“Chợ thần chết” chờ cơ chế hành chính
“Chỉ trong vòng 2 tháng, chúng tôi có thể quét sạch tệ nạn ma túy ở khu vực đường tàu Lê Chân; nhưng khốn thay lại không có cơ chế!” – một lãnh đạo Đội cảnh sát điều tra (CSĐT) tội phạm về ma túy – Công an (CA) quận Lê Chân, TP.Hải Phòng khẳng định.
Đường tàu Lê Chân – được mệnh danh là “ chợ thần chết” – đến giờ này vẫn là nỗi ám ảnh nhức nhối về tệ nạn ma tuý ở Hải Phòng. Ảnh: Phạm Việt Hòa
Và vì không có cái gọi là “cơ chế” ấy nên con phố 2km chạy dọc tuyến đường sắt quận Lê Chân – vốn được gọi là “chợ thần chết” – đến giờ vẫn là nỗi ám ảnh nhức nhối nhất về tệ nạn ma túy ở Hải Phòng.
Con phố ghê rợn
Cháu mua ma túy của một người không quen biết ở đường tàu Lê Chân” – một tội phạm vị thành niên bị bắt nói. Đó là câu trả lời quen thuộc tới mức chưa nghe đã đoán ra từ miệng những kẻ bán lẻ ma túy, cho dù họ bị bắt ở một quận nội thành Hải Phòng hay một huyện đảo xa hơn như Cát Hải… “Mua ma túy ở đường tàu” trở thành cụm từ cũng quen thuộc chẳng kém trong hàng trăm báo cáo về vụ án của các đơn vị CA TP.Hải Phòng.
Sở dĩ cái tên đường tàu Lê Chân “nổi tiếng” như vậy vì đây là tụ điểm ma túy hình thành sớm nhất và tồn tại lâu nhất ở Hải Phòng. Từ năm 2005 trở về trước, chỉ những người can đảm lắm mới dám đi qua đường tàu Lê Chân, bởi đây là “lãnh địa” của giới buôn ma túy và con nghiện. Chỉ cần bước qua những tuyến phố đông đúc, sầm uất và giàu có bậc nhất Hải Phòng như Cầu Đất, Mê Linh, Cát Cụt vài bước chân, rẽ vào đường tàu là một cuộc sống khác, một thế giới khác.
Những người lương thiện sống ở khu vực đường tàu vẫn còn hãi hùng về một thời người nghiện xếp hàng mua ma túy như cảnh người ta mua tem phiếu thời bao cấp. Ở nơi đó có những thân hình dặt dẹo, dật dờ như những bóng ma giữa “giàn đồng ca” hỗn tạp tiếng cười sặc sụa man dại, tiếng khóc rống, tiếng lải nhải chửi thề của những người đang vật vã vì cơn “vã” hay “phê” thuốc. Cứ dăm bữa người ta lại thấy một thân hình gầy giơ xương, mắt mở trừng trừng, miệng thì sùi bọt, nằm co quắp cạnh gốc cây, bờ tường – họ đã chết vì sốc thuốc, thiếu thuốc.
Sức tiêu thụ ma túy ở chợ này nhiều đến mức có một bà lão nghiện ma túy, hằng ngày đi dọc đường tàu nhặt bơm kim tiêm để bán cho các cơ sở tái chế nhựa; với giá 3.000đ/kg, mỗi ngày bà lão này cũng kiếm được vài chục nghìn đồng để mua ma túy chích cho mình. Chính vì những nét ghê rợn đó mà cái tên ma quỷ – “chợ thần chết” đã được người ta gán cho tuyến đường sắt 2km này.
Công an tuần tra, kiểm soát liên tục tại đường tàu Lê Chân.
“Boongke” của quỷ
Ngày nay vào đường tàu Lê Chân, không còn bắt gặp cảnh người nghiện xếp hàng mua ma túy, nhưng hoạt động buôn bán vẫn diễn ra lén lút với các thủ đoạn tinh vi hơn. Một trong những thủ đoạn thường được loại tội phạm này sử dụng là lập nên các “boongke”. Thượng tá Nguyễn Mạnh Vũ – Đội trưởng Đội CSĐT tội phạm về ma túy, CA quận Lê Chân – giải thích: “Boongke” là những ngôi nhà sát nhau, có cửa thông từ nhà này sang nhà kia, đồng thời nối ra những ngõ nhỏ loằng ngoằng, sâu hun hút.
