Cho vịt ăn cây chuối, rau rừng, ngô xay…kiếm tiền đều tay
Anh Võ Văn Đông, sinh năm 1977, ở tiểu khu 8 (xã Nà Bó, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La) chuyển sang nuôi vịt bằng thân cây chuối thái, rau rừng, ngô xay thế mà lại hay vì vịt mau lớn, thịt thơm ngon…
Vượt lên khó khăn
Gặp anh Đông trong ngôi nhà nhỏ cấp 4 nằm ven tỉnh lộ 110, bề ngoài ngôi nhà giản đơn nhưng bên trong đầy đủ tiện nghi…
Nhờ nuôi vịt mà kinh tế gia đình anh Đông ngày càng khấm khá
Tận dụng đất vườn sẵn có, anh dành một phần đất khoảng 2.000 m2 quây kín lại và nuôi hơn 1.000 con vịt. Nhờ được chăm sóc đúng quy cách, vịt ít bệnh, thịt chất lượng nên được các chủ nhà hàng, quán ăn ẩm thực trên địa bàn tìm đến mua. Với giá bán giao động từ 60.000 đồng – 70.000 đồng/kg, mỗi năm anh thu lãi hàng trăm triệu đồng. Từ ngày gắn bó với nghề nuôi vịt, kinh tế gia đình anh Đông ngày càng khá giả, có của ăn của để.
Vịt của anh Đông được nuôi theo hướng bán công nghiệp, chủ yếu cho ăn cám ngô, cây chuối, rau rừng và hạn chế cám công nghiệp nên chất lượng thịt ngon, được nhiều khách hàng ưa chuộng.
Nhớ lại tháng ngày gian khó, anh Đông kể: Trước đây, hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng mình luôn nung nấu ước mơ làm giàu. Đất vườn rộng mênh mông nhưng không hiểu sao cái nghèo vẫn bám riết lấy gia đình. Năm 2004, nghe một số bạn bè rủ đi xuất khẩu lao động Malaysia, rằng bên đó thu nhập cao, chịu khó làm sau vài năm là có thể đổi đời. Mình đã đi theo bạn sang Malaysia vào làm tại một nhà máy. Nào ngờ không như ý muốn, lao động quần quật cả tháng trời mà đồng lương chỉ được 2 triệu – 3 triệu đồng. Đồng lương ít không bõ công sức mình bỏ ra, nghĩ vậy, mình trở về với quyết tâm gắn bó với nương vườn, làm giàu trên chính quê hương mình.
Bằng số vốn tích góp và vay thêm của anh em, anh Đông đã đầu tư làm chuồng trại, quây lưới kín quanh vườn để nuôi ngan, số lượng lên đến hàng trăm con. Nuôi ngan phát triển tốt, lớn nhanh, con nào cũng nặng cỡ vài cân. Nào ngờ chuẩn bị xuất bán, bỗng cả đàn ngan chết sạch chỉ sau một đêm vì bệnh dịch.
Làm lại từ đầu sau thất bại
Video đang HOT
Bao nhiêu mồ hôi công sức đổ xuống sông xuống bể, anh Đông ngậm đắng nuốt cay khi thấy tiền không cánh mà bay, xót lòng vô kể. Thế rồi anh bỏ ngan chuyển sang nuôi vịt. Để có kỹ thuật nuôi vịt, anh lặn lội đến các trang trại nuôi vịt vùng lân cận học hỏi kinh nghiệm, học thêm qua tivi, đọc sách, báo… Từ ngày gắn bó với nghề nuôi vịt đến nay, đàn vịt của anh Đông luôn duy trì số lượng trên 1.000 con và chưa lần nào bị mắc bệnh, vì được chăm sóc tốt, đúng kỹ thuật.
Lúc nào anh Đông cũng tất bật bên chuồng vịt
Theo anh Đông, so với nuôi ngan thì vịt có sức đề kháng tốt, ít bệnh hơn. Đàn vịt của anh được nuôi theo hướng bán công nghiệp, chủ yếu cho ăn cám ngô, sắn, cây chuối băm nhỏ, trộn với ít cám công nghiệp. Nếu nuôi vịt hạn chế được càng nhiều cám công nghiệp càng tốt, vịt sẽ chắc thịt, ít mỡ, ăn ngon hơn. Chính vì thế để cung cấp đủ nguồn thức ăn cho đàn vịt, anh trồng cả đồi chuối, ngô và rau xung quanh nhà.
Cả đàn vịt hơn nghìn con, con nào con nấy béo, khỏe, ít bệnh nhờ được chăm sóc tôt, đúng kỹ thuật.
