“Chỗ cần nhà nước thì không thấy đâu”
Các chuyên gia kinh tế hàng đầu VN thừa nhận thực tế suốt gần 30 năm đổi mới, đã có nhiều cuộc thảo luận, nghiên cứu về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nhưng câu trả lời vẫn chưa rõ ràng.
30 năm vẫn chưa rõ
Nhà báo Việt Lâm: Tại phiên họp thường kỳ của Chính phủ gần đây, Thủ tướng Chính phủ đã phát biểu rằng: “Kinh tế thị trường là thế nào? Định hướng xã hội chủ nghĩa là thế nào? Phải nói cụ thể chứ không thể chung chung mãi được.” Ban Kinh tế Trung ương cũng đang bắt đầu lấy ý kiến thảo luận để đưa định nghĩa về kinh tế thị trường định hướng XHCN vào văn kiện Đại hội Đảng sắp tới. Những động thái này nói lên điều gì?
TS. Lưu Bích Hồ: Thủ tướng là một người lãnh đạo có tư duy đổi mới rất rõ. Từ khi xây dựng Chiến lược 2011-2020 do Thủ tướng chủ trì đã thể hiện nhiều quan điểm đổi mới trong phát triển đất nước, đăc biệt là về phát triển kinh tế thị trường, xây dựng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN) và mở rộng dân chủ xã hội. Những thông điệp đầu năm đều thể hiện tinh thần đó.
Năm nay, Thủ tướng không có thông điệp đầu năm, nên tôi nghĩ những phát biểu trong phiên họp tháng 2/2015 chính là một dạng thông điệp cho năm nay, tập trung vào những vấn đề đang được xã hội đặc biệt quan tâm và Chính phủ tập trung chỉ đạo để tháo gỡ những hạn chế, trở ngại trong việc thực hiện các nhiệm vụ của năm 2015, đặc biệt là đẩy mạnh cải cách thể chế kinh tế, cũng là một bước chuẩn bị quan trọng tiến đến ĐH XII của Đảng. Thủ tướng cũng đã từng khẳng định, động lực mà những cải cách trước đây tạo ra đã không còn đủ mạnh và “đây là lúc” chúng ta cần có thêm động lực. Quan điểm mới này rất có thể sẽ là chìa khóa để giải quyết những vấn đề lớn đòi hỏi tư duy đột phá và tầm nhìn xa, để từ đó đưa đất nước tiến nhanh vào giai đoạn phát triển mới.
Đương nhiên, khi đề cập những vấn đề lớn như thế này, cần có cách tiếp cận từ những tư duy lý luận và quan điểm chung, bao trùm; đồng thời phải làm sáng tỏ từ những vấn đề rất cụ thể đang đặt ra trong cuộc sống, trong thực tiễn chỉ đạo điều hành của Chính phủ, từ đó trở lại làm rõ hơn và khẳng định những quan điểm cơ bản. Cách nêu vấn đề của Thủ tướng rất có ý nghĩa và có sức thuyết phục trong tiến trình đổi mới, cải cách và phát triển của đất nước.
TS. Trần Đình Thiên: Tôi thì nhìn nhận phát biểu của Thủ tướng ở hai khía cạnh.
Thứ nhất, Thủ tướng là người điều hành, người thực thi cơ chế, triển khai các chính sách, phân bổ các nguồn lực, tổ chức phân phối, nói cách khác là người vận hành trong nền kinh tế thực. Khi mà Thủ tướng đã nói như vậy tức là những nguyên tắc, nguyên lý về kinh tế thị trường định hướng XHCN mà chúng ta hay nói lâu nay đã không đủ cho việc điều hành mà cần phải cụ thể. Điều này cũng gắn với thực tế là quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu kinh tế khởi động mấy năm nay đang rất vất vả vì động chạm đến những vấn đề mang tính nguyên lý, đường lối. Bởi vậy, khi người điều hành nền kinh tế này phải nói như vậy, trong bối cảnh mà đất nước đang đòi hỏi phải có những xoay chuyển căn bản để đối mặt với hội nhập thì tôi tin rằng phát biểu đó xuất phát từ một sự đúc kết, chiêm nghiệm sâu sắc.
