“Choáng” với đôi vợ chồng 40 tuổi sinh 10 con
Gia cảnh nghèo khó, sống nay đây mai đó nhưng đôi vợ chồng thuộc thế hệ 7X lại sinh đến 10 đứa con. Đàn con nheo nhóc cứ sống như cỏ cây với quan niệm “trời sinh, trời nuôi” của cha mẹ.
Gia đình anh Nguyễn Văn Tùng (SN 1974) và chị Phạm Thị Năm (SN 1976) ở ấp An Thành Tây ( Trung Hiếu, Vũng Liêm, Vĩnh Long) “nổi tiếng” ở địa phương vì có đến 10 đứa con sau 9 lần sinh nở.
Anh Tùng cho biết: “Hai vợ chồng tôi cưới nhau năm 1995, sang năm 1996 đẻ đứa đầu lòng rồi sau đó đẻ liên tục được 10 đứa con, mỗi đứa được sinh ra ở những địa phương khác nhau, khi vợ chồng đi làm thuê làm mướn”.
Đại gia đình anh Tùng bên căn nhà rách nát
Đứa con đầu lòng tên Nguyễn Thanh Tình (SN 1996) vừa dứt sữa mẹ đã bị gửi lại cho bà ngoại nuôi để cha mẹ đi Bạc Liêu làm thuê. Tại tỉnh Bạc Liêu, vợ chồng anh Tùng tiếp tục sinh 2 đứa con nữa và cũng gửi về cho bà ngoại chăm sóc để đi làm thuê hết tỉnh này đến tỉnh khác.
Căn nhà anh Tùng nằm lọt thỏm bên trong nghĩa địa
Cách đây khoảng 8 năm, lúc đó vợ chồng anh Tùng đã có 5 đứa con ở các địa phương khác nhau, mới về ấp An Thành Tây ở nhờ đất nghĩa địa, dựng căn chòi nhỏ để những đứa con tá túc đi học. Tại đây 2 vợ chồng tiếp tục sinh thêm 5 đứa con nữa. Trong 10 đứa con của anh Tùng có 1 cặp đôi song sinh nhưng không may 1 cháu đã chết khi còn nhỏ nên hiện tại anh còn lại 9 đứa con, đứa lớn nhất 18 tuổi, đứa nhỏ nhất 3 tuổi.
Bữa cơm nghèo khó của đại gia đình anh Tùng
Anh Tùng quê gốc ở xã Hiếu Thuận (Vũng Liêm), do gia đình nghèo nên chỉ được cha mẹ cho cái nền nhà. Sau khi lấy vợ gia đình anh phải đi khắp nơi để làm thuê, làm mướn kiếm sống. Dù phải ở tạm, cuộc sống nghèo khó nhưng cặp vợ chồng này lại rất “giàu” con.
Video đang HOT
Trong căn nhà nghèo “rớt mồng tơi” lụp xụp nằm cạnh nghĩa địa có đến 11 con người sinh sống. Trong căn chòi không có cửa chẳng có tài sản gì đáng giá nhưng cặp vợ chồng này rất yêu đời và không hề hối hận về việc mình đã sinh quá nhiều con trong khốn khó; bởi quan niệm của anh chị là “trời sinh, trời nuôi”.
Những đứa trẻ tự học, tự chơi
Đẻ nhiều con nên anh Tùng không nhớ chính xác tên, chữ lót, tuổi của từng đứa con của mình mà chỉ nhớ tên thường gọi. Còn chị Năm, vợ anh thì tâm sự: “Trước đây do đi làm ăn xa lại ở tuốt trong đồng, không có chữ nghĩa nên toàn đẻ theo tự nhiên riết rồi mang thai thấy cũng quen”.
Chị Năm kể chuyện mình đã sinh 10 đứa con theo… “thói quen”
Do nhà nghèo nên đứa con trai lớn của anh Tùng mới học lớp 10 đã nghỉ học đi học nghề sửa xe gắn máy, những đứa con nhỏ hơn vừa học vừa bán vé số phụ giúp gia đình. Đông con nên anh Tùng túi bụi làm thuê, làm mướn chỉ mong đủ tiền đong gạo cho đàn con ăn no. Anh Tùng cho biết: “Cái ăn ngày đủ ngày thiếu, còn cái mặc thì được bà con cho. Chỗ ngủ cứ xề xòa mấy cái giường cũ hay nằm dưới đất cũng được. Một ngày trung bình cả nhà ăn 4 kg gạo, cá thì tự đi bắt dưới sông, trên đồng cho qua bữa…”.
Ông Trần Quang Nhơn, Trưởng ấp An Thành Tây cho biết: “Gia đình của anh Tùng về tá túc trên đất nghĩa địa tư nhân của một người dân địa phương đến nay đã được 8 năm. Thấy hoàn cảnh gia đình anh Tùng đông con, nghèo, ở đậu trên đất nghĩa địa, không có nghề nghiệp ổn định nên địa phương đã nhiều lần vận động vợ chồng anh Tùng đình sản. Thế nhưng mỗi khi cán bộ dân số cấp xã, huyện, tỉnh đến vận động thì vợ chồng anh Tùng không nghe và nói “trời đẻ, trời nuôi”. Và cứ mỗi lần đoàn cán bộ đến vận động thì không lâu sau lại sinh thêm một đứa”.
