Chợ xe cũ tê dại vì “chính chủ”
Chợ xe cũ đã đìu hiu vì khó khăn kinh tế, phút chốc trở nên ngắc ngoải và tê liệt vì thông tin… chính chủ hay không chính chủ.
Cảnh đìu hiu tại chợ xe máy cũ Dịch Vọng, quận Cầu Giấy (Ảnh chụp chiều 13/11)
Hạ giá cũng chẳng ai mua
Ngày 13/11, có mặt tại một số địa điểm mua bán xe máy cũ trên địa bàn Hà Nội như phố Chùa Hà, chợ xe máy Dịch Vọng, đường Trần Đăng Ninh (Cầu Giấy), chợ xe máy cũ Quảng An (Tây Hồ), PV Báo GĐ&XH ghi nhận được không khí ảm đạm chưa từng thấy.
Chợ xe máy cũ Dịch Vọng (quận Cầu Giấy) vốn nhộn nhịp là thế nhưng giờ vắng hoe không một bóng người mua. Người bán nếu không mang xe ra tút tát thì cũng tụ tập ngồi uống nước chè, tán gẫu với nhau.
Anh Thắng, một chủ cửa hàng ở đây cho biết: “Ngay từ mấy hôm trước khi Nghị định 71 có hiệu lực, doanh số bán xe tại cửa hàng giảm thấy rõ. Trước đây, bình thường ngày “lèo tèo” nhất tôi cũng bán được 2 chiếc, ngày cao điểm cũng “nhồi” được dăm, sáu chiếc xe máy cũ. Vậy mà, 5 ngày nay tôi không bán được chiếc nào, khách cũng chẳng thèm vào hỏi mua!”.
Chị chủ hàng cạnh bên cũng buồn rầu: “Trầm lắng là không khí chung rồi. Tôi đã giảm giá bán tới 2-3 triệu đồng/cái, chấp nhận chịu bán lỗ mà cũng không ai mua. Mấy ngày nay có vài khách ghé thăm nhưng họ chỉ qua xem rồi lại bỏ đi. Cái sự “chính” và không “chính chủ” đang “đập vỡ” nồi cơm của các tiểu thương mua, bán xe cũ”.
Dọc phố Chùa Hà – khu phố chuyên kinh doanh xe máy cũ – cảnh nhộn nhịp ngày trước đã không còn. Thời điểm làm ăn phát đạt, chỉ cần lượn xe qua đây, ngay lập tức cánh nhân viên săn hàng lại đổ xô ra đường gọi ơi ới: “Bán xe không anh/chị ơi?”. Thậm chí, các chủ hàng còn điều nhân viên tràn ra giữa đường tranh nhau chèo kéo khách nhưng giờ đây… chả ai buồn hỏi vì đầu ra èo uột.
Video đang HOT
“Hàng tồn cả đống, đi kèm là khối tiền “chết”, vậy thì ai còn muốn mua thêm? Cứ đà này thì chị chết đói mất em à! 3 ngày nay chưa bán được chiếc nào, cho dù chị đã chấp nhận lỗ vốn. Xe Nouvo bình thường 17 triệu, giờ chỉ bán 15 triệu, xe Click bán 25 triệu thì giờ chỉ 22 triệu mà cũng không ai thèm lấy” – chị Thanh, một chủ cửa hàng xe máy cũ ở đây than thở.
Ế ẩm lại phải… “lách”
Cùng cảnh với các tiểu thương chợ xe, những chủ phương tiện cũng không dễ dàng bán xe trong thời điểm hiện nay. Chúng tôi theo chân ông Nguyễn Văn Sơn (quận Ba Đình) trong hành trình đi bán chiếc xe máy cũ “không chính chủ” của mình. Tới phố Chùa Hà, khi hỏi bán, ngay lập tức ông nhận được câu trả lời chưng hửng của chủ hàng: “Tạm thời không nhập thêm xe”.
Tại chợ Dịch Vọng, xe ông bị săm soi, xét nét bởi đội ngũ thợ sửa xe và cuối cùng được nghe phán một câu thẳng thừng: “Xe không chính chủ, 4 triệu thì đây mua”. Trên tuyến đường Trần Đăng Ninh (quận Cầu Giấy), người mua xe lắc đầu. Ngán ngẩm với hành trình bán xe, ông Sơn phàn nàn: “Xe này tôi mới mua lại cách đây 3 tháng với giá gần chục triệu, có giấy tờ đàng hoàng. Giờ đem bán lại cứ nghĩ cũng phải được 7- 8 triệu. Ai dè…”.
