Choáng ngợp ở Vách đá trắng – kiến tạo kỳ diệu của trái đất
Dừng chân trên Vách đá trắng, du khách sẽ thấy choáng ngợp trước thiên nhiên hùng vĩ và vẻ đẹp thơ mộng của dòng sông Nho Quế uốn lượn dưới hẻm sâu.
Đặc biệt, khi chạm tay vào vách đá, mỗi người như cảm nhận được sự đứt gãy của núi đồi hàng chục triệu năm.
Vách đá trắng trở thành điểm cắm trại độc đáo của du khách khi đến Hà Giang. Ảnh: Hà Anh Khoa
Sau khi di chuyển qua đoạn đường ven núi đá dài 3km bằng xe máy và đi bộ, leo dốc thêm gần 1 tiếng đồng hồ, Hà Anh Khoa cùng nhóm bạn cũng đến được Vách đá trắng (huyện Mèo Vạc, Hà Giang). Bao mệt mỏi dường như tan biến bởi trước mặt chàng trai quê Hậu Giang là cả một bầu trời xanh ngắt, đồi núi trập trùng.
Cả nhóm nhanh chóng hạ trại ở khoảng mặt bằng hẹp ven sườn núi để tận hưởng trọn cảm giác ngắm “view nghìn tỉ” cả ngày lẫn đêm. Do không có wifi, không có điện, chỉ có thiên nhiên hoang sơ và tĩnh lặng nên Khoa cùng bạn bè có khoảng thời gian vui vầy cùng nhau. Họ nướng đồ ăn, nhâm nhi tách trà nóng và chiêm ngưỡng biển mây lơ lửng, dòng sông Nho Quế và con đường đèo Mã Pì Lèng quanh co uốn lượn.
Nước mắt của đá
Vài năm trở lại đây, Vách đá trắng nơi Khoa cùng nhóm bạn cắm trại qua đêm trở thành một điểm nhấn độc đáo trong các tour du lịch đến Hà Giang. Vách đá trắng nằm trên tuyến đường đi bộ Vách đá trắng dài 5km, nối từ thôn Xéo Sả Lủng, xã Pải Lủng đến thôn Mã Pì Lèng, xã Pả Vi (huyện Mèo Vạc, Hà Giang).
Vách đá này vốn là lưng của một ngọn núi thuộc đỉnh đèo Mã Pì Lèng – một trong những con đèo hiểm trở nhất Việt Nam. Vách đá trắng không chỉ có cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ mà còn gắn liền với một truyền thuyết ca ngợi lòng thủy chung son sắt vợ chồng.
Những người dân địa phương ở hai xã Pải Lủng và Pả Vi thường kể rằng, thời xa xưa ở vùng đất Mèo Vạc có một ngọn núi cao và hùng vĩ, quanh năm chìm trong mây mù. Đỉnh núi chính là nơi ở của một nàng tiên vô cùng xinh đẹp và tốt bụng. Hàng ngày, nàng thường ngồi trên đỉnh núi ngắm dòng sông Nho Quế và cất tiếng hát làm say đắm lòng người. Nhờ sự che chở của nàng nên người dân nơi đây mới có cuộc sống bình yên, no ấm. Nhớ ơn nàng, người Mông nơi đây đã đặt tên cho ngọn núi là Chua Lành Gấu (nghĩa là núi Cô Tiên).
Trên ngọn núi này có một cây thuốc vô cùng quý hiếm giúp chữa bách bệnh. Tuy nhiên, cây thuốc ở vách núi đá cao nên không một ai có thể leo lên lấy được. Người nào cố tình leo lên sẽ bị rơi xuống vực sâu trôi theo dòng sông Nho Quế. Trong vùng có một đôi vợ chồng sống rất hạnh phúc. Một ngày, người vợ không may mắc bệnh nan y, chạy chữa khắp nơi mà không khỏi. Người chồng thương vợ, đã bất chấp nguy hiểm leo lên vách núi đá cao trên núi Cô Tiên để hái lá thuốc quý. Người chồng còn mang theo hàng trăm, hàng nghìn cọc gỗ đóng vào vách đá.
