‘Chiwawa chan’: Có những người bạn khi chết đi chúng ta mới biết về sự tồn tại của họ
Cái chết của một cô gái đã dẫn đến một thực trạng nghiệt ngã nơi thế gian vô tình, người sống với người cũng chỉ như một vở kịch giả tạo, khi nó hạ màn, ai cũng phải giật mình, ớn lạnh.
Vị đạo diễn trẻ, đời đầu 9X Ninomiya Ken đã thể hiện phong cách làm phim độc đáo của mình thông qua tác phẩm điện ảnh có cái tên rất lạ: Chiwawa chan. Phim là một bài học cuộc sống dành cho tuổi trẻ, cho những kẻ trưởng thành đang chơi vơi tìm cách hòa nhập với dòng đời hối hả ngược xuôi.
Một cái xác vô danh, những người bạn vô tình
Chiwawa chan được chuyển thể từ manga cùng tên của tác giả Kyoko Okazaki, kể về hành trình tìm kiếm thông tin của một cô gái đã bị lấy mạng. Chuyện bắt đầu tại một thành phố xa hoa, tráng lệ nơi có nhóm bạn thân tụ tập cùng nhau ăn chơi hưởng thụ, vui vẻ nhảy múa trong những vũ điệu sôi động, rực rỡ ánh đèn mê hoặc chúng sinh. Chiwawa là cô gái nổi bật nhất trong nhóm, cô nàng đã đánh liều trộm một chiếc túi chứa 600 triệu Yên tại một quán bar. Rồi cô dùng số tiền này cho những buổi tiệc tùng thâu đêm với đám bạn suốt ba ngày liền. Kết thúc cuộc chơi, mọi người giải tán và từ đó họ dần xa cách, mỗi người sống trong thế giới của riêng mình.
Một thời gian sau, cảnh sát thông báo phát hiện thấy một tử thi nữ bị cắt thành nhiều mảnh vứt tại khu vực Vịnh Tokyo. Truyền thông bắt đầu đưa tin và truy tìm thông tin của cô gái bạc mệnh đó. Sau khi điều tra, danh tính nạn nhân được tiết lộ; đó là Ryoko Chiwaki, 20 tuổi, sinh viên ngành điều dưỡng.
Một phóng viên có tên Yuko đã tiếp cận với nhóm bạn của nạn nhân và phỏng vấn. Điều bất ngờ là họ không biết bất cứ thông tin gì của nạn nhân, ngay cả tên thật hay lý lịch cá nhân; họ chỉ biết cô gái đã chết kia thường được gọi là Chiwawa. Ngay cả người được cho là bạn thân nhất của Chiwawa là Miki cũng chỉ biết trước khi chết Chiwawa muốn trở thành một người mẫu nổi tiếng và qua lại với một nhà quay phim tên Sakata. Từ đó, họ tụ họp lại với nhau để tìm kiếm về thông tin và cái chết của bạn mình. Chiwawa tại sao lại bị hạ sát như vậy? Hung thủ lấy mạng cô là ai?
Kịch bản của Chiwawa chan thuộc thể loại trinh thám kết hợp cùng yếu tố tâm lý, kinh dị, khắc họa nỗi sợ đến từ sự tuyệt tình, vô cảm của loài người. Khán giả sẽ giật mình, hoang mang tự hỏi tại sao mọi người lại đối xử với nhau lạnh lùng, xa cách đến vậy, bạn bè mà như người dưng nước lã, bạn thân mà thân ai người ấy lo, lúc vui vẻ thì ở bên nhau, lúc khó khăn hoạn nạn thì cao chạy xa bay. Những mối quan hệ giả tạo, không chia sẻ hay thấu hiểu khiến con người tự nhấn chìm bản thân trong nỗi cô đơn trống trải, lạc lõng giữa thế gian rộng lớn mà lạnh lẽo.
Bạn thì có rất nhiều nhưng thân thiết thì không
Chiwawa chan cảnh tỉnh người xem hãy sống chậm lại một chút để lại gần bên bạn mình, chuyện trò quan tâm và chia sẻ. Từ đó mà được đồng cảm, xoa dịu những tổn thương về tinh thần.
Chiwawa là nhân vật được xây dựng như một hình mẫu nổi tiếng được mọi người vây xung quanh tung hô và mong muốn kết bạn. Cô có rất nhiều bạn, chúng tụ tập vui chơi cùng cô, ca tụng sự liều lĩnh và dám chơi hết mình của Chiwawa. Mọi người nhìn Chiwawa với ánh mắt ngưỡng mộ, trông cô rất vui vẻ, tràn đầy sức sống bên cạnh bạn bè nhưng thực chất đó cũng chỉ là bức bình phong được tô vẽ cho đẹp đẽ, lộng lẫy. Sự thật thì quá phũ phàng khi không một đứa bạn nào biết đến Chiwawa, phải đến khi cô chết đi rồi họ mới bắt đầu tìm hiểu về cô, mới biết cô là ai. Vui đó nhưng quên ngay, sầu đó để khóc một mình; quả là một tấn trò đời đầy bi kịch.
