Chợ ‘chồm hổm’ đại náo giao thông
Nhếch nhác, thiếu vệ sinh, cản trở giao thông và làm mất mỹ quan đô thị là những đặc điểm để chỉ chợ “chồm hổm” và hàng rong.
Mặc cho chính quyền TP.HCM không ngừng tuyên truyền về việc thực hiện nếp sống văn minh đô thị, số chợ tự phát và xe hàng rong chẳng những không hề giảm mà thậm chí còn gia tăng.
Chợ không tên tự dưng… mọc
Khắp thành phố, có thể dễ dàng bắt gặp nhiều khu chợ tự phát: Chợ trên cầu, chợ dưới lòng đường, buôn bán tấp nập. Chợ vẫn có tên nhưng không phải là tên chợ mà dựa theo địa điểm “mọc” chợ, người ta tự đặt tên gắn với tên cầu, đường.
Chẳng hạn “chợ cầu vượt” dưới chân cầu vượt Linh Trung – Thủ Đức, chợ Võ Duy Ninh trên đường Võ Duy Ninh – Bình Thạnh, chợ Dương Quảng Hàm trên đường Dương Quảng Hàm – Gò Vấp, “chợ Đo Đạc” ở đường số 7, P.Bình An, Q.2 (do chợ nằm cạnh Công ty Đo đạc Địa chính và Công trình)…
Kẹt xe như cơm bữa trên đường Dương Quảng Hàm – Gò Vấp do “ chợ chồm hổm” lấn chiếm lòng đường. (Ảnh: Bee)
Video đang HOT
Chưa được quy hoạch, các chợ “chồm hổm” mọc vô tội vạ như nấm sau mưa, cứ hễ nơi nào đông dân cư hoặc gần các khu công nghiệp thì nơi đó có chợ. Chợ cầu vượt dưới chân cầu vượt Linh Trung – Thủ Đức đối diện Khu chế xuất Linh Trung 1, chợ “không tên” đối diện Khu chế xuất Linh Trung 2 (P.Linh Chiểu – Thủ Đức), chợ Dương Quảng Hàm – Gò Vấp… là những điển hình. Các chợ này nằm trên các tuyến giao thông trọng yếu, lưu lượng người và xe tấp nập, đặc biệt các phương tiện giao thông trọng tải lớn thường xuyên qua lại với tốc độ cao nên tiềm ẩn những mối đe doạ về tai nạn giao thông.
Anh H.Q.K – SV năm 3, ĐH Công nghiệp – thở dài: “Từ nhà tôi ra trường (ĐH Công nghiệp) có gần 2km nhưng hôm nào đi xe máy cũng mất gần nửa tiếng. Ngụp lặn trong đám khói bụi kẹt xe, lại thêm mùi tanh hôi bốc lên từ hàng tôm hàng cá trên đường, có hôm tôi lên đến trường mệt muốn xỉu, không còn muốn học hành gì nữa”.
Các xe hàng rong lưu động vẫn vô tư buôn bán ngay cả các trên các tuyến đường nằm trong 15 tuyến đường trọng điểm được UBND TP cấm bán hàng rong như Nguyễn Thị Minh Khai, Điện Biên Phủ, Nguyễn Văn Cừ.
Chợ “chồm hỗm” lấn chiếm nửa lòng đường trước cổng KCX Linh Trung 2 – Thủ Đức
“Có hôm, tôi suýt té vì thắng gấp để tránh một anh đang chạy xe thì tấp vô lề đường để… uống nước dừa. Tôi cũng nghe nói tuyến đường này (Nguyễn Thị Minh Khai) cấm bán hàng rong, vậy mà ngày nào cũng thấy các xe ba gác chở đầy trái cây, cây kiểng đứng dọc dưới lòng đường” – chị Phạm Thuỳ Linh (P.17, Q. Bình Thạnh) bức xúc kể.
Nộp phạt xong, đâu lại vào đó
Chưa thể giải quyết dứt điểm- đó là khẳng định của bà Phạm Thị Hạnh – Phó Chủ tịch (phụ trách mảng Kinh tế và Đô thị) UBND P.5, Q.Gò Vấp khi nói về kế hoạch giải quyết chợ tự phát trên địa bàn phường. Theo bà Hạnh, phường có kiến nghị với quận đưa ra giải pháp là quy hoạch các chợ tự phát thành một khu chợ để cơ quan chức năng tiện quản lý. Tuy nhiên, giải pháp này không được quận chấp nhận.
Trên tuyên truyền “lề thông, hè thoáng…”, dưới bày bán tràn lan. (Ảnh chụp chợ tự phát trên đường số 7, P. Bình An, Q.2)
“Các biện pháp mạnh như cưỡng chế, phạt hành chính, tịch thu phương tiện buôn bán, chúng tôi đều đã áp dụng nhưng thực tế cho thấy là không đem lại hiệu quả lâu dài. Người dân lên phường đóng phạt như cơm bữa nhưng hoạt động buôn bán vẫn lặp lại đâu vào đó.
Sắp tới, chúng tôi đã lên kế hoạch để dẹp bỏ chợ tự phát nhưng trước mắt tập trung vào các biện pháp tuyên truyền, thuyết phục người dân hiểu và tuân theo pháp luật. Trên cơ sở người dân nắm bắt được quy định, phường sẽ có các biện pháp chế tài để lập lại trật tự lòng, lề đường. Tuy nhiên, vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm tình trạng này mà cần có thời gian và sự phối hợp đồng bộ giữa các ban ngành đoàn thể trong phường và sự phối hợp liên phường để cùng thực hiện” – bà Hạnh cho biết thêm.
Hàng trái cây dạo “bao vây” trường ĐH Công nghiệp – Gò Vấp, người đi bộ chỉ còn cách đi dưới lòng đường
Việc lập biên bản, xử phạt hành chính, tịch thu tang vật vi phạm của lực lượng thanh tra xây dựng chỉ như “bắt cóc bỏ đĩa”. (Ảnh chụp ngày 29/9 trên đường Điện Biên Phủ – Bình Thạnh)
Thực tế cho thấy, lực lượng thanh tra xây dựng của các phường, quận thường xuyên tổ chức kiểm tra, xử phạt, tịch thu tang vật vi phạm, nhưng những hình thức này chỉ như “bắt cóc bỏ đĩa”.
Mức xử phạt từ 30.000 đồng đến 50.000 đồng đối với các hành vi “Chiếm dụng hè phố, lòng đường để đặt biển hiệu, buôn bán vặt, sửa chữa xe đạp, mô tô, xe gắn máy, làm mái che, các hoạt động dịch vụ khác gây cản trở giao thông hoặc làm mất mỹ quan đường phố”, theo điểm d, khoản 2, điều 14 của Nghị định 146/2007/NĐ-CP ban hành ngày 14/9/2007 xem ra chưa phải là biện pháp chế tài đủ mạnh đối với những xe hàng rong, “chợ chồm hổm” đang nằm la liệt khắp các đường phố.
Hơn nữa, các biện pháp xử phạt hành chính cũng chỉ đem lại hiệu quả tức thời. Đây cũng là bài toán hóc búa mà các cơ quan chức năng chưa tìm được lời giải đáp thoả đáng.
Theo Bee