Cho thuê ô tô tự lái: Quá dễ cho tội phạm lợi dụng
Chỉ cần sổ hộ khẩu, CMND và một khoản tiền nhỏ đặt cọc là có thể thuê xe ô tô tự lái. Trong bối cảnh kinh doanh cạnh tranh thì từng ấy yêu cầu đối với khách hàng là quá đủ. Tuy nhiên, đó lại là điều kiện thuận lợi cho tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Dễ như… thuê xe ô tô tự lái
Với lý do cần xe ô tô để “diện” với đối tác, sáng 1-9-2009, Nguyễn Thị Thủy (SN 1982, trú ở xã Mai Lâm, Đông Anh, Hà Nội) đến một công ty tư vấn, đầu tư phát triển nhà ở Hà Nội ký hợp đồng thuê chiếc xe ô tô 4 chỗ hiệu Honda – Civic BKS: 30N-4720 với giá 18 triệu đồng/tháng, trong thời gian 90 ngày. Theo yêu cầu của doanh nghiệp, ngoài sổ hộ khẩu, CMND, Thủy chỉ phải đặt trước khoản tiền tương ứng với tiền thuê xe 1 tháng. Ngay sau khi mang được xe ô tô ra khỏi công ty, Thủy bảo lái xe đánh thẳng xe đến phố Thái Thịnh, quận Đống Đa giao cho anh Nguyễn Trung Anh (trú phường Thịnh Quang) để vay 100 triệu đồng.
Hai bị can có hành vi lừa ô tô mang đi cầm cố tại một phiên tòa
Chiều cùng ngày, đối tượng tiếp tục trở lại công ty này thuê thêm một chiếc xe ô tô nữa hiệu Toyota – Corolla với lý do để thay đổi sử dụng. Giá thuê chiếc xe này được hai bên ký kết là 650.000 đồng/ngày, trong thời gian 30 ngày. Thủy đã dùng chiếc xe vừa thuê để gán nợ cho một phụ nữ ở Hưng Yên. Mỗi lần đến là một lý do hợp lý khác nhau và cùng với số tiền đặt trước “hậu hĩnh” nên chỉ trong vòng 1 tháng (từ 1-9 đến 1-10-2009), Nguyễn Thị Thủy đã lần lượt thuê được 9 xe ô tô của công ty trên, sau đó mang đi cầm cố và gán nợ hết. Theo xác định, tổng giá trị 9 xe ô tô của doanh nghiệp mắc bẫy “nữ quái” này là gần 3 tỷ đồng. Với hành vi lừa đảo trên, Nguyễn Thị Thủy đã bị TAND TP Hà Nội xử phạt 20 năm tù giam.
Theo một giám đốc công ty kinh doanh xe ô tô tự lái ở phường Cầu Dền (Hai Bà Trưng, Hà Nội), hầu hết doanh nghiệp trong lĩnh vực này hiện chỉ có điều kiện đối với khách hàng là có CMND, sổ hộ khẩu, GPLX phù hợp (trường hợp không có GPLX thì phải có lái xe kèm theo và cùng đứng tên trong hợp đồng) cùng một khoản tiền đặt trước. Giám đốc này cho rằng những điều kiện đó là đủ và phù hợp với pháp luật. Tuy nhiên, một khi khách hàng có ý đồ lừa đảo thì doanh nghiệp khó có thể tránh được rủi ro. Hiện nay, một số doanh nghiệp đã thử nghiệm lắp đặt thiết bị giám sát và định vị trên xe ô tô cho thuê để quản lý phương tiện. Dù vậy, biện pháp này chỉ giúp được việc thu hồi lại phương tiện sau khi đã bị các đối tượng lừa đảo cầm cố, bán cho người khác.
Đẩy trách nhiệm cho cơ quan chức năng
Theo luật sư Vũ Hồng Thanh (Văn phòng Luật sư Hà Phát – Đoàn Luật sư TP Hà Nội), thực tế qua các vụ án lừa đảo bằng thủ đoạn thuê xe ô tô tự lái, rồi mang đi cầm cố cho thấy, thiệt hại phần nhiều rơi vào người thứ ba. Đó chính là những người nhận “cầm” ô tô để cho các đối tượng lừa đảo vay mượn tiền. Những người nhận cầm cố ô tô thường thuộc một trong hai trường hợp. Thứ nhất là thân quen với đối tượng lừa đảo. Thứ hai là những hiệu cầm đồ chuyên nghiệp hoặc những người hám lãi suất cao.
Luật sư Vũ Hồng Thanh cho rằng, khi giải quyết vụ án bao giờ tòa án cũng tuyên buộc các bị cáo phải hoàn trả lại số tiền đã “vay mượn” hoặc nhận của những người cầm cố xe ô tô. Tuy nhiên, lấy lại được tiền từ các bị cáo là vô cùng khó khăn, thậm chí gần như không thể. Đơn giản vì các bị cáo không còn khả năng thanh toán hoặc cố tình tẩu tán hết tài sản. Luật sư này còn cho biết thêm, pháp luật cũng đã có hành lang pháp lý để ngăn chặn và xử lý đối với người nhận cầm cố tài sản trái phép nhằm đấu tranh, phòng ngừa tội phạm. Cụ thể là tài sản đăng ký quyền sở hữu hoặc sử dụng thì giao dịch cầm cố phải do chính chủ sở hữu, chủ sử dụng hợp pháp thực hiện nếu không có giấy ủy quyền. Người nhận cầm cố tài sản vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị xử lý trách nhiệm hình sự. Mặc dù vậy, cách thức này tỏ ra không mấy hiệu quả. Bởi khi bị truy xét về hành vi tiêu thụ của gian, hầu hết những người nhận cầm cố xe ô tô đều phủ nhận với lý do không biết đó là tài sản do phạm tội mà có nên không có cơ sở để xử lý.
Từ các vụ án lừa đảo thuê xe ô tô tự lái để mang đi cầm cố có thể thấy, các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực này và những người “tiếp tay” cho tội phạm đang dồn trách nhiệm cho các cơ quan chức năng khi áp dụng cuộc chơi “lợi nhuận lớn, rủi ro cao”. Điều này được thể hiện rất rõ ở chỗ hễ tội phạm xảy ra thì các cơ quan bảo vệ pháp luật phải lập tức vào cuộc. Quy luật trên cũng giải thích vì sao tội phạm lừa “đặt” ô tô ngày càng nhức nhối.
Theo ANTD