Thứ hai, trong sự phát triển của một quốc gia thì đường lối đóng vai trò quan trọng nhất. Không có đường lối thì dẫn dân tộc đi đâu? Tại sao phải có Đảng? Bởi vì Đảng là người đưa ra đường lối. Mà muốn một đường lối dẫn được dân tộc đi thì nó phải đúng nhưng cũng phải rõ ràng và cụ thể. Tất nhiên, chúng ta chọn cái gọi là kinh tế thị trường định hướng XHCN là một đường lối. Nhưng cho đến bây giờ sau 30 năm, chúng ta vẫn thấy là nó chưa đủ cụ thể.
Tôi và anh Hồ đều là những người làm nghiên cứu. Có một câu chuyện thế này. Cứ 5 năm lại có một hoặc nhiều chương trình nghiên cứu nhà nước. Trong những chương trình ấy, thường có một vài đề tài để trả lời cho câu hỏi thế nào là kinh tế thị trường định hướng XHCN. Cứ cho là ít nhất có 25 năm, tức là 5 đợt làm chương trình thì có thể hình dung đã có bao nhiêu đề tài nghiên cứu phải trả lời: thế nào là kinh tế thị trường định hướng XHCN. Đến đợt này vẫn còn trả lời tiếp. Thậm chí, còn nhiều đề tài khác không có tên ấy nhưng cũng để trả lời câu hỏi đó. Như thế nghĩa là chúng ta đã rất cố gắng để đi tìm một định nghĩa thực sự làm chúng ta thấy tin tưởng và hài lòng. Nhưng thực tế là đến bây giờ chúng ta vẫn chưa rõ, vẫn cứ phải đi tìm câu trả lời. Trên tinh thần đó, tôi cho rằng cách đặt vấn đề của Thủ tướng gợi ra một phương pháp luận để giải quyết vấn đề này một cách thực tiễn.
TS Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch Đầu tư là một chuyên gia gạo cội, tham dự vào quá trình hoạch định chiến lược phát triển từ những năm đầu Đổi Mới. Ảnh: Lê Anh Dũng
Vướng trần về nguyên tắc, tư tưởng?
Việt Lâm: Tại sao quá trình đi tìm câu trả lời cho rõ ràng, cụ thể lại mất nhiều thời gian đến thế?
TS Trần Đình Thiên: Nhận thức là một quá trình nhưng như vậy quả thật là quá chậm. Chúng ta phải đặt vấn đề là nếu 30 năm mà chưa trả lời đầy đủ được một vấn đề về đường lối cơ bản thì chúng ta cần phải xem lại nó khiếm khuyết ở chỗ nào, phương pháp luận có vấn đề gì không. Phải chăng chúng ta bị hạn chế bởi cách tiếp cận nguyên lý, trừu tượng? Phải chăng chúng ta còn có ngại ngùng?
Thế còn cụ thể như thế nào? Xưa nay ta hay nhắc đến những câu nguyên lý chung: kinh tế thị trường định hướng XHCN là nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Những ý đó rất hay, nhưng lại chung chung. Rồi những tuyên bố như kinh tế nhà nước là chủ đạo, các thành phần kinh tế khác đóng vai trò quan trọng, bảo đảm công khai, minh bạch. Những định nghĩa này mới dừng ở tuyên bố, chứ chưa đủ cụ thể để tạo ra một cơ chế hành động.
Vấn đề thứ hai là giải quyết mối quan hệ giữa kinh tế thị trường và định hướng XHCN, hai yếu tố vốn là đối lập, vốn là loại bỏ nhau trong quan niệm cổ truyền về chủ nghĩa xã hội hay là về kinh tế thị trường trong học thuyết chính thống. Câu hỏi này phải được trả lời một cách minh bạch và triệt để, chứ không thể né tránh mãi. Lúc trước chúng ta lý luận rằng hai mệnh đề này loại trừ nhau. Bây giờ, chúng ta lại khẳng định có thể kết hợp được với nhau. Như thế là không triệt để về mặt lý thuyết, lý luận nên những vấn đề giải quyết về mặt thực tế cứ bị vướng víu.
