Choáng váng khi vào Keangnam gửi xe máy
Cầm cái vé gửi xe máy đóng dấu đỏ choét, in rõ ràng mức giá 20.000 đồng/lần ra-vào, tất cả khách đến Keangnam đều không tin vào mắt mình.
Có lẽ đây là giá gửi xe máy “chát” nhất Việt Nam nếu tính theo tiêu chí công khai (in rõ giá trên vé, không kể những bãi gửi xe “chộp giật”, chặt chém ngày lễ, tết….).
Bãi gửi xe máy tại Keangnam không có gì đặc biệt, thậm chí xe xếp hơi lộn xộn
Chiều 18/9, phóng viên đã thử mang xe máy vào tầng hầm của tòa nhà cao nhất Việt Nam này gửi. Lối vào nằm ở phía đường Mễ Trì, nữ nhân viên ghi vé ngồi bàn ghi tay thủ công.
Bãi gửi xe này trông cũng giống như bất cứ tầng hầm chung cư hay cao ốc nào đó trên địa bàn thành phố Hà Nội – nghĩa là không có cái gì đặc biệt để phải thu phí cao bất thường, thậm chí xe máy xếp hơi lộn xộn, thò thụt….
Video đang HOT
Nhân viên ghi vé thủ công
Bên trái là vé xe của PV, bên phải là vé xe của một người khách cùng gửi ngày 18/9
Thế nhưng khi nhận chiếc vé gửi xe, chắc chắn một điều rằng, tất cả những người lần đầu tiên gửi xe máy vào đây đều phải “ngã ngồi” vì mức phí quá “khủng”: 20.000 đồng/lần ra-vào. Nhiều người thắc mắc: “hình như ghi nhầm giá vé?”, thì được nhân viên nhã nhặn chỉ cho một tấm bảng giá “Phân loại phí đỗ xe”.
Nhìn vào bảng giá tự qui định này của chủ đầu tư còn “sốc” hơn, khi thấy giá vé gửi xe máy qua đêm lên tới… 60.000 đồng. Nhiều người thấy thế thì cầm vé gửi xe loại 20.000 đồng/lần ra-vào đi ngay, hết thắc mắc, trong đầu “ong ong” cái mức phí khủng khiếp gần ngang với giá phòng trọ bình dân để có thể gửi xe máy đêm kia.
Nếu gửi qua đêm sẽ mất 60.000 đồng/xe máy- gần bằng giá nhà trọ
Mức phí này nếu đem so với biểu qui định của UBND TP.Hà Nội áp cho địa bàn huyện Từ Liêm (nơi có tòa tháp Keangnam) thì chênh nhau cả chục lần. Lý giải điều này, đơn vị quản lý tòa tháp cho rằng nhằm để “kiểm soát lượng xe bên ngoài vào tòa nhà, mục đích tạo sự thoải mái cho cư dân”.
Đây là tập vé khác dành cho cư dân Keangnam, thu đúng qui định của UBND TP Hà Nội
Mỗi tháng, 1 hộ dân sống tại Keangnam được phát 15 phiếu này để bạn bè, khách đến thăm có thể gửi xe máy bằng với giá bằng giá áp cho cư dân Keangnam. Tuy nhiên, cư dân tại đây cho rằng 15 phiếu /tháng là quá ít; khách đến nhà họ giảm hẳn
“Thoải mái đâu chưa thấy, chỉ biết bạn bè, họ hàng bỗng dưng hạn chế lên nhà tôi chơi thấy rõ”- một cư dân sống tại Keangnam than thở: “Mặc dù mỗi tháng họ có phát cho từng hộ 15 phiếu gửi xe máy (mức phí 2.000 đồng/ lần vào-ra) – nghĩa là bằng với mức giá áp cho cư dân sinh sống tại Keangnam – để chúng tôi đón khách. Nhưng vẫn là quá ít, thử hỏi những dịp có việc: giỗ chạp, cưới hỏi, sinh nhật… thì chúng tôi biết tính làm sao?”.
Theo ANTĐ
Loạn giá gửi xe tại Hà Nội: Ly cà phê và 60.000 đồng tiền gửi xe
Được anh bạn mời lên phố Lý Thường Kiệt uống cà phê, tôi hăm hở lên đường. Cà phê lạnh ngắt, đắng chát khi tiền gửi xe lên đến 60.000 đồng. Có người bảo "ôi dào, đó là chuyện nói cả năm không hết"...
9g, anh bạn làm ở một Cty nước ngoài alô: "Ông lên phố Lý Thường Kiệt làm ly cà phê. Lâu lắm rồi anh em không gặp nhau. Rủ cả vợ đi cho vui". Mà cũng lâu thật, đã hai tháng có lẻ tôi và anh bạn chỉ nói chuyện với nhau qua điện thoại. Nổ máy con xế hộp thời cổ lai hy tôi thầm nghĩ: "Trời đẹp, bạn tốt. Chắc sẽ có một ngày cuối tuần thật vui". Đến phố Trần Hưng Đạo, vợ tôi bảo qua phố Nguyễn Xí để mua quyển sách rồi quay lại phố Lý Thường Kiệt.
