Chợ Đồng Xuân ở Berlin
Nếu bạn đã từng đến những thành phố cổ kính như Athens, Istanbul, Rome, Prague hay Vienna thì có lẽ không cần xe hơi, chịu khó đi bộ 1 ngày là sẽ hết vòng cung chính của thành phố.
1. Nếu như mọi thủ đô của châu Âu đều giữ được vô số đền đài, cung điện, thì Berlin chỉ còn một dinh thự hoàng gia duy nhất là cung điện Charlottenburg, được xây dựng cuối thế kỷ 17 theo phong cách Baroque và Rococo dưới thời trị vì của vương triều Hohenzollern. Nơi duy nhất mà tôi sẽ còn nhớ mãi cảnh sắc của nó là cây cầu Tình yêu bắc ngang qua sông Spree (Liebknechtbrucke).
Lúc ấy trời đã chạng vạng. Ráng chiều cuối đông tím ngắt về phía thượng nguồn và rải những váng hoàng hôn còn rớt lại lên khu vườn Lustgarten. Bóng thâm u cổ kính của nhà thờ Berlin in màu xanh lục xuống dòng Spree. Ở chân cầu có một bà lão bày bán vài ba chiếc mũ lông thời Đức quốc xã, mấy chiếc bật lửa và dăm miếng nam châm dán tủ lạnh có hình biểu tượng Berlin. Toàn những đồ lưu niệm rẻ tiền có cũng được mà không cũng chẳng sao. Tôi mua mấy thứ cho bà lão đang chết cóng, dùng tiếng Đức để mặc cả lấy lệ, trong đầu còn mải mê với hình dung về các thiếu nữ từng dạo bước với những sĩ quan quân đội trên chiếc cầu này để nói lời tiễn biệt vào một ngày cũng chưa sang xuân, cái thời mà chiến tranh thế giới còn đang vần vũ cả châu Âu. Hẳn lúc ấy họ đã lấy mái vòm xanh biếc của Berliner Dom và cả dòng sông lặng sóng để thề, những lời thề vĩnh viễn thuộc về nhau, mà không biết có lời nào đã trở thành hiện thực.
Những ổ khóa trên cầu Tình yêu bắc qua sông Spree
Giờ cũng có cả ngàn lời thề như thế được thốt lên bên dòng Spree này, bởi tôi nhìn thấy những chiếc khóa tình yêu nhỏ xíu nhiều màu được khóa trái trên những thanh sắt thành cầu. Vì thế mà những cây cầu dù mang tên khác nhau nhưng đều được gọi chung là cầu Tình. Cầu Tình có ở khắp châu Âu, bất kỳ dòng sông nào trông có vẻ thơ mộng cũng đều thấy hàng ngàn chiếc khóa sặc sỡ nặng trĩu chân cầu. Lời thề yêu thương được thực hiện xong, 2 chìa khóa tí hon được vứt xuống thăm thẳm lòng sông, vậy là đôi lứa đã được chốt chặt trong một chiếc khóa vô hình. Tôi ngẩn tò te nhìn những chứng nhân đã mất màu vì mưa nắng thời gian, giờ chỉ còn trần xì gỉ sét. Hẳn là chủ sở hữu của chúng sắp lên chức ông bà rồi cũng nên, hay họ đã chia tay nhau bằng một tờ giấy đau lòng từ lâu lắm, hoặc giả vẫn tồn tại bên nhau mà lòng đã đồng sàng dị mộng như hàng triệu cặp đôi trên thế gian này từng thế và đang thế?
Một góc khu chợ Đồng Xuân ở Berlin
2. Chợ Đồng Xuân có lẽ là một trong những điểm thú vị nhất mỗi lần tôi nhớ về Berlin. Đó là khu chợ dành cho người Việt, có lẽ cũng là một trong những chợ người Việt lớn nhất thế giới. Trong chợ người ta bán quần áo tầm tầm, các loại chăn thảm, túi xách, vali, khăn trải bàn ren móc… Có cả một tiệm làm tóc mà tôi gội đầu xong mất 9 Euro thấy vẫn không sạch. Cậu thanh niên gội cho tôi một cách lúng túng trên cái bàn gội đặc biệt mà khách phải ngồi với cái tấm nhựa ngoặc vào cổ chứ không được nằm thoải mái như trong các tiệm tiện nghi ở nhà. Lúc ấy bực quá nghĩ, cậu này đi làm thuê cho các salon tóc tỉnh lẻ thôi cũng chỉ 2 ngày là bị đuổi việc. Nhưng anh chàng lại là một tay làm tóc kỳ cựu đã kinh qua mấy nước rồi mới về đến Berlin.