Hoặc ngay cả từ “định hướng” cũng gây ra nhiều tranh cãi. Định hướng là như thế nào? TQ thì định danh nền kinh tế của họ là kinh tế thị trường XHCN. VN thì thêm từ định hướng vào. Thực chất, các nước đều có vô số mô hình kinh tế thị trường chứ không phải riêng VN mới có mô hình đặc thù. Vấn đề là các nước khác đều chuyển thành những cơ chế, thiết chế cụ thể để hành động. Do vậy, cách tiếp cận của Thủ tướng là một hướng mở có tính đột phá về tư duy.
Video đang HOT
Chúng ta đã mất gần 30 năm thảo luận, tranh luận gay gắt đủ cả về mô hình phát triển, nhưng dường như vẫn hiện diện đâu đó cái gọi là “trần về nguyên tắc, về tư tưởng”. Nay có một cách tiếp cận khác xuất phát từ thực tiễn, xuất phát từ tư duy xử lý vấn đề. Hi vọng cách tiếp cận mới này sẽ khởi đầu cho một cuộc thảo luận thực chất.
TS Lưu Bích Hồ: Tôi muốn bổ sung thêm một chút. “Cái trần” mà anh Thiên vừa nói là gì? Tôi thì hiểu đó là một khung lý thuyết, học thuyết cũ mà chúng ta kế thừa bao nhiêu năm nay. Bây giờ, Đảng đã đặt ra yêu cầu phải đột phá, phải đổi mới về tư duy. Tôi nghĩ ở đây có hai cách tiếp cận quan trọng: một là thực tiễn, hai là cụ thể. Chân lý là cụ thể chứ không thể chung chung được. Chúng ta phải làm sao nếu như chứng minh được thì nó là đột phá cả cái trần.
Chỗ cần nhà nước thì không thấy nhà nước đâu!
Việt Lâm: Vừa rồi hai vị khách mời đều nhắc đến sự vênh nhau giữa lý luận và thực tiễn. Tôi nhớ có câu nói rằng “lý thuyết thì màu xám mà cây đời thì mãi mãi xanh tươi”. Thực tiễn thì vận động, biến đổi hàng ngày. Qua quan sát của các vị khách mời thì sự chung chung, thiếu cụ thể trong định nghĩa về mô hình kinh tế thị trường định hướng XHCN như vừa qua đã gây ra những hệ lụy gì?
TS. Lưu Bích Hồ: Sự mù mờ/chưa rõ ràng về kinh tế thị trường định hướng XHCN thể hiện ở cả hai mặt: kinh tế thị trường và định hướng XHCN. Về kinh tế thị trường, chúng ta chưa thật thấu suốt việc phải tuân thủ những nguyên tắc và quy luật phổ quát của kinh tế thị trường trong chính sách và vận hành mà bất cứ một mô hình cụ thể nào cũng phải áp dụng như là quy luật cung cầu, cạnh tranh minh bạch, lấy sở hữu tư nhân làm nền tảng. Chính vì thế, dù đã nói là phải thị trường hóa nhưng nhà nước vẫn can thiệp quá nhiều về mặt hành chính vào giá cả, thị trường.
Về định hướng XHCN, chúng ta chưa thật rõ về khái niệm cụ thể và cách làm thế nào để thực hiện có hiệu quả trên thực tế mà không trái với những nguyên tắc, quy luật phổ quát của kinh tế thị trường.
Sự lúng túng, tù mù này là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến chúng ta chưa phát huy được những ưu việt, lợi thế của kinh tế thị trường để huy động và phân bổ nguồn lực hiệu quả, để tăng sức cạnh tranh, để hội nhập quốc tế có hiệu quả cao…Hệ quả là sự phát triển kinh tế của đất nước còn chậm so với yêu cầu và khả năng của ta, còn bị tụt hậu so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới. Hơn nữa 10 năm gần đây nền kinh tế còn rơi vào tình trạng bất ổn và suy giảm nặng nề. Đây đều do thể chế kinh tế thị trường chưa được xây dựng và vận hành tốt cùng với quản lý có những sai lầm thiếu sót không phù hợp với chuẩn tắc, yêu cầu của kinh tế thị trường.
TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, một trong những chuyên gia nổi tiếng vì những phát biểu sắc sảo, thẳng thắn. Ảnh: Lê Anh Dũng
TS. Trần Đình Thiên: Tôi đồng ý với ý kiến của anh Hồ. Tôi cho rằng, sự mù mờ ở đây là cách hiểu về kinh tế thị trường. Trước kia, chúng ta mới chỉ hiểu về kinh tế thị trường, còn thực tiễn nó vận hành như thế nào thì còn khá mơ hồ. Tất nhiên, thực tiễn cũng có. Ví dụ như sau giải phóng, kinh tế thị trường vốn rất phát triển từ phía nam đã âm thầm lan dần ra bắc theo mạch vận động ngầm của người dân trong bối cảnh cấm đoán, “ngăn sông cấm chợ”.
Nhưng ngược lại, lúc đó cũng có một luồng quan điểm về CNXH đóng đinh về mặt nguyên lý trong nhận thức chúng ta là gắn với kế hoạch hóa tập trung, sở hữu toàn dân, sở hữu tập thể mà về bản chất là công hữu. Luồng tư duy này tràn vào nam theo con đường quốc doanh hóa.
Hai làn sóng ngược chiều này trên thực tế đã xung đột nhau dữ dội và càng chứng tỏ cho chúng ta thấy CNXH và kinh tế thị trường không thể tương dung được, đến mức chúng ta phải đổi mới. Luận đề đổi mới là chấp nhận kinh tế thị trường.
Nhưng câu chuyện ở đây là về cơ sở lịch sử xã hội, cơ sở tư tưởng, cả cơ sở gọi là tình cảm. Chủ nghĩa xã hội có những giá trị mà chúng ta nghĩ là rất tốt cần được giữ lại. Có lẽ công thức kết hợp đơn giản như vậy bởi vì chúng ta tin vào sức mạnh nhà nước. Đây chính là chỗ cần phải kiểm điểm lại. Bởi lẽ, nhà nước chấp nhận kinh tế thị trường nhưng vì nghĩ mình rất mạnh nên cũng có nhiều hành vi ngăn cản thị trường. Tôi nhớ trong một nghiên cứu công bố năm 2000 của Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc về VN tiến tới năm 2020 có nhận định rằng ở VN chỗ nào cần nhà nước thì không thấy nhà nước, chỗ nào cần thị trường thì không thấy thị trường.
Tư nhân chết thì DN nhà nước cũng lao đao
Việt Lâm: Ông có thể ví dụ cụ thể về nghịch lý: chỗ nào cần nhà nước thì không thấy nhà nước, chỗ nào cần thị trường thì không thấy thị trường không?
TS Trần Đình Thiên: Lấy ngay ví dụ là việc điều hành giá cả là việc của thị trường nhưng nhà nước lại dính vào quá nhiều. Thủ tướng đã nhiều lần khẳng định quyết tâm để giá cả do thị trường quyết định, nhưng trên thực tế việc chuyển này còn rất vất vả. Nhiều loại giá cơ bản nhất hiện nay vẫn không do thị trường quyết định.
Do đường lối không rõ ràng nên không thể biến thành những thái độ, chính sách cụ thể đối với các lực lượng và cơ chế kinh tế. Chúng ta vẫn khẳng định kinh tế nhà nước, mà ở đây bị hiểu là doanh nghiệp nhà nước là chủ đạo, trong khi nguyên lý cơ bản của kinh tế thị trường là các thành phần kinh tế phải bình đẳng và cạnh tranh với nhau một cách sòng phẳng.
Rõ ràng, giữa cái chủ đạo và thị trường cạnh tranh bình đẳng không tương thích với nhau, nhưng cơ chế nào để xử lý bất cập này thì chưa có bởi chúng ta vẫn chưa giải thích rõ định hướng XHCN trong điều kiện kinh tế thị trường là như thế nào, có quan hệ thế nào với kinh tế thị trường? Quan hệ kiềm chế hay thúc đẩy?
