Cho mang thai hộ nhưng không thừa nhận hôn nhân đồng tính
Ủy ban về Các vấn đề xã hội tán thành với quy định không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính vì trong xã hội vẫn đang còn những ý kiến khác nhau.
Ngày 6/11, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường trình bày trước Quốc hội về dự án Luật hôn nhân và gia đình (sửa đổi), tiếp đó Bà Trương Thị Mai – Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội Quốc hội báo cáo thẩm tra dự án này.
Hôn nhân đồng tính: dự thảo “mở”, thẩm tra “đóng”
Dự thảo Luật hôn nhân và gia đình đã bỏ quy định cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính, đồng thời, khẳng định Nhà nước không thừa nhận quan hệ hôn nhân giữa họ và bổ sung quy định giải quyết hậu quả của việc chung sống giữa những người cùng giới tính về quan hệ tài sản, xác định cha, mẹ, con và quyền, nghĩa vụ của cha, mẹ và con.
Bà Trương Thị Mai – Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội Quốc hội (ảnh Việt Hưng)
Theo bà Mai vấn đề này có hai loại ý kiến khác nhau đó là đồng ý với quy định như dự thảo Luật, vì hiện nay, quan niệm và nhận thức của xã hội về vấn đề trên đã thay đổi. Ở góc độ quyền con người, việc bỏ quy định cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính thể hiện tính nhân văn, góp phần giảm sự kỳ thị đối với nhóm người này và là cơ sở pháp lý giải quyết hậu quả trên thực tế đối với tình trạng chung sống của một bộ phận người cùng giới tính.
Ý kiến khác lạiđề nghị giữ quy định cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính như hiện hành vì cho rằng, kết hôn là xác lập quan hệ vợ chồng giữa nam và nữ, việc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng giới tính là không phù hợp với đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục, truyền thống gia đình Việt Nam cũng như không đảm bảo chức năng của gia đình về duy trì nòi giống, không nên khuyến khích để mối quan hệ này phát triển.
Bà Mai cho biết, Ủy ban về Các vấn đề xã hội tán thành với quy định không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính vì xã hội vẫn đang còn những ý kiến khác nhau về vấn đề này. Theo bà Mai cơ quan soạn thảo cần đánh giá đầy đủ việc thực hiện quy định cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính trong Luật hiện hành, nghiên cứu thực tế cũng như kinh nghiệm của các nước trong khu vực.
Hợp đồng mất ý nghĩa hôn nhân
Ngoài chế độ tài sản theo luật định, dự thảo Luật đã bổ sung chế độ tài sản theo thỏa thuận (chế độ tài sản ước định) và quyền của vợ chồng trong việc lựa chọn chế độ tài sản. Về vấn đề này, bà Mai cho biết, hiện đang có 2 loại ý kiến khác nhau.
Loại ý kiến thứ nhất, tán thành với việc bổ sung chế định này vì cho rằng quyền tài sản là một trong các quyền cơ bản của cá nhân, quy định như dự thảo giúp người dân có thêm sự lựa chọn đối với tài sản của vợ chồng, phù hợp với điều kiện hoàn cảnh của gia đình và bản thân. Việc này cũng bảo đảm thực hiện tốt hơn quyền sở hữu, quyền tự thỏa thuận, tự định đoạt và tự chịu trách nhiệm về tài sản.
Video đang HOT
Hơn nữa, các cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp có thêm căn cứ pháp lý khả thi, linh hoạt hơn, đỡ tốn kém hơn trong giải quyết các vụ việc liên quan đến tài sản trong hôn nhân và gia đình. Đồng thời, việc bổ sung quy định này không cản trở việc thực hiện quy định hiện hành đối với quyền tài sản của vợ chồng.
Loại ý kiến thứ hai cho rằng, quan hệ hôn nhân và gia đình là quan hệ rất đặc biệt, khác với quan hệ giữa hai cá nhân thông thường, việc thỏa thuận về tài sản trước hôn nhân không phù hợp với văn hóa truyền thống, đạo lý vợ chồng của Việt Nam, trách nhiệm với con cái; quan hệ hôn nhân gắn với yếu tố tình cảm, nếu có thỏa thuận như dạng hợp đồng mang tính chất phân định rạch ròi, sòng phẳng sẽ làm mất ý nghĩa của hôn nhân… Bên cạnh đó, quy định này có thể bị lợi dụng do các hành vi tham nhũng, lừa đảo, tẩu tán tài sản.
Bà Mai cho biết, Ủy ban về Các vấn đề xã hội thống nhất với loại ý kiến thứ nhất.
