Cho Black Pink Mỹ tiến quá sớm: Liệu YG có tiếp bước “nước cờ thất bại” của JYP năm xưa?
Tương lai của Black Pink trong công cuộc Mỹ tiến sẽ là một hành trình đáng để mong chờ hơn là dự đoán về sự thất bại ngay từ khi 4 cô gái mới chỉ chớm bước những bước đầu tiên.
Kể từ khi ra mắt cho đến nay, Black Pink – nhóm nhạc nữ đến từ ông lớn YG luôn là tâm điểm chú ý của Kpop. Tần suất hoạt động thưa thớt nhưng “đánh đâu thắng đó”, Black Pink đã sớm trở thành một trong ba đại diện hàng đầu của nhóm nhạc nữ thế hệ 3 bên cạnh Twice và Red Velvet. 2018 là một năm thành công của Black Pink khi bản hit “DDU-DU DDU-DU” đã đạp đổ hàng loạt kỉ lục của nghệ sĩ Kpop và vẫn còn giữ được sức nóng dù đã ra mắt từ nửa năm và sự nghiệp solo của Jennie cũng thu về những kết quả ấn tượng.
Thành công là thế nhưng khi YG xác nhận thông tin Black Pink sẽ chính thức chinh phục thị trường Âu Mỹ vào năm 2019, đa số người hâm mộ lại tỏ ra lo lắng hơn là vui mừng. Cú ngã của Wonder Girls ở thị trường âm nhạc khó tính nhất hành tinh vào 10 năm trước vẫn còn là bài học khó quên cho các nhóm nhạc Kpop, và thật tình cờ khi hoàn cảnh Mỹ tiến của Black Pink cũng trùng khớp với những gì đã từng diễn ra với Wonder Girls.
BlackPink
Từ nước cờ sai của JYP, liệu BLACKPINK sẽ lao vào vết xe đổ?
Trong số rất ít những đại diện nữ của Kpop đặt một chân vào cánh cửa thị trường âm nhạc US – UK, Wonder Girls luôn là cái tên được nhắc tới đầu tiên. Nhắc tới bởi vì bốn cô gái nhà JYP là nhóm nhạc nữ Kpop đầu tiên mang theo giấc mơ Mỹ của JYP để “đem chuông đi đánh xứ người”, và thất bại của Wonder Girls trong lần Mỹ tiến đó đã trở thành một điều đáng tiếc khi nhóm đã đánh mất vị thế tại quê nhà vào tay SNSD và 2NE1 sau khi quay lại.
Ra mắt vào năm 2007 và nhanh chóng nổi tiếng với bản hit quốc dân “Tell me”, nhưng “Nobody” mới là bài hát mang tên tuổi Wonder Girls vang danh khắp châu Á. Ngay sau khi “Nobody” trở thành cơn sốt, JYP đã có một bước đi mạo hiểm là để Wonder Girls tấn công vào thị trường âm nhạc toàn cầu. “Nobody” bản tiếng Anh là bài hát đã giúp Wonder Girls trở thành nghệ sĩ Hàn Quốc đầu tiên chen chân vào BXH Billboard Hot 100, và đây cũng là thành công lớn nhất mà nhóm đạt được.
Wonder Girls thất bại ở thị trường Âu Mỹ
Có rất nhiều lí do để giải thích cho sự thất bại của Wonder Girls ở thị trường Âu Mĩ, nhưng lí do mang tính chủ quan nhất đó là việc JYP đã quá nóng vội và dường như thiếu đi sự sáng suốt khi đứng trước thành công mà “Nobody” mang lại. Sự nghiệp của Wonder Girls kể cả ở tại Hàn Quốc vẫn còn thiếu bề dày và khán giả US – UK luôn yêu cầu ở người nghệ sĩ nhiều điều hơn là một bản hit.
Trở về quê nhà sau một thời gian chinh chiến ở nước ngoài nhưng không đạt đượt thành tích nào nổi bật hơn là “Nobody”, Wonder Girls đã không giữ được hào quang của những cô gái từng là đối thủ duy nhất của SNSD trong cuộc đua giành ngôi vị nhóm nhạc nữ xuất sắc nhất. Kpop phát triển từng ngày và cứ mỗi năm thì số lượng đối thủ càng nhiều thêm, Wonder Girls chính thức hoạt động trở lại vào năm 2011 nhưng nhanh chóng bị lu mờ bởi SNSD, 2NE1, T-Ara… những cái tên đã chăm chỉ hoạt động và tạo vị thế vững chắc tại Hàn Quốc trong thời gian Wonder Girls vắng bóng.
