Cho nghỉ việc cô giáo dùng ghim giấy để bắt trẻ mầm non ngủ
Trường mầm non tư thục Tuổi Thần Tiên đã chính thức cho nghỉ việc đối với cô giáo Trà My. Sau đó các em học sinh ở lớp xảy ra sự việc đều đã đi học lại bình thường.
Ngày 27/3, liên quan đến thông tin cô giáo mầm non dùng ghim giấy đâm vào chân học sinh, phóng viên Dân Trí đã có buổi làm việc với bà Đào Thị Phương Thảo – Hiệu trưởng trường mầm non tư thục Tuổi Thần Tiên (Khu đô thị Đại Thanh, Thanh Trì, Hà Nội).
Bà Thảo cho biết, ngày 18/3 có nhận được phản ánh của Ban giám hiệu nhà trường về việc có phụ huynh phản ánh sau khi con đi học về có xuất hiện các vết đỏ nhỏ ở chân và nghi ngờ cô giáo dùng vật nhọn để đâm. Sự việc xảy ra tại lớp của cô giáo Trà My (SN 1994).
Trường mầm non tư thục Tuổi Thần Tiên
Ngay khi nhận được thông tin, Hiệu trưởng trường đã yêu cầu cô giáo giải trình về vụ việc trên. “Cô giáo nhận lỗi và kể rằng, trong giờ ngủ trưa, nhiều em học sinh không chịu vào chỗ mà chạy lung tung nên đã lấy ghim giấy ấn vào chân một vài em dọa rằng cho kiến cắn để các em phải nằm yên vào chỗ mà ngủ”.
Theo bà Đào Thị Phương Thảo, cô giáo Trà My còn trẻ, vừa mới ra trường nên còn thiếu kinh nghiệm trong phương pháp dạy trẻ. “Việc làm của cô giáo Trà My thực sự cũng không phải là ác tâm mà chỉ vì mong muốn để các em nghe lời đi ngủ. Tuy nhiên, không thể áp dụng cách làm đó được”.
Ngay sau khi cô giáo Trà My giải trình, trường mầm non tư thục Tuổi Thần Tiên đã cho họp toàn bộ giáo viên để thông báo sự việc và cảnh tỉnh các giáo viên khác.
Đến chiều ngày 18/3, phía trường mầm non tiếp tục cho họp các phụ huynh phản ánh việc con em có vết đỏ ở chân và cho đối chất trực tiếp với cô giáo Trà My. Sau buổi họp, thấy cô giáo đã nhận lỗi, một số phụ huynh đã xin giảm nhẹ hình phạt cho cô giáo này.
Video đang HOT
Đến ngày 19/3, Trường mầm non tư thục Tuổi Thần Tiên đã chính thức cho nghỉ việc đối với cô giáo Trà My. Sau đó các em học sinh ở lớp xảy ra sự việc đều đã đi học lại bình thường.
Bà Đào Thị Phương Thảo – hiệu trưởng nhà trường cũng cho biết thêm, để tránh gây hiểu lầm và ảnh hưởng đến môi trường giáo dục chung của trường, bà Thảo đã gửi thư ngỏ đến toàn bộ các phụ huynh học sinh để thông báo cụ thể về sự việc của cô Trà My đồng thời tổ chức họp toàn thể phụ huynh để thông tin và ổn định tâm lý cho mọi người.
Chia sẻ với phóng viên Dân Trí, Bà Thảo nói: “Chúng tôi rất lấy làm tiếc khi để xảy ra sự việc trên nhưng mong nhận được sự chia sẻ của cộng đồng. Để xây dựng được ngôi trường mầm non tư thục Tuổi Thần Tiên, trong suốt 15 năm qua, các thầy cô giáo đều tốn rất nhiều tâm huyết.
Việc quan trọng bây giờ là ổn định lại tâm lý cho các em học sinh và phụ huynh để các em tiếp tục đến trường đồng thời tăng cường các biện pháp lâu dài để tránh xảy ra tình trạng các giáo viên làm sai trái”.
Lê Tú
Theo Dantri
Trường chi bao nhiêu tiền cho bữa ăn của trẻ?
Tại nhiều trường mẫu giáo tư thục ở Hà Nội, trung bình phụ huynh phải đóng từ 35.000- 45.000 đồng tiền ăn mỗi ngày cho các bé
"Chỉ nên mua từ 10.000-15.000 đồng/cháu"
Trong vai người mới thành lập nhà trẻ tư tìm nguồn cung cấp thực phẩm cho trường, chúng tôi liên hệ với Công ty TNHH thực phẩm Nguyên Phong có trụ sở tại tầng 5, tòa nhà Bắc Hà (đường Lê Văn Lương, Thanh Xuân, Hà Nội). Tiếp chúng tôi trong văn phòng, chị Hương nhân viên cho biết, công ty hiện cung cấp thực phẩm tươi sống cho khoảng 200 trường mầm non và bếp ăn tập thể trường học trên địa bàn Hà Nội.
