Chợ phiên vùng cao – nơi lưu giữ văn hóa truyền thống
Từ ngàn xưa, Cao Bằng được mệnh danh là kho tàng của các giá trị văn hóa đặc sắc độc đáo, trong đó có giá trị chợ phiên của các dân tộc anh em với 55 phiên chợ huyện, chợ liên xã của 9 dân tộc, góp phần tạo nên bản sắc văn hóa riêng biệt của non nước Cao Bằng.
Chợ phiên vùng cao. Ảnh: Minh Tuyền
Cứ 5 ngày một phiên chợ, một tháng có 6 phiên chợ. Bà con đi chợ với nhiều mục đích khác nhau như: mua bán, trao đổi hàng hóa, gặp gỡ bạn bè, giao lưu văn hóa giữa các dân tộc, chung vui bên chén rượu để chia sẻ chuyện làm ăn, kinh nghiệm trồng cấy, tỏ tình, giao duyên…
Điểm chung của các chợ phiên là hàng hóa hầu hết là nông sản địa phương hay nông cụ sản xuất do chính bàn tay người dân làm ra. Họ đến chợ với hành lý đơn sơ, người Mông, người Dao địu trên lưng những chiếc gùi; người Tày, Nùng gánh những đôi dậu, đôi lồ; người Lô Lô, Sán Chỉ mang những đôi sọt, bên trong đựng các sản vật từ lâm thổ sản do thiên nhiên ban tặng cho đến các sản vật do người dân tạo ra đều được bà con các dân tộc mang đến chợ để trao đổi, mua bán.
Họ mang đặc sản của núi rừng, làng bản, gia đình đến chợ bán, tất cả đều là sản phẩm sạch như: rau rừng, măng rừng, rau vườn nhà, gà vịt thả vườn, lúa, ngô, khoai, sắn, nông cụ sản xuất…
Những sản phẩm ấy là kết tinh của sự lao động cần cù, sáng tạo của người dân trên những vùng đất còn nhiều khó khăn. Hàng hóa chỉ đơn giản và cách bày bán cũng mộc mạc, không cầu kỳ. Dừng chân tại chợ, ai nấy chọn cho mình một góc, trải hàng ra bán. Cứ như thế, mua và bán diễn ra nhẹ nhàng, không cò kè giá cả, thuận mua vừa bán vui vẻ. Rồi họ mua sắm vải vóc, quần áo, mắm muối và các nhu yếu phẩm cần thiết phục vụ cuộc sống, chuẩn bị đủ mọi thứ cho đến phiên chợ sau.
Người dân vùng cao đến chợ không chỉ mang theo hàng hóa mà còn mang nét đẹp, đặc sắc riêng của dân tộc mình để tô thêm sắc màu cho phiên chợ, điều đó có thể thấy rõ qua các trang phục truyền thống mà phụ nữ mặc khi xuống chợ.
Video đang HOT
Đến hẹn lại lên, ai cũng chọn cho mình bộ váy đẹp nhất xúng xính xuống chợ, góp thêm nhiều gam màu tạo nên bức tranh phiên chợ vùng cao sinh động, vui tươi. Đặc biệt, những bộ trang phục của dân tộc Lô Lô, Sán Chỉ ở chợ phiên huyện Bảo Lạc, Bảo Lâm lung linh, sặc sỡ sắc màu; hay những bộ trang phục của đồng bào Dao Đỏ, Dao Tiền, Mông ở chợ phiên các huyện: Nguyên Bình, Hà Quảng, Thạch An, Hòa An… hòa cùng sắc áo chàm của người Tày, Nùng hoặc trang phục tân tiến của người Kinh và khách du lịch.
Những sắc màu ấy còn được tạo nên từ các mặt hàng thổ cẩm được bày bán, đó là chiếc áo, váy được cắt may, thêu tay tinh xảo và những cuộn chỉ nhiều màu sắc được các cô, các chị say mê chọn lựa. Và còn một gam màu đặc biệt là màu nhuộm chàm in hằn lên đôi bàn tay khéo léo, chăm chỉ của người phụ nữ. Những đôi bàn tay của người phụ nữ Mông bao năm se lanh, nhuộm vải ấy đến ngày chợ vẫn không nghỉ ngơi, tất cả tạo nên một thảm hoa văn đẹp mắt.