Trải qua bao cực nhọc, người đàn ông này cũng tới được chỗ cây thuốc quý. Nhưng kỳ lạ thay, khi hái được lá thuốc và trèo xuống thì những cọc gỗ này cũng biến mất. Từ chỗ cây thuốc quý thường xuất hiện những giọt nước rơi xuống. Người dân gọi đây là “nước mắt Cô Tiên” hay “nước mắt của đá”. Và cũng từ đó, trên đỉnh núi Chua Lành Gấu xuất hiện đôi Vách đá trắng (một bên lớn, một bên nhỏ) tựa như đôi vợ chồng đang ở cạnh nhau.
Dẫu chỉ là truyền thuyết trong dân gian nhưng ngày nay du khách đến đây vẫn thấy vô cùng lý thú bởi tạo hình Vách đá trắng hiện tại đúng là có một bên lớn một bên nhỏ. Trong tâm thức của đồng bào dân tộc nơi đây, Vách đá trắng này rất linh thiêng. Vào những dịp lễ Tết, người dân trong vùng thường đến đây đặt lễ để tỏ lòng biết ơn Cô Tiên và cầu cho cuộc sống gặp nhiều may mắn.
Điểm đến mới của Hà Giang
Video đang HOT
Những người dân địa phương cho biết, khi chưa có con đường Hạnh Phúc, con đường men theo Vách đá trắng là lối đi lại chính của bà con trong vùng giữa Đồng Văn và Mèo Vạc. Vách đá trắng cũng là nơi Vua Mèo cùng đoàn tùy tùng đi qua và thường dừng chân nghỉ ngơi trước đây.
Sau này, khi tuyến đường Hạnh Phúc được khai mở, con đường qua Vách đá trắng thưa vắng người hơn. Tuy nhiên, nó vẫn được người dân sử dụng trong việc đi canh tác ngô trên hốc đá, chăn dê, di chuyển vào một số bản làng…
Theo các nhà nghiên cứu địa chất, nằm trên cao nguyên đá Đồng Văn – nơi sở hữu vẻ đẹp hoang sơ, thơ mộng tựa như “thiên đường xám” giữa miền sơn cước, Vách đá trắng là sự kiến tạo kỳ diệu của trái đất. Nơi đây có độ cao khoảng 1.700m so với mặt nước biển. Cảnh quan hùng vĩ ngày nay của Vách đá trắng chủ yếu là do hoạt động đứt gãy sông Nho Quế khoảng từ hơn 30 triệu năm trước.
Mấy năm gần đây, Vách đá trắng trở thành một điểm đến lý thú, thu hút những người ưa khám phá mạo hiểm. Để có thể đến được đây, du khách sẽ xuất phát từ tượng đài Thanh niên xung phong trên đèo Mã Pì Lèng (xã Pải Lủng).
Khoảng cách từ khu vực tượng đài đến Vách đá trắng 5km. Tuy nhiên, chỉ có 3km đầu tiên là đường bêtông có thể di chuyển được bằng xe máy, mặt đường rộng chừng 2m. Đoạn đường này ngắn và khá hiểm trở, nhiều dốc lên xuống, một bên là núi đá, một bên vực sâu. Phần còn lại là đường đá quanh co, uốn lượn lên xuống theo triền núi chỉ vừa đủ cho một người đi bộ.
Để đến Vách đá trắng, anh Đặng Nhật Duy (26 tuổi, Hà Nội) đã phải thuê người dân địa phương chở xe máy 3km đầu tiên với giá 100.000 đồng. Ngồi sau tay lái của một thanh niên người Mông, Duy có cảm giác thú vị như tham gia một trò chơi cảm giác mạnh khi chiếc xe liên tục di chuyển qua những đoạn cua gấp trên con đường ven núi đá. Hết đoạn đường xe máy, Nhật Duy men theo triền núi, lên xuống theo những bậc thang đá, tay bám chắc vào hàng rào sắt cao hơn 1m để đảm bảo mình không bị trượt ngã.
