Cho lò mổ không phép hoạt động, nhiều DN giết mổ sẽ rút khỏi TP.HCM
Mới đây, sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn TP.HCM lại có văn bản gửi các sở ngành lấy ý kiến cho hoạt động lại lò giết mổ thủ công xây không phép của công ty CP chế biến thực phẩm Hóc Môn, xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn ( lò Xuân Thới Thượng – XTT)
Hoạt động giết mổ tại TP.HCM vẫn chưa hết sóng gió sau vụ việc 13 thương lái bị phát hiện chích thuốc an thần vào heo. Mới đây, sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn TP.HCM lại có văn bản gửi các sở ngành lấy ý kiến cho hoạt động lại lò giết mổ thủ công xây không phép của công ty CP chế biến thực phẩm Hóc Môn, xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn (lò Xuân Thới Thượng – XTT). Quyết định này bị các doanh nghiệp đầu tư nhà máy giết mổ công nghiệp hiện đại phản đối quyết liệt, họ khẳng định sẽ ngưng đầu tư hoặc rút khỏi TP.HCM…
Nhà máy giết mổ của công ty An Hạ đang chuẩn bị khởi công, nhưng sẽ ngưng lại hoặc rút về tỉnh nếu cho mở lại lò mổ thủ công sai phép.
“Cố đấm ăn xôi!”
Công ty CP chế biến thực phẩm Hóc Môn là một trong sáu doanh nghiệp được UBND TP.HCM chấp thuận chủ trương đầu tư nhà máy giết mổ công nghiệp, công suất 2.000 con/ngày. Tuy nhiên, thay vì tập trung làm nhà máy công nghiệp, năm 2015 họ lại lén lút xây cơ sở giết mổ thủ công không phép ngay trong khu đất của nhà máy công nghiệp. Tháng 5.2016, UBND xã Xuân Thới Thương đã ra quyết định đình chỉ thi công, buộc phải tháo dỡ toàn bộ cơ sở này trong 60 ngày, nếu không sẽ bị cưỡng chế. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì mà lò vẫn tồn tại và từ đó đến nay, chủ đầu tư liên tục có đơn thư thúc ép các cơ quan chức năng cho mở lò thủ công xây không phép này.
Trả lời chất vấn đại biểu HĐND hồi tháng 6.2017, ông Nguyễn Phước Trung, giám đốc sở Nông nghiệp TP.HCM, khẳng định không đồng tình với yêu cầu mở lại lò thủ công xây không phép XTT. Giải thích trước các đại biểu, ông Trung nói: “Thành phố đã đi gần đến đích thực phẩm an toàn, thông qua quy trình giết mổ công nghiệp. Nhưng công ty CP thực phẩm Hóc Môn lại chậm triển khai dây chuyền giết mổ công nghiệp”. Ngoài ra, ông Trung còn cho biết thêm, “ông rất tâm tư khi nhiều lần công ty này gửi kiến nghị lên yêu cầu được mở lò thủ công, đã làm các chủ đầu tư khác đang xây dựng dây chuyền giết mổ công nghiệp phản ứng. Họ nói nếu sở đồng ý cho công ty Hóc Môn làm thủ công, họ sẽ dừng dự án giết mổ công nghiệp”.
“Nếu đánh đổi cho một công ty mà thành phố không thực hiện được quy hoạch giết mổ công nghiệp, đó là điều đáng tiếc và bản thân tôi thấy có lỗi với người dân và lãnh đạo thành phố. Cho nên tôi vẫn kiên quyết đề nghị công ty Hóc Môn tập trung xây dựng lò mổ công nghiệp”, ông Trung từng phát biểu như vậy trước các đại biểu HĐND.
Điều đáng nói hơn nữa là ngày 1.7, UBND TP.HCM đã ra văn bản không đồng ý cho công ty CP thực phẩm Hóc Môn hoạt động lò giết mổ thủ công tại xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn. Trong văn bản này, UBND TP.HCM yêu cầu công ty này đẩy nhanh tiến độ xây nhà máy giết mổ gia súc công nghiệp, để đưa vào hoạt động cuối năm nay theo chỉ đạo của thành phố. Trong một cuộc họp bàn về tiến độ xây nhà máy do sở Nông nghiệp tổ chức mới đây, đích thân đại diện công ty này cũng thông báo nhà máy sẽ hoạt động tháng 1.2018. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì khi chỉ còn hai tháng nữa là tới hạn, mà công ty CP thực phẩm Hóc Môn vẫn cố đấm ăn xôi, đòi mở lại bằng được lò thủ công sai phép?
