà chanh, mà họ sợ nhất giữa lúc cơn chém đang lên cao trào, lại phải cầm cốc, cắp ghế chạy cơ quan chức năng vì cái tội lấn chiếm vỉa hè, lòng đường. Khi cơ quan chức năng đi rồi, là lúc cơn chém lên đến đỉnh.
Nhiều kẻ có khi chỉ nghe chuyện của ai đó cũng lấy làm của mình: “Hôm qua đi về muộn, bị các chú dân phòng giữ xe, tức mình cầm gạch ném vào đầu một chú, không biết chú ấy có bị làm sao không. Giờ thấy ân hận quá”. Đại loại là những câu chuyện rất vơ vào, thậm chí có kẻ đọc thông tin mới nhất trên mạng, rằng cậu ấm đi thi đại học bằng siêu xe ở Hải Dương, được có 5 điểm, thiếu gia ở đất Lạng Sơn thì được 7 điểm. Và kiểu gì kết thúc mỗi câu chuyện này, người kể cũng có tí liên quan: “Bố nó ngày xưa chơi với ông anh em”.
Lẽ ra, buổi tối là thời gian các em học sinh, sinh viên phải ở nhà học và chịu sự quản lý của gia đình, nhưng hình như rất nhiều chàng trai, cô gái đều đặn có mặt ở hàng trà chanh mỗi tối không phải học và cũng không bị gia đình gọi về. Họ được tự do sống theo ý thích của mình. Thói quen ăn uống vỉa hè rất xấu đã hình thành ở một bộ phận giới trẻ này, kéo theo đó là thứ văn hóa vỉa hè dần bị tiêm nhiễm.
Nói tục, chửi bậy – hình như là một thứ “đặc sản” rất sẵn ở các hàng trà chanh. Dù bạn không nói tục, nhưng những người xung quanh bạn không ngại ngần tuôn ra những lời lẽ khó nghe. Một lần bạn thấy lạ, hai lần bạn thấy bình thường, đến lần thứ ba bạn thấy vô cùng bình thường, thậm chí là vô cảm. Bạn đã bắt đầu vô cảm với cái xấu, vô cảm với những câu chuyện ăn chơi hằng ngày nơi quán trà chanh bạn nghe được. Không lứa tuổi nào dễ bị tiêm nhiễm và học theo nhanh như tuổi teen. Mà ngồi trà chanh bây giờ, teen phải chiếm đến 90%.
Theo VietNamNet
Khi teen "chém gió tung trời" thành tích bất hảo
K liên tiếp kể về những thành tích "tung trời" của mình suốt quãng thời gian làm việc tại Đà Nẵng từ việc thử thuốc lắc, thử chơi pin cho đến những thú vui nhẹ nhàng hơn: đánh bạc, lên "sàn"...
Tôi gặp lại người anh họ tên Nguyễn Khắc K (1992, Hưng Yên) khi K từ Đà Nẵng ra Hà Nội. Đi làm cả năm trời nhưng khi vừa gặp lại, sau những màn chào hỏi khách sáo, K đi thẳng vào chủ đề: "Mày còn tiền không cho anh vay tạm mấy trăm?" Nghe câu hỏi ấy, tôi cũng giật nảy cả người: "Anh đi làm bấy lâu, tiền thì thiếu gì?"
"Tiền thì không thiếu nhưng tiêu hết ở trong đó rồi, giờ anh ra ngoài này tìm việc. Mày có bao nhiêu thì cứ đưa tạm cho anh. Lúc nào có anh trả ngay", K nhanh nhảu đáp lại.
Liền sau câu nói ấy, K liên tiếp kể về những thành tích "tung trời" của mình suốt quãng thời gian làm việc tại Đà Nẵng từviệc thử thuốc lắc, thử chơi pin cho đến những thú vui nhẹ nhàng hơn: đánh bạc, lên "sàn"...
"Ở trong đó, bọn thanh niên lạ lắm, nó không chú ý ăn mặc sao cho đẹp nhưng hễ đi đâu là phải rút ra cả cục tiền. Anh mày vào đó, mặc đồ đẹp lại còn bị chê là "hai lúa" đấy!", K vừa nói vừa cười giòn tan.
Thế rồi khi được hỏi về những thú ăn chơi mà ông anh này đã từng thử, K không ngần ngại: "Thuốc lắc mới dùng thì chỉ nên dùng nửa viên là cũng đủ "phê" lắm rồi. Còn pin (cỏ tài mà) nó như sợi thuốc lào ý, cái này anh mới dùng thử, thấy cũng "ảo" lắm!"
Câu chuyện cứ thứ kéo dài, K mải mê kể những "chiến tích" của mình không quên những cái vênh mặt và nụ cười ngạo nghễ. Nếu bình thường, người ta coi đấy là những thứ chẳng tốt đẹp gì và cần phải giấu giếm thì K lại muốn "phô" ra để khoe thành tích của một dân chơi thứ thiệt.