Theo ông Nhơn, mãi đến sau lần sinh thứ 9, năm 2011 địa phương mới vận động được cặp vợ chồng này đi thực hiện kế hoạch hóa gia đình. Vì vậy hiện tại gia đình này mới có 9 đứa con, chứ nếu không đến nay chắc có lẽ đã thêm vài đứa nữa.
Minh Giang
Theo Dantri
Gặp lại Chủ tịch huyện Trường Sa những ngày 'biển động'
"Không ai có thể xâm phạm Trường Sa được. Giờ đây chỉ mong người dân thật bình tĩnh không để kẻ xấu lợi dụng. Có như thế chiến sĩ của ta ở ngoài biển mới vững tâm được", anh Nguyễn Viết Thuân, Chủ tịch UBND huyện đảo Trường Sa (Khánh Hòa), khẳng định.
Ông Nguyễn Viết Thuân (ngoài cùng, từ trái sang) trong một lần dẫn đoàn đi thăm Trường Sa - Ảnh: Trung Hiếu
Chúng tôi biết anh Thuân trong lần cùng đoàn khách của Quỹ học bổng Vừ A Dính đi thăm Trường Sa năm 2013. Hình như đó là dịp anh Thuân vừa được giao trọng trách làm Chủ tịch UBND huyện đảo Trường Sa. Anh Thuân cũng trực tiếp dẫn đoàn đi thăm đảo với cương vị người đứng đầu huyện đảo.
Suốt hải trình, do nằm trong tổ thông tin của đoàn nên có vài lần anh em nói chuyện với nhau. Những lần gặp chủ yếu là để vị chủ tịch huyện đảo căn dặn những thông tin cần đưa khi đi thăm Trường Sa. Ấn tượng về anh khi đó không nhiều. Có chăng là sự quan tâm về ông chủ tịch huyện đảo thiêng liêng ở nơi sóng gió, địa đầu tổ quốc.
Sau chuyến đi đó, chúng tôi có gặp nhau vài lần trong những dịp anh Thuân vào Sài Gòn để cùng với Quỹ học bổng Vừ A Dính tổng kết việc xây dựng ở thị trấn Trường Sa và lên kế hoạch xây thêm trường học thứ hai ở đảo Sinh Tồn. Đôi ba lần người viết gọi điện hỏi thăm anh về tình hình Trường Sa hay hỏi thông tin liên quan để viết bài.
Lần chúng tôi nói chuyện với nhau lâu nhất là dịp anh Thuân đưa con trai mình, cháu Nguyễn Viết Khuê, vào Sài Gòn thi đại học. Lần đó, chúng tôi hẹn gặp nhau vì thông tin một số doanh nghiệp có ý định mở tour du lịch ra Trường Sa. Anh hẹn gặp ở ký túc xá Trường đại học Tôn Đức Thắng (quận 7), nơi anh và cháu Khuê ở trong thời gian thi đại học.
Tới giờ hẹn, Sài Gòn mưa khá to. Đang chạy xe sang chỗ hẹn thì anh điện: "Em đi trên đường, tiện ghé tiệm tạp hóa mua cho anh cái bô rác. Ở trong ký túc xá không có tiệm tạp hóa, mà ra ngoài anh lại không rành đường".
Gặp anh, gặng hỏi mới biết vợ anh - chị Nguyễn Thị Huyền - bị ung thư đang xạ trị ở Bệnh viện Ung bướu TP.HCM. Lần đó một công đôi việc, anh tranh thủ thời gian nghỉ phép quý báu đưa con đi thi đại học và vợ vào Sài Gòn xạ trị. Sáng đưa con đi thi xong anh lại tranh thủ về ký túc xá đưa vợ đến bệnh viện xạ trị. Ngày nào cũng như ngày nào.
Tình cảm giữa mặn nồng giữa người ở đất liền với bộ đội ở Trường Sa - Ảnh: Trung Hiếu
Sau kỳ thi đó, cháu Khuê đỗ vào đại học Tôn Đức Thắng. Nhưng một lần nữa dường như ông trời lại thử thách ông chủ tịch huyện đảo. Nhiều lần Khuê tức ngực, tranh thủ về bờ, anh Thuân đưa con mình vào Sài Gòn khám. Bác sĩ ở Bệnh viện Chợ Rẫy chẩn đoán Khuê có khối u khá lớn ở lồng ngực, cần phải mổ gấp. Khuê buộc phải bảo lưu điểm thi để chữa bệnh.
Điện hỏi thăm, thấy giọng anh hơi buồn. Bận đó báo chí viết về gia đình anh khá nhiều. Cháu Khuê được ê kíp bác sĩ giỏi mổ và dần hồi phục. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng đích thân đến bệnh viện thăm hỏi, động viên.
