Cho đời bài học làm người
Đồng chí Lê Hồng Phong tên thật là Lê Huy Doãn, sinh năm 1902 tại làng Hưng Thông, tổng Phù Long (nay là xã Hưng Thông, Hưng Nguyên, Nghệ An), vùng đất có phong trào đấu tranh chống bọn phong kiến và thực dân nổ ra liên tục. Lớn lên trong môi trường này, Lê Hồng Phong chịu ảnh hưởng sâu sắc và được nuôi dưỡng bằng tinh thần yêu nước và cách mạng. Sau khi học xong yếu lược, Lê Hồng Phong đã rời làng ra thành phố, làm công nhân tại một nhà máy ở thị xã Vinh – Bến Thủy. Chính trong thời gian này, Lê Hồng Phong tận mắt chứng kiến nhân dân lao động bị bọn thực dân, phong kiến bóc lột, áp bức bất công. Chí hướng cách mạng của Lê Hồng Phong nảy sinh từ hoàn cảnh đó.
Năm 1923, Lê Hồng Phong và Phạm Hồng Thái bí mật sang Xiêm (Thái Lan), rồi sang Quảng Châu (Trung Quốc) tìm đường làm cách mạng. Cuối năm 1924, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về Quảng Châu thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, mở lớp huấn luyện cán bộ cách mạng. Lê Hồng Phong được dự lớp huấn luyện chính trị do Nguyễn Ái Quốc phụ trách, trở thành một trong những cán bộ đầu tiên của cách mạng Việt Nam được trang bị lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin. Tháng 2-1926, Lê Hồng Phong được kết nạp vào Đảng Cộng sản Trung Quốc. Trong 3 năm (từ 1928 -1931) theo học tại Trường Đại học Phương Đông, đồng chí đã hoàn thành chương trình học tập và được kết nạp vào Đảng Cộng sản Liên Xô, được chuyển tiếp làm nghiên cứu sinh. Đang học dở thì tháng 11-1931, đồng chí được phân công về nước hoạt động, chỉ đạo việc tổ chức khôi phục và phát triển các cơ sở Đảng.
Đầu năm 1932, đồng chí về Quảng Tây gần biên giới Việt- Trung và chắp nối liên lạc với các đồng chí Hoàng Đình Giong, Hoàng Văn Thụ, Hoàng Văn Nọn, Lương Văn Chi… tìm cách xây dựng lại hệ thống tổ chức của Đảng mở lớp huấn luyện, đào tạo cán bộ, gây dựng cơ sở cách mạng… Tháng 3-1934, Ban lãnh đạo của Đảng ở nước ngoài được chính thức thành lập tại Ma Cao (Trung Quốc), có chức năng như Ban Chấp hành Trung ương lâm thời do đồng chí Lê Hồng Phong làm Bí thư, đồng chí Hà Huy Tập là Uỷ viên phụ trách tuyên huấn kiêm Tổng biên tập Tạp chí Bônsêvích đồng chí Nguyễn Văn Dựt phụ trách công tác kiểm tra.
Tại Đại hội lần thứ VII Quốc tế Cộng sản (họp từ 25-7 đến 21-8-1935), đồng chí Lê Hồng Phong đọc bản tham luận quan trọng Về phong trào cách mạng Đông Dương. Cũng tại Đại hội này, Đảng ta được công nhận là chi bộ chính thức của Quốc tế Cộng sản, đồng chí Lê Hồng Phong (với bí danh Hải An), được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản.
