Chỗ nào được chụp ảnh, chỗ nào không?
Gần đây, phóng viên Báo Nông thôn ngày nay bị công an lập biên bản do chụp ảnh ở trụ sở công an.
Nhà báo cần nắm rõ chỗ nào được chụp ảnh và chỗ nào bị cấm
Trước đó, một số bệnh viện, siêu thị tổ chức dán ảnh kẻ gian nhằm mục đích cảnh cáo cho mọi người đề phòng. Từ đây, dư luận đặt câu hỏi về quyền nhân thân và liên quan đến quyền nhân thân là báo chí được quay phim, chụp ảnh ở nơi nào; còn nơi nào thì không được quay phim, chụp ảnh?
Quyền nhân thân về hình ảnh đã có sự điều chỉnh
Quyền nhân thân, theo quy định tại Điều 24 Bộ luật dân sự (BLDS) năm 2005 là quyền dân sự gắn liền với mỗi cá nhân, không thể chuyển giao cho người khác, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Hình ảnh của cá nhân gắn liền với quyền nhân thân. Vì vậy, có ý kiến cho rằng việc tự ý dán ảnh của đối tượng phạm pháp ở chỗ đông người là sai quy định của pháp luật. Bởi vì, theo Điều 31 BLDS năm 1993 thì cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình. Việc sử dụng hình ảnh cá nhân phải được người đó đồng ý hoặc thân nhân người đó đồng ý nếu người đó đã chết, mất năng lực hành vi dân sự, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Tuy nhiên, BLDS năm 2005 lại có chỉnh lý rất căn bản. Theo Điều 31 BLDS năm 2005 thì việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý. Thế nhưng, BLDS 2005 có một điều chỉnh rất đáng lưu ý so với BLDS 1993, đó là quyền trên được miễn trừ trong trường hợp vì lợi ích Nhà nước, lợi ích công cộng. Đối chiếu quy định này thì việc dán ảnh kẻ gian của các cơ quan trên không còn bị xem là sai pháp luật. Bởi vì việc dán ảnh đó hướng đến việc bảo vệ quyền lợi của số đông, giúp mọi người cảnh giác với những đối tượng phạm pháp.
Quay trở lại chụp ảnh báo chí, nơi nào được chụp, nơi nào không? Nhà báo Hoàng Quý, Báo Bảo vệ pháp luật cho biết: “Tôi nghĩ không khó để xác định nơi nào không được quay phim, chụp ảnh. Ví dụ, khu vực quân đội, kho đạn… thì cho dù ở đây không gắn biển cấm thì nhà báo cũng không được chụp ảnh, quay phim. Riêng đối với các nơi còn lại, nếu không có biển cấm thì nhà báo được quay phim, chụp ảnh mà không phải xin phép ai cả. Từ trước đến nay, trong quá trình tác nghiệp báo chí, tôi vẫn làm như thế và không gặp trở ngại nào”.
Video đang HOT
Nơi được chụp ảnh, nơi không
Tiến sỹ Nguyễn Văn Tiến, giảng viên Đại học Luật TP Hồ Chí Minh nêu quan điểm: “ Tại các cơ quan, đơn vị quân đội, công an mà có liên quan đến bí mật quốc gia và có biển cấm thì nhà báo không được quay phim, chụp ảnh; nếu muốn quay phim, chụp ảnh để làm việc thì buộc phải xin phép. Ngược lại, tại các cơ quan hành chính như: Ủy ban nhân dân, cơ quan tiếp dân thì nhà báo được quay phim, chụp ảnh các hoạt động diễn ra công khai. Trừ khi đó là các phòng làm việc nội bộ thì nhà báo muốn quay phim, chụp ảnh phải tuân thủ nội quy cơ quan đó. Tôi nói vậy dựa trên nguyên tắc: công dân được làm những gì pháp luật không cấm”.
Thế nhưng, liên quan đến một sự việc, có khi chịu sự điều chỉnh của nhiều quy phạm pháp luật. Như việc các nhà báo chụp ảnh tại các phiên tòa, Luật sư Lê Văn Bình (Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh) diễn giải: Theo khoản 3 Điều 8 Nghị định 51/2002 ngày 26/4/2002 của Chính phủ (hướng dẫn thi hành Luật Báo chí) thì nhà báo “được chụp ảnh, quay phim, ghi âm tại các phiên tòa xét xử công khai”. Tuy nhiên, việc tác nghiệp này của báo chí lại có liên quan đến quyền điều hành của chủ tọa phiên tòa theo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân và quyền đối với hình ảnh của các đương sự, bị cáo theo BLDS. Nhà báo muốn quay phim, chụp ảnh phiên tòa phải có sự cho phép của chủ tọa phiên tòa.
Vì vậy, chỗ nào được chụp ảnh, chỗ nào không được chụp ảnh thì nhà báo cần hiểu rõ các quy định pháp luật, để hành xử cho đúng trong quá trình tác nghiệp.
Theo xahoi
Khi phóng viên thành hoạt náo viên tại phiên tòa
Để đảm bảo tính tôn nghiêm ở chốn pháp đình, cần quy định thống nhất về việc tác nghiệp của phóng viên báo chí tại phiên tòa.
Khi phóng viên thành... hoạt náo viên
Tại nhiều phiên tòa, nhất là phiên toà hình sự, chuyện tác nghiệp của cánh phóng viên báo chí thật muôn hình muôn vẻ. Cảnh thường thấy là khi HĐXX đang tiến hành thẩm vấn bị cáo thì bỗng ở đâu xuất hiện mấy phóng viên "phi" lên cánh gà, chĩa ống kính vào HĐXX bấm lia lịa. Sau đó họ quay xuống phía bị cáo, có người tiến tới vành móng ngựa như muốn dí sát ống kính để "đặc tả" khuôn mặt của bị cáo. Lúc này, các phóng viên không khác hoạt náo viên là bao. Mặc dù đó là tác nghiệp báo chí, nhưng đã để lại những hình ảnh không đẹp trong mắt những người dự khán phiên toà, hơn nữa còn gây ảnh hưởng đến hoạt động của HĐXX.