Suốt quãng đường đi bộ tới Vách đá trắng, chàng trai Hà Nội có cơ hội phóng tầm mắt ngắm nhìn dòng sông Nho Quế. Dòng sông như một dải lụa xanh uốn lượn quanh núi đồi. Nhớ lại cảm xúc lúc đó, Nhật Duy chia sẻ: “Chinh phục Vách đá trắng thực sự là một trải nghiệm khó quên trong đời. Được hòa mình vào thiên nhiên núi rừng, tôi thấy mọi phiền muộn đều tan biến. Đặc biệt, tôi thấy bản thân đã chiến thắng được nỗi sợ hãi của chính mình. Đứng ở Vách đá trắng, tôi cảm nhận được sự hiểm trở của những vách đá cheo leo, sự hùng vĩ của vùng cao nguyên đá Đồng Văn”.
Không chỉ thu hút người dân trong nước, Vách đá trắng còn là điểm đến của không ít du khách quốc tế. Sau khi ghé thăm nhiều danh thắng của Việt Nam, ông Emmanuel Cerise cũng đã dẫn con trai Marcel Cerise chinh phục cung đường đặc biệt này. Người đàn ông đến từ nước Pháp gần như vỡ òa khi có thể chạm vào thiên nhiên, cây cỏ và mây mù. Ông nói: “Tôi đã đến một số ngọn núi khác ở Việt Nam nhưng chưa thấy nơi nào đẹp và hoang sơ như ở đây”.
Cắm trại 'nghìn sao' trên vách đá ở Hà Giang
Nằm ở độ cao 1.700 m, vách đá trắng trên đèo Mã Pí Lèng trở thành điểm cắm trại yêu thích của dân du lịch bụi vì có thể ngắm trọn vẻ đẹp của sông Nho Quế lẫn núi đồi trùng điệp.
Vách đá trắng tại Hà Giang là điểm trekking, cắm trại được dân du lịch bụi ưa chuộng. Ảnh: Huỳnh Lit.
Vách đá trắng nằm trên đèo Mã Pí Lèng và cách huyện Đồng Văn, Mèo Vạc khoảng 2 km. Con đường mòn men theo vách đá trắng là điểm trekking được du khách yêu mạo hiểm chinh phục khi đến Hà Giang.
Vài năm gần đây, cộng đồng du lịch bụi đã khám phá thêm một điểm cắm trại bằng phẳng, ăn sâu vào lòng vách đá trắng và được gọi với cái tên là con mắt Mã Pí Lèng.
Trekking đường ngắn
Theo người dân địa phương, con đường mòn men theo vách đá trắng là lối đi lại chính giữa huyện Đồng Văn và Mèo Vạc. Trước đây, Vua Mèo cùng đoàn tùy tùng thường đi qua và dừng chân nghỉ lại ở khoảng trống giữa vách đá.
Con đường mòn xuyên qua điểm cắm trại đã có từ lâu đời, chiều rộng chỉ vừa đủ một người. Ảnh: Nguyen Ba Bac, Hà Hiển.
Nguyễn Tiệp, hướng dẫn viên du lịch tại Hà Giang, cho biết có 3 con đường mòn nằm trên đèo Mã Pì Lèng dẫn đến điểm cắm trại, quãng đường trekking dao động 1-5 km. Trong đó, con đường có lan can sắt chạy dọc được du khách trekking nhiều nhất.
"Con đường này được nhiều du khách chọn vì có thể ngắm vẻ đẹp của cao nguyên đá từ lưng chừng núi. Vào ngày mưa, đường hơi trơn trượt nhưng cũng khá an toàn vì có bậc đá và lan can để bám", Tiệp nói.
Từng đi xuyên sương mù, vượt qua nhiều rặng cây, Hà Hiển (sống tại TP.HCM) xem hành trình trekking tại vách đá trắng là một trong những trải nghiệm thú vị nhất khi đến Hà Giang. "Khi đạt đến độ cao nhất, dòng sông Nho Quế hùng vĩ và đèo Mã Pí Lèng trở nên nhỏ bé bên dưới. Tôi thích ngắm cảnh từ góc này", nam du khách bày tỏ.
Chặng đường trekking không quá dài nhưng dễ mất sức do không khí loãng dần cộng với nhiệt độ giảm khi lên cao. Du khách nên mang theo một ít thức ăn nhẹ, thức uống bù điện giải, mặc trang phục giữ ấm tốt và dừng lại để hít thở sâu khi quá mệt.