Đại hội lần thứ VII của Quốc tế Cộng sản kết thúc, đồng chí Lê Hồng Phong trở lại Thượng Hải (Trung Quốc). Khi đó, Đại hội toàn quốc lần thứ I của Đảng thành công, đồng chí Lê Hồng Phong được bầu (vắng mặt) làm Tổng Bí thư. Tháng 11-1937, đồng chí Lê Hồng Phong bí mật về hoạt động tại Sài Gòn, trực tiếp cùng Trung ương Đảng chỉ đạo phong trào cách mạng. Ngày 22-6-1939, đồng chí Lê Hồng Phong bị thực dân Pháp bắt tại Sài Gòn, kết án 6 tháng tù giam và 3 năm quản thúc. Sau khi hết hạn 6 tháng tù giam, chúng buộc đồng chí phải về quê nhà Nghệ An để theo dõi, giám sát. Tháng 1-1940, Lê Hồng Phong lại bị bắt và đưa vào giam ở Khám Lớn – Sài Gòn. Biết đồng chí Lê Hồng Phong là cán bộ lãnh đạo cao cấp của Đảng, thực dân Pháp đã buộc tội đồng chí “chịu trách nhiệm tinh thần” của cuộc khởi nghĩa Nam kỳ, kết án 5 năm tù giam và 10 năm quản thúc, đày ra Côn Đảo và chỉ thị cho bọn chúa đảo phải tìm mọi cách hãm hại.
Tại đây, kẻ thù luôn tìm cách hành hạ, tra tấn, đánh đập dã man đồng chí Lê Hồng Phong, hòng làm nhụt tinh thần, ý chí của người lãnh đạo cộng sản. Có lần đồng chí vừa bưng bát cơm lên ăn, thì bọn cai ngục xông vào đánh túi bụi. Bát cơm của đồng chí bị nhuộm đỏ, do máu chảy từ đầu, từ mặt rớt vào, nhưng đồng chí vẫn thản nhiên, tiếp tục ngồi ăn “bát cơm chan máu”, với quyết tâm: “còn sống còn chiến đấu”. Những trận đòn thù tàn ác, dã man, liên tục đó làm đồng chí Lê Hồng Phong dần kiệt sức, đồng chí đã vĩnh biệt anh em, đồng chí vào trưa 6-9-1942.
Tên tuổi và sự nghiệp cách mạng của đồng chí Lê Hồng Phong gắn liền với lịch sử đấu tranh bất khuất, vẻ vang của Đảng và dân tộc Việt Nam giai đoạn từ năm 1920 – 1940. Con người, nhân cách, những đóng góp và sự hy sinh cao cả của đồng chí Lê Hồng Phong đã cổ vũ, soi sáng cho nhiều thế hệ người Việt Nam trên con đường đấu tranh vì độc lập dân tộc, hòa bình, dân chủ và tiến bộ xã hội. Đồng chí đã để lại cho tuổi trẻ hôm nay bài học làm người quý giá, sống có lý tưởng cao đẹp, nhiệt huyết cách mạng, vì tổ quốc, vì nhân dân sẵn sàng hy sinh lợi ích, hạnh phúc của cá nhân.
Theo ANTD
Hội thảo khoa học về Tổng bí thư Lê Hồng Phong
Nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh Tổng bí thư Lê Hồng Phong (6.9.1902 - 6.9.2012), sáng 4.9, tại TP.Vinh (Nghệ An), Hội thảo khoa học "Đồng chí Lê Hồng Phong với cách mạng Việt Nam và quê hương Nghệ An" đã được tổ chức.
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư, nhấn mạnh đây là dịp để chúng ta tìm hiểu sâu sắc hơn về cuộc đời hoạt động cách mạng vẻ vang và sự hy sinh, cống hiến to lớn của Tổng bí thư Lê Hồng Phong đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân.
Nội dung các tham luận trình bày tại hội thảo đã tập trung làm rõ một số vấn đề về cuộc đời - sự nghiệp của Tổng bí thư Lê Hồng Phong. Các báo cáo khoa học đều có chung đánh giá: Tổng bí thư Lê Hồng Phong là một chiến sĩ cách mạng đã hiến dâng trọn cuộc đời mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.
Theo TNO
Người đã hiến dâng trọn đời cho cách mạng Sáng 4/9, Tỉnh ủy Nghệ An, Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh và Ban Tuyên giáo TƯ tổ chức hội thảo khoa học "Đồng chí Lê Hồng Phong với cách mạng Việt Nam và quê hương Nghệ An". Trích đoạn vở kịch "Sáng mãi niềm tin" tái hiện sự nghiệp cách mạng của Tổng bí thư Lê...