Chia sẻ kinh nghiệm nuôi vịt, anh Đông nói rằng: Phải thường xuyên cho vịt ở trạng thái no, đặc biệt không để vịt khan, háo thức ăn. Nếu để vịt quá đói chúng sẽ ăn rất nhiều, vừa tốn thức ăn lại ảnh hưởng đến sức khỏe, không những vịt phát triển chậm mà số lượng thức ăn tăng lên, thậm chí xảy ra tình trạng bội thực, làm chết vịt. Khi vịt được 15 ngày tuổi, phải tiêm phòng bệnh dịch tả. Sau đó 30 – 45 ngày tuổi cho uống thuống phòng bệnh thương hàn, bệnh đốm gan, cầu trùng.
Vì nuôi gối lứa nên lúc nào anh Đông cũng có vịt bán cho khách
Nhờ nuôi theo đúng kỹ thuật được hướng dẫn, hạn chế cám công nghiệp, chủ yếu cho ăn các loại thức ăn sẵn có ngoài tự nhiên nên được nhiều nhà hàng, quán ăn trong vùng tìm đến mua. Có thời điểm, giá vịt xuống thấp, người nuôi vịt gặp khó trong đầu ra nhưng riêng vịt anh Đông nuôi vẫn không bị ế, trái lại còn cháy hàng liên tục, vì chất lượng thịt vịt thơm, ngon, có uy tín với người tiêu dùng.
Theo Danviet
Cà phê Sơn La thơm mùi hoa, ít vị đắng sắp tấn công "chợ" thế giới
Những ngày này, đi dọc theo Quốc lộ 6 hướng từ huyện Mai Sơn lên TP.Sơn La, đâu đâu cũng thấy cảnh bà con nông dân tấp nập thu hoạch cà phê. Khắp nương vườn nhộn nhịp tiếng nói cười vui vẻ, chuyện trò rôm rả vì cà phê năm nay được giá...
Ăn ngon ngủ yên từ khi trồng cà phê
Tỉnh Sơn La có gần 18.000ha cà phê, được trồng trên các sườn dốc, chỏm đồi ở độ cao 600-1.200m so với mặt nước biển. Đây là một trong những cây trồng chủ lực mang lại nguồn thu nhập ổn định cho hàng ngàn nông dân, trồng tập trung ở các huyện Mai Sơn, Thuận Châu và TP.Sơn La, với sản lượng cà phê mỗi năm ước đạt hơn 60.000 tấn. Giá cà phê thời điểm hiện tại dao động từ 7.000-7.500 đồng/kg quả tươi, ổn định so với năm ngoái.
Những ngày này, trên khắp các sườn đồi hay nương vườn ở Sơn La, đâu đâu cũng tấp nập nông dân thu hái cà phê. Ảnh: Q.Đ
"10 tháng đầu năm 2018, giá trị xuất khẩu nông sản của tỉnh Sơn La đã đạt 115 triệu USD, trong đó các mặt hàng nông sản chủ lực như cà phê, tinh bột sắn, chè đường đã được xuất khẩu tới 12 thị trường trên thế giới. "Giải pháp cơ bản của Sơn La là ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, bảo đảm xúc tiến mở rộng thị trường xuất khẩu".
Ông Cầm Ngọc Minh - Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La
Vẫn luôn tay thu hái cà phê, nông dân Quàng Văn Chiến ở bản Hùn (xã Chiềng Cọ, TP.Sơn La) chia sẻ với chúng tôi: So với mọi năm, cà phê năm nay được giá nhưng quả không sai lắm. Nếu như các năm trước, mỗi ha cà phê cho năng suất trung bình từ 15 - 20 tấn quả tươi, thì năm nay chỉ được khoảng 10 tấn đổ lại. Tuy nhiên, do giá bán ổn định, trên 7.000 đồng/kg nên so với cây ngô, cây sắn, trồng cà phê vẫn lãi gấp nhiều lần.
"Bao nhiêu cà phê thu hái từ trên nương về đều được thương lái thu mua hết, nhiều hộ gia đình còn hợp đồng với các doanh nghiệp chế biến bao tiêu sản phẩm, nên bà con trồng cà phê bây giờ rất yên tâm, không còn lo đầu ra như trước" - ông Chiến nói.
Mấy năm nay, nhận thấy giá cà phê ổn định nên nhiều hộ nông dân Sơn La đã mạnh dạn chuyển đổi một số diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng cà phê. Năm nào cũng vậy, cứ vào mùa thu hoạch là nhiều lao động nông nhàn ở một số địa phương lại đổ về đây hái thuê cà phê cho các chủ vườn.
