“Choáng” với giá nhà nghỉ tại lễ hội đền Trần
Nếu nhìn mức giá mà các chủ nhà nghỉ ở Nam Định đưa ra vào ngày lễ đền Trần không ít người phải giật mình.
Người viết, sau khi đi lễ đền Trần vào ngày 5/2, trước giờ khai hội khoảng chục tiếng thì đi tìm cho mình một nhà nghỉ. Xung quanh đền vắng vẻ, cánh xe ôm bảo muốn thuê phòng nghỉ phải đi ngược hướng về thành phố, cách đó chừng hơn 1 cây số. Thế là xách máy móc, cùng tay xe ôm dọc quốc lộ 10 tìm nhà nghỉ.
Nhiều khách du lịch lang thang cả buổi chỉ để tìm phòng nghỉ có giá đỡ “đau tim”
Trước khi rẽ vào một nhà nghỉ nằm ngay đường lớn, và gần đền Trần nhất, sợ bị chặt chém, người viết “dò” giá ở gã xe ôm. Gã bảo: “Em cũng chưa vào nghỉ bao giờ. Nhưng trước đến giờ, nghe người ta nói bình thường thì 300 ngàn là có phòng đẹp rồi. Hôm nay lễ, chắc cũng 500 ngàn là hết cỡ”. Chặc lưỡi, thôi ngày lễ, giá đó là hợp lý rồi.
Vào nhà nghỉ trông rất bình dân, hỏi anh lễ tân xem còn phòng không. Anh ta cầm cuốn sổ, lật đi lật lại rồi buông: “Mấy hôm nay người ta gọi đặt phòng liên tục. Nhưng may mắn cho bác là nhà em vẫn còn một phòng đơn”.
Video đang HOT
Hỏi giá, đứng tim khi câu trả lời vừa buông khỏi cửa miệng anh lễ tân: “1,5 triệu một đêm bác ạ”.
Phải mất bình tĩnh mấy phút rồi mới định thần hỏi lại: “Cậu xem thế nào chứ, giá gì mà đắt thế”. Anh ta trả lời: “Cả năm mới có một ngày lễ mà bác. Bác không thuê thì đi chỗ khác”.
Thế là méo mặt đi tìm nhà nghỉ khác. Trước khi đi, liếc nhanh về hướng quầy lễ tân, vẫn thấy đề biển to tướng có dòng chữ : Phòng đơn: 200 ngàn/ ngày.
Nhiều người đến Nam Định vào dịp này bàng hoàng vì giá nhà nghỉ “bỗng dưng” tăng từ 5 – 8 lần.
Lại đi cùng gã xe ôm nọ đi lòng vòng quanh thành phố Nam Định tìm chốn nghỉ. Lần này, xe đã đi cách xa đền Trần gần 3 cây số. Gã xe ôm xem ra có vẻ “cảm thương” ông khách tội nghiệp, ít tiền. Gã nói: “Em biết một chỗ ngày bình thường có 1 trăm 20 ngàn một đêm. Em đưa bác qua chỗ đấy”. Thế là đi cùng gã vào một nhà nghỉ có vẻ nhỏ, nằm trong ngõ. Vừa vào đến nơi, chưa kịp hỏi han, người lễ tân đã nói ngay : “700 ngàn một phòng. Không thuê thì đi chỗ khác”.
Thế là lại ngậm ngùi quay ra, tiếp tục hành trình tìm phòng nghỉ. Lần này, xe ôm cứ chạy miết, lòng vòng quanh các con phố. Ở đây, ngõ ngách không phải như ở Hà Nội. Nhưng theo tay xe ôm này chạy vào các con ngõ nhỏ cuối cùng cũng “loạn” đầu, không nhớ nổi là mình đang đi về đâu.
Cuối cùng, xe ôm chạy vào một nhà nghỉ ở phía xa đền Trần, quay mặt về một hồ nước rộng mênh mông mà gã xe ôm gọi là hồ Truyền Thống. Trước khi bước vào, có lẽ cũng “nản”, gã xe ôm nói như van xin: “Thôi đến đây là xa lắm rồi, bác cho em xin tiền để em về. Chở bác đi loanh quanh cả buổi, ở đâu giá cũng như thế cả thôi. Ở đây may ra rẻ hơn được một tí”.
Thế là bấm bụng đưa 100 ngàn cho gã xe ôm “chém” rõ đẹp, nghĩ bụng, ở đây giá bao nhiêu chắc cũng phải thuê chứ giờ không có xe ôm, chẳng có taxi, lấy gì để đi ra. Xách túi đi vào phòng nghỉ, bà chủ vừa thấy khách, cũng chẳng cần đon đả, chỉ cười nhẹ nói: “Hết phòng rồi em ơi”.
Người viết mặt mũi nhăn nhó: “Em đi mãi vẫn không tìm được phòng. Thôi thì phóng viên về Nam Định tác nghiệp trong lễ hội đền Trần, có gì chị giúp đỡ”.
Bà chủ suy nghĩ ít giây, chặc lưỡi: “Thôi thì nể em từ xa đến, vẫn còn một phòng đấy. Phòng đơn, 500 ngàn một đêm, trả tiền trước”.
Dù sao giá ở đây cũng mềm hơn một chút, đành rút ví trả tiền. Vừa nhận căn phòng rộng tầm 8m², không cáp, không mạng, với giá tiền trong ngày bình thường là 120 ngàn thì ông bạn cũng đi tác nghiệp trong dịp này gọi điện xin ngủ “nhờ” vì không thuê được phòng. Cùng nhau than thở: “Giá nhà nghỉ không dành cho người yếu tim”.
Theo PLVN