Sành điệu ở đâu không thấy nhưng trong suốt một năm đi làm xa (công việc là dán điện thoại), K chỉ gửi cho mẹ ở quê duy nhất 5 triệu đồng. Thấy con ngoan ngoãn làm ăn, bố K vui vẻ gửi vào cho con chiếc xe máy gần hai chục triệu đồng nhưng sau đó chính bố K lại là người phải gửi tiền vào để con chuộc xe máy rồi nhờ người quen gửi gấp về quê.
Mới 16 tuổi, chưa tốt nghiệp Trung học cơ sở, mới từ quê ra Hà Nội đượcngót nghét 2 năm nhưng Nguyễn Tất X (Hải Dương) cũng luôn cố tỏ ra mình là dân sành điệu. X làm nhân viên phục vụ cho một quán bia trên đường Nguyễn Khánh Toàn (quận Cầu Giấy, Hà Nội) nhưng luôn diện trên mình những bộ quần áo hợp mốt, đậm chất dân chơi thông qua những chi tiết loang lổ, xẻ ngang xẻ dọc đầy táo bạo. Đầu tóc X luôn trong trạng thái dựng đứng và có nhiều thứ màu hỗn tạp.
Để chứng tỏ cho đẳng cấp của mình, X không quên kể hết cho mọi người những thành tích "giang hồ" hơn một năm về trước - khi đó X cùng mấy người bạn ở quê thuê trọ gần khu vực cầu Long Biên.
"Cả nhóm tao khi ấy có 4 thằng, thằng nào cũng lười nên không thèm đi tìm việc. Thế là cả bọn hò nhau đi chặn đường bọn học sinh cấp 2 để lấy điện thoại. Bọn ấy nhà thì giàu mà toàn dùng Quy (Q Mobile) nên cũng chẳng bán được bao nhiêu. Về sau cả bọn quyết định đi rình xem có ai sơ hở là dắt trộm xe máy. Kế hoạch là vậy nhưng chưa kịp thực hiện thì bị gọi về quê, rồi mỗi đứa một nơi".
Giọng của X vẫn chưa hết trẻ con nhưng luôn cố tỏ ra đanh thép. Dẫu biết tôi lớn tuổi hơn nhưng X vẫn chỉ xưng tao - mày để tạo cảm giác bằng vai phải lứa.
Không có những lần chơi thuốc, đi bar, trấn lột... "chiến tích" khiến H (1994, Thái Bình) tự hào là những lần đi đánh nhau và tán gái: "Trông em thế này thôi nhưng tán gái hơi bị "siêu" đấy. Trong hội bạn của em ở quê thì em là đứa từng có nhiều bạn gái nhất và cũng bị nhiều đứa con gái theo đuổi nhất. Em không tán thì thôi chứ tán em nào là em ấy gục ngay", vừa nói cu cậu vừa vung tay lên chém thật mạnh vào không trung.
Khi được hỏi về hội bạn đồng trang lứa của H ở quê, H nói nhỏ: "Bạn em hầu hết là nghỉ học rồi, mỗi đứa đi một nơi nhưng hễ có cơ hội là tụ họp. Riêng cái khoản tụ họp rồi đánh đấm thì đố ai hơn được chúng nó. Thằng nào trong làng mà vênh vênh là chết với bọn em ngay".
Khi nghe hàng loạt những câu chuyện của H, tôi cũng chỉ dám tin phần nào, cái thành tích đánh đấm của H tôi đã từng nghe nhiều người (trong đó có bố H nói qua) còn cái vụ tán gái kia thì tôi không biết có nên tin không nữa.
Chỉ có điều, tôi nhận ra: cả K, X và H đều chỉ là những dân chơi nửa mùa. Gia đình họ đều làm nông, không giàu có, thậm chí có người còn nghèo khó. Tuy nhiên, bệnh của họ là bệnh "thành tích", là chứng khoe khoang khó chữa, là tật đua đòi chạy theo mốt, theo phong trào.
Đó là lý do tại sao cho đến giờ này, sau những tháng làm việc vất vả, túi tiền của K vẫn sạch trơn, X thì lông bông còn H thì vẫn chưa tìm được cô gái nào thực sự có cảm tình với mình.
Những người có tuổi khi nghe một vài câu chuyện khoe "chiến tích" ấy chắc chắn sẽ không khỏi thất vọng về lối sống buông thả của một bộ phận giới trẻ. Chưa ai biết mọi chuyện rồi sẽ kết thúc ra sao nhưng có lẽ với lối sống và suy nghĩ như thế, chặng đường đời của những chàng trai trẻ này sẽ không bằng phẳng!
Theo Dân Trí
Bố mẹ suýt chia tay vì phát hiện con 'khoe hàng' Chỉ sau vài cái nhấp chuột, chồng chị nổi giận, đập tan bàn phím khi thấy những ảnh nóng của cô con gái mình trưng lên cho hàng ngàn người chiêm ngưỡng... Từ lo cho con... Thời gian gần đây, chị Tuyết Lê (nhà ở phố Nguyễn Quý Đức, quận Thanh Xuân, Hà Nội) thấy con gái Tuyết Anh đang học THCS của...