Cho con du học, quan chức phải kê khai thu nhập?
Trao đổi với PV Tiền Phong, TS Nguyễn Quốc Hiệp, Viện trưởng Viện Khoa học Thanh tra khẳng định: Hiện nay, dự thảo Đề án Kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn đã lấy ý kiến các bộ ngành và trình lên Thủ tướng Chính phủ. Đề án đã làm rõ nhiều hạn chế trong công tác kiểm soát thu nhập đối với người có chức vụ quyền hạn…
TS Nguyễn Quốc Hiệp cho biết:
Kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn được Luật Phòng chống tham nhũng, công ước quốc tế xác định là một trong những giải pháp rất quan trọng để ngăn chặn và phòng ngừa tham nhũng. Hiện nay, chúng ta đang tập trung kiểm soát thu nhập và tiến tới phải kiểm soát tài sản của người có chức vụ, quyền hạn.
Để kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn, chúng tôi đã đề ra việc kiểm soát các hoạt động công vụ như minh bạch tài sản, kê khai tài sản, minh bạch trong đấu thầu dự án.
Phải có quy định rõ về minh bạch, công khai các hoạt động bổ nhiệm, bố trí cán bộ. Từ đó từng bước phải kiểm soát thực thi quyền lực nhà nước. Hiện nay, tại các cơ quan nhà nước đã tiến hành công khai nhưng sâu sắc đến đâu thì vẫn chưa được đánh giá.
TS Nguyễn Quốc Hiệp
Đề án đặt trọng tâm vào những giải pháp gì, thưa ông?
Đề án tập trung vào 4 nội dung cơ bản gồm: Thiết lập và xây dựng các quy định của pháp luật về kiểm soát thu nhập của người có chức vụ quyền hạn như quy định về kê khai, giải trình về tài sản, thu nhập; xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về thực hiện tất cả các khoản chi từ ngân sách nhà nước đều phải qua ngân hàng; rà soát, sửa đổi bổ sung các quy định của pháp luật về nhận, tặng quà và nộp lại quà tặng.
Quà tặng hiện nay có rất nhiều hình thức, giá trị khác nhau mà mình phải quy định. Ngoài ra, phải quy định hợp lý hơn về cách thức nộp lại quà tặng. Quy định về tặng và nhận quà hiện đã có nhưng chưa phù hợp.
Thưa ông, việc kiểm soát thu nhập sẽ đạt kết quả đến đâu khi mà đa số giao dịch vẫn dùng tiền mặt?
Video đang HOT
Trong đề án đã đề cập sâu vấn đề này. Cùng với việc tham mưu xây dựng Đề án kiểm soát thu nhập thì Ngân hàng Nhà nước cũng đang nghiên cứu đề án về kiểm soát và tiêu dùng bằng tiền mặt.
Đây là hai công việc cùng phải được triển khai, tuy nhiên do việc sử dụng tiền mặt kéo dài quá lâu nên chúng ta phải thực hiện có lộ trình và bước đầu tập trung vào người có chức vụ, quyền hạn.
Khi triển khai đề án, với những khoản chi tiêu lớn như mua biệt thự, cho con đi du học nước ngoài, quan chức có phải kê khai tài chính không, thưa ông?
Theo Thanh tra Chính phủ, nhiều quy định sẽ được ban hành, sửa đổi bổ sung như: quy định về tặng và nhận quà; giao dịch qua tài khoản; thí điểm chi trả qua tài khoản các khoản chi từ ngân sách nhà nước cho người có chức vụ, quyền hạn; quy chế phối hợp cung cấp thông tin về thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn… TS Nguyễn Quốc Hiệp
Thực ra, với các hoạt động không liên quan công vụ thì mình chưa thể kiểm soát được ngay vì thu nhập đến từ rất nhiều nguồn khác nhau. Tuy nhiên nếu như có dấu hiệu vi phạm thì những khoản chi tiêu như vậy phải được kiểm tra, giám sát. Đề án này cũng đề cập các khoản chi lớn của quan chức làm cơ sở để kiểm tra, xác minh.
Đề án cũng đặt ra yêu cầu thiết lập cơ chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong việc cung cấp, trao đổi thông tin liên quan thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; xây dựng hệ thống dữ liệu về thu nhập; hình thành cơ chế kiểm soát các khoản chi đầu tư và chi tiêu có giá trị lớn của người có chức vụ, quyền hạn nhằm làm cơ sở đối chiếu, xác minh.
Dường như có ít quan chức mang quà tặng nộp lại cho nhà nước, thưa ông?
Tôi muốn nhấn mạnh là quy định về nhận quà, tặng quà với quan chức đã có nhưng chúng ta chưa kiểm soát được việc này. Chúng ta cũng chưa tạo ra được văn hoá, suy nghĩ đúng cho việc nộp lại quà tặng trong cơ quan nhà nước, trong ngoại giao hoặc thực thi công vụ.