Sẽ ngừng đầu tư nếu cho mở lại lò thủ công
Việc sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn TP.HCM có văn bản lấy ý kiến các sở ngành cho mở lại lò mổ thủ công XTT là hành động hoàn toàn bất nhất, sai chủ trương quy hoạch của TP.HCM, khiến các nhà đầu tư hoang mang.
Video đang HOT
Sáng 13.11, đã có ít nhất ba doanh nghiệp đang đầu tư nhà máy công nghiệp có đơn kiến nghị khẩn cấp gửi các cơ quan chức năng, yêu cầu không cho lò XTT hoạt động trở lại. Đứng tên trong đơn kiến nghị, ông Bạch Đăng Quang, phó giám đốc hợp tác xã (HTX) Tân Hiệp, một trong sáu dự án được TP.HCM quy hoạch xây nhà máy giết mổ công nghiệp cho rằng, nếu TP.HCM cho phép mở lại lò thủ công XTT, HTX này sẽ chấm dứt ngay đầu tư nhà máy, hoặc tìm hướng chuyển về các tỉnh với lý do là sẽ tạo ra môi trường cạnh tranh không bình đẳng (lò thủ công đầu tư ít, chi phí thấp hơn nhiều lần so với hiện đại, trong khi lại không đạt yêu cầu về sinh thực phẩm), bất công cho môi trường đầu tư, tạo tiền lệ xấu, và hơn hết là đi ngược lại chủ trương hiện đại hoá các lò thủ công, bằng các nhà máy giết mổ hiện đại của thành phố.
Ngoài ra, theo phân tích của ông Quang, việc cho phép lò XTT hoạt động sẽ không đáp ứng nhu cầu mong đợi được tiêu thụ thực phẩm sạch của người dân và giảm lượng thịt nhập; không làm tăng được thu nhập cho bà con chăn nuôi, do nhà máy không có hệ thống kho lạnh đảm bảo xử lý lượng heo tồn dư trong dân. “Người tiêu dùng tiếp tục tiêu thụ thịt heo không đạt vệ sinh, ở đây chúng tôi không nói đến chất cấm, vì giết mổ thủ công rất dễ nhiễm vi sinh, đặc biệt là Salmonella và E. coli. Nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm từ hai loại vi khuẩn này rất cao”, ông Quang quả quyết.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Hồng Thắm, giám đốc công ty TNHH dịch Vụ An Hạ, chủ đầu tư nhà máy giết mổ công nghiệp công suất 3.000 con/ngày, cũng bức xúc trong đơn kiến nghị: “Chúng tôi bỏ ra hàng trăm tỉ đồng xây nhà máy hiện đại là tuân thủ theo chủ trương của thành phố, hơn nữa giúp người tiêu dùng được sử dụng thực phẩm sạch. Nếu cho mở lại lò thủ công XTT, chắc chắn chúng tôi sẽ ngưng đầu tư hoặc chuyển về tỉnh làm, vì môi trường đầu tư ở thành phố quá bất an, không bình đẳng”.
Theo các doanh nghiệp, thay vì khôi phục lại lò giết mổ thủ công sai phép, TP.HCM nên hỗ trợ những nhà máy công nghiệp, tạo điều kiện, tạo hành lang thông thoáng về thủ tục để các đơn vị sớm thực hiện tiến độ xây nhà máy, đưa vào hoạt động. Theo ông Quang, hiện nay HTX Tân Hiệp đã hoàn thành 90% thủ tục, chỉ còn vướng chưa có đường vào nhà máy.
“HĐND TP.HCM đã thông qua phương án chấp thuận làm đường bằng ngân sách, nhưng đến nay thủ tục đầu tư vẫn dậm chân. Do chúng tôi đã nhập máy móc về rồi, nên yêu cầu được san lấp mặt bằng, chuyển vật liệu bằng đường thuỷ để khởi công nhưng vẫn chưa được cơ quan chức năng chấp thuận”, ông Quang bức xúc.
Theo Bảo Ngọc ( Thế Giới Tiếp Thị)
Ai sẽ giải cứu thịt heo thừa...?
Thời gian vừa qua, an toàn thực phẩm luôn là chủ đề nóng và nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận. Những vụ việc về thực phẩm bẩn, không đảm bảo chất lượng bị phanh phui, phát hiện ngày càng nhiều khiến cho người tiêu dùng càng thêm phần hoang mang, đến lúc nào họ mới có thể yên tâm thưởng thức vị ngon của những bữa cơm hằng ngày.