Video đang HOT
Để mua được ma túy, người nghiện phải là khách quen và chỉ có thể đứng ngoài cửa sắt, đút tiền qua một ô hẹp, sau đó nhận “hàng” cũng qua ô cửa đó. Bắt các vụ mua bán ma túy ở các “boongke” luôn là nhiệm vụ khó khăn, bởi khi phá được các lần cửa sắt để vào trong thì kẻ buôn ma túy đã có đủ thời gian phi tang vật chứng hoặc cao chạy xa bay.
Để bảo đảm sự tin cẩn, an toàn, nhiều đầu nậu ma túy ở đường tàu Lê Chân lôi kéo, sử dụng chính những thành viên trong gia đình mình vào đường dây buôn “tử dược”. Đầu tháng 7.2012, Đội CSĐT tội phạm về ma túy, CA quận Lê Chân bắt về trụ sở một “người quen” – đó là Nguyễn Thị Phấn (85 tuổi) về hành vi tàng trữ trái phép ma túy. Bà lão này là “cây cao bóng cả” của một đại gia đình với hơn 10 người gồm con, cháu nội, ngoại hầu hết đã và đang “bóc lịch” trong tù về tội buôn bán ma túy. Nhiều đứa cháu của bà Phấn khi bị bắt đã khai chính bà của chúng truyền dạy cho cách “làm ăn” này.
Ở “chợ thần chết”, ngoài gia đình Nguyễn Thị Phấn còn có một số đại gia đình buôn ma túy như gia đình Vân “cong” với gần 10 người bị bắt. Gia đình T cũng đông đúc cả xâu, dạn dày “thành tích bất hảo”. Quả thật, với những “boongke” ma quỷ này, cảnh sát điều tra khu vực và thành phố đã lắm phen vất vả, nhưng không hiệu quả bao nhiêu. Đã thế, trong tay lại không có cơ chế cần thiết.
“Cơ chế” đến từ đâu?
Trước tình trạng tệ nạn ma túy ngày càng lộng hành, gần đây, quận Lê Chân liên tiếp tổ chức tấn công vào “chợ thần chết”. Hàng chục chuyên án đã được triển khai, xóa sổ nhiều ổ nhóm sừng sỏ ở đây. Dọc tuyến đường sắt trước kia là đường đất, um tùm cây bụi đã được dọn sạch, xây dựng thành đường bêtông với hệ thống đèn chiếu sáng cao áp lắp dọc tuyến, không để cho tội phạm có cơ hội hoạt động ban đêm.
Ông Phạm Tiến Du – Chủ tịch UBND quận Lê Chân – nói: “Đặc biệt từ trung tuần tháng 5, chúng tôi đã chỉ đạo CA quận phối hợp với các tổ chức chính trị – xã hội đồng loạt bao vây, tấn công trực tiếp tội phạm ma túy khu vực đường tàu”. Mỗi ngày có từ 50 đến 70 lượt cán bộ, chiến sĩ CA tăng cường tuần tra, chốt chặn 24/24 giờ ở tuyến đường tàu. Khi người nghiện bị đẩy, đuổi ra khỏi đường tàu Lê Chân, các đối tượng chuyên bán ma túy trong các “boongke” buộc phải… ra đường giao hàng và đó chính là thời cơ thuận lợi nhất để lực lượng CA tiến hành bắt giữ.
Sơ kết đợt cao điểm từ ngày 15.5 đến 30.6, CA quận Lê Chân đã bắt 18 vụ với 20 đối tượng buôn bán ma túy; lập hồ sơ đưa 47 đối tượng đi cai nghiện bắt buộc tại Trung tâm Giáo dục lao động số 2 tại huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng.
Triển khai đợt cao điểm này, chính quyền quận Lê Chân quyết tâm xóa đi hình ảnh xấu ở khu vực đường tàu này, nhưng vướng mắc lớn nhất đối với họ lại chính là cái được gọi là “cơ chế”. Theo quy trình đang được áp dụng tại TP.Hải Phòng thì chính quyền một quận, huyện chỉ được phép lập hồ sơ đưa các đối tượng nghiện có hộ khẩu thường trú tại quận, huyện đó đi điều trị tại trung tâm cai nghiện. Trên thực tế, có tới hơn 80% số người nghiện có hộ khẩu ở các địa phương khác thường lai vãng ở đường tàu Lê Chân.
