Chợ phố Hiến cháy cực lớn: Báo cháy muộn, trụ cứu hỏa không nước?
Ông Đào Hữu Liêm – Phó Giám đốc Công an tỉnh Hưng Yên – cho biết, khoảng 21h25 ngày 19/3, công an nhận được tin báo cháy ở chợ Phố Hiến. Đến hơn 1h sáng ngày 20/3, đám cháy lớn được khống chế nhưng tài sản của bà con tiểu thương đã bị thiêu rụi.
Như Dân trí đã thông tin, đêm 19/3, chợ 2 tầng phố Hiến nằm ở trung tâm phường Lê Lợi, Hưng Yên đã bị lửa bao phủ, hàng trăm gian hàng của tiểu thương chìm trong biển lửa.
Hầu hết những người dân sinh sống xung quanh chợ phố Hiến cũng như hàng trăm tiểu thương đều bức xúc cho rằng xe cứu hoả đã đến quá muộn khiến ngọn lửa có cơ hội hoành hành, lan rộng; các vòi nước dự trữ cứu hoả cạnh chợ đều… không có nước.
Ông Đặng Văn Thiện, chủ một gian hàng kinh doanh vải lớn nhất nhì chợ phố Hiến, bức xúc kể: “Trước khi vụ cháy xảy ra, vào hơn 18h chiều, tôi đóng gian hàng để nhà ăn cơm, không phát hiện điều gì bất thường. Bất ngờ đến hơn 20h tôi nhận được tin chợ bị cháy. Khi ra đến nơi thì chưa có xe cứu hoả nào đến. Tôi vội vàng chạy vào bên trong chợ, giật 2 bình cứu hoả để xịt vào đám cháy nhưng không có gì. Chúng tôi chạy đến vòi nước dự trữ sát chợ để vặn nước cứu hoả cũng không có nước!”.
Người dân phản ánh xe chữa cháy đến chậm, trụ nước cứu hỏa không có nước
Các cột nước ở khu vực nước dự trữ cứu hoả trong chợ phố Hiến cũng không có giọt nước nào.
Theo lời kể của ông Thiện, lửa phát ra từ hàng cá và càng lúc càng lan rộng. Ông Thiện chạy vào cố giật bạt lấy ít hàng ra ngoài nhưng do khói bốc mù mịt, rất khó thở, sợ nhà sập nên ông lại chạy ra ngoài.
“Tài sản hàng hoá của tôi có giá trị trên một tỷ đồng, không biết rồi đây sẽ được giải quyết thế nào. Trước đây, có lãnh đạo chợ từng hứa là sẽ chịu trách nhiệm về quản lý, trông nom tài sản của bà con tiểu thương kinh doanh trong chợ…”, ông Thiện than.
Video đang HOT
Cũng theo lời ông Thiện thì tại khu vực hàng vải, hương không được thắp, thuốc không được hút, mọi cầu dao đều được tắt, nên khó có khả năng gây cháy. Về việc bảo vệ khu chợ, lực lượng bảo vệ ở đây không đủ, không chu đáo, khi chợ cháy bảo vệ không phát hiện ra sớm để báo cháy.
Tiểu thương Nguyễn Thị Huệ (58 tuổi) bán vải ở ô số 203, tầng 1 chợ Phố Hiến, khi nhận được tin cháy đã vội vàng chạy lới lao vào đám lửa cứu đống sổ sách, hóa đơn buôn bán nhưng cũng không cứu được bao nhiêu. Gian hàng của tiểu thương Huệ gồm linh kiện vải vóc, quần áo; ước tính thiệt hại khoảng 1 tỷ đồng. Chưa kể nhiều chứng từ hóa đơn quan trọng của bà cũng đã ra tro.
Bà Huệ liều mình nhảy vào đám lửa đề cứu đống giấy tờ sổ sách
Bà Nguyễn Thị Bích khóc cả đêm vì xót xa 2 gian hàng trị giá trên nửa tỷ đồng.
Bà Nguyễn Thị Bích (68 tuổi) – một tiểu thương có thâm niên buôn bán suốt 20 năm nay ở chợ Phố Hiến – vừa khóc vừa kể: “Khoảng 19h30 tôi nhận được tin khu chợ xảy ra hỏa hoạn, 20h đến nơi đã thấy lửa cháy lan ở khu vực hàng vải ở tầng 1. Do cửa khu chợ khóa cộng thêm gian hàng quần áo của tôi ở tầng 2 nên không thể làm gì được”.
Tiểu thương Bích chua xót cho biết, ngoài gian hàng của bà còn có gian hàng quần áo của cô con dâu cũng bị thiêu rụi. “Thời gian tới không biết gia đình tôi sẽ làm gì để sống khi kinh tế đều trông chờ cả vào hai quầy quần áo bán ở chợ phố Hiến”, bà Bích vừa nói vừa khóc.
Bà Bích nhận định: “Tôi cho rằng nguyên nhân vụ cháy này là do sự cố về điện do máy bơm tại khu vực cháy được một người câu điện và sử dụng máy bơm”.
Trao đổi với PV Dân trí vào lúc hơn 2h sáng nay tại hiện trường vụ cháy, ông Đào Hữu Liêm – Phó Giám đốc Công an tỉnh Hưng Yêncho biết, theo báo cáo của lực lượng Cảnh sát PCCC – Công an tỉnh Hưng Yên, khoảng 21h25 ngày 19/3 mới nhận được tin báo cháy ở chợ Phố Hiến.