Nhiều lần tôi cũng từng nói, khi mà chúng ta không rõ về định hướng XHCN thì trong nhiều trường hợp, nó trở thành lực cản hơn là lực đẩy. Bởi đã có định hướng thì có chệch hướng. Nói thẳng ra, trong tâm trí chúng ta, thị trường dù mang lại điều tốt nhưng vẫn có cái gì đó đáng lo ngại rằng chệch hướng XHCN sang hướng thị trường. Định hướng thế nào không rõ, nhưng nghe dọa chệch hướng là ngại, không dám làm nữa.
Nói tóm lại, câu chuyện ở đây là chúng ta đã chọn thị trường là định đề đổi mới và mang lại thành tựu nhưng thiện chí đối với nó không phải là mạnh mẽ lắm. Hệ thống giá cả là một ví dụ như tôi phân tích ở trên. Hoặc chúng ta nói là ủng hộ kinh tế tư nhân, nhưng trong thực tế, kinh tế tư nhân vẫn bị phân biệt đối xử nặng nề. Bằng chứng là mấy năm vừa rồi, khu vực tư nhân chết rất nhiều.
Chúng ta quên mất một thực tế là khi ta ưu ái kinh tế nhà nước thì vô hình chung khu vực DNNN cũng yếu đi rất nhiều. Bởi vì nguyên lý cơ bản của thị trường là các chủ thể kinh tế đều bình đẳng nhưng vị thế có thể khác nhau. Nghĩa là tôi với ông về mặt tư cách pháp lý thì bình đẳng nhưng vị thế khách nhau, mỗi ông một chức năng. Giống như tay với chân đều quan trọng nhưng chức năng khác nhau. Nhưng ta lại không phân biệt rõ giữa tư thế và vị thế, mà đánh đồng rằng ông DNNN phải hơn ông tư nhân nên được hưởng ưu ái hơn. Nhưng kết cục thì ông tư nhân chết cũng khiến ông DN nhà nước lao đao.
Đấy là một ví dụ sinh động để nói rằng từ một khái niệm cơ bản trong phát triển đã không cụ thể rõ ràng sẽ kéo theo đằng sau khái niệm ấy một chuỗi quan niệm khác sai lầm, gây ra những hệ lụy phát triển. Bây giờ, theo cách tiếp cận của người đứng đầu Chính phủ là lấy thị trường làm trụ để xem xét vấn đề định hướng như thế nào, để tiến đến mục đích của kinh tế thị trường. Tôi cho rằng đây là cách tiếp cận đúng.
TS. Lưu Bích Hồ: Tôi muốn bổ sung một ý rất quan trọng mà chúng ta chưa đề cập tới. Khi nói đến kinh tế thị trường thì luôn luôn phải nói tới quan hệ giữa thị trường và nhà nước. Cả thế giới đã xác định rõ chức năng quan trọng nhất của thị trường là vai trò quyết định sự phân bổ nguồn lực. Nhưng vì chúng ta không làm rõ được điều đó nên nhà nước cứ lấn vào chức năng của thị trường. Nhiều năm nay nhà nước không chỉ phân bổ nguồn lực công mà còn sang phân bổ luôn nguồn lực của các thành phần khác.
TS. Trần Đình Thiên: Khi giá cả do nhà nước quyết định thì đấy chính là cách phân bổ nguồn lực do nhà nước quyết định. Bởi vậy, chưa nói đâu xa, chuyển hệ thống giá cho thị trường là mấu chốt cơ bản.
TS. Lưu Bích Hồ: Hơn nữa, nhà nước ôm vào rất nhiều nguồn vốn để đầu tư công, trong khi lẽ ra ông chỉ nên đầu tư ít thôi, để các thành phần kinh tế khác người ta tự làm. Mãi đến vừa rồi chúng ta mới gút được chuyện sửa luật đầu tư công, thu hẹp bớt vai trò nhà nước, để dành đất cho thị trường. Tôi thấy hiện nay, tâm điểm của cải cách thể chế chính là thừa nhận vai trò của thị trường trong phân bổ nguồn lực. Nhà nước phải rút ra để làm việc khác chứ không thể như anh Thiên nói là cứ đi làm cái không đáng làm, trong khi cái đáng làm thì không làm. Hậu quả rõ ràng là hiệu quả nền kinh tế rất thấp. Thậm chí từ đó còn nảy sinh bao chuyện tham nhũng, tiêu cực. Đây là một sự trả giá rất lớn.