Lại thừa thịt heo, nhưng là thịt heo bẩn!
Đêm 28 rạng sáng 29/09, đoàn liên ngành gồm Thanh tra chuyên ngành Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường (C49) và Chi cục Thú y Tp, Hồ Chí Minh đã ập vào cơ sở giết mổ Xuyên Á. Tại đây, đoàn ghi nhận hàng loạt heo chờ giết mổ nằm la liệt (dấu hiệu bị tiêm thuốc an thần) và nhiều lọ, bịch thuốc an thần, ống tiêm. Tổng số heo nhập về đây giết mổ trên 5.000 con, trong đó chỉ gần 1.000 con là bình thường, còn lại hơn 4.000 con của 20 chủ bị đình chỉ giết mổ do nghi đã tiêm thuốc an thần.
Đây là vụ có lượng heo bơm thuốc bị phát hiện lớn nhất từ trước đến nay; xảy ra tại lò mổ Xuyên Á - lò mổ lớn nhất Tp. Hồ Chí MInh, nơi cung cấp hơn 50% lượng heo thịt cho thị trường thành phố. Sự việc trên đã gây rúng động dư luận và sự hoang mang, bức xúc cho người tiêu dùng, nếu như không có đoàn liên ngành kiểm tra phát hiện thì hàng ngàn con heo đã tiêm thuốc tuồn ra thị trường trót lọt, không biết những hệ lụy nào sẽ xảy ra?
Hàng ngàn con lợn bị tiêm thuốc an thần ngủ li bì
Đầu độc sức khỏe, bán rẻ niềm tin
Thịt heo là loại thực phẩm thông dụng hằng ngày của người Việt, mỗi ngày có hàng trăm tấn thịt heo và các sản phẩm từ thịt được tiêu thụ. Bởi vậy nên nó là loại thực phẩm chính mà những thương lái, chủ trang trại có thể bất chấp lương tâm, pháp luật và sức khỏe người tiêu dùng để trục lợi.
Nếu như trước đây, việc tiêm thuốc an thần vào heo thịt chủ yếu để dễ bơm nước vào heo nhằm tăng trọng lượng. Nay việc tiêm thuốc an thần còn nhằm giảm hao hụt trọng lượng trong vận chuyển và làm cho miếng thịt hồng hào, dẻo do thuốc có tác dụng co tĩnh mạch. Những loại thuốc an thần có trong danh mục thuốc thú y điều trị động vật nhưng trong trường hợp này đã bị sử dụng sai mục đích, khiến tồn dư trên thịt, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Rõ ràng hành vi trên của cơ sở giết mổ Xuyên Á là cực kì nguy hiểm, có thể gây ra những hậu quả khó lường. Theo ông Phạm Tiến Dũng, Trưởng phòng Thanh tra chuyên ngành, Thanh tra Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT), thịt heo có tồn dư thuốc an thần sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới người tiêu dùng, gây ra rối loạn hoạt động, ức chế thần kinh, hạ huyết áp, bệnh về đường tiêu hóa, thậm chí gây ra trầm cảm, không minh mẫn, thiểu năng trí tuệ.... Đặc biệt, triệu chứng này sẽ trầm trọng hơn đối với trẻ em, và những người có bệnh tim mạch, gan, thận.
Khi sự việc này được đưa ra ánh sáng, niềm tin lâu nay của những người tiêu dùng vào sản phẩm thịt heo, vào các cơ sở giết mổ và cả những người chăn nuôi heo bị sụt giảm nghiêm trọng. Nhiều người đặt ra câu hỏi liệu từ trước giờ trên mâm cơm của họ đã từng có những dĩa thịt heo được tiêm thuốc an thần, họ có đang bị đầu độc âm thầm mà không hề hay biết. Từ nay mỗi khi đi chợ, vào siêu thị, mặt hàng thịt heo nói chung sẽ phải đối mặt với những ánh nhìn kì thị, không được ưa chuộng như trước, liệu đằng sau vẻ ngoài bắt mắt, màu sắc tươi ngon kia sẽ là bao nhiêu mi li lít hóa chất, chất cấm. Vô hình chung tạo ra sự e ngại cho số đông người tiêu dùng không chỉ tại Tp.Hồ Chí Minh mà còn trên cả nước, điều này là rất không đáng có, từ một sự việc tại một cơ sở mà ảnh hưởng tới những người nuôi heo, lò giết mổ, thương lái làm ăn đàng hoàng, chân chính.