Từ một đối thủ ngang hàng, Wonder Girls đã đánh mất vị trí nhóm nữ hàng đầu Kpop vào tay SNSD sau 3 năm hoạt động tại thị trường Âu Mỹ
Những ngày vừa qua, người hâm mộ Kpop được dịp xôn xao với thông tin Black Pink đã kí hợp đồng quảng bá với Interscope Records & Universal Music Group. Interscope Records & Universal Music là hãng thu âm của hàng loạt nghệ sĩ Âu Mĩ nổi tiếng như Enimem, Maroon5, Lady Gaga, Selena Gomez… Thông tin này đã manh nha xuất hiện từ rất lâu, và những dấu hiệu cụ thể như sự kết hợp của Black Pink với nữ ca sĩ nổi tiếng Dia Lupa trong ca khúc “Kiss and Make Up” hồi tháng 10 năm nay càng chứng minh rõ hơn cho ý đồ “xuất khẩu” nhóm nhạc nữ hot nhất nhà YG.
Người hâm mộ vui mừng vì điều này chứng tỏ danh tiếng của BP đang trên đà tăng cao chỉ sau 2 năm hoạt động, nhất là sau khi bản hit “DDU-DU DDU-DU” ra mắt vào tháng 8. Tuy nhiên, những lo lắng cho tương lai của Black Pink và chỉ trích từ người hâm mộ dành cho YG lại áp đảo niềm vui, bởi kịch bản buồn cho sự nghiệp Mỹ tiến của Wonder Girls năm nào hoàn toàn có thể lặp lại với Black Pink.
“Kiss And Make Up” – Dua Lipa & BlackPink
BLACKPINK đang đối mặt với những vấn đề gì?
2 năm hoạt động với vỏn vẹn 9 bài hát, dù những bài hit chiếm số lượng lớn nhưng vẫn chưa đủ nếu như Black Pink muốn dấng thân vào một môi trường “đất chật người đông” và coi trọng tài năng như US – UK. Sự nổi tiếng của một nhóm nghệ sĩ nước ngoài tại thị trường này không thể bùng lên chỉ nhờ một bản hit, nó phải là một quá trình dài tích lũy ở đằng sau. “DDU-DU DDU-DU” có thể là một bản hit khủng với lượt view kỉ lục của Kpop (nếu không tính tới sự thật là hơn một nửa số lượt xem đến từ các quốc gia Đông Nam Á như Indonesia, Thái Lan, Việt Nam), nhưng cũng giống như “Nobody” của Wonder Girls, ca khúc này sẽ nhanh chóng bị nhấn chìm nếu có một hiện tượng mới hơn.
Thị trường US – UK không thiếu những nghệ sĩ tài năng, cái mà khán giả chờ đợi ở một nhóm nhạc đến từ một nền văn hóa khác biệt chính là một trải nghiệm văn hóa khác biệt. Đơn cử như BTS, sự nổi tiếng của nhóm bùng lên một cách nhanh chóng không lường trước, nhưng càng đào sâu tìm hiểu, sẽ có nhiều người bị ấn tượng bởi chuỗi những câu chuyện đằng sau hay số lượng sản phẩm âm nhạc đủ để định hình phong cách riêng của nhóm. Những điều đó níu chân khán giả ở lại lâu hơn, bất chấp nghịch lý rằng sự trung thành ít khi xuất hiện trong từ điển giải trí của khán giả Âu Mĩ mà đặc biệt là khán giả trẻ.
BlackPink liệu sẽ thành công trong việc Mỹ tiến vào năm tới?
2 mini album và 9 bài hát cũng chưa đủ để khẳng định vị thế của Black Pink tại thị trường Hàn Quốc. Ở trong nước, Black Pink vẫn còn thua kém Twice về nhiều mặt mà nhất là độ phổ biến trong công chúng, ngoài ra nhóm còn có một đối thủ nặng kí khác là Red Velvet – nhóm nhạc đến từ ông lớn SM. Trên đường đua Kpop cũng đã và đang xuất hiện những cái tên có sức nặng khác như MAMAMOO, tân binh (G)-IDLE hay nhóm nhạc nữ Hàn Nhật I*ZONE và thậm chí là nhóm nhạc nữ mà YG đang rục rịch cho ra mắt trong thời gian tới. Trong trường hợp không ai mong muốn, con đường trở về thị trường Hàn Quốc hoạt động của Black Pink có lẽ sẽ không dễ dàng như cách nhóm đã tiến đến vị trí nhóm nữ top đầu Kpop như hiện nay.