Tại nhiều nước, tôi biết quy định rất chặt chẽ, nếu quan chức không nộp lại quà tặng thì cũng khó mà sử dụng được. Như tôi đã nói ở trên, quy định về nhận và tặng quà sẽ phải được sửa đổi, bổ sung trong thời gian tới, đảm bảo tính thực thi.
Trong Nghị định 78 cũng đã quy định về tặng, nhận quà nhưng vấn đề là nếu cán bộ đó không kê khai thì vẫn chưa có biện pháp kiểm soát. Hướng tới chúng ta phải có được dữ liệu cá nhân, bao gồm cả dự liệu về thu nhập của cá nhân người có chức vụ, quyền hạn.
Một đề án chúng ta không thể cầu toàn được mà phải tập trung vào lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tập trung vào đối tượng có vị trí, chức vụ dễ phát sinh tham nhũng như lĩnh vực đầu tư, tổ chức cán bộ, xây dựng, cấp phát vốn, đất đai. Chúng ta cần tập trung vào một số nhóm đối tượng, lĩnh vực để làm có hiệu quả và tránh dàn trải. Đây là những nội dung căn bản của Đề án, từ đó Chính phủ sẽ giao nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ, ngành…
Cảm ơn ông.
Theo Khampha
Kiểm soát thu nhập của cán bộ
Theo dự thảo Đề án kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn vừa được Thanh tra Chính phủ đưa ra lấy ý kiến, toàn bộ các khoản thu nhập từ lương, thưởng, chuyển nhượng vốn, chứng khoán, bất động sản, trúng xổ số... sẽ bị nhà nước kiểm soát. Tài sản bất minh không giải trình được nguồn gốc có thể bị thu hồi ngay.
Sẽ tập trung nghiên cứu, sửa đổi hoàn thiện các quy định pháp luật về minh bạch tài sản, thu nhập, về giao dịch thanh toán qua ngân hang - Ảnh: Ngọc Thắng
Trao đổi với Thanh Niên ngày 22.12, ông Phạm Trọng Đạt, Cục trưởng Cục Chống tham nhũng - Thanh tra Chính phủ (TTCP) cho biết dự thảo đề án vừa được trình lên Bộ Chính trị xem xét, cho ý kiến. "Nếu Bộ Chính trị đồng ý cho phép Chính phủ thực hiện thì chúng tôi sẽ bắt tay vào xây dựng lộ trình cụ thể, chi tiết việc kiểm soát thu nhập của toàn bộ những người có chức vụ, quyền hạn theo quy định" - ông Đạt nói.
Xây dựng cơ sở dữ liệu về tài sản, thu nhập
Theo TTCP, minh bạch tài sản, thu nhập được coi là giải pháp then chốt, trọng tâm trong phòng ngừa tham nhũng nhưng hiện nay còn nhiều hạn chế; quy định về kê khai tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai theo quy định của luật Phòng, chống tham nhũng còn mang tính hình thức, chưa kiểm soát được tài sản, thu nhập, tiêu dùng của người có chức vụ, quyền hạn.
Sẽ có cơ chế cho phép tịch thu ngay những khối tài sản bất minh, không chứng minh được về nguồn gốc hình thành
Ông Phạm Trọng Đạt, Cục trưởng Cục Chống tham nhũng
TTCP nhận định một trong những nguyên nhân quan trọng khác khiến cho việc kiểm soát thu nhập còn nhiều hạn chế là nền kinh tế VN vẫn chủ yếu sử dụng tiền mặt. Chính vì thế dự thảo đề án đề ra mục tiêu nghiên cứu xây dựng cơ sở dữ liệu về tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn từ khi được bầu cử, tuyển dụng, bổ nhiệm đến 5 năm sau khi người có chức vụ, quyền hạn nghỉ hưu với rất nhiều nội dung thông tin, gồm: thông tin kê khai tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; thông tin về thu nhập từ ngân sách nhà nước; thông tin về thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân (TNCN)...
Để tạo tiền đề cho việc xây dựng cơ sở dữ liệu, dự thảo cho rằng cần phải sớm hoàn thiện các quy định pháp luật về kê khai, giải trình, xác minh và xử lý đối với người kê khai không trung thực và thu nhập không giải trình được nguồn gốc hình thành hợp pháp.
Theo dự thảo, các khoản thu nhập thuộc diện bị kiểm soát lên tới hàng chục đầu mục được quy định tại điều 3 và điều 4 luật Thuế TNCN: thu nhập từ tiền thưởng, chuyển nhượng vốn, bất động sản, chứng khoán, trúng thưởng (casino, cá cược, xổ số), bồi thường nhà nước, bồi thường từ hợp đồng bảo hiểm nhân thọ... Các khoản thu nhập không kê khai hoặc kê khai không đầy đủ bị phát hiện, khi có yêu cầu giải trình nguồn gốc mà không giải trình được thì được xem là các khoản thu nhập bất hợp pháp. Bộ Công an sẽ nghiên cứu, đề xuất bổ sung tội danh làm giàu bất hợp pháp vào bộ luật Hình sự và thực hiện việc điều tra, xử lý theo hướng thu hồi tài sản, thu nhập không giải trình được nguồn gốc của người có chức vụ, quyền hạn.