Trong những vụ án lớn, được dư luận quan tâm, đương nhiên sức hút với giới báo chí cũng rất lớn. Để có được những tấm hình như ý, nhiều phóng viên ngoài kỹ năng chụp ảnh còn phải có... thể lực tốt để chen lấn, xô đẩy. Mặc dù ở một số phiên toà, khu vực dành cho phóng viên cũng đã được bố trí, nhưng một phần do quá tải, phần khác do nhiều phóng viên thích "tự do tác nghiệp" nên không ngồi đúng vị trí quy định, gây nên sự lộn xộn.
Phóng viên tác nghiệp tại phiên tòa
Bên cạnh đó, cũng phải nói đến chuyện ở không ít phiên toà công khai, phóng viên chưa được tạo điều kiện tốt để tác nghiệp như không có chỗ ngồi riêng, bị hạn chế quay phim chụp ảnh, không được cung cấp tài liệu, thông tin về vụ án. Hiện nay tại một số Tòa án, thường là phóng viên xuất trình thẻ nhà báo hoặc giấy giới thiệu cho thư ký phiên toà để đăng ký tác nghiệp, song cũng có nơi yêu cầu phải đăng ký trực tiếp với Thẩm phán chủ toạ phiên toà. Thế nên, đã có trường hợp phóng viên bị trục xuất vì chỉ đăng ký với thư ký mà không đăng ký với chủ toạ... Có những phiên toà chỉ cho phép phóng viên chụp ảnh trong 15 phút từ khi khai mạc, nhưng có nơi lại cho phép chụp ảnh lúc tuyên án hoặc chỉ cho phép phóng viên được ngồi tại chỗ tác nghiệp...
Những bất cập trên là do hiện chưa có quy định thống nhất về việc tác nghiệp của phóng viên báo chí tại phiên tòa cũng như chưa có chế tài xử lý hành chính về hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Toà án.
Cần có chế tài để xử lý
Theo Dự thảo Pháp lệnh xử lý hành chính các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của TAND, sẽ phạt cảnh cáo với hành vi ghi âm, ghi hình tại phiên toà mà không được sự cho phép bằng văn bản của Chánh án Toà án nơi giải quyết vụ án hoặc thực hiện việc ghi âm, ghi hình không đúng theo hướng dẫn và sắp xếp vị trí của Toà án nơi giải quyết vụ án. Phạt tiền từ 50.000 đồng đến 1.000.000 đồng nếu có tình tiết tăng nặng hoặc đã bị cảnh cáo, nhắc nhở mà còn vi phạm...
Mặc dù dự thảo quy định về việc ghi âm, ghi hình nói chung, nhưng có thể hiểu đây chủ yếu là hoạt động của các phóng viên tại phiên toà. Xung quanh quy định này, cũng có ý kiến cho rằng, thực tế việc đương sự, bị cáo gây rối tại tòa lâu nay là có thật, thiếu chế tài hành chính để xử lý, song hoạt động của phóng viên thì lại đã có luật chế tài. Khoản 3 Điều 8 Nghị định 51/2002/NĐ-CP của Chính phủ về hướng dẫn Luật Báo chí đã quy định rõ về hoạt động của phóng viên tại phiên tòa; đồng thời tại Nghị định 02/2011/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản cũng đã có những chế tài chi tiết cho hành vi lợi dụng tư cách nhà báo để cản trở hoạt động của cơ quan tổ chức... Do đó đưa thêm chế tài với nhà báo vào quy định cho ngành Tòa án là chồng chéo về nội dung và thẩm quyền.
Tuy nhiên, nếu nghiên cứu kỹ các quy định tại hai văn bản pháp luật nói trên, có thể thấy rằng quy định còn chưa cụ thể, hoặc còn thiếu chế tài. Theo khoản 3 Điều 8 Nghị định 51/2002/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Báo chí: Nhà báo được hoạt động nghiệp vụ lấy tin, chụp ảnh, quay phim, ghi âm tại các phiên tòa xét xử công khai, được dành chỗ ngồi riêng, được liên lạc trực tiếp với các Thẩm phán, luật sư để lấy tin, phỏng vấn theo quy định của pháp luật. Quy định nói trên mới chỉ nêu quyền của nhà báo được tác nghiệp tại phiên toà, nhưng không nêu chế tài xử lý nếu nhà báo hoặc phóng viên vi phạm các quy định này.
Khoản 3 Điều 5 Nghị định 02/2011/NĐ-CP quy định: Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng tư cách nhà báo để trục lợi hoặc can thiệp trái pháp luật hoặc cản trở hoạt động đúng pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Tuy nhiên, quy định này cũng chưa cụ thể, cũng không đề cập đến hành vi cản trở hoạt động của Toà án.
Bởi vậy, việc quy định chế tài xử lý hành vi của phóng viên cản trở hoạt động tố tụng của Toà án là cần thiết. Quy định này sẽ góp phần nâng cao ý thức của phóng viên trong quá trình tác nghiệp tại Tòa án, cũng như đảm bảo tính tôn nghiêm của phiên toà theo tinh thần cải cách tư pháp.
Theo NTD
Sáng thức dậy, phải đọc báo ngay! Nhân kỷ niệm 88 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21-6-1925 / 21-6-2013), phóng viên An ninh Thủ đô đã phỏng vấn ông Lê Như Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội về tình hình báo chí hiện nay. Ông Lê Như Tiến đọc báo trong giờ...