Trải nghiệm "có một không hai" tại đây là cắm trại và ngủ lại qua đêm. Ảnh: Trần Văn Sơn.
Để đến được đường mòn, du khách lái xe theo cung đường đèo Mã Pí Lèng, nằm trên quốc lộ 4C (con đường Hạnh Phúc), sau đó đi vào đường Mã Pí Lèng B khoảng 3 km và trekking thêm khoảng 2 km.
Con đường mòn tương đối hẹp, một bên là vách núi, một bên là vực sâu. Nếu tay lái không đủ vững, du khách có thể thuê xe ôm bản địa chở đi 3 km đầu tiên hoặc gửi xe máy ở nhà người dân và trekking toàn bộ quãng đường dài 5 km.
"Hãy chọn một đôi giày thể thao chắc chắn, độ bám tốt để men theo triền núi, lên xuống những bậc đá", Hiển chia sẻ.
Chỗ ngủ view "nghìn sao"
Điểm cắm trại rộng khoảng 15-20 m2, có thể dựng được 5-6 lều đơn. Tuy nhiên, diện tích hạn chế nên chỉ có thể tập trung tối đa 10 người trong cùng thời điểm. Trước khi đến, du khách nên hỏi tình hình từ hướng dẫn viên bản địa hoặc người dân xung quanh.
Du khách có thể nhóm lửa nấu nướng, đun nước để pha thức uống. Ảnh: Đan Thanh, Nguyễn Đức Vương.
"Vượt qua đoạn đường gian nan, cái lạnh có lúc xuống 3-4 độ C nhưng tôi hạnh phúc khi đặt chân đến đây. Giống như đang cắm trại ở chốn bồng lai tiên cảnh của Hà Giang", Nguyễn Huế, du khách đến từ Hà Nội, kể lại.
Nguyễn Huế cùng nhóm bạn đã dựng 2 lều đôi, nhóm lửa đun ấm nước để pha cà phê và ngồi thưởng thức trước khung cảnh thiên nhiên hùng vỹ.
Đứng từ điểm cắm trại và phóng tầm mắt ra xa, du khách có thể ngắm trọn vẹn vẻ đẹp của sông Nho Quế, những đoàn người đi phượt nối tiếp nhau trên con đường Hạnh Phúc, nếp nhà của người dân hay những ngọn núi phủ kín cây cối.
Buổi sáng, ngắm bình minh lên từ độ cao gần 1.700 m cũng là trải nghiệm đáng thử. "Khoảng 6h30 nhóm chúng tôi xếp lều. Nắng bắt đầu chiếu rọi và mây kéo đến dày đặc, khung cảnh dần chìm vào màn sương trắng mờ ảo. Con đường mòn cũng có nhiều cô gái mặc váy áo sặc sỡ để đi chợ sớm", nữ du khách miêu tả.
Tại đây không có internet và sóng điện thoại. Ảnh: Văn Chính.
Theo Nguyễn Tiệp, du khách cắm trại qua đêm cần mang theo đệm hoặc chăn lót vì nền đá lởm chởm. Nơi đây hút gió vào ban đêm, nhiệt độ chỉ khoảng 4-8 độ C nên du khách cần chuẩn bị chăn hay quần áo dày để giữ ấm cho cơ thể.
Ngoài ra, thức ăn, nước uống, những loại thuốc cơ bản và dụng cụ sơ cứu cũng phải có đủ trong hành lý. Trước khi ra về, du khách nên dọn dẹp rác để giữ lại vẻ đẹp nguyên sơ cho vách đá trắng.
Cắm trại trên vách đá trắng "view triệu đô" ngắm hẻm Tu Sản ở Hà Giang Vách đá trắng Hà Giang ngày càng thu hút nhiều du khách đến trải nghiệm cắm trại, ngắm sông Nho Quế, tận hưởng thiên nhiên tươi đẹp vùng cao nguyên đá. Vách đá trắng trở thành điểm cắm trại độc đáo của du khách khi đến Hà Giang. Ảnh: Hà Anh Khoa Tọa lạc ở độ cao gần 1.700 mét so với mực...