Chị Hương giới thiệu với chúng tôi bảng báo giá thực phẩm với hơn 100 mặt hàng có giá khá mềm so với thị trường. Ví dụ: thịt vai 75.000 đồng/kg; thịt gà công nghiệp 65.000 đồng/kg; trứng gà công nghiệp 2.000 đồng/quả...
Bữa trưa của học sinh trường mầm non Bước Chân Vui Nhộn.
"Trước 5h chiều, các trường sẽ gọi điện thoại thông báo về số lượng thực phẩm cần cho ngày hôm sau. Bên chị tổng hợp và báo lại với các đơn vị cung cấp. Khoảng 4h sáng, nhà cung cấp đưa hàng đến kho sơ chế của công ty tại đường Ngụy Như Kon Tum (Thanh Xuân, Hà Nội). Nhân viên sơ chế, chia theo từng đơn hàng và đi giao cho các trường trước 7h30 sáng", chị Hương giới thiệu quy trình hoạt động của công ty.
Đặt vấn đề cần cung cấp lượng thức ăn cho khoảng 50 trẻ mầm non nhưng chưa có kinh nghiệm nhờ công ty tư vấn thực đơn, chị Hương nói: "Với 50 cháu, chị chỉ nên mua khoảng 10 -15.000 đồng/cháu". Chị tiết lộ thêm, "có nhiều trường tư thục khoảng 50 học sinh nhưng mua thức ăn cho cả cháu và cô cùng lắm là 500 nghìn, thậm chí thấp hơn.
Những trường tư thì họ lấy rất ít, không biết là họ cân đối kiểu gì hay lấy thêm ở ngoài. Không may, chị đánh nhầm số lượng, mang thừa đến một chút thì họ bắt mang về bằng được. Họ lấy rất ít và cân đối căn ke, tính toán kỹ".
Bà Đỗ Thị Thanh Tú, Giám đốc điều hành công ty TNHH thực phẩm Nguyên Phong cho biết thêm, "khách hàng của công ty giờ cũng cần chọn lọc. Vì có nơi họ bắt công ty ký giá trị hóa đơn cao hơn lượng thực mua, chỉ lấy một phần thực phẩm tại công ty. Khi đoàn kiểm tra đến cứ xuất trình giấy tờ thực phẩm mua của công ty Nguyên Phong, mất uy tín của công ty thực phẩm".
Tiếp tục liên hệ với đơn vị cung cấp thực phẩm Youmart của Công ty cổ phần đầu tư My Way, ông Nguyễn Khắc Thắng - Trưởng phòng kinh doanh cho biết, công ty hiện đang cung cấp cho khoảng 300 trường mầm non trên địa bàn Hà Nội. Phương thức giao hàng, hoạt động của Youmart cũng tương tự Nguyên Phong. Ông Thắng tiết lộ: "Theo thông tin một số trường công mà tôi biết, tiền thực phẩm và sữa của các cháu chỉ khoảng 12 nghìn đồng/ngày". Ông Thắng cũng cho biết, không ít trường mầm non lấy thực phẩm ít nhưng yêu cầu công ty nâng khống hóa đơn và mua thực phẩm ngoài chợ bổ sung.
Sẽ kiểm tra việc thu mua thực phẩm
Theo quy định của ngành giáo dục, các trường mầm non đều phải ký hợp đồng cung ứng thực phẩm với đơn vị cung cấp có đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Với những phiếu mua hàng đối với trường mầm non Bước Chân Vui Nhộn ở địa chỉ Lô 123, TT3, Khu đô thị Mỹ Đình, Từ Liêm, Hà Nội, cho thấy khá nhiều ngày trường này chỉ mua số lượng thực phẩm chưa tới 1 triệu đồng. Bà Vi Thị Nhung, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trường có 70 học sinh chia thành 4 lớp. Trường có mức đóng học phí từ 2 - 2,2 triệu đồng tùy theo độ tuổi, riêng tiền ăn mỗi ngày phụ huynh phải đóng cho mỗi trẻ là 45.000 đồng.
Phiếu thanh toán mua thực phẩm ngày 5 và 6/11/2014 của trường mầm non Bước Chân Vui Nhộn.