Đối với những người này, CA quận Lê Chân không thể lập hồ sơ đưa đi cai nghiện bắt buộc, nên đành đứng nhìn họ ngày đêm vào ra “chợ thần chết”. Ông Phạm Tiến Du cho rằng: “Để giải quyết tình trạng người nghiện tụ tập tại các tụ điểm ma túy nhức nhối như đường tàu Lê Chân, TP.Hải Phòng cần có một cơ chế rộng mở hơn. Theo đó, lực lượng chức năng cần có đủ thẩm quyền đưa bất kỳ một người nghiện nào vào trung tâm cai nghiện của TP cho dù đối tượng là người thuộc địa bàn quận, huyện khác. Mọi thủ tục hồ sơ sẽ được thông báo và địa phương nơi người nghiện cư trú có trách nhiệm bổ sung sau”.
Đồng tình với quan điểm của ông Du, trung tá Lương Gia Tuấn – Đội phó Đội CSĐT tội phạm về ma túy, CA quận Lê Chân – khẳng định: “Chỉ cần TP.Hải Phòng có cơ chế như vậy, chúng tôi đảm bảo trong vòng 2 tháng sẽ xóa sạch chợ ma túy đường tàu. Một khi người nghiện không thể vào đây, các “boongke” bán ma túy sẽ tự nhiên sụp đổ”.
Ý kiến của ông Phạm Tiến Du thật ra đã có tiền lệ. Ở Đà Nẵng, Sơn La người ta đã làm rồi. Thậm chí Đà Nẵng mỗi khi thu gom được một đối tượng nghiện vào trung tâm, lực lượng chức năng còn được “thưởng nóng”. Hiện CA quận Lê Chân chưa nghĩ tới việc được thưởng, cái họ cần trước mắt là một cơ chế thích hợp để xóa bỏ tội ác, làm trong sạch lại địa bàn. Đơn giản chỉ có vậy, thế mà cả chục năm nay cứ phải chờ như chờ một thủ tục hành chính dửng dưng, máy móc. Tại đâu thế?
Theo Lao Động
Trưởng bản 23 tuổi ở thánh địa ma túy
23 tuổi bắt đầu làm trưởng bản Xốp Mạt, nơi mảnh đất cheo leo vách núi được mệnh danh là thánh địa ma túy nóng bỏng của Nghệ An.
Chàng thanh niên có nụ cười hiền khô ấy lại chính là vị thuyền trưởng chèo lái con thuyền Xốp Mạt vượt qua thử thách của nạn ma tuý từng hoành hành dữ dội ở vùng đất này.
Trưởng bản Lô Văn May.
Người đàn ông duy nhất ở "bản không chồng"
Mấy chục năm nay, cơn bão ma túy ở Lượng Minh chưa bao giờ thôi nhức nhối. Cũng vì ma túy mà hàng trăm nóc nhà đã vắng đàn ông, hàng trăm thanh niên nghiện ngập dẫn đến tệ nạn xã hội, mà câu chuyện về hơn 40 nóc nhà tại bản Xốp Mạt nhưng không có nổi một người đàn ông là một minh chứng đau lòng.
Trước khi dẫn chúng tôi thị sát bản nhỏ vốn đã bị băm nát vì ma túy, trưởng bản Lô Văn May cho biết, câu chuyện về những gia đình mất trụ cột đàn ông ở Xốp Mạt luôn là một câu chuyện dài không có hồi kết, tang thương và buồn nẫu ruột lắm. Cả bản có 26 con nghiện, 17 người đang thụ án với mức án thấp nhất là 20 năm tù và 11 trường hợp đang trốn lệnh truy nã. Trong đó, gần như gia đình nào cũng có cả vợ lẫn chồng, thậm chí là cả gia đình đều bập vào ma túy.
Đến nơi này, hỏi nhà trưởng bản Lô Văn May, ai cũng dành cho anh một sự trìu mến, cảm phục. Căn nhà nhỏ nằm dưới chân núi Kiêng là chốn đi về thân thuộc của trưởng bản 8x này. Sau ít phút ngỡ ngàng trước những vị khách lạ, anh nhanh chóng nhoẻn một nụ cười thật hiền bảo trước lạ sau quen.
Trước thắc mắc của tôi về sự thiếu hụt những bóng dáng nam nhi ở bản của người Thái này, anh May trầm ngâm bảo: "Họ "đi" cả rồi các đồng chí ạ, người thì chết vì sốc ma túy, HIV, người thì đi tù, đi cai nghiện. Nhưng người đi rồi sẽ về thôi nên đừng gọi bản tôi là xóm không chồng như mấy cán bộ miền xuôi nha", nụ cười ấy lại nở trên môi anh, nhưng tôi thấy nó còn thấp thoáng một niềm tin cải biến mãnh liệt của người trưởng bản.