Người dân ở vùng cao đã dệt nên những chợ phiên đa sắc màu, nhưng người ta đến chợ không chỉ để trao đổi, mua bán mà còn dạo chơi, gặp gỡ, tâm tình sau những ngày làm việc vất vả. Người đến chợ đầy đủ mọi lứa tuổi, từ già đến trẻ, đặc biệt là nam nữ thanh niên đến chợ tìm bạn giao duyên, chọn bạn tình, bạn đời…
Còn chị em phụ nữ, con gái họ mời nhau quả mơ, quả mận của vườn nhà, chia nhau lát cơm nắm, khúc cơm lam mang theo đến chợ; đàn ông, con trai mời nhau chén rượu gắn kết tình thân khi gặp lại. Những người trung niên, người già hỏi han sức khỏe, hâm nóng tình thân hoặc trao đổi kinh nghiệm sản xuất, phát triển kinh tế. Nam thanh, nữ tú trao nhau câu sli, lượn, Páo dung để tỏ tình. Tất cả những điều ấy đã hun đúc cho những phiên chợ vùng cao thêm sức cuốn hút, cứ đến ngày chợ phiên thì không hẹn mà gặp.
Cũng như các dân tộc khác, ở nhiều vùng đất khác, chợ là hoạt động thương mại, là nơi sinh kế của người dân, còn với người dân ở vùng cao xuống chợ không đơn thuần chỉ để mua bán, trao đổi hàng hóa mà còn là nơi giao lưu, gặp gỡ, trao đổi, tâm tình. Mỗi người xuống chợ đều trong tâm thế hân hoan, thăng hoa “vui như được đi chợ”. Hiện nay, tất cả các chợ phiên được bảo tồn và phát triển, các chợ phiên đều đã, đang và sẽ trở thành điểm đến của du khách muốn tìm hiểu về văn hóa, đời sống, phong tục truyền thống của đồng bào các dân tộc trên địa bàn.
Thiên Phước
Chợ đá quý tiền tỷ trong hẻm nhỏ
Một phiên chợ độc đáo trong lòng Hà Nội bán những sản phẩm có giá trị cao như đá quý, trang sức.
Trong hẻm dốc đầy rêu phong trên đường Hoàng Hoa Thám, ít ai ngờ bên trong là một phiên chợ với đầy rẫy màu sắc từ đá quý. Chợ nằm lọt thỏm trong khuôn viên khoảng 400 m2, họp từ 8h30-15h chiều chủ nhật hàng tuần.
Chị Nguyễn Thu Hương, quản lí CLB chợ phiên đá quý Hà Nội cho biết chợ đã hoạt động được 4 năm. Trước đây, chợ là nơi giao lưu của những người kinh doanh trong giới, người bán đến từ những miền có mỏ đá quý tự nhiên như: Yên Bái, Nghệ An, Phan Thiết... nhưng sau đó nhiều khách mua lẻ cũng đã biết tới nơi này.
Ruby là một loại đá đẹp, quý hiếm, viên ruby đắt nhất tại chợ lên đến 1 tỷ đồng. Để tạo sự tin tưởng về chất lượng, chợ phiên đã mời Tiến sĩ ngọc học Phạm Văn Long đến thẩm định ngọc hàng tuần cho khách hàng có nhu cầu.
Mua được một viên đá giá 800.000 đồng, chị Hà Hiền hài lòng với mức giá và vẻ đẹp của món hàng. Chị dự định sẽ làm mặt dây chuyền. Các loại đá ở đây đa dạng từ đá tự nhiên, đá đã qua chế tác, khiến chị cũng khó để quyết định trước khi mua.
Các sản phẩm đá quý được chuyển đến từ nhiều vùng miền trên cả nước. Anh Lã Thanh Sơn hàng tuần đều đến hội chợ bán hàng. Anh bắt xe khách tử Lục Yên, Yên Bái lúc 21h thứ 7, 3h sáng chủ nhật đến Hà Nội, cuối ngày lại về. Một chuyến đi chi phí xe, phí bàn khoảng 1 triệu đồng. Phiên chợ luôn đông đúc người mua hàng nên không tuần nào anh bỏ lỡ.
Anh Đỗ Sỹ Hùng đang dùng đèn pin để kiểm tra đá có trong, có vị vỡ rạn hay không. Anh cho biết hiện nay trên thị trường có khá nhiều loại đá nhân tạo, cách đơn giản nhất để phân biệt là dùng đèn soi.
Viên đá thạch anh tím có nguồn gốc từ Brazil được tính tiền theo Carat. Ở phiên chợ này đá từ vài trăm nghìn đồng cho đến vài trăm triệu đồng đều có.
Với hơn 40 gian hàng, chợ phiên là điểm hẹn của những người yêu đá quý. Phiên chợ độc đáo trong ngõ nhỏ hứa hẹn sẽ thu hút nhiều khách du lịch tới tham quan mua sắm.
Theo news.zing.vn
Đặc sắc chợ Tết vùng cao Những ngày áp Tết, khi những cành đào rừng đua nhau khoe sắc giữa đại ngàn Trường Sơn, cũng là lúc bà con ở các xã vùng sâu, vùng xa miền Tây Quảng Bình gác lại công việc làm ăn, nô nức xuống núi đi chợ sắm Tết. Phiên chợ Tết với đầy đủ hàng hoá và người bán kẻ mua tấp nập...