Đối thủ lớn nhất của Black Pink là Twice đã hoạt động cực kì chăm chỉ tại quê nhà
Ngoài ra, nghệ sĩ Hàn Mỹ tiến không chỉ cần bài hát là đủ, họ còn phải có một người đại diện phát ngôn thông minh để chứng tỏ được mình không phải là “dân nhập cư” trong lãnh địa âm nhạc. Qua một thời gian xuất hiện, có thể thấy các cô gái Black Pink vẫn xây dựng hình tượng khá “sang chảnh” và rụt rè trong mắt công chúng. Hình tượng bí ẩn và thời thượng này có giá trị tại Kpop nhưng chưa chắc có thể hòa nhập được với văn hóa giải trí Âu Mỹ, vốn cởi mở và cần sự chủ động giao tiếp hơn rất nhiều. Nếu các nhóm nhạc nam như BTS, GOT7 hay Monsta X đều có khả năng thích ứng với hoàn cảnh khá tốt thì Black Pink vẫn chưa có “nhà ngoại giao” nào thật sự nổi trội và được công nhận là hoạt ngôn tại Kpop, chưa nói đến một thị trường lạ với văn khóa khác biệt hơn.
Mâu thuẫn trong fandom chưa được giải quyết triệt để cũng là một điều mà YG cần phải quan tâm. Blink còn chưa hết phẫn nộ vì tần suất hoạt động quá thưa thớt của Black Pink trong 2 năm qua thì đã rộ lên một làn sóng phản đối mới khi công ty quản lý được cho là đã phân biệt đối xử giữa các thành viên trong nhóm. Cụ thể, sau khi ra mắt solo vào tháng 11, thành viên Jennie trở thành tâm điểm của công chúng khi thể hiện thái độ hời hợt trên sân khấu, kèm theo đó là những bằng chứng về việc em út Lisa bị bỏ rơi và chỉ được cho mặc trang phục mà vũ công phụ họa của Jennie đã mặc.
Fanbase của một nhóm nhạc nữ vốn không quá mạnh như nhóm nam, lại bị chia năm xẻ bảy sau những tranh cãi về việc o bế người này bỏ bê người khác, thiết nghĩ điều mà YG cần làm ngay lúc này là chấn chỉnh lại hoạt động của nhóm và xoa dịu người hâm mộ chứ không phải là đưa Black Pink sang thị trường Âu Mỹ và úp mở việc ra mắt nhóm nhạc nữ đàn em. Fandom chưa vững chắc đã vội đi chinh phục một miền đất mới hứa hẹn sẽ khó khăn hơn thị trường châu Á, điều này làm Black Pink không có được lợi thế quyết định thành công như các nhóm nhạc đàn anh.
Màn solo thành công của Jennie mang đến nhiều bất ổn trong cộng đồng người hâm mộ Black Pink
Nhưng điều đó không có nghĩa là Black Pink đã chắc một suất thua trắng
Khó khăn khi Mỹ tiến là rất nhiều với một nhóm nhạc nữ có phong độ còn thiếu ổn định ngay tại “sân nhà”, nhưng điều đó không có nghĩa là Black Pink đã chắc một suất thua trắng.
Đã 10 năm kể từ thất bại của Wonder Girls, Kpop đã không còn là một điều quá xa lạ với khán giả Âu Mĩ. Sau thành công của PSY với “Gangnam Style”, tiếp đó là BTS, Monsta X hay GOT7… đường đi của các nhóm nhạc Kpop đã rộng mở hơn rất nhiều. Không chỉ có Kpop tìm đến vùng đất US – UK, những nghệ sĩ US – UK cũng đã chăm chỉ tương tác hơn với thị trường châu Á. Black Pink không còn một mình một ngựa như Wonder Girls năm nào khi mà lúc này Kpop đã trở thành một làn sóng tấn công thị trường Âu Mĩ.