Theo Vietnamnet
Đôi nét về văn hóa tôn trọng luật pháp ở Việt Nam
Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ngoài những mặt tích cực mang lại cũng đặt ra cho Việt Nam các thách thức về mặt văn hóa tôn trọng pháp luật.
Do vậy, vấn đề xây dựng văn hóa, ý thức tôn trọng pháp luật của người dân là một trong những nội dung quan trọng được Nghị quyết số 102/NQ-CP của Chính phủ về Ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước đề cập đến.
Trong khuôn khổ bài viết này, người viết chỉ xin luận bàn sơ lược một số vấn đề liên quan đến xây dựng văn hóa, ý thức tôn trọng pháp luật của người dân.
Hai điều kiện hình thành ý thức tôn trọng luật pháp
Ý thức tôn trọng pháp luật của người dân được hình thành dựa trên một trong những yếu tố cơ bản, đó là nhận thức, trình độ hiểu biết pháp luật của người dân. Tuy nhiên, nhận thức, trình độ hiểu biết pháp luật của mỗi con người lại không giống nhau.
Người dân ở khu vực đô thị, nơi có trình độ kinh tế-xã hội phát triển thường có sự hiểu biết, nhận thức pháp luật cao hơn so với người dân sống ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Kinh tế phát triển tác động trực tiếp đến việc nâng cao mức sống của người dân ở đô thị và họ có điều kiện thuận lợi để tiếp cận, nắm bắt thông tin về pháp luật.
Kinh tế phát triển cũng làm nảy sinh nhiều mối quan hệ xã hội đa dạng, phong phú và phức tạp với những khác biệt (thậm chí là đối lập nhau) về lợi ích. Mâu thuẫn phát sinh đòi hỏi phải có pháp luật nhằm tạo cơ sở pháp lý để giải quyết một cách có văn hóa, văn minh những khác biệt, xung đột, tranh chấp về lợi ích. Do đó, tìm hiểu pháp luật trở thành nhu cầu nội tại của người dân, là phương thức để họ tự bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Song ở đây cũng cần phải nhấn mạnh một điều là có sự hiểu biết pháp luật chỉ là điều kiện cần để xây dựng hình thành ý thức tôn trọng pháp luật bởi không phải bất cứ ai có sự hiểu biết pháp luật thì đương nhiên có ý thức tôn trọng pháp luật.
Các vụ án xét xử hành vi vi phạm pháp luật của Dương Tự Trọng - nguyên Phó Giám đốc Công an thành phố Hải Phòng, vụ án truy cứu trách nhiệm hình sự để xảy ra chết người của 5 đối tượng nguyên là cán bộ công an thành phố Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên)... là những ví dụ minh họa điển hình.
Ý thức tôn trọng pháp luật còn hình thành bởi các yếu tố cơ bản khác như tư cách đạo đức, lối sống, nhân thân, tính tự giác tuân thủ, chấp hành pháp luật, sự ứng xử văn hóa của mỗi cá nhân với các thành viên trong đời sống từ gia đình, nhà trường, cơ quan đến môi trường xã hội... Đồng thời, bị chi phối mạnh mẽ bởi cơ chế thực thi pháp luật với chế tài xử lý nghiêm minh, đủ sức răn đe đối với hành vi vi phạm.
Tình trạng tham nhũng, hối lộ, xử lý không nghiêm minh đối với hành vi vi phạm của các cơ quan quản lý, cơ quan và công chức Nhà nước trong thực thi pháp luật vô hình trung đã làm cho người dân có ý thức coi thường pháp luật.
Đơn cử trong lĩnh vực thực thi pháp luật về giao thông đường bộ, khi tham gia giao thông, một người vượt đèn đỏ mà không bị xử phạt thì sau đó họ lại tiếp tục lặp lại hành vi này. Đồng thời, một số người khác cũng bắt chước làm theo khiến pháp luật về giao thông không được tuân thủ.
Giáo dục, xây dựng văn hóa, ý thức tôn trọng pháp luật là một quá trình thực hiện lâu dài, kiên trì, thường xuyên, bền bỉ và liên tục với những hình thức, cách làm đa dạng, phong phú phù hợp với từng lứa tuổi, từng nhóm người trong xã hội.