Khi chiếc ô tô của tôi vừa tấp vào lề đường, trước một cửa hàng vừa bán cơm, vừa bán giải khát thì một người đàn ông trạc 60 tuổi, mặc quần soóc chạy ra hỏi: "Gửi xe à, đi lâu không". Tôi nói chỉ đỗ xe tạm để chờ vợ mua sách chứ không gửi. Người đàn ông cằn nhằn: "Đi đi, ở quanh hồ Hoàn Kiếm làm gì có chỗ đỗ tạm. Anh đỗ nhờ một tí, chúng tôi vẫn phải đóng tiền hàng tháng cho phường". Nhìn quanh thấy đường chật ních, chẳng có nơi nào có thể dừng xe, tôi đành chép miệng rút tờ 20.000 đồng trả phí "gửi xe" theo yêu cầu của người đàn ông. Khi ông ta vừa đút tiền vào túi thì một thanh niên trong quán ăn chạy ra hỏi: "Trước cửa nhà tôi, ai cho chú thu tiền. Đưa 10.000 đồng đây không tôi đuổi xe đi bây giờ"?! Sự thỏa thuận giữa hai người thế nào tôi không biết, chỉ biết mình vừa bị làm tiền một cách trắng trợn. Vợ tôi bảo: "Dại thì mất tiền, kêu gì. Ông ấy mặc quần đùi mà cũng tin". Quả đúng là dại thật!
Phố Lý Thường Kiệt lúc nào cũng chật cứng ô tô
Lượn mấy vòng trên phố Lý Thường Kiệt tôi mới tìm được một chỗ đậu ô tô có vạch kẻ hẳn hoi. Vừa bước xuống xe, một thanh niên mặc đồng phục xanh đội mũ, phù hiệu hẳn hoi chạy ra hỏi: "Anh đỗ xe lâu không?". Khi tôi trả lời chỉ khoảng nửa tiếng, anh ta chìa tay: "Cho em xin 20.000 đồng tiền gửi xe". Vừa vào quán cà phê Amigo số 28 phố Lý Thường Kiệt thì điện thoại đổ chuông dồn dập. Anh bạn gọi điện nói chờ tôi lâu quá nên đã chuyển sang số 29 phố Trần Hưng Đạo vì ở đó còn có một người bạn khác. Đến phố Trần Hưng Đạo, nhìn những xe ô tô nối đuôi nhau nằm dài trên hai lề đường, tôi buột thở dài ngán ngẩm. Dù phải đỗ cách quán cà phê Trung Nguyên số 29 khá xa nhưng tôi vẫn phải buộc lòng thò tay vào túi móc tờ 20.000 đồng một lần nữa để trả phí gửi xe. Lần này, nhân viên trông xe cũng là một thanh niên quần áo đồng phục màu xanh chỉnh tề. Tôi hỏi: "Sao giá giữ ô tô các anh thu đắt thế, cao hơn qui định của UBND TP Hà Nội rất nhiều". Nhân viên này tỉnh khô: "Anh gửi thì gửi, không gửi thì thôi. May cho anh còn có chỗ gửi. Anh biết ở đây bao nhiêu tiền một mét vuông đất không". Biết anh ta cãi cùn, tôi yêu cầu lấy vé gửi xe. Nhân viên này lại chống chế: "Anh cứ vào quán đi, tí ra em đưa vé". Nói rồi anh ta bỏ đi, mặc cho tôi đứng bất động vì cục tức trào lên tận cổ.
Ly cà phê chợt đắng ngắt. Câu chuyện giữa tôi với anh bạn rời rạc, không đầu không cuối vì tức. Cái tức không phải vì mất 60.000 đồng mà tức vì bị "bóc lột" một cách trắng trợn giữa Thủ đô, tức vì mình không cương quyết... Sau khi tìm hiểu tôi được biết, hầu hết những điểm đỗ trên phố Lý Thường Kiệt và phố Trần Hưng Đạo đều thuộc quyền quản lý của Sở GTVT Hà Nội, có điểm mất phí, cũng có điểm miễn phí nhưng nhân viên cứ thấy ô tô là "chém đẹp".
Đã quá muộn để CATP phải vào cuộc điều tra, mạnh tay với nạn chặt chém tại các điểm đỗ ô tô kiểu này và cần làm rõ số tiền chênh lệch trên vé gửi xe vào túi ai, chi cho ai? Đem niềm uất ức về nói với bố tôi, ông bảo: "Việc kiên quyết đấu tranh với những nhân viên trông giữ xe thu tiền cao hơn qui định, không đúng qui định còn là trách nhiệm của cả con và các chủ xe khác. Nếu ai cũng như con, dễ dàng thỏa hiệp thì nạn chặt chém tại các điểm trông giữ xe bao giờ mới dẹp được".
Theo Pháp Luật XH
Loạn... giá vé gửi xe Hiện nay, hầu hết giá vé trông giữ xe tại các điểm vui chơi, khu di tích trên địa bàn Hà Nội vẫn đang trong tình trạng loạn thu. Người gửi xe đang bị "móc túi" một cách trắng trợn mà không hay biết. Hiện tượng trên được những nhân viên trông giữ xe đổ thừa cho... giá cả tăng?! Theo quy định...