Ngay sau đó lực lượng Cảnh sát PCCC của Hưng Yên đã huy động 6 xe cứu hỏa tới hiện trường, đồng thời báo cáo lên Cục, trao đổi với công an các địa phương để tăng cường lực lượng.
Tiểu thương thẫn thờ khi chứng kiến tài sản ra tro
Khoảng 30 phút sau, công an các tỉnh lân cận đã chi viện lực lượng đến hiện trường. Tổng cộng có 18 xe chữa cháy, chưa kể xe chở nước, trong đó Hưng Yên 8 xe, Hà Nội 4 xe, Hải Dương 4 xe, Hà Nam 2 xe có mặt tại hiện trường để chữa cháy.
Đến khoảng 1h sáng, đám cháy cơ bản được khống chế. Lực lượng chức năng tiếp tục làm công tác khống chế hoàn toàn và dập tắt đám cháy.
Tuy nhiên trên thực tế, theo ghi nhận của các phóng viên, vẫn còn lửa cháy bên trong chợ; điều này cũng được ông Liêm thừa nhận. Ông Liêm cũng thừa nhận thông tin cháy được báo muộn nên dù huy động tối đa nhân lực chữa cháy cũng chỉ đủ để dập lửa chứ không kịp cứu tài sản hàng hoá trong chợ.
Về nguồn tin đám cháy do chập điện từ máy bơm ở khu hàng vải; khi xảy ra cháy có hai xe cứu hỏa đến nhưng lại không có nước, ông Liêm cho biết: “Lúc chữa cháy chúng tôi đã huy động tất cả lực lượng. Những ý kiến, phát hiện của người dân về vấn đề cháy, lực lượng tham gia chữa cháy, chúng tôi sẽ tiếp nhận và cho kiểm tra để xác định thực hư”.
Theo lời ông Đào Hữu Liêm, ngay sau khi lửa được khống chế, cơ quan điều tra Công an tỉnh Hưng Yên vào cuộc điều tra làm rõ nguyên nhân cụ thể của vụ cháy. Theo ước tình ban đầu, vụ cháy đã gây thiệt hại số tiền ít nhất lên đến hơn 100 tỷ đồng. UBND TP Hưng Yên đã ra thông báo mời bà con tiểu thương kinh doanh trong chợ tham dự cuộc họp khẩn vào 9h sáng nay để giải quyết những vấn đề liên quan.
Quốc Cường
Theo Dantri
Hà Nội công bố danh sách lãnh đạo lâm thời hai quận mới
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo vừa ký ban hành Quyết định số việc chỉ định UBND lâm thời quận Nam Từ Liêm và Bắc Từ Liêm. Theo đó, Chủ tịch quận Nam Từ Liêm là ông Nguyễn Văn Tứ, quận Bắc là ông Đỗ Mạnh Tuấn.
Theo quyết định của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội quận Nam Từ Liêm có 9 thành viên. Trong đó, Chủ tịch UBND lâm thời là ông Nguyễn Văn Tứ, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Từ Liêm.
Trụ sở quận Bắc Từ Liêm nằm ở vị trí UBND huyện Từ Liêm hiện nay
Các Phó Chủ tịch UBND lâm thời gồm: ông Trần Thanh Long, Huyện ủy viên, Phó Chủ tịch UBND huyện Từ Liêm; ông Nguyễn Trường Sơn, Huyện ủy viên, Trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Từ Liêm; ông Nguyễn Trọng Lượng, Huyện ủy viên, Trưởng Ban quản lý dự án huyện Từ Liêm.
Các Ủy viên UBND lâm thời gồm: Trưởng Công an Quận; Chỉ huy Trưởng Ban Chỉ huy quân sự Quận; Chánh Văn phòng HĐND và UBND Quận; Chánh Thanh tra Quận; Trưởng phòng Tài nguyên và môi trường Quận.
Quyết định 1459/QĐ-UBND, chỉ định UBND lâm thời quận Bắc Từ Liêm có 9 thành viên, trong đó Chủ tịch UBND lâm thời là ông Đỗ Mạnh Tuấn, Phó Bí thư thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Từ Liêm.
Các Phó Chủ tịch UBND lâm thời gồm: bà Nguyễn Thị Huệ, Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, PCT UBND huyện Từ Liêm; ông Nguyễn Kim Vinh, Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, PCT UBND huyện Từ Liêm; ông Trần Thế Cương, Trưởng phòng Văn hóa - Xã hội, Văn phòng UBND thành phố.
Các Ủy viên UBND lâm thời gồm: Trưởng Công an Quận; Chỉ huy Trưởng Ban Chỉ huy quân sự Quận; Chánh Văn phòng HĐND và UBND Quận; Chánh Thanh tra Quận; Trưởng phòng Tài nguyên và môi trường Quận.
Theo quyết định của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, UBND lâm thời quận Nam Từ Liêm và Bắc Từ Liêm thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý Nhà nước trên địa bàn quận Nam Từ Liêm và Bắc Từ Liêm theo quy định của pháp luật từ ngày 1/4/2014 cho đến khi HĐND và UBND mới được bầu ra.
Quang Phong
Theo Dantri
Ám ảnh "trùng độc" Nhiều người tin rằng "trùng độc" thường được cho vào thức ăn, nước uống, ai dùng phải sẽ đau ốm, bệnh tật và kẻ nào hại được nhiều nạn nhân thì sẽ giàu có! Chuyện sặc mùi hoang đường này đang khiến người dân Đắk Lắk hoang mang. Chuyện "sâu thuốc độc", "ma thuốc độc" hay "trùng độc" vốn là truyền thuyết dân...