Trong thời đại công nghệ 4.0, mạng xã hội phát triển bùng nổ dẫn đến sự xuất hiện của những mối quan hệ mới, có những người có bạn bè ở khắp bốn phương, nhiều vô số kể nhưng có mấy ai là thật lòng. Họ cũng chỉ là ảo ảnh để làm đẹp hơn trang mạng cá nhân. Thậm chí ngay đến bạn thật, gặp nhau cũng chỉ hỏi thăm đôi ba lời rồi lại cúi mặt xuống màn hình điện thoại, bận sống ảo, bận một mình khoe khoang với thiên hạ cuộc sống hào nhoáng, lung linh với những bức hình, những dòng trạng thái không cảm xúc. Chúng ta chỉ là sống cô độc rồi cũng chết đi trong cô độc, tự huyễn hoặc bản thân về hạnh phúc nhưng hiện thực thì quá nỗi phũ phàng. Như Chiwawa rồi cũng kết thúc cuộc đời khi thân xác đã lạnh lẽo cô liêu, linh hồn thì cô quạnh, không ai hay biết. Nếu cảnh sát không điều tra, phỏng viên không hỏi đến thì Chiwawa cứ vậy biến mất như chưa từng tồn tại trong ký ức, tâm trí của bạn bè.
Tuy nhiên Chiwawa chan không phải là một tác phẩm u ám mà vẫn ấm áp niềm tin, hy vọng mới với ánh sáng thức tỉnh qua hành động và suy nghĩ của nhân vật Miki. Chính Miki là người kêu gọi các bạn mình tưởng nhớ, tìm kiếm những bí ẩn về Chiwawa và học cách biết yêu thương, trưởng thành hơn. Con người vốn phức tạp như vậy, chỉ khi có đau đớn, mất mát mới biết trân trọng, yêu quý những điều đơn giản, bình dị nhất của cuộc sống.
Bộ phim dành cho những người trẻ
Chiwawa chan là một tác phẩm đáng xem, đáng suy ngẫm dành cho các bạn trẻ. Phim có bối cảnh và tạo hình trẻ trung, gần gũi với giới trẻ, các cảnh quay được thực hiện khá đặc biệt với những khung hình cận mặt, đặc tả biểu cảm, diễn biến tâm lý phức tạp của nhân vật.
Màu sắc và âm thanh khơi gợi sự ma quái với tông màu nóng, rực rỡ cùng chất nhạc sôi động, mạnh mẽ có tiết tấu dồn dập khiến người xem như lạc vào một mê cung hỗn loạn, rối ren về đời sống đô thị. Bên cạnh đó, phim cũng đan xen những phân cảnh được phác họa với gam màu trầm lạnh, không gian ảm đạm, u buồn để lột tả sự quỷ dị, ám ảnh trong suy nghĩ, tâm trạng của từng nhân vật. Phần bối cảnh được dựng đầy dụng ý nghệ thuật, biến đổi theo từng tình tiết, diễn biến của mạch phim.
Ê-kíp làm phim là một đội ngũ những người trẻ từ dàn diễn viên đến đạo diễn hay quay phim đều thuộc thế hệ 9X. Họ đã cùng nhau chung sức tạo nên một tác phẩm điện ảnh ý nghĩa, truyền tải thông điệp đậm tính nhân văn về sự sống và tình bạn. Những ngôi sao triển vọng như: Kadowaki Mugi, Narita Ryo, Yoshida Shiori, Tamashiro Tina,… đã dùng tài năng diễn xuất của mình để hóa thân và tạo nên những nhân vật có cá tính riêng biệt, đại diện cho hình ảnh những thanh niên Nhật Bản hiện đại ngày nay.
Đây là một câu chuyện tuổi trẻ về những bồng bột, khát khao và yêu thương mãnh liệt. Tình bạn đơn giản chỉ là ở ở bên cạnh nhau, chia sẻ và thấu hiểu nhưng đôi khi điều đó với nhiều người lại là một việc rất khó khăn. Chỉ đến lúc bạn bè biến mất họ mới bàng hoàng nhận ra rằng đã có người mà ta đã từng gọi là bạn, đã từng sống trong những kỷ niệm, hồi ức đẹp đẽ của thanh xuân.
Trailer bộ phim.
Theo saostar
Tokyo - thành phố giấu sông và chiến dịch đảo ngược thế kỷ ô nhiễm
Dưới lòng Tokyo có hơn 100 dòng sông, nhưng từ trên mặt đất, khó nhận ra điều này. Vì sao thủ đô Nhật lại giấu đi và quay lưng lại với các con sông của mình trong quá khứ?