Nhớ lại cách đây hơn 2 tháng, một cuộc giải cứu thịt heo với quy mô lớn chưa từng thấy đã diễn ra, lúc đó giá heo xuống thấp kỉ lục khiến cho người chăn nuôi, các lò mổ phải điêu đứng, Bộ NN-PTNT liên tục tổ chức các cuộc họp khẩn, gửi công văn "cầu cứu" Thủ tướng, gửi công văn hoả tốc kêu gọi các ban ngành, đoàn thể, người tiêu dùng cả nước ưu tiên ăn thịt lợn để giúp đỡ người chăn nuôi vượt qua giai đoạn khó khăn.
Cho đến thời điểm hiển tại, thị trường đã dần cân bằng, giá thịt heo ổn định trở lại, có thể nói rằng công lớn nhất vẫn thuộc về người dân, người tiêu dùng. Nhớ lại sự việc này, tôi tự đặt câu hỏi, nếu khủng hoảng thừa tiếp tục xảy ra, ai sẽ giải cứu thịt heo nữa đây, liệu người tiêu dùng có đặt niềm tin vào loại thực phẩm này khi liên tiếp có những vụ việc báo động, các chủ lò mổ, trang trại sẵn sàng bất chấp sức khỏe, sự an toàn của những người đã từng giúp họ vượt qua khó khăn để thu lợi bất chính. Rõ ràng nếu những sự việc tương tự cứ liên tiếp xảy ra, viễn cảnh người tiêu dùng trong nước quay lưng với thịt heo không phải là không có cơ sở. Đến khi đó, sự ân hận, tỉnh ngộ có đã muộn màng?
Hóa chất được pha trộn để tiêm vào lợn trước khi giết mổ
Quản lý thịt heo vẫn đang là nỗi lo
Vụ việc này xảy ra ngay tại một lò mổ lớn nhất ở Tp. Hồ Chí Minh, nơi công tác kiểm tra an toàn thịt heo luôn đi đầu, được thắt chặt và khiến cho nhiều người tiêu dùng vẫn luôn an tâm. Như vậy có nghĩa công tác quản lý thực phẩm nói chung và mặt hàng thịt heo nói riêng vẫn đang là nỗi lo.
Theo số liệu do cơ quan thú y Tp. Hồ Chí Minh cung cấp, toàn thành phố có 11 lò mổ gia súc, 1 lò mổ gia cầm nằm tại 4 huyện ngoại thành, nơi nào cũng bố trí cán bộ thú y tiếp cận quản lý. Tuy vậy tình trạng để lọt heo bơm thuốc và bơm nước vẫn xuất hiện và đang có dấu hiệu gia tăng, nguyên nhân chính bởi các lò mổ nằm rải rác ở nhiều khu vực, xa khu dân cư, không tập trung nên khó quản lý. Tp.Hồ Chí Minh đã nhiều lần có chủ trương di dời các lò mổ vào khu tập trung vừa dễ xử lý ô nhiễm, vừa dễ cho khâu kiểm tra, nhưng triển khai còn chậm trễ.
Sau vụ việc này, Chi cục Thú y thành phố cho biết sẽ kiến nghị quy định việc gắn camera bên trong các lò mổ để tăng cường khâu giám sát. Lò mổ nào tái phạm sẽ đóng cửa, thu giấy phép. Tuy nhiên, khi Tp. Hồ Chí Minh thắt chặt kiểm tra các lò mổ, thịt heo bơm thuốc vẫn có khả năng di dời ra các lò mổ thuộc các tỉnh lân cận, rồi chạy trở vào Tp. Hồ Chí Minh tiêu thụ, do vậy cần phải có những sự tính toán kĩ lưỡng, biện pháp triệt để hơn nữa.
Hiện nay do các biện pháp kiểm soát được thắt chặt, thương lái đã nghĩ ra cách lách: chờ lực lượng thú y kiểm tra heo sống xong, chuẩn bị vào lò mổ - nơi được cách ly với khu dân cư và khó quan sát mới bơm thuốc. Không những vậy lò mổ ở các tỉnh lân cận Tp. Hồ Chí Minh, lò mổ nào cũng xây kiên cố với 2, 3 lớp rào cửa nhằm để đối phó đoàn kiểm tra, bởi sự kiên cố, kín cổng cao tường đó khiến cho thời gian lực lượng chức năng khi vào đến nới thì mọi thứ đã được "dọn sạch sẽ". Chỉ duy nhất Tp. Hồ Chí Minh quy định lò giết mổ phải xây hở. Nếu quy định chưa được thống nhất trên cả nước, tất nhiên gian thương vẫn còn kẽ hở để... tiếp tục lách luật!
