Chó chống tăng – vũ khí đáng sợ trong Thế chiến II
Những con chó mang theo khối bộc phá nặng 9 kg là vũ khí gây kinh hoàng với cả xe tăng Đức lẫn các huấn luyện viên Liên Xô.
Con chó gắn thuốc nổ được huấn luyện với xe tăng T-34. Ảnh: History.
Trong Thế chiến II, những chú chó gắn thuốc nổ là thứ vũ khí đáng sợ được Hồng Quân Liên Xô sử dụng phổ biến để chống lại những chiếc xe tăng của phát xít Đức, theo War History Online.
Trong Thế chiến I, chó có nhiệm vụ chủ yếu là tìm kiếm, cứu nạn và cảnh báo binh sĩ về các cuộc tấn công bằng khí độc hoặc pháo binh sắp diễn ra. Đến thập niên 1920, Liên Xô ngày càng coi trọng việc sử dụng chó trong công tác liên lạc, tìm kiếm cứu hộ. Vì thế nước này đã tuyển mộ nhiều huấn luyện viên và xây dựng các trại huấn luyện quân khuyển đặc biệt.
Ý tưởng ban đầu là dùng một quả bom buộc vào thân chó, sau đó để chúng chạy thẳng về phía xe tăng địch. “Quả bom sống” này sẽ được kích hoạt bằng thiết bị hẹn giờ hoặc kích nổ từ xa khi con chó tiếp cận mục tiêu. Tuy nhiên trong thực tế, quá trình này rất phức tạp và bị coi là một nỗ lực không thành công.
Liên Xô đã thử nghiệm phương thức này trong vòng 6 tháng mà không thu được kết quả như mong muốn bởi chiến binh chó chỉ có thể tấn công được một xe tăng. Nếu trên chiến trường xuất hiện cùng lúc nhiều xe tăng, lũ chó sẽ trở nên bối rối, không biết tấn công chiếc nào, cuối cùng chạy trở về chỗ huấn luyện viên cùng quả bom chưa phát nổ. Điều này có thể khiến cả chó lẫn huấn luyện viên thiệt mạng.
Quân đội Liên Xô tiếp tục thúc đẩy ý tưởng này bằng cách biến chó thành chiến binh tự sát. Những con chó được gắn một quả bom gắn ngòi nổ ở bên trên. Khi chú chó chui vào gầm xe tăng, ngòi nổ sẽ quệt vào thân xe và kích hoạt khối thuốc nổ nặng 9 kg, đủ sức phá hủy xe tăng cũng như tiêu diệt tổ lái bên trong.
Để làm điều này, huấn luyện viên Liên Xô sử dụng thức ăn để dụ chó. Chúng bị bỏ đói, rồi huấn luyện viên đặt thức ăn dưới gầm xe tăng để chúng tìm đến. Các chiến binh chó còn được huấn luyện để làm quen với tiếng nổ trên chiến trường.
Video đang HOT
Mô hình chó diệt tăng với khối nổ trên lưng. Ảnh: Prime Portal.
Khi Thế chiến II bùng nổ, Hồng quân Liên Xô đã đưa ra chiến trường hơn 40.000 con chó chống tăng, chủ yếu là từ năm 1941. Tuy nhiên, đây không phải là một chiến thuật hiệu quả bởi những con chó thường tỏ ra sợ hãi trên chiến trường thực sự, làm hỏng kế hoạch.
Lý do là trong quá trình huấn luyện, Liên Xô đã cố gắng mô phỏng điều kiện chiến trường sát với thực tế nhưng không thành công. Những con chó được huấn luyện với xe tăng T-34 sử dụng động cơ dầu diesel, trong khi xe tăng Đức lại dùng động cơ xăng. Sự khác biệt rõ rệt giữa mùi và âm thanh của hai loại xe này khiến những con chó không thể phân biệt được mục tiêu để tấn công.
Trong 30 chiến binh chó đầu tiên tham chiến, chỉ có 4 con kích nổ bom gần xe tăng. Những con chó không được làm quen với mọi tình huống trên chiến trường, chúng không chạy vào gầm xe địch như dự kiến. Thay vào đó, chúng chạy dọc xe tăng và bị bắn chết, hoặc bị tiêu diệt trước khi đến gần xe.
Đôi khi chúng còn quay trở lại vị trí của huấn luyện viên khi bom hẹn giờ sắp phát nổ, khiến cả hai cùng thiệt mạng. 6 trong số 30 con chó đầu tiên đã phát nổ khi quay trở về chiến hào. Chúng gây ra nỗi kinh hoàng đến mức các huấn luyện viên không còn cách nào khác buộc phải bắn chết những con chó chạy trở về trước khi chúng đến gần.
Việc sử dụng chó làm vũ khí chống tăng giảm dần sau một năm. Chúng vẫn được dùng trong chiến đấu nhưng không được chú trọng như trước. Ước tính có hơn 300 xe tăng của phát xít Đức bị phá hủy bởi các chiến binh chó. Vào giai đoạn cuối chiến tranh, chó được huấn luyện cho nhiệm vụ hậu cần thay vì diệt tăng.
Phát xít Đức được cho là huấn luyện khoảng 25.000 con chó để tham chiến, bao gồm cả mục đích chống tăng.
Liên Xô và Nga sau này tiếp tục huấn luyện chó diệt tăng đến tận năm 1996. Trên chiến trường Iraq, phe nổi dậy cũng dùng chó mang khối nổ điều khiển từ xa trong 10 năm qua. Tuy nhiên, nỗ lực này thường thất bại, buộc họ chuyển sang huấn luyện chiến binh khỉ đánh bom tự sát.