Các chủ hàng trong chợ đều là người Việt nhưng thuê nhiều người Đức bán hàng. Ngay cửa chợ có một nhà hàng nổi tiếng, bán đủ món từ phở bò, phở gà cho đến bún ốc, bún chả với giá 8 Euro một bát. Khách ra vào tấp nập hầu như không có bàn trống. Nhìn lượng khách cũng biết chủ hàng chắc thuộc hàng đại gia. Thậm chí, phở Berlin còn ngon hơn phở Lý Quốc Sư Hà Nội. Cũng chẳng phải do lúc ấy tôi rỗng bụng hay lên cơn thèm phở kinh niên khi 4 ngày liền chỉ ăn pho mát của Hà Lan.
Video đang HOT
Nói một cách logic thì phở, muốn ngon cũng chẳng phải nhờ công thức bí truyền thần kỳ nào, chủ yếu là do nồi nước dùng và thịt bò mà thôi. Mà thịt bò của Đức ngon hơn nhiều so với bò nhà ta. Nhà hàng lại vì nguồn thu 9 Euro/bát mà cho đẫy xương bò vào nồi nước dùng thay vì cứ phải độn những thứ gia vị… có trời mới biết. Nói nôm na thì tôi cũng nấu phở hàng tuần, tự nhận phở mình nấu ngon hơn phở hàng. Ấy là vì mình hào phóng với nồi nước dùng và mua phần thịt có giá gấp đôi những phần khác của con bò. Thế nên giá thành bát phở tự nấu đắt gấp 3 ngoài vỉa hè.
Nhà hàng ở chợ Đồng Xuân Berlin cũng có món bún chả tuyệt hảo là nhờ những súc thịt lợn thơm ngon từ các nông trại Đức, chứ không phải thịt lợn siêu nạc, lợn tiêm kháng sinh, cho ăn tăng trọng. Một suất bún chả hay phở đều khổng lồ, có thể chia 3 người ăn. Người Việt sống lâu bên này trở nên ăn khỏe vì có khi họ chỉ ăn 1 bữa/ngày để dành thời gian làm việc khác. Hôm sau chúng tôi vào một nhà hàng bít tết của Đức cùng một số bạn bè Việt kiều, suất bít tết ở đây là 3 lạng thịt. Quả nhiên nhóm Việt kiều thì ăn hết sạch, còn chúng tôi thì không hết nổi 1/2.
Những nhà hàng của người Việt trong chợ Đồng Xuân ở Berlin
3. Gia đình anh bạn tôi chẳng sống ở Berlin nên cũng không thông thuộc đường sá, chủ yếu đưa chúng tôi đến những chỗ đã quá nổi tiếng như cổng thành Brandenburg được xây dựng hồi cuối thế kỷ 18. Nơi này tấp nập tựa Khải hoàn môn ở đại lộ Champs-Élysées (Pháp) hay India Gate ở New Delhi (Ấn Độ). Ở đó có người đàn ông mặc trang phục thế kỷ 19 đứng trước nhạc cụ Orgelbau Stuber để chờ những người tò mò thả xu, có cỗ xe song mã cùng chàng nài ngựa đẹp trai chở du khách lòng vòng 15 phút với giá thuê cũng rất “quý tộc”.
Và bên kia đường là người bán rượu vang nóng với giá 1 Euro. Trời lạnh buốt mà cầm cốc vang đỏ thơm lừng nghi ngút khói, uống sao ngon thế. Cái quán cóc ấy đến là đông khách. Người ta uống vang mà giống mình uống cà phê dạo. Vang đun tại chỗ trong thùng, khách mua thì đong vào cốc giấy. Tôi cũng bắt chước, về nhà bỏ vang Chile vào nồi cho sôi lục bục, xong múc ra cốc giấy, lại cố tình mở cửa ban công cho lạnh rét run. Tôi cứ muốn hồi cố cái không khí ấy, giây phút ấy, khi mà lê bàn chân đã mỏi nhừ trong ủng và bàn tay cóng lạnh run run đỡ cốc vang ngọt ngào. Nhưng xem ra uống tại nhà không ngon, thà rằng có cốc chè đỗ đen còn nắc nỏm hơn.