Câu chuyện về nguyên trưởng bản Lô Văn Tuấn cũng là một cái kết đau lòng cho vấn nạn cái chết trắng ở thánh địa ma túy Pù Lôm này. 17 năm giữ chức trưởng bản Xốp Mạt, Lô Văn Tuấn đã không thể kiên định được lòng mình trước sức quyến rũ của cơm đen (tiếng lóng của thuốc phiện).
Gạt qua trách nhiệm cao cả của một trưởng bản, Tuấn trở thành đại lý phân phối hàng cho các con buôn từ dưới xuôi lên, trở thành trùm sò cho các đường dây ma túy lớn từ Bắc chí Nam như Hải Luận, Trần Văn Hợi (Nghệ An), Hoàng Văn Thịnh (Hà Tĩnh). Năm 2005, Tuấn bị bắt khi mang trên mình ba lệnh truy nã trong ba vụ án ma túy khác nhau, và với việc vận chuyển hơn 150 bánh heroin, hắn bị tuyên án tử hình.
Điều đáng nói hơn, không chỉ Lô Văn Tuấn mà cả vợ và hai đứa con của y đều bị lôi kéo vào vòng xoáy nghiệt ngã của ma túy. Ngày y bị bắt, vợ y cũng phải tra tay vào còng, cả con trai, con gái lẫn con rể đều chịu chung số phận, chỉ tội cho hai đứa cháu, một lên 10, một lên 9 bơ vơ không nơi nương tựa.
Lấy chuyện buồn của mình làm thuốc từ bỏ ma túy cho người khác
Trong câu chuyện về những cảnh đời của bản mình, Lô Văn May không giấu giếm về hoàn cảnh của chính gia đình anh. Giọng trầm buồn khi phải khơi gợi lại chuyện không vui của quá khứ, anh chậm rãi kể chuyện gia cảnh của mình cho chúng tôi nghe.
Không khoan nhượng với vấn nạn ma tuý Với những gia đình nghiện ngập, Trưởng bản May mạnh dạn đề xuất cấp trên lập hồ sơ đưa đi cai nghiện bắt buộc. Mưa dầm thấm lâu, ban đầu nhiều người còn xem thường, nhưng sau thấy trưởng bản May làm quyết liệt và nghiêm khắc quá nên đã nghe theo. Trong nhiều chuyên án triệt phá điểm nóng ma túy trên địa bàn xã Lượng Minh, anh May đều tham gia. Trong những lần đối mặt với các tên nghiện, mua bán heroin, đã không ít lần anh bị đe dọa, nguy hiểm đến tính mạng.
Anh là con đầu trong gia đình có bốn anh em. Cũng như bao gia đình người Thái ở bản Xốp Mạt, gia cảnh nhà anh rất khó khăn. Sau những nỗ lực của bố mẹ vì con chữ, anh được đến trường, nhưng bước vào lớp 11 thì Lô Văn May phải bỏ dở vì bố mẹ không thể cố thêm được nữa.
Năm 2003, anh lên đường nhập ngũ. Gia nhập kỷ luật quân đội được nửa năm thì anh nhận được hung tin, mẹ bị bắt vì xách thuê ma túy và phải nhận mức án cao nhất là tử hình. Chàng thanh niên Lô Văn May suy sụp tinh thần hoàn toàn. Thế rồi cơn dư chấn ấy cũng đi qua, đầu năm 2006, anh xách ba lô trở về quê hương.
Nhờ lối sống trong sạch, bản lĩnh kiên định, lại năng nổ với các công việc đoàn xã, không lâu sau ngày về quê, May được đề cử làm bí thư chi đoàn bản Xốp Mạt. Một năm sau, khi trưởng bản Lô Văn Tuấn bị bắt vì dính đến ma túy, Lô Văn May được bầu làm người kế nhiệm. Năm đó, anh vừa bước sang tuổi 23.
Từ khi Lô Văn May đảm nhiệm chức trách chèo lái bản Xốp Mạt, đời sống bà con dần đi vào nếp tăng gia sản xuất, cuộc sống bớt khốn nghèo hơn trước. Được vài năm thì cơn bão số phận lại ập đến. Một đường dây ma túy trên đỉnh Pù Lôm bị phá, trong đó có sự tham gia của bố ruột Lô Văn May. Nhanh chân trốn thoát, nhưng ông đã phải sống chui lủi trong rừng sâu để tránh sự tầm nã của các trinh sát.