Duy Sơn
Theo VNE
Lính Mỹ duy nhất gia nhập hồng quân Liên Xô trong Thế chiến II
Bị phát xít Đức bắt, lính dù Mỹ Joseph Beyrle đã vượt ngục và xin gia nhập Hồng quân Liên Xô.
Joseph Beyrle, lính Mỹ duy nhất từng hoạt động trong cả quân đội Mỹ và Hồng quân Liên Xô. Ảnh: Wiki
Thượng sĩ Joseph Beyrle là một lính dù Mỹ chuyên về thông tin vô tuyến và phá hoại hạ tầng địch. Ông được giao nhiệm vụ chuẩn bị cho cuộc đổ bộ của quân đồng minh vào vùng Normandy, Pháp ngày 6/6/1944 (sự kiện còn được gọi là D-day, đánh dấu thắng lợi quyết định của phe Đồng minh để giải phóng Tây Âu khỏi phát xít Đức).
Theo We are the mighty, vào ngày đổ bộ, chiếc máy bay C-47 của Beyrle gặp phải hỏa lực mạnh mẽ từ đối phương, khiến Beyrle phải nhảy dù từ độ cao thấp, chỉ 120 m. Ông đã tiếp đất thành công nhưng mất liên lạc với đơn vị. Không nao núng, ông vẫn thực hiện các nhiệm vụ phá hoại hạ tầng địch để hỗ trợ cho cuộc đổ bộ Normandy.
Beyrle đã phá được một trạm điện trước khi bị quân phát xít bắt. Trong 7 tháng tiếp theo, ông bị luân chuyển từ nhà tù này sang nhà tù khác. Ông cố gắng trốn thoát hai lần nhưng đều bị bắt lại. Một lần, ông và những người trốn chạy cố gắng nhảy lên một tàu hỏa tới Ba Lan, nhưng cuối cùng con tàu lại hướng đến Berlin.
Beyrle bị đánh đập và suýt bị bắn chết khi bị giao cho lực lượng cảnh sát mật Gestapo của phát xít Đức. Quân đội Đức sau đó can thiệp và đưa ông về giam giữ, nhấn mạnh rằng Gestapo không có thẩm quyền xử lý tù binh chiến tranh.
Sau khi trở lại trại giam của quân đội Đức, Beyrle bị đưa tới Stalag III-C, một trại giam tù binh chiến tranh ở Brandenberg, Đức. Đây là trại giam khét tiếng vì rất nhiều tù binh Liên Xô bị bỏ đói hoặc sát hại tại đây.
Tháng 1/1946, Beyrle trốn khỏi Stalag III-C và di chuyển về phía đông, bắt liên lạc được với một lữ đoàn tăng Liên Xô. Ông thuyết phục họ rằng mình là một người Mỹ bằng cách giơ một bao thuốc lá hiệu Lucky Strike lên vẫy. Ông sau đó đề nghị chỉ huy đơn vị này, Aleksandra Samusenko, một nữ sĩ quan tăng thiết giáp, cho mình gia nhập.
Aleksandra Samusenko, chỉ huy Liên Xô của Beyrle. Ảnh: wearethemighty
Beyrle đã hoạt động một tháng trong lữ đoàn tăng Liên Xô, hỗ trợ cho chiến dịch giải phóng nhà tù Stalag III-C. Sau đó ông bị thương khi một máy bay của phát xít Đức bổ nhào ném bom, và được đưa tới một bệnh viện của Hồng quân Liên Xô ở Ba Lan.
Khi nguyên soái Liên Xô Georgy Zhukov hay tin có một binh sĩ không phải người Liên Xô ở trong viện, ông đã đến thăm Joseph Beyrle. Ngạc nhiên với câu chuyện của chàng lính Mỹ, ông Zhukov trao cho Beyrle mọi giấy tờ cần thiết để có thể trở lại với lực lượng Mỹ ở châu Âu.
Beyrle đến Moscow vào tháng 2/1945. Khi đặt chân đến đại sứ quán Mỹ, ông mới biết mình đã bị coi là liệt sĩ 4 ngày sau cuộc đổ bộ Normandy. Tại quê nhà ở thành phố Muskegon, bang Michigan, chính quyền và người dân còn tổ chức lễ tang long trọng cho ông.
Sau Thế chiến II, Beyrle được ca ngợi như một anh hùng tại cả Mỹ và Nga. Năm 1994, Tổng thống Mỹ Bill Clinton và Tổng thống Nga Boris Yeltsin tặng thưởng ông huy chương để ghi nhận những cống hiến của ông Beyrle cho hai quốc gia. Con trai ông sau đó thậm chí còn làm đại sứ Mỹ tại Nga năm 2008 - 2012.
Ông Beyrle năm 2004 qua đời ở tuổi 81, khi đang tới thăm khu vựcToccoatại bang Georgia, nơi ông được huấn luyện để trở thành lính dù năm 1942.
Hoàng Nguyên
Theo VNE
Những vũ khí giúp Liên Xô đè bẹp Phát-xít Đức trong Thế chiến II Cach đây đung 71 năm, Hông quân Liên Xô đa lam nên chiên thăng vi đai sau khi nghiên nat cô may chiên tranh cua Phat-xit Đưc, giup nhân loai thoat khoi hoa diêt chung cua chu nghia Phat-xit. Ngoai tinh thân quât cương cua nhân dân Liên Xô, nhưng vu khi ma cac ky sư Liên Xô chê tao trong thơi gian...