Cho phép mang th ai hộ vì mục đích nhân đạo
Dự thảo Luật nghiêm cấm việc mang thai hộ vì mục đích thương mại và cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo với các điều kiện ràng buộc cụ thể, quy định quyền, nghĩa vụ các bên có liên quan và việc giải quyết tranh chấp.Vấn đề này bà Mai cũng cho biết có hai loại ý kiến khác nhau.
Loại ý kiến thứ nhất tán thành với việc cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo nhằm đáp ứng nguyện vọng, nhu cầu chính đáng của các cặp vợ chồng không có khả năng sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, góp phần bảo vệ hạnh phúc gia đình. Hiện nay, với tiến bộ của y học trong nước có thể thực hiện được việc này, nếu pháp luật không điều chỉnh thì một bộ phận người dân có nhu cầu vẫn thực hiện, sẽ phát sinh nhiều hệ lụy trước mắt và lâu dài. Do đó, cần bổ sung quy định này trong Luật và phải quy định chặt chẽ, cụ thể .
Loại ý kiến thứ hai cho rằng, cần nghiêm cấm việc mang thai hộ với bất kỳ mục đích nào vì vấn đề này nhạy cảm, phức tạp, dễ bị lợi dụng và chưa phù hợp với văn hóa Việt Nam. Cần đánh giá mang thai hộ có thực sự mang lại kết quả hạnh phúc bền vững cho gia đình hay không, đồng thời, xử lý các xung đột với pháp luật, tranh chấp phát sinh do việc mang thai hộ cũng là vấn đề nên cân nhắc. Đến nay, nhiều nước trên thế giới vẫn quy định cấm mang thai hộ.
Ủy ban thấy rằng, cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo thể hiện tính nhân văn, tạo cơ hội cho một số cặp vợ chồng được thực hiện quyền làm cha, làm mẹ chính đáng. Tuy nhiên, vì đây là vấn đề mới, chưa có kinh nghiệm thực tiễn nên các quy định phải rất chặt chẽ, điều kiện phải rõ ràng cũng như các vấn đề về hình thức pháp lý của thỏa thuận, bảo đảm quyền cho các bên và nhất là đứa trẻ được sinh ra trong trường hợp này.
Theo Dantri
Chính sách "trên trời": Trách nhiệm Bộ trưởng Tư pháp?
Nhiều đại biểu Quốc hội chất vấn trách nhiệm của Bộ trưởng Tư pháp trước những chính sách xa rời thực tế cuộc sống được ban hành trong thời gian gần đây.
Sáng nay (20/8), Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đã trả lời chất vấn các Đại biểu Quốc hội về các nội dung: Trách nhiệm của Bộ trưởng trong việc tham mưu xây dựng, triển khai thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Chính phủ; thẩm định văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; kiểm tra việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật của các Bộ, ngành thời gian từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII đến ngày 31/7/2013.
Phiên chất vấn diễn ra trong khuôn khổ phiên họp thứ 20 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Luật chờ nghị định, nghị định chờ...thông tư
Nhiều đại biểu là ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tham gia chất vấn Bộ trưởng Tư pháp về vấn đề tiến độ và chất lượng các văn bản pháp luật được ban hành.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho rằng chất lượng nhiều văn bản pháp luật còn yếu, việc xây dựng chương trình luật, pháp lệnh dễ dãi. Một trong số các nguyên nhân là trách nhiệm chủ quan của các thành viên Chính phủ, vậy có khắc phục được tình trạng này không?
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển đặt vấn đề, có nhiều văn bản pháp luật được ban hành, Bộ biết là bất hợp lý, thiếu khả thi nhưng vẫn để tiếp tục tiến hành thực hiện.
Hơn nữa, khi các văn bản trái pháp luật được ban hành sẽ gây thiệt hại lớn về kinh tế, xã hội, có nhiều văn bản sai, Bộ phát hiện nhưng chỉ dừng ở mức độ nhắc nhở phê bình, góp ý, mà không đề nghị có biện pháp xử lý ở mức cao hơn. "Phải chăng Bộ chưa làm hết trách nhiệm, có phần nể nang? Trách nhiệm của Bộ trưởng trong vấn đề này?", ông Hiển chất vấn.
Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai.
Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai đề cập tới vấn đề luật đi vào cuộc sống thực tiễn. Một là, các chính sách pháp luật ghi trong văn bản luật chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn, xa vời. Thứ hai, chính sách pháp luật có thể đáp ứng nhu cầu thực tiễn nhưng quá trình thực thi lại chưa đáp ứng được.
Đại biểu Trương Thị Mai cho rằng, các chính sách pháp luật của ta hiện nay đều án binh bất động, trên thực tế, không một văn bản nào có hiệu lực đúng ngày quy định mà còn chờ những văn bản dưới luật. Ví dụ như pháp lệnh về người có công, người cao tuổi, chế độ cho phụ nữ thai sản... Đại biểu Mai đặt câu hỏi: "Cơ chế nào để đưa những chính sách rõ ràng, cụ thể đi vào cuộc sống được?"