Suốt từ lúc trên xe, chúng tôi cứ gợi ý đến Bức tường Berlin, nhưng anh bạn và cô con gái dẫn đường đều không biết chỗ. Tối ấy, sau bữa tiệc chia tay linh đình với những đĩa thịt cá khổng lồ, anh bạn lại lụi cụi chở vợ con về nhà sau khi đã mua rất nhiều thịt cá trong chợ Đồng Xuân để sáng hôm sau làm hàng. Quãng đường vài trăm cây số cần chạy tới hàng tiếng đồng hồ mới đến nơi. Anh phải về với cái nhà hàng là nguồn sống của cả gia đình mà không thể rời xa nó quá 2 ngày. Chúng tôi bần thần tạm biệt họ, những người bạn tuyệt vời trong suốt chặng đường rong ruổi châu Âu.
Theo anninhthudo.vn
Chợ Cầu Đông trong ca dao nay đã "lột xác" như thế nào?
Nằm ở đầu phố Cầu Đông, cạnh chợ Đồng Xuân ở Hà Nội, chợ Cầu Đông là một khu chợ khiến nhiều người liên tưởng đến câu ca dao "Bà già đi chợ Cầu Đông". Nhưng thực tế giữa chợ này và câu ca dao có mối liên quan nào không?
Khi nghe câu ca dao nổi tiếng "Bà già đi chợ Cầu Đông. Bói xem một quẻ lấy chồng lợi chăng...", hắn sẽ có người thắc mắc chợ Cầu Đông là chợ nào, nằm ở đâu.
Để tìm hiểu điều này, cần ngược dòng thời gian để truy tìm gốc tích địa danh Cầu Đông và chợ Cầu Đông. Theo đó, từ nhiều thế kỷ trước, sông Tô Lịch chảy qua phố cổ Hà Nội (lòng sông là các phố Nguyễn Siêu, Ngõ Gạch, Hàng Cá, Hàng Lược ngày nay), và có một cây cầu bắc qua sông ở ngã tư Ngõ Gạch - Hàng Đường.
Do cây cầu nằm ở phía Đông của thành Hà Nội nên dân gian gọi là Cầu Đông. Và khu chợ họp ở đầu cầu có tên gọi là chợ Cầu Đông. Đây là một khu chợ quan trọng trong 36 phố phường Hà Nội xưa, được cho là nơi "Bà già đi chợ Cầu Đông".
Đến thời Pháp thuộc, khi đoạn sông Tô này bị lấp, hai chợ cũ Cầu Đông và chợ Bạch Mã giải thể và nhập thành chợ Đồng Xuân.
Khi chợ Đồng Xuân được xây lại năm 1991, phố Cầu Đông được mở ra sát cạnh chợ Đồng Xuân, thuộc phường Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm.
Sau đó chợ Cầu Đông "mới" được xây dựng ở đầu phố Cầu Đông.
Như vậy có thể khẳng định, chợ Cầu Đông xưa (nằm ở đầu cầu ngã tư Ngõ Gạch - Hàng Đường) gắn với hình ảnh "bà già đi xem bói" đã không còn nữa.
Chợ Cầu Đông ngày nay chỉ mang một cái tên gợi nhớ về khu chợ cũ, và chắc hẳn là chẳng có bà già nào từng xem bói ở khu chợ mới toanh này cả.
Trở về với thực tại, chợ Cầu Đông là một khu chợ cao tầng khang trang, cổng chính hướng ra phố Nguyễn Thiện Thuật.
Cổng phụ thông ra phố Cầu Đông.
Tầng một của chợ là nơi chuyên kinh doanh các mặt hàng kim loại, đồ cơ khí.
Tầng hai bán các mặt hàng may mặc.
Các tầng 3, 4 được dùng làm văn phòng hoặc phòng chức năng.
Từ tầng hai của chợ Cầu Đông có một lối đi trên cao dẫn sang chợ Đồng Xuân.
Do chợ Cầu Đông là một chợ mới xây và lại nằm sát chợ Đồng Xuân nổi tiếng nên có khá nhiều người Hà Nội không biết đến sự tồn tại của khu chợ này, hoặc nghĩ rằng đây chỉ là một phần mở rộng của chợ Đồng Xuân.
Theo vietnamdaily.net.vn
Luyến mây Tam Đảo, nhớ sương Bạch Mã Bởi, ngay cả trong những ngày đông Tam Đảo cũng không còn yên tĩnh nữa. Bởi, giữa trưa trên đĩnh Bạch Mã, không gian mênh mang đủ cho tiếng chuông ngân dài vang xa, nhưng mặt đất thì tấp nập những người chen chúc trên con đường đã được mở rộng cho xe hơi lên đến tận chùa... M ột ngày hè Tam...