Anh Cà Văn Thành - nông dân trồng cà phê ở TP.Sơn La cho biết: "Gia đình có 2ha cà phê, vì thế mùa thu hoạch năm nào cũng phải thuê 4-5 công nhân thu hái. Giá thuê thu hái hiện khoảng 150.000 đồng/người/ngày, còn nếu hái khoán thì 1.500-2.000 đồng/kg. Có ngày mỗi nhân công thu hái được vài tạ cà phê, thu nhập lên tới vài trăm ngàn đồng" - anh Thành cho hay.
Quyết tâm ghi dấu ấn trên bản đồ cà phê thế giới
Ngày 8.11 vừa qua Công ty CP Phúc Sinh (Phúc Sinh Group) đã khánh thành và đưa vào hoạt động nhà máy chế biến cà phê Phúc Sinh Sơn La tại Bản Mạt, xã Chiềng Mung, huyện Mai Sơn. Nhà máy này có quy mô 45ha, giai đoạn 1 đã hoàn thành sau 8 tháng thi công với vốn đầu tư trên 100 tỷ đồng, công suất 20.000 tấn cà phê tươi/năm. 100% công nhân, lao động trong nhà máy là người địa phương.
Nhiều nông dân thu hái cà phê về tách vỏ phơi khô rồi mới bán. Dù vất vả hơn nhưng được thêm vài giá khi bán cho các thương lái. Ảnh: Q.Đ
Đây là lần đầu tiên một nhà máy chế biến cà phê đạt tiêu chuẩn toàn cầu BRC và trang trại theo tiêu chuẩn UTZ được xây dựng và triển khai tại Sơn La, dù đây là một trong 3 vùng trồng cà phê Arabica lớn nhất ở nước ta. Nhà máy Phúc Sinh có công nghệ chế biến cà phê ướt hiện đại theo công nghệ của Colombia, sẽ sản xuất và chế biến các loại cà phê để xuất khẩu và phục vụ tiêu dùng trong nước.
Ông Hoàng Văn Chất - Bí thư Tỉnh ủy Sơn La cho biết, mặc dù nhà máy cà phê Phúc Sinh Sơn La hiện mới chế biến được khoảng 15% sản lượng cà phê của tỉnh, nhưng việc đưa nhà máy này vào hoạt động sẽ giúp đưa sản phẩm cà phê của Sơn La đến nhiều thị trường thế giới hơn qua hệ thống phân phối cũng như đối tác của Công ty Phúc Sinh. Đây cũng là động lực để thu hút các doanh nghiệp đầu tư mạnh mẽ hơn vào lĩnh vực nông nghiệp tại Sơn La.
Với sức sống mãnh liệt, không phải chịu cảnh cao nguyên khô hạn khi vào mùa như ở Tây Nguyên, cây cà phê Arabica ở Sơn La cho quả có mùi thơm hương hoa, ít vị đắng, được nhiều khách hàng xếp vào hạng cà phê đặc biệt - Specialty Coffee, sánh ngang với những cái tên danh tiếng trên bản đồ cà phê thế giới.
Ông Phan Minh Thông - Chủ tịch HĐQT Phúc Sinh Group cho biết, cùng với việc xây dựng nhà máy chế biến, Phúc Sinh sẽ phối hợp chính quyền địa phương nâng tầm giá trị của cà phê Sơn La bằng việc xây dựng thương hiệu Blue Sơn La.
"Nhờ sự giúp đỡ nhiệt tình của lãnh đạo và chính quyền tỉnh, tôi đã tiến hành xây dựng nhà máy với thời gian rất nhanh, chỉ 8 tháng. Ngày 28.9 khai trương nhà máy và hôm nay bắt đầu chạy để mang sản phẩm cà phê Sơn La ra thế giới trong thời gian sớm nhất. Đây cũng là nhà máy quy mô bài bản nhất trong hệ thống Phúc Sinh" - ông Thông nói.
Theo Danviet
Sơn La: Khi cả cán bộ và dân cùng xắn tay, làng, bản đẹp thế này đây Những con đường bê tông phẳng lỳ, thẳng tắp, xuyên qua các bản, lên tận những dãy đồi phủ kín rừng cây ăn quả xanh mướt. Những ngôi nhà vững chãi, tường xây kiên cố; điện, đường, trường, trạm... được xây dựng khang trang, đó là minh chứng cho sự đổi thay ở xã Nông thôn mới - Hát Lót (huyện Mai Sơn,...