Trên cả nước từ những tháng đầu năm liên tục phát hiện ngày càng nhiều những vụ việc tiêm hóa chất, chất cấm vào các loại gia súc, gia cầm, tuy nhiên các cơ quan chức năng vẫn chưa có được phòng thí nghiệm có năng lực phân tích định lượng hoạt chất Acepromazine để làm cơ sở pháp lý khi xử phạt. Chỉ duy nhất tại Tp. Hồ Chí Minh, phòng thí nghiệm của Chi cục Thú y Thành phố được đầu tư bài bản, được Cục Thú y công nhận là "có năng lực và kinh nghiệm xét nghiệm hoạt chất Acepromazine trong mẫu máu, nước tiểu và thịt"; tuy nhiên nó vẫn trong giai đoạn hoàn thiện thủ tục chờ thẩm định và chỉ định cho phép từ cấp chuyên ngành.
Một lỗ hổng nữa đó là việc truy xuất nguồn gốc thịt gia súc đang không phát huy hiệu quả. Biện pháp này chưa quy định chi tiết, vẫn còn mang tính hình thức. Mặc dù việc áp dụng vòng truy xuất đã được nhiều địa phương bắt buộc thực hiện. Tuy vậy lại để cho trang trại và tiểu thương tự đeo vòng, tự kích hoạt, tiểu thương chợ đầu mối/siêu thị nhập thêm vào dữ liệu; từ đó ra thông tin truy xuất trên tem dán. Rõ ràng quy trình này không có sự giám sát của một bộ phận nào, chỉ có thể quản lý bằng hậu kiểm.
Mặc dù chính phủ đã ban hành Nghị định Số: 90/2017/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực thú y cuối tháng 7 vừa qua nhưng gần như nó đã cho thấy bất cập, trong khi hậu quả đối với sức khỏe người sử dụng đã được chứng minh nhưng hình thức xử lý đối với hành vi sai phạm còn "mềm mỏng" mức cao nhất chỉ có 35 triệu đồng là không đủ sức răn đe. Không những vậy, theo các quy định pháp luật, hiện chưa có quy định về việc cấm lưu thông hoặc tiêu hủy đối với heo có chứa chất Acepromazine.
Rất may mắn ngày 02/10, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến đã ký, ban hành văn bản số 6023 xử lý vụ việc 3.750 con heo bị tiêm thuốc an thần trước khi giết mổ tại cơ sở giết mổ Xuyên Á yêu cầu Sở NN&PTNT phối hợp với Đoàn thanh tra khẩn trương tiêu hủy toàn bộ số heo xác định bị tiêm thuốc an thần, không để nuôi nhốt chờ đào thải thuốc rồi đưa vào giết mổ vì không đảm bảo an toàn thực phẩm nguy cơ tồn dư thuốc và nguy cơ bệnh lở mồm trong quá trình lưu giữ. Trong vụ việc này đã có 17 cán bộ quản lí phải giải trình, 13 lò mổ bị công khai vi phạm, hàng ngàn con heo bị tiêu hủy.
Mặc dù đã có sự vào cuộc khá quyết liệt và cứng rắn, tuy nhiên những nỗi lo, sự bất an của người tiêu dùng vẫn không hề giảm đi mà thậm chí còn hoang mang hơn bởi dường như sau mỗi một văn bản pháp luật được ban hành, những lần ra quân của các cơ quan chức năng, những thương lái, chủ lò mổ, chủ trang trại cũng có những chiêu thức mới để lách luật, qua mặt cơ quan quản lí. Câu hỏi "Đến bao giờ mâm cơm của người dân mới sạch hóa chất, đảm bảo an toàn?" gần như vẫn còn bỏ ngỏ.
CTV Quảng An
Theo TDQ
Giám đốc Sở NN TP.HCM: "Không có chuyện ưu ái cho lò mổ thủ công" Ông Nguyễn Phước Trung - Giám đốc Sở NNPTNT TP.HCM khẳng định, không có chuyện Sở này ưu tiên cho phép lò giết mổ thủ công của Công ty CP Chế biến thực phẩm Hóc Môn ở xã Xuân Thới Thượng hoạt động. Cuối tuần qua, Sở NNPTNT đã ban hành Công văn số 2924/SNN-KHCN, lấy kiến các sở, ban, ngành và UBND...