Chúng tôi nhớ mãi hình ảnh của anh khi đến thăm cháu Khuê ở Bệnh viện Chợ Rẫy. Anh gầy và đen đi nhiều so với những lần gặp trước. Hai vợ chồng thuê nhà trọ ngay trước cổng bệnh viện để tiện chăm sóc con. Vợ anh lúc này vẫn đang xạ trị ở bệnh viện. Anh Thuân vừa chăm con mổ vừa lo cho vợ. Xen kẽ là những chuyến công tác Trường Sa dài ngày.
Điều chúng tôi ấn tượng nhất là trước mỗi khó khăn, thử thách, người đàn ông mà phần lớn cuộc đời đối mặt với sóng với gió ở biển Đông bao la, không bao giờ tỏ thái độ nao núng. Anh luôn bình tĩnh xử lý công việc rất thấu đáo. Hỏi, anh chỉ trả lời: "Sống ở biển cần phải bình tĩnh, không thể vội vàng được".
Hôm 15.5, điện thoại mới biết anh đang có mặt ở Sài Gòn. Giọng anh qua điện thoại khá vui khi nhắc tới vợ con: "Sức khỏe cháu đỡ hơn nhiều. Trước chưa được 40 ký thì nay hơn 60 ký. Ăn được ngủ được. Cháu khoe với bố là áo quần giờ con mặc chật ních hết. Chị cũng đỡ hơn trước nhiều. Trước bệnh 10 thì nay bệnh chỉ còn 2-3 thôi. Mọi khó khăn đã qua em ạ".
Giao lưu giữa đoàn đi thăm Trường Sa với chiến sĩ, bộ đội ở đảo Tốc Tan C - Ảnh: Trung Hiếu
Buổi tối người viết rủ anh bạn từng đi Trường Sa sang thăm bố con anh ở gần Bệnh viện Chợ Rẫy. Anh bảo vừa ở Trường Sa về thì nhận được lệnh của Bộ Tư lệnh hải quân đề nghị vào TP.HCM báo cáo tình hình. Nhân tiện anh đưa Khuê đi khám và cảm ơn ê kíp bác sĩ ở Bệnh viện Chợ Rẫy đã tận tình chữa bệnh cho con trong gần 1 năm qua.
Câu chuyện rồi cũng trở về tình hình căng thẳng ở biển Đông. Anh bảo mấy hôm nay anh nhận được hàng trăm cuộc điện thoại của người dân, người thân, doanh nghiệp, Việt kiều ở nước ngoài... thăm hỏi về Trường Sa. Ai cũng lo lắng về tình hình căng thẳng đang xảy ra trên biển Đông.
Anh nói chậm rãi, chắc nịch: "Có những điều mình không thể tiết lộ được nhưng anh em yên cứ yên tâm. Không ai có thể xâm phạm Trường Sa của chúng ta được. Giờ đây chỉ mong người dân thật bình tĩnh không để kẻ xấu lợi dụng. Có như thế chiến sĩ của ta ở biển mới vững tâm được".
Chiều nay (16.5), anh sẽ đưa cháu Khuê trở về Nha Trang để đầu tuần tới tiếp tục lên tàu ra biển Đông trong những tháng ngày nhiều giông bão.
Gần 11 giờ đêm, anh em chia tay nhau. Anh nhắn nhủ: "Mọi người cần hết sức bình tĩnh. Giá như mấy ngày qua đất liền bình tĩnh thì hay biết mấy. Bởi chỉ có đất liền bình yên thì anh em chúng tôi ngoài biển mới có thể mạnh được".
Gần 25 năm gắn bó với Trường Sa Anh Thuân gắn bó với Trường Sa đến nay đã gần 25 năm. Đầu năm 1989, sau sự kiện Gạc Ma, anh là một trong những chiến sĩ được tăng cường để bảo vệ quần đảo thiêng liêng này. Từ đó đến nay anh không nhớ nổi đã đi Trường Sa bao nhiêu lần. Có những năm anh ra Trường Sa 8 - 9 lần. Anh kể từ đầu năm đến nay anh đã 4 lần ra Trường Sa. Có những chuyến tàu vừa cập bờ đã nhận nhiệm vụ cho hải trình mới. Cho nên lúc nào anh em cũng có phương án dự phòng về kế hoạch tác chiến và tiếp lương thực, thực phẩm, nhiên liệu cho chuyến đi mới. "Mình sống trên biển nhiều hơn ở đất liền. Quanh năm đi hết chuyến này đến chuyến khác. Mọi chuyện gia đình, con cái đều do vợ quán xuyến. Cũng may có vợ hiểu và cảm thông với công việc của mình. Hai đứa con rất ngoan nên cũng yên tâm", anh tâm sự.
Theo TNO
Chủ tịch Hội Dầu khí VN: 'Trung Quốc đang từng bước thực hiện âm mưu đường lưỡi bò' Nhiều năm gắn bó với biển, với ngành dầu khí ông Ngô Thường San - Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam - cho biết với hành động đưa giàn khoan vào vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Trung Quốc đang từng bước thực hiện âm mưu đường lưỡi bò mà họ đưa ra ở biển Đông. Ông Ngô Thường...