Sau khi biết người cha của mình dính đến ma túy, việc đầu tiên anh làm là xin thôi chức trưởng bản. Hiểu tâm lý của anh nên đề xuất đó được chấp nhận, nhưng UBND xã vẫn giữ anh lại làm công an viên.
Đó là khoảng thời gian anh phải tự đấu tranh với bản thân rất nhiều, khi quyết định hợp tác với cơ quan điều tra để giăng lưới bắt người cha tội lỗi của mình. Nhiều đêm ông lặng lẽ về thăm con, anh đã ra sức thuyết phục để ông ra đầu thú, đặng hưởng sự khoan hồng của pháp luật nhưng ông kiên quyết trốn chạy.
Một đêm mưa gió sầm sập, khi thấy ông trở về, anh đã đau đớn bí mật báo cho công an xã đến vây bắt cha. Nhưng cũng may là với tội danh xách thuê ma túy, ông chỉ phải lãnh án 10 năm tù. Vừa rồi anh mới lên trại thăm cha, thấy ông khỏe hơn, và khoe là sắp được giảm án, anh cũng vui lây. Khi đã bắt đầu yên vị với công việc của một công an viên, thì người trưởng bản hiện tại bỏ trốn khỏi địa phương vì trốn nã, Lô Văn May lại được đề bạt làm trưởng thôn.
Sinh ra trong rốn lũ ma túy, lại có hoàn cảnh gia đình gắn với nỗi đau do nàng tiên nâu sinh ra, nên hơn ai hết Lô Văn May hiểu cần phải làm gì để cứu rỗi bản làng. Những đêm dài trằn trọc không ngủ, người trưởng bản trẻ tuổi ấy lại thao thức làm sao để cai dứt cơn nghiện cho hàng chục người đang quằn quại trong vũng lầy trắng ấy? Thanh niên trai tráng sau khi cai nghiện thành công, trở về bản lại tái nghiện.
Một mặt anh kiên trì đến từng nhà tâm sự với từng người về chính hoàn cảnh gia đình mình, những nỗi đau mất mát mà chính mình phải đeo mang một mặt anh cố gắng thay bố mẹ dạy dỗ 3 đứa em của mình nên người, làm ăn lương thiện, không giẫm lên con đường lầm lỗi của bố mẹ...
Với nỗ lực của mình, trưởng bản Lô Văn May đang hi vọng tương lai gần sẽ không có thêm đứa trẻ nào bị mất cha, người vợ nào bị mất chồng vì ma túy nữa. Bản Thái này lại tất nập bóng dáng đàn ông, thanh niên trai tráng.
Xót xa cảnh hai chồng rồi cũng... bằng không Ở bản Xốp Mạt, éo le trớ trêu nhất phải nhắc đến là trường hợp gia đình chị Lô Thị Phương. Phương lấy chồng từ năm 17 tuổi, có với nhau hai đứa con thì chồng dính vào nghiện ngập, trong một lần sốc thuốc, anh ta chết gục bên suối. Tuổi còn trẻ, nhan sắc có, Lô Thị Phương không quá khó khăn để đi thêm bước nữa. Đứa con thứ 4 cùng với người chồng thứ 2 này vừa chào đời thì anh ta bị bắt vì vận chuyển ma túy, án tử hình vừa tuyên năm ngoái. Chưa bước qua tuổi 30, góa bụa với sáu đứa con nheo nhóc, Lô Thị Phương vật lộn với cuộc mưu sinh. Gia cảnh khó khăn, một mình dạy con không xuể, những đứa trẻ của Phương lớn lên cũng dần đi vào vết xe đổ của những người bố, đứa đầu đang thụ án tại trại giam số 6 Bộ Công an, ba đứa nữa đang sống dở chết dở vì nghiện nặng, không làm gì được ngoài việc nằm bàn đèn hút thuốc phiện.
Theo NDT
Sống không rào chắn Trên đường ray tàu hỏa Hà Nội đang tồn tại một xã hội của những người lao động chân tay, người nhập cư... Mỗi ngày họ đều phải đương đầu với sự nguy hiểm từ những toa tàu rầm rập chạy qua. Không rào chắn. Đằng sau cuộc sống hào nhoáng đô thị luôn ẩn chứa một cuộc sống khác ít phô trương...