Trong dòng người vô tận qua lại giao lộ Shibuya hàng ngày, ít ai nhận ra rằng ngay dưới chân họ là một dòng chảy khác. Đây là nơi hai dòng sông cổ xưa Uda và Onden giao nhau.
Bên dưới tất cả các tòa nhà bêtông và những khu phố rực đèn neon, Tokyo là thành phố của sông nước. Sông nước góp phần giúp thủ đô Nhật Bản trở thành nơi sinh sống của 37 triệu dân. Từ làng chài trở thành trung tâm quyền lực chính trị của cả nước, quản lý sông ngòi hiệu quả từng là động lực cho sự phát triển thần kỳ của thành phố.
Thế nhưng, Tokyo đã quay lưng lại với sông nước. Dù các thành phố từ Seoul, Chicago đến Sheffield (Anh) đang làm sống lại các khu ven sông, đạt lợi ích lớn về kinh tế và môi trường, Tokyo đã để ứ đọng và san lấp nhiều sông ngòi, kênh rạch từng là các tuyến giao thông chính. Giờ đây, các khu vực ven sông của Tokyo dơ dáy, tiêu điều và gần như bị bỏ hoang, theo Guardian.
Tokyo nhìn từ trên cao. Ảnh: Getty Images.
Từng là thành phố của sông nước
Nhìn từ trên cao, bạn sẽ thấy bốn sông chính giao nhau ở Tokyo: Arakawa, Sumidagawa, Edogawa và Tamagawa. Tuy nhiên, đó chỉ là những con sông chính trong số hơn 100 sông tự nhiên và kênh nhân tạo chảy dưới thành phố.
Trên thực tế, chính sách thủy lợi đã giúp Edo, tên cũ của Tokyo, mở rộng hơn cả London vào năm 1700. Thương mại phát triển dọc vịnh Tokyo, và hàng hóa được chở dọc các kênh rạch như trên đường cao tốc ngày nay. Nhà hát, phòng trà, và dĩ nhiên cả những khu phố đèn đỏ nở rộ quanh các tuyến giao thông đường thủy.
Dấu hiệu của sông nước từng là huyết mạch của thành phố còn đâu đó giữa lớp vỏ bêtông hiện nay. Chẳng hạn, những tuyến phố với lùm cây xanh tốt hai bên thường có dòng chảy bên dưới.
"Trong quá trình hiện đại hóa, sông nước đã mất dần vai trò", theo giáo sư Hidenobu Jinnai từ ĐH Hosei. "Tuy nhiên, các ký ức, hình ảnh quá khứ vẫn tồn tại ở Tokyo ngày nay và là phần quan trọng nếu muốn hiểu thành phố này".
Đại thảm họa động đất Kanto năm 1923 là đòn giáng đầu tiên đối với định hướng phát triển Tokyo dựa vào sông ngòi. Thành phố được tái thiết theo cách xây dựng phương Tây, để rồi Chiến tranh Thế giới thứ hai tiếp tục san phẳng thành phố. Đợt đăng cai Olympic 1964 là yếu tố quyết định khiến Tokyo quay lưng lại với sông nước, và đây không phải điều tốt, theo giáo sư Jinnai.
"Olympic Tokyo 1964 đã chính thức thay đổi Tokyo vốn là thành phố sông nước", ông nói. "Chất lượng nước ở Tokyo tệ đi vì ô nhiễm. Cao tốc phủ lên các kênh rạch, công nghiệp hóa, giao thông... là những nguyên nhân khiến người dân càng xa cách với sông nước".
Bức tranh từ khoảng năm 1830 cho thấy thuyền bè sầm uất trên sông nước ở Tokyo. Đằng xa là cầu Nihonbashi nổi tiếng.
Cảnh ven sông vô hồn, ảm đạm
Một chuyến đi thuyền Sumida với các nhà hoạt động vì sông nước cho thấy những khu công nghiệp vô hồn và chung cư màu xám. Quy định chặt chẽ về xây dựng trong khu vực ngập úng quanh sông được nới lỏng năm 2004, và lần nữa năm 2011, nhưng vẫn ít nhà đầu tư coi đó là cơ hội.
Khung cảnh toát lên vẻ ảm đạm và thờ ơ, nhưng cũng hé lộ các cơ hội. Các nhà hoạt động nói với Guardian về những cây hoa anh đào. Họ nói mùa hoa anh đào từng tuyệt đẹp trên các con sông thời Edo.
Không nhiều tàu thuyền qua lại, một phần vì nhiều bến tàu chỉ dành cho trường hợp khẩn cấp. Các bến tàu cũng do các cơ quan phường, thành phố, quốc gia quản lý một cách rời rạc, càng khiến doanh nghiệp khó khai thác, theo Guardian.