Khi các ngõ ngách bàn tán về chuyện xe chính chủ và không chính chủ cũng là lúc chị Lê Hải Yến (quận Thanh Xuân) phải dẹp bỏ ý định đổi xe. Chị cho biết: “Tôi đang có ý định đổi xe vào thời điểm này nhưng với tình trạng này thì xe cũ bán ai mua? Với cái đà này thì tôi phải tích góp ít lâu nữa mới đủ tiền để mua xe mới. Còn chiếc xe cũ thì làm cái giấy “ủy quyền” cho cô em út đút cốp dùng tạm, khi bị công an “tuýt còi” thì lôi ra ứng cứu. Đang tính làm thì nghe tin sẽ chưa bị phạt. Chưa kịp thở phào vì đỡ làm cái món “ủy quyền” thì lại đâm đầu vào kiếm cho đủ tiền mua xe”.
Cùng cảnh với chị Yến, anh Nguyễn Minh Tùng (quận Ba Đình) mặc dù tìm mọi cách “đẩy” chiếc Ecxiter 2010 để mua chiếc SH nhưng cả tuần chẳng ai buồn hỏi mua. Thậm chí khi anh chụp ảnh, đăng thông tin lên các trang rao vặt cũng không nhận được bất kỳ phản hồi hay cuộc gọi nào của khách.
Khảo sát tại đường Trần Đăng Ninh (quận Cầu Giấy), chúng tôi được biết thêm một cách thức mới để lách luật: Khi bán xe chính chủ, người bán phải photo thêm một số các giấy tờ cá nhân như CMND. Chủ cửa hàng sẽ giữ lại những giấy tờ đó để chuyển cho người mua xe kế tiếp. Nếu bị CSGT “sờ gáy”, người mua xe đó chỉ cần đưa những giấy tờ đó ra để chứng minh là xe đi mượn và sẽ không bị phạt hành chính.
Theo Dantri
Những vướng mắc khiến chủ xe ngại sang tên
Thiếu giấy tờ hoặc đã thất lạc, xe đã đăng ký tên khác vùng, phí trước bạ cao... là vướng mắc khiến nhiều người không thể hợp thức hóa cho phương tiện của mình.
Vấn đề được nhiều độc giả VnExpress e ngại là lệ phí trước bạ cho ôtô, xe máy hiện nay khá cao, nhất là tại các thành phố lớn. Theo một số độc giả, sang tên đổi chủ ở các nước châu Âu chỉ mất phí 2% giá trị ôtô, còn lệ phí trước bạ ở Việt Nam cao gấp 10 lần. Khi thu nhập của người dân chỉ vài triệu đồng mỗi tháng thì lệ phí đó nên được giảm đi 10 lần so với hiện nay.
Độc giả Nguyen Hien đề nghị phân biệt rõ hai loại thuế thu cho ngân sách và phí quản lý hành chính. Phí chuyển quyền sở hữu phương tiện thực tế là phí quản lý hành chính vì xe đã và đang được lưu hành rồi.
Nội dung phí trước bạ đã được quy định trong Nghị định 45, giá tính lệ phí do tỉnh thành ban hành. Tại Hà Nội, mức phí hiện được áp cho ôtô cũ là 12%, còn tại TP HCM là 10%.
Nghị định cũng nêu, đối với xe máy, lệ phí trước bạ lần thứ hai trở đi được áp dụng mức thu là 1%. Với trường hợp chủ tài sản đã kê khai, nộp lệ phí trước bạ đối với xe máy thấp hơn 5%, sau đó chuyển giao cho tổ chức, cá nhân ở địa bàn quy định (thành phố trực thuộc Trung ương; thành phố thuộc tỉnh, thị xã nơi UBND tỉnh đóng trụ sở) thì nộp lệ phí trước bạ theo mức là 5%).
Trao đổi với VnExpress, Viện trưởng Nghiên cứu Lập pháp Đinh Xuân Thảo cho rằng, mức phí trước bạ hiện nay còn khá cao trong khi mục đích thu phí là để quản lý chứ không phải phạt, thu ngân sách. "Nếu 100 người đến đăng ký đổi tên, mỗi xe thu 1 đồng thì nhà nước sẽ thu được 100 đồng còn hơn đưa ra giá cao mà chỉ thu được của vài người", ông Thảo nói.