Trả lời chất vấn các ĐB, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, cho biết, từ năm 2010, Bộ ban hành kế hoạch hàng năm thực hiện công tác kiểm tra từ Bộ cho đến Sở, phòng và tập trung kiểm tra sâu vào một số lĩnh vực mà người dân quan tâm, gây bức xúc.
Bộ trưởng Cường thừa nhận việc có một số trường hợp văn bản có dấu hiệu vi phạm pháp luật đã được phát hiện, nhưng chưa được xử lý kịp thời, triệt để; chưa có giải pháp để đảm bảo sự đồng bộ, gắn kết công tác kiểm tra văn bản với công tác theo dõi thi hành pháp luật.
Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng bày tỏ, việc khắc phục hậu quả do thực hiện văn bản trái pháp luật gặp nhiều khó khăn, vướng mắc; việc xử lý trách nhiệm của cơ quan, người đã ban hành văn bản trái pháp luật mới chỉ dừng ở mức phê bình, nhắc nhở, kiểm điểm công chức khi thi hành công vụ; chưa có quy định cụ thể để thực hiện được các hình thức trách nhiệm nghiêm khắc hơn.
Có hay không "tham nhũng" chính sách?
Trong phiên chất vấn sáng nay, các ĐB cũng đặt vấn đề tham nhũng chính sách, lợi ích nhóm khi ra văn bản quy phạm pháp luật.
ĐB Huỳnh Văn Thiếc (Cần Thơ) chất vấn: Là cơ quan tham mưu xây dựng luật, pháp lệnh của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp có đề xuất gì về việc dự thảo luật đưa ra kém chất lượng, chậm đi vào cuộc sống? Hiện còn nhiều khoảng trống kinh tế dẫn đến nhiều người làm giàu bất chính, Bộ đề xuất gì để lấp đầy khoảng trống này?
ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) đặt câu hỏi cho Bộ trưởng Tư pháp, liệu có lợi ích nhóm, tham nhũng về chính sách trong việc ra văn bản quy phạm pháp luật không? Bởi nhiều văn bản có sự mâu thuẫn, thậm chí đá nhau có nguyên nhân từ các bộ chỉ bảo vệ quyền lợi của bộ mình.
Đồng quan điểm, ĐB Chu Sơn Hà (Hà Nội) cho rằng, lợi ích nhóm trong xây dựng văn bản pháp luật hiện nay tương đối nhiều. ĐB Hà chất vấn: Bộ trưởng có giải pháp gì để ngăn chặn lợi ích nhóm trong xây dựng văn bản pháp luật sắp tới?
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường trả lời chất vấn sáng 20/8.
Trả lời chất vấn các ĐB, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, thừa nhận, thực trạng có một số dự án luật trình chưa đúng tiến độ, còn hạn chế. Nguyên nhân chủ quan là do những dự án luật đi vào chuyên sâu nên rất khó. Bên cạnh đó, nhiều đề nghị sửa đổi bổ sung còn phải chờ tổng kết, đòi hỏi có thời gian...
Nguyên nhân khách quan do kinh tế - xã hội thời gian qua còn nhiều khó khăn, chúng ta phải tập trung cao cho việc đạt mục tiêu tổng quát, thời gian xây dựng thể chế có hạn chế nhất định.
Về vấn đề lợi ích nhóm, hay tham nhũng về chính sách mà các ĐB chất vấn, Bộ trưởng Tư pháp khẳng định quy trình xây dựng văn bản pháp luật rất chặt chẽ, qua nhiều khâu. Tuy nhiên cũng có thể có những vấn đề không phát hiện được. Ví dụ, Nghị định về kinh doanh vàng, xăng dầu, hay giá than, điện... chủ trương thì rất rõ để tiến tới cơ chế thị trường, nhưng gần đây chúng ta đang thực hiện kiềm chế lạm phát nên bước đi phải chặt chẽ.
Khẳng định không có chuyện tham nhũng như các đại biểu nêu, nhưng Bộ trưởng Cường cũng cho rằng, "có thể có những nghị định thiếu kiểm soát".
Theo Kiến thức
Án oan - trách nhiệm thuộc tòa, ép cung - "tội" của điều tra Trao đổi về vụ công dân Nguyễn Thanh Chấn được giải oan sau 10 năm ngồi tù, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết, trách nhiệm thuộc về tòa án. Tiền bồi thường cho ông Chấn lấy từ ngân sách nhưng cá nhân để xảy ra sai sót phải bồi hoàn. Sáng ngày 5/11, bên lề Quốc hội, Phó Thủ tướng...