Chợ ở ‘nơi an nghỉ cuối cùng’
Mặt trời lặn, những gia đình “định cư” dựng chợ trong nghĩa trang Bình Hưng Hòa, Q Bình Tân, TP HCM gói gém lại hàng quán, lục tục kéo nhau về, chỉ còn lũ trẻ thò lò mũi xanh vẫn vô tư rượt đuổi bên những ngôi mộ.
Vùng đất lạnh lẽo đầy mồ và mồ này ai ngang qua cũng ớn lạnh, vậy mà với không ít người đã lấy lạ làm quen, một phần nghĩa trang trở thành “miền đất hứa” của nhiều người lang bạc kỳ hồ theo năm dài tháng rộng…
Ước mơ bên những nấm mồ
Vén lại mái tóc cháy xém vàng đuôi, cô bé 9 tuổi tên Huỳnh Thị Ngân đã có thâm niên bán hàng tại “chợ nghĩa địa” này kể về gia đình mình, tuy không đủ đầy nhưng giọng ráo hoảnh: “Má đẻ ra ba anh em, con nhỏ nhất nhưng lại không được lấy họ ba, má nói con thiệt thòi tại vì con là… con gái. Biết ba không thương mình rồi, nhưng thế nào thì con cũng thương ba, vì ba mẹ là người sinh ra mình mà…”.
Con muốn học hết lớp 12, rồi sau đó đi học uốn tóc, giống như chị họ của con…
Gục mặt, im lặng một lúc, bé Ngân khơi tiếp câu chuyện dở dang: “Nhà con nghèo nên con phải ra đây bán nước, chẳng được tới trường như mấy đứa bạn mà phải học ở nhà may mắn của cô Tim. Quán nước của con bán cũng được nhiều, vì chỗ này có đông người đi tới đi lui…”.
Trong khu chợ kỳ lạ nhất nhì Sài Gòn này, quán nước bé Ngân cũng thuộc loại quán… lạ. Quán chỉ có mỗi cây dù đặt bên gốc cây, hai bộ bán ghế nhựa ngả màu, tất cả được bao bọc toàn mộ và mộ, tuổi đời của quán lớn hơn cả “cô chủ nhỏ” của nó.
Hàng ngày, vợ chồng chị Sang – mẹ bé Ngân nhận trông coi, vệ sinh, nhổ cỏ cho gần 100 ngôi mộ gần đó, 9 tuổi, bé Ngân tự biết đon đả mời khách, lúc không ai mua thì lôi tập ra học bài, chơi cút bắt bên khu mộ với lũ bạn cũng làm “ông chủ”, “bà chủ” gần đó, mệt thì cứ vậy mà lăn ra ngủ dưới chân những nấm mồ.
Lom khom lau bàn, Ngân hồn nhiên: “Ngoại con nói, bây giờ nghĩa địa là quê mình rồi, vì con sinh ra ở đây mà. Từ nhỏ tới giờ, ngày nào cũng ra đây nên con không còn sợ nữa”.
Video đang HOT
Tuổi đời của quán lớn hơn cả “cô chủ nhỏ” của nó.
Nhà nghèo, không có tiền nên chị Sang phải gửi con học ở nhà. May mắn, 3 năm liền Ngân đều là học sinh giỏi, chị mừng mừng nhưng cũng tủi tủi tấm thân: “Tui tên Sang mà số phần chẳng sang sướng gì chú ơi! Mộ ông mộ bà dưới quê không chăm được mà phải long đong đi giữ mộ người ta ở cái xứ này, chỉ mong cuối năm kiếm ít tiền. Tết rồi, tận hôm 29 thấy con nó buồn vì không có quần áo mới, nhắm mắt mua cho nó một bộ để có nó mặc đi chơi với bạn bè, hết tết giờ mặc đi học luôn cũng được”.
Nghe mẹ khơi lại chuyện học, Ngân cười tinh nghịch: “Chú biết sau này con muốn làm gì không? Con muốn học hết lớp 12, rồi sau đó đi học uốn tóc, giống như chị họ của con. Con muốn kiếm tiền để nuôi ba mẹ”.
Không biết, thời gian lần lữa trôi, ước mơ giản dị ấy có thành hiện thực, khi mà trước mắt em là quán nước bên cạnh những nấm mồ.
Kỳ lạ “chợ nghĩa địa”
Không biết từ khi nào, hàng quán xuất hiện ngay trên mảnh đất lạnh ngắt, u ám này, rồi tại sao biến thành chợ… Hỏi, cũng chẳng ai trả lời được. Chỉ biết rằng, người mới nhất về nghĩa trang Bình Hưng Hoà làm… “tiểu thương” cũng hơn 6 năm nay rồi.
Thời gian trôi dạt thân phận đong đưa, dân nhập cư từ khắp các miền Bắc – Trung – Nam đến đây sinh sống ngày càng nhiều, việc trong coi nghĩa trang được xem như cái nghề – nghề tảo mộ đã có thể thay đổi cuộc sống cho gia đình họ.
Hàng quán giải khát, quần áo, giày dép… cứ vô tư xen nhau.