Để phục vụ Olympic 1964, thành phố quy hoạch lại hệ thống giao thông, xây dựng cao tốc ngay phía trên kênh rạch để đỡ tốn chi phí giải phóng mặt bằng. Sông Nihonbashi và cây cầu xinh đẹp thời Minh Trị là những nạn nhân nổi bật nhất, nhưng ảnh hưởng lên hệ sinh thái và kinh tế còn lớn hơn.
Việc xây dựng các cột trụ trong lòng sông tiếp tục gây ô nhiễm, sau nhiều năm kênh rạch đã bị ô nhiễm bởi nước thải và công nghiệp. Vì bộ mặt của Tokyo mùa Olympic, nhiều dòng chảy đã bị cho là quá ô nhiễm và bị san lấp bằng bêtông hoặc che đi, trở thành đường phố.
Dù vậy, hệ thống xử lý nước thải tiên tiến của Tokyo là một điểm sáng. Hệ thống toilet của Tokyo hiện đại nhất thế giới, khiến sông ngòi đỡ ô nhiễm nặng hơn.
Sông Shibuya ở Tokyo. Ảnh: Jan Piotrowicz/Twitter.
Đảo ngược cả thế kỷ xả thải
Giờ đây, khi Tokyo chuẩn bị cho Olympic 2020, nhiều ý kiến kêu gọi đánh giá lại vai trò của sông nước. Công viên nước Odaiba sẽ đăng cai các nội dung ba môn phối hợp và bơi việt dã, buộc thành phố phải đối phó với tình trạng ô nhiễm ở vịnh Tokyo, hệ quả của hàng thế kỷ xả thải.
Có những đề xuất phá hủy cầu vượt Nihonbashi, biến nó thành hầm vượt dưới sông, thay vì ở trên. Đề xuất này được nhắc đến năm 2005, và đến 2017, các quan chức xác nhận sẽ thực hiện sau Olympic. Tuần trước, chính quyền công bố bản đánh giá tác động môi trường của hầm vượt, và công ty tư vấn xây dựng đã chính thức bắt tay vào làm việc.
Thành phố cũng dự định tăng cường đội tàu trên các con sông, để giao thông đường thủy trở thành một lựa chọn khả thi.
"Kênh rạch là tuyến giao thông quan trọng và có tác dụng điều hòa hiệu ứng ốc đảo nhiệt", theo kiến trúc sư Norihisa Minagawa, đồng sáng lập nhóm tour đi bộ khám phá lịch sử Tokyo.
Một bé gái đang nghịch nước (ảnh trên) trên dòng Cheonggyecheon đã được cải tạo thành không gian xanh (ảnh dưới) ở trung tâm Seoul. Seoul được coi là hình mẫu về việc cải tạo và tận dụng các không gian quanh sông nước trong thành phố.
Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất để Tokyo hồi sinh hệ thống kênh rạch không phải là tiền, mà là sự thờ ơ của người dân. Việc khiến người Tokyo hào hứng với sông ngòi trở lại sau nhiều thập kỷ bỏ mặc không hề dễ dàng.
"Rất khó để lay chuyển công chúng và bộ máy chính quyền", ông Minagawa nói. "Đầu tư không phải vấn đề quá lớn. Nếu con người muốn thì rất dễ. Các dự án không khó, không phức tạp, và không thiếu tiền. Điểm khó hơn là hệ thống: con người không hứng thú, vì vậy giáo dục nhận thức là quan trọng".
Để tìm cảm hứng, nhiều ý kiến hướng sang các thành phố nước khác. "Ở Treviso, Italy, nhiều kênh rạch đang được mở rộng khắp thành phố. Họ thậm chí không làm vậy vì du lịch, mà đơn giản muốn làm giàu cuộc sống đô thị", ông Jinnai nói với Guardian. "Sự hồi sinh của dòng sông Thames ở London, và của các kênh rạch ở Milan, là những ví dụ tốt cho Tokyo".
"Thành phố lý tưởng phải là sự hồi sinh của 'Tokyo trên sông'", ông Minagawa nói. "Hãy làm sống lại các con kênh".
Theo zing
Nghĩa trang thời công nghệ 4.0 tại Nhật: Xây tháp cao ngay tại Tokyo, người thân có thể thăm viếng, đọc kinh niệm Phật bằng smartphone Qua đời ở Nhật hóa ra cũng đắt đỏ như khi sống ở đây vậy. Để mua một ngôi mộ ở các thành phố sầm uất bạn có thể phải bỏ ra từ 3 triệu yen (khoảng 27.000 USD) đến gần 8 triệu yen. Với thực trạng 20% dân số Nhật Bản ở độ tuổi hơn 70, nhu cầu tìm nơi chôn cất...