Đi cùng Black Pink là những nhóm nhạc đàn anh và rất nhiều nhóm nhạc nữa đang manh nha tiến vào thị trường âm nhạc khó tính nhất thế giới bằng con đường thông minh hơn. Rút kinh nghiệm từ Wonder Girls và các nhóm nhạc tiền bối, những thần tượng Kpop sau này không bỏ bê toàn bộ hoạt động tại quê nhà để tập trung vào sự nghiệp tại trời Tây.
Black Pink không đơn độc tấn công Âu Mĩ mà còn có rất nhiều “đồng đội” đang nỗ lực mang âm nhạc Kpop tổng tiến công thị trường này.
Internet kéo những nền giải trí gần lại với nhau hơn, nếu YG chỉ cần cân bằng được hoạt động của Black Pink tại hai thị trường Châu Á và Âu Mĩ thì Black Pink sẽ không bị quên lãng như Wonder Girls đã từng. Tương lai của Black Pink trong công cuộc Mỹ tiến sẽ là một hành trình đáng để mong chờ hơn là dự đoán về sự thất bại ngay từ khi 4 cô gái mới chỉ chớm bước những bước đầu tiên.
Theo Tri Thức Trẻ
Ấp ủ dự án "em gái Nhật của TWICE", JYP được netizen mong... thất bại
Cư dân mạng chẳng mấy ủng hộ ý định thành lập một nhóm nữ toàn thành viên người Nhật của JYP.
Tại Hội nghị thượng đỉnh những ngành công nghiệp mới nổi Macquarie 2018 gần đây, Park Jin Young đã tiết lộ một số kế hoạch trong tương lai của JYP Entertainment. Thứ nhất, đưa những nội dung liên quan đến Kpop ra quốc tế. Thứ hai, khám phá những tài năng ngoại quốc để đưa vào các nhóm nhạc Kpop giống như trường hợp của TWICE, GOT7, Stray Kids. Thứ ba, trực tiếp nuôi dưỡng và phát triển những tài năng này ở nước ngoài.
JYP đã thực hiện được một kế hoạch như vậy với Boy Story - boygroup hiphop với các thành viên người Trung và tuổi đời trung bình là 13. Để tiếp nối kế hoạch, JYP đã thông báo dự án girlgroup mới với tất cả các thành viên đều là người Nhật. Ông nói: "Có thể coi nhóm nữ mới của chúng tôi là "em gái Nhật của TWICE". Các cô gái này được dự định cho ra mắt vào cuối 2019 đầu 2020.".
Nhóm nhạc hiphop Boy Story với các thành viên người Trung và độ tuổi trung bình là 13
Sau thông báo trên từ JYP, cư dân mạng Hàn đều có phản ứng chẳng mấy tích cực về "em gái Nhật của TWICE". Họ cho rằng ông cần phải quan tâm những nhóm nhạc của mình trước và không nên cho nhóm này hoạt động ở Hàn, còn có người thì thành tâm hi vọng dự án này thất bại:
- "Cái gì, girlgroup người Nhật hả? Lo cho mấy nhóm mình có trước đã chứ."
- "Ông nghĩ nhóm đó sẽ có thể hoạt động được ở Hàn à?"
- "Tôi thành tâm hi vọng ông ta sẽ thất bại với dự án này."
- "Thậm chí Nhật Bản còn không lập nhóm toàn thành viên người Hàn thì sao ông phải làm vậy? Tôi phát bực với JYP."
- "Sẽ không thành công đâu. Dường như ông ta nghĩ nhóm đó sẽ thành công vì TWICE chăng?"
Nhiều ý kiến không ủng hộ "TWICE phiên bản Nhật"
Nguồn tham khảo: KB, NB
Stray Kids - nhóm nam đầu tiên của JYP đạt giải Tân binh xuất sắc: Điều gì làm nên thành công này? Việc Stray Kids nhóm nhạc nam mới nhà JYP đạt giải thưởng Nam nghệ sĩ mới xuất sắc nhất tại MAMA 2018 có nhiều ý nghĩa rất lớn, củng cố vị thế của nhóm lẫn ông lớn Big3 này. Ngày 10/12 vừa qua, tại lễ trao giải MAMA tổ chức tại Hàn Quốc, Stray Kids đã xuất sắc vượt qua những đối thủ...