Anh minh hoa
Đa dạng hóa các loại hình tuyên truyền
Một trong những giải pháp cần được thực hiện trước tiên là tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nâng cao ý thức chấp hành pháp luật.
Theo đó, tăng cường hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân thông qua việc tổ chức hội nghị phổ biến, cập nhật nội dung các văn bản pháp luật mới, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật, phát tờ rơi, tài liệu tuyên truyền pháp luật được biên tập ngắn gọn, cô đọng, súc tích, xây dựng các câu lạc bộ về đời sống-pháp luật ở các khu dân cư; lồng ghép việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật với hoạt động của các tổ chức, đoàn thể xã hội, với việc thực hiện các phong trào, các cuộc vận động như phong trào xây dựng nông thôn mới, phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, phong trào xóa đói giảm nghèo...
Bên cạnh đó, xây dựng nội dung và đưa vào chương trình giảng dạy chính khóa môn học về pháp luật trong tất cả các bậc học của hệ thống giáo dục quốc dân; thường xuyên phát động và tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật đối với học sinh, sinh viên.
Bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật
Tiếp đó là tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thi hành pháp luật của các cơ quan Nhà nước, của công chức, viên chức Nhà nước và các tổ chức, cá nhân khác nhằm phát hiện và xử lý nghiêm minh, kịp thời, dứt điểm và triệt để những hành vi vi phạm pháp luật.
Quy định trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu các cơ quan Nhà nước, tổ chức và doanh nghiệp trong việc thực thi pháp luật; kiên quyết loại bỏ sự tồn tại của các hình thức "phạt cho tồn tại", tham nhũng, tiêu cực khi xử lý vi phạm pháp luật. Tăng cường tuyên truyền, giáo dục về đạo đức, phẩm chất và chăm lo, nâng cao đời sống vật chất cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước.
Hơn nữa, Nhà nước cần rà soát, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật để xóa bỏ những kẽ hở, lỗ hổng dễ bị lợi dụng để vi phạm pháp luật; sửa đổi, bổ sung hệ thống các chế tài xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật nhằm giáo dục, răn đe đối với người dân.
Nêu gương để nâng ý thức
Ngoài ra, cần có cơ chế khen thưởng, động viên kịp thời những tổ chức, cá nhân chấp hành tốt pháp luật; tăng cường tuyên truyền, nhân rộng các điển hình tiên tiến người tốt việc tốt trong thực hiện pháp luật.
Để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân thì một vấn đề nữa cần quan tâm là người đứng đầu cơ quan Nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp; mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức Nhà nước phải nêu cao vai trò gương mẫu, tự giác tuân thủ và chấp hành pháp luật nhằm tạo sự lan tỏa, có ý nghĩa giáo dục đối với người dân.
Xây dựng văn hóa, ý thức tôn trọng pháp luật của người dân cần đặt trong chương trình tổng thể về xây dựng văn hóa con người mới với tiêu chí, chuẩn mức về đạo đức, lối sống cụ thể; xây dựng văn hóa, ý thức tôn trọng pháp luật của người dân gắn với việc đẩy mạnh cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Có cơ chế khuyến khích, khơi gợi ý thức tự giác tôn trọng pháp luật của mỗi cá nhân; xây dựng và phát huy xã hội học tập suốt đời.
Nhà nước, gia đình và cộng đồng cần tạo điều kiện thuận lợi để mỗi cá nhân, mỗi người dân tự giác phấn đấu, rèn luyện tu dưỡng về đạo đức, phát huy lối sống lành mạnh; cổ xúy hành vi ứng xử với ý thức thượng tôn pháp luật của người dân...
Theo Bao Chinh Phu
Thủ tướng thúc ban hành 22 văn bản để thực thi 9 luật mới Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Bộ trưởng các Bộ tập trung chỉ đạo hoàn thiện, trình Chính phủ, Thủ tướng ban hành 22 văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh trước ngày 15/5/2015. Tính đến ngày 25/3/2015, còn 21 Nghị định của Chính phủ, 1 Quyết định của Thủ tướng quy định chi tiết thi hành 9...