Không kiểm soát được hết sẽ dễ dàng tẩu tán
Dự thảo đã đưa ra lộ trình thực hiện khá cụ thể. Theo đó, trong giai đoạn 1 (2014 - 2016) sẽ tập trung nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, hoàn thiện các quy định pháp luật về minh bạch tài sản, thu nhập, về giao dịch thanh toán qua ngân hàng (NH), về thuế TNCN, quy định về việc nhận quà và nộp lại quà tặng, về việc kiểm soát chi tiêu của người có chức vụ, quyền hạn. Giai đoạn này TTCP sẽ phối hợp với các bộ ngành liên quan tập trung kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn ở địa phương từ phó chủ tịch huyện và tương đương trở lên; các cơ quan nhà nước ở T.Ư từ phó vụ trưởng và tương đương trở lên.
Dự thảo đề án coi phản ánh, tố cáo của người dân là một "kênh" thông tin hữu hiệu để kiểm soát thông tin về tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn.
Sau khi tổng kết, đánh giá những ưu nhược điểm đã thực hiện trong giai đoạn 1 sẽ bắt đầu bước vào giai đoạn 2 (2017 - 2020) với mục tiêu quan trọng nhất là mở rộng việc kiểm soát thu nhập với những người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập để đến giai đoạn 3 (sau năm 2020) sẽ kiểm soát được toàn bộ thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn.
Ngoài việc kiểm soát chi, ngân hàng Nhà nước được giao nhiệm vụ xây dựng Đề án nâng cấp hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho việc thực hiện phương thức chi trả qua tài khoản ngân hàng mọi khoản tiền từ ngân sách nhà nước cho cá nhân người có chức vụ, quyền hạn.
Theo ông Phạm Trọng Đạt, việc kiểm soát thu nhập không thể làm nhanh trong "một sớm, một chiều", mà phải có quá trình, làm từng bước vững chắc, bởi hiện nay có quá nhiều rào cản phải vượt qua. Ông Đạt cho biết trong giai đoạn đầu sẽ tập trung vào việc yêu cầu kê khai thu nhập và có cơ chế để kiểm tra, đánh giá tính trung thực của việc kê khai đó. "Sẽ có cơ chế cho phép tịch thu ngay những khối tài sản bất minh, không chứng minh được về nguồn gốc hình thành" - ông Đạt khẳng định.
PGS-TS Bùi Thị An, Viện trưởng Viện Tài nguyên - Môi trường và Phát triển cộng đồng cho rằng yếu tố mấu chốt, quyết định thành bại của đề án nằm ở chỗ có kiểm soát nổi toàn bộ tài sản của những người có chức vụ, quyền hạn hay không. Hiện nay gần như toàn bộ nền kinh tế đang sử dụng tiền mặt, việc chuyển đổi sang hình thức chuyển khoản đã khó, nhưng khó hơn nữa là có rất nhiều dạng tài sản thể hiện ở đất đai, nhà cửa, cổ phiếu, đầu tư vốn, tàu thuyền, ô tô, vàng, kim cương... "Nếu chúng ta không kiểm soát được toàn bộ số tài sản đó thì rất dễ để họ chuyển đổi tài sản sang một dạng khác. Hơn nữa, nếu đề ra lộ trình thực hiện quá dài cũng dễ khiến các quan chức giàu có hiện nay nhanh chân tẩu tán tài sản" - bà An quan ngại.
Ai thuộc diện kiểm soát thu nhập ? Dự thảo cho biết những người có chức vụ quyền hạn quy định tại khoản 2 điều 1 luật Phòng, chống tham nhũng thuộc diện phải kiểm soát thu nhập: cán bộ, công chức, viên chức; sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng trong cơ quan, đơn vị thuộc QĐND; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn - kỹ thuật trong cơ quan, đơn vị thuộc CAND; cán bộ lãnh đạo, quản lý trong doanh nghiệp của nhà nước; cán bộ lãnh đạo, quản lý là người đại diện phần vốn góp của nhà nước tại doanh nghiệp; người được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ có quyền hạn trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ đó. Những người này phải thực hiện việc kê khai thu nhập phát sinh theo kỳ kê khai (quý, năm) và chịu trách nhiệm về tính chính xác của nội dung kê khai.
Theo NTO
Vụ lương khủng chứng tỏ kê khai thu nhập "đơ" trước tham nhũng Chính phủ báo cáo có 113.000 cán bộ đã kê khai tài sản thu nhập (đạt 97,9%) nhưng UB Tư pháp nhận định, việc chi lương khủng của lãnh đạo các DN công ích ở TPHCM kéo dài nhiều năm mà không phát hiện cho thấy tính hình thức của biện pháp PCTN này. Sáng 18/9, UB Thường vụ Quốc hội thảo luận...