Vì vậy, khách của những quán nước, của “tiểu thương” trong khu chợ này phần lớn cũng là dân lao động nghèo quanh vùng. Họ bán được cái nào, hay cái đó, mua được thứ gì thì mừng cho thứ ấy.
Lập chợ và duy trì chợ tồn tại ở nơi không giống ai, nên cũng không ở đâu có kiểu bán hàng và cách thức quảng cáo lạ đời như ở chợ nghĩa địa này. Dọc hai bên đường vào nghĩa trang, hàng quán giải khát, quần áo, giày dép… cứ vô tư xen nhau, ai tranh được khoảnh nào thì bày hàng ra, mời khách.
Trò chuyện với một “ông chủ trẻ” tên Phong, quê ở huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang đang hồn nhiên bày hàng bên những nấm mồ, Phong rất thoải mái: “Vậy là ít đó anh, thậm chí nhiều người còn trưng bày quần áo phủ kín mồ mả. Họ tận dụng mặt sau của mộ quảng cáo sốc đến ấn tượng luôn…!”.
Đi theo hướng chỉ tay của Phong, dòng chữ nguệch ngoạc hiện ra “Hàng giảm giá cực sốc” trên mặt sau của một ngôi mộ. Đọc xong quảng cáo, chạnh thương cho người nằm dưới ba tất đất lạnh lùng kia… Âu, cũng là cách kinh doanh kiếm tiền của chốn trần gian có lẽ.
Khi chúng tôi hỏi về quản lý chợ ở đây, Chị Phương bán quần áo khẳng định với chúng tôi về “tính hợp lệ” của khu chợ nghĩa địa này, dù không cần quản lý: “Thỉnh thoảng, đội trật tự có bắt lên trụ sở ủy ban phường, nhưng đó là những trường hợp lấn chiếm ra giữa lòng đường, chứ mình buôn bán đàng hoàng bên trong nghĩa địa này thì cũng không ai làm khó mình chi đâu chú ơi…”.
Nghĩa trang – Ngôi nhà thứ hai
Đi qua những thăng trầm, chứng kiến những đổi thay, ngày nào cũng nhìn thấy cảnh chia lìa, nước mắt bởi âm dương cách trở. Vậy mà vợ chồng chị Nguyễn Ngọc Thu quê ở Kiên Giang cũng quyết định đậu lại khu chợ nghĩa địa này tìm kế sinh nhai.
Ai tranh được khoảnh nào thì bày hàng ra, mời khách.
Hơn chục năm đi qua, anh chị tin là gia đình họ sẽ còn tồn tại lâu dài hơn nữa: “Nghĩa trang, ngôi nhà thứ hai của vợ chồng con cái tôi rồi, chắc sẽ lâu lắm mới tính đến chuyện “bỏ xứ” mà đi”.
Chúng tôi trố mắt nhìn, khi nghe chị dùng hai từ “bỏ xứ”. Hỏi, chị thong thả hất cái nón ra sau, cười trừ.
Cần câu cơm của hai vợ chồng chị Thu trong khu chợ nghĩa địa này chỉ vỏn vẹn hai chiếc tủ đựng các bình ắc quy cũ. Ngày thường thì bán lai rai cho người đi đường, chỉ vào khoảng cuối năm và mấy ngày lễ tết, người đi thăm mộ nhiều mới bán được thêm chút đỉnh.
Cả nhà 5 miệng ăn, tất cả trông chờ vào hai cái tủ đựng bình ắc quy cũ kỹ ấy. Mỗi tháng tiền học cho 3 đứa con mất 600.000 đồng mỗi đứa, không kể đến tiền nhà và các khoản chi tiêu. Cái nghề bán rong năm tháng hứng nắng phơi sương, ấy vậy mà nắng gió đã làm cho gương mặt của người phụ nữ này già hơn cái tuổi 30 với đủ kiểu nhọc nhằn.
Biết là mỗi thân phận dạt về đây chất chứa nhiều lắm nỗi buồn, cũng biết là chẳng số phận nào giống nỗi buồn nào, chỉ thấy ở họ một nét chung là chấp nhận nép mình đi dọc lối đi trong nghĩa trang để kiếm ra đồng tiền, bát gạo.
Nghĩa trang trở thành ngôi nhà thứ hai của nhiều gia đình.
Nhớ lại 10 năm trước, cô bé tên Nga lặn lội theo gia đình từ Đồng Nai lên thành phố, không nhà cửa, không nơi nương tựa. 13 tuổi, bỏ học giúp mẹ kiếm tiền nuôi miệng và nuôi các em, phải làm đủ thứ việc nơi nghĩa trang này để tồn tại.
Ngày ấy, một hàng nước nhỏ xíu, ọp ẹp, gió mạnh hướng nào quán tung theo hướng đó, vậy mà cũng chấp vá được chuỗi ngày đói khổ…
Đã 10 năm đi qua, giờ đây, cái quán nước nhỏ của Nga vẫn còn đó nhưng có phần khá hơn xưa. Nga bình giọng: “Tưởng chừng như nơi này chỉ dành cho những người ở bên kia thế giới, ai ngờ đâu có một ngày mình là một trong nhiều người cùng đến đây, tranh giành với họ chút bình yên để kiếm tiền. Kể ra, cái chợ cũng lạ đời…”.
Theo Bee