Phí trước bạ của ôtô cao chót vót tại các thành phố lớn. Ảnh minh họa: Tiến Dũng
Một lo ngại khác của người dân là giấy đăng ký xe bị mất, thất lạc, xe qua nhiều chủ mà không có giấy tờ chuyển nhượng... nên không thể hợp thức hóa. Độc giả Cao Hoài Linh viết: "Năm 2007, tôi mua xe nhưng thời điêm đó không biết vê viêc cân sang tên đổi chủ nên cứ sử dụng cho tới giờ. 15 năm trôi qua, nêu bây giờ sang tên thì biêt tìm chủ sở hữu trước ở đâu?".
Theo Thông tư 36 của Bộ Công an về đăng ký xe, hồ sơ sang tên cho phương tiện cần có các loại giấy tờ như: giấy khai đăng ký xe, giấy chứng nhận đăng ký xe, chứng từ chuyển nhượng xe, chứng từ lệ phí trước bạ.
Luật sư Vũ Tiến Vinh, Công ty Luật Bảo An, cho biết thêm, với xe chuyển nhượng qua nhiều người, nay chủ cũ đã mất hoặc không liên lạc được, người đang sử dụng vẫn có thể đăng ký sang tên nếu có chứng từ mua bán xe hợp lệ, đầy đủ. Nếu bị thất lạc giấy tờ, không chứng minh được tài sản đó là của mình thì người mua sẽ không làm thủ tục đăng ký được.
Tuy nhiên, Thông tư 36 có mở hướng: "Khi sang tên, di chuyển, trong hồ sơ xe đăng ký từ 31/12/2005 trở về trước, nếu thiếu hóa đơn chuyển nhượng hoặc chuyển nhượng không liên tục thì hồ sơ được coi là hợp lệ".
Vướng mắc nữa là nhiều người chưa có hộ khẩu ở đô thị lớn song muốn sang tên phương tiện. Những người này phải đăng ký xe theo địa chỉ thường trú.Độc giả Kiên bày tỏ: "Tôi mua xe lại đã không biết chủ đầu tiên là ai. Xe tôi đang ở Hà Nội mà quê ở tận Quảng Nam thì phải đi xe về làm thủ tục. Vậy có cơ chế nào cho người tỉnh xa làm tại Hà Nội không?".
Về vấn đề này, Thông tư 36 của Bộ Công an quy định khá phức tạp việc sang tên, di chuyển xe từ tỉnh này sang tỉnh khác, yêu cầu người mua xe làm thủ tục sang tên tại chính địa phương mình đăng ký thường trú.
Theo đó, hồ sơ gồm cả người mua và người bán xuất trình giấy tờ nhân thân; giấy chứng nhận đăng ký xe và biển số xe; hai giấy khai sang tên di chuyển; chứng từ chuyển nhượng xe. Với trường hợp di chuyển nguyên chủ đi tỉnh khác, phải có quyết định điều động công tác hoặc sổ hộ khẩu thay cho chứng từ chuyển nhượng xe...
Theo luật sư Vũ Tiến Vinh, Công ty Luật Bảo An, thời gian tới, có thể Bộ Công an sẽ ban hành thông tư hướng dẫn về việc sử dụng xe đi mượn của người khác cần có những giấy tờ, tài liệu gì để thuận tiện cho người dân. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian chưa có thông tư hướng dẫn, khi mượn xe, người mượn cần mang theo các giấy tờ, tài liệu chứng minh quan hệ với người cho mượn xe như quan hệ vợ chồng, cha con, hoặc giấy mượn xe của chủ xe hoặc các thông tin liên quan đến người cho mượn xe để cảnh sát giao thông có căn cứ xác minh nếu cần.
Trường hợp người cho mượn xe ở xa hoặc đi công tác mà không thể có mặt để chứng minh việc cho mượn xe là đúng, là có thật thì người điều khiển phương tiện giao thông có thể bị coi như không chuyển quyền sở hữu phương tiện và có thể bị phạt về hành vi này.
Theo VNE
Đăng ký lại xe máy: Lệ phí 50.000 đồng "Trong trường hợp người mua xe cuối cùng đánh mất nốt giấy tờ mua bán xe hợp lệ thì người bán xe gần nhất phải làm giấy tờ trình báo đến cơ quan chức năng... Người mua xe cuối cùng phải cam đoan tính hợp lệ của xe, đảm bảo trước pháp luật xe đó không phải xe trộm cắp, đục số khung...