Có mặt tại trường đúng giờ ăn trưa của trẻ vào thứ 5 (ngày 27/11), với thực đơn được đơn vị này đưa công khai lên website của trường gồm: bữa sáng với cháo vịt su su đối với nhóm nhà trẻ, bún vịt cho nhóm mẫu giáo. Bữa trưa gồm cháo tôm ngô ngọt cho nhóm nhà trẻ và cơm, thịt tẩm bột rán, canh bắp cải nấu thịt, hoa quả dành cho nhóm mẫu giáo. Tuy nhiên, quan sát bếp ăn, thực đơn của trẻ không được trường cập nhật trên bảng. Đáng chú ý, trường không có thực đơn dành cho cô theo quy định. Khi được hỏi, cô nuôi ở bếp nói: "Thực đơn của các cô được nhà bếp ra chợ mua hằng ngày theo yêu cầu của các cô". Chị Lê Vân Anh, người sáng lập trường cho biết: "Cô không ăn chung với trẻ. Để tiết kiệm chi phí, thực phẩm cho cô được trường lấy ở một trang trại".
Khẳng định không bớt tiền ăn của trẻ, bà Nhung lý giải, 45.000 đồng này được trường chi hết cho tiền ăn gồm bữa sáng, bữa trưa và 2 bữa phụ (bữa phụ thường là sữa hoặc hoa quả, sữa chua). Trong đó, tiền sữa và hoa quả là 7.000 đồng/ trẻ mỗi bữa. Kế toán phụ trách việc mua thực phẩm của trường cũng khẳng định: "tiền mua thực phẩm tươi sống của 70 trẻ thường trên 1 triệu đồng/ngày".
Tuy nhiên theo phiếu thanh toán mua thực phẩm của Công ty TNHH thực phẩm Nguyên Phong xuất cho trường mầm non Bước Chân Vui Nhộnngày 6/11/2014 chỉ có 592.000 đồng, với sĩ số 70 học sinh đi học sẽ tương đương 8.400 đồng/cháu/ngày. Tương tự số tiền thanh toán mua thực phẩm ngày 5/11/2014 là 828.000 đồng, với sĩ số 68 học sinh đi học sẽ tương đương với 12.170 đồng/cháu/ngày...
Theo sổ ghi chép của trường, ngày 5/11 trường thu vào 3.150.000 đồng tiền ăn, trong đó có 12 cháu không ăn sáng, 18 cháu không uống sữa, nhà trường hoàn lại số tiền 234.000 đồng, vị chi còn lại 2.916.000 đồng. Trừ đi 592.000 đồng mua thực phẩm trong ngày 5/11 còn lại 2.324.000 đồng, thử hỏi số tiền này chi cho sữa, hoa quả và các loại phụ phí khác như gạo, chất đốt, mắm, muối, công nấu bếp chế biến liệu có thỏa đáng? Cũng tương tự, ngày 6/11 trường thu 3.060.000 đồng, hoàn tiền ăn sáng và sữa cho học sinh còn lại 2.833.000 đồng, trong khi tiền mua thực phẩm chỉ hết có 828.000 đồng, vậy hơn 2.000.000 đồng còn lại chi vào những khoản gì?
Phóng viên đặt câu hỏi với 45.000 đồng tiền ăn mỗi cháu/ ngày, trường mua thực phẩm như vậy có thừa tiền của các con? Chị Hằng, nhân viên kế toán kiêm lễ tân lý giải, có nhiều thực phẩm trường phải mua của người quen ở ngoài, siêu thị hoặc đại lý. Theo tiết lộ của nhân viên tại trường, không riêng trứng gà mà nhiều thực phẩm khác trường cũng tự mua bên ngoài như: trứng cút, hoa quả...
Bà Nguyễn Thị Hương, Phó Trưởng phòng giáo dục quận Nam Từ Liêm - Hà Nội cho biết, theo quy định giả dụ trường mầm non chỉ lấy thực phẩm một phần ở đơn vị cung cấp có ký hợp đồng, một phần lấy chỗ khác cũng không đúng quy định. Theo bà Hương, tất cả các loại thực phẩm cho trẻ phải được lấy ở đơn vị cung ứng có hợp đồng hai bên và đảm bảo an toàn thực phẩm. "Đồng thời trường bắt buộc phải có thực đơn của cô riêng và không được trùng với thực đơn trong ngày của trẻ", bà Hương nói. Bà Hương cho biết sẽ tiến hành kiểm tra việc thu mua thực phẩm của trường này và trả lời cho báo chí biết.
Theo Nhóm PV/Báo Tiền phong
Làm trẻ chấn thương sọ não, bảo mẫu lĩnh án Trong quá trình tổ chức giữ trẻ không phép tại nhà riêng của mình, bảo mẫu đã để cho một trẻ bị chấn thương sọ não nặng. Nơi giữ trẻ của bảo mẫu Hoa Chiều 15/8, tại phiên tòa hình sự xét xử sơ thẩm, HĐXX TAND thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định đã tuyên phạt bị cáo Lê Thị Cúc Hoa...