Chịu trách nhiệm với “cái ngàn vàng” đẩy tôi vào bi kịch
Vì ngại mang tiếng là “đểu” tôi chấp nhận lấy cô ấy làm vợ. Thế nhưng hôn nhân là cộng dồn những bi kịch khi một bên không có sự tự nguyện.
Ảnh minh họa: Internet
Tôi và vợ cùng quê ở miền Biển, hai đứa gặp nhau trong buổi gặp đồng hương. Cảm giác đầu tiên khi gặp em là một cô gái xinh xắn và có phần táo bạo. Chúng tôi nói chuyện về rất nhiều thứ trong lần đầu tiên gặp nhau.
Thấy em cởi mở, tôi đã xin số điện thoại để làm quen lâu dài. Tôi chẳng thể ngờ, ngay hôm sau gặp gỡ em lại chủ động rủ tôi đi chơi. Sau khi đi xem bộ phim hài thì em lại dễ dàng đồng ý vào nhà nghỉ cùng tôi. Chẳng thể ngờ vì sự mến mộ, cảm giác an toàn mà em trao tôi cái ngàn vàng ngay lần thứ 2 gặp gỡ.
Sau lần đó chúng tôi còn quan hệ nhiều lần nữa. Quá trình quen và yêu em tôi thấy nhiều điểm mà hai người không hợp nhau. Ví dụ, tôi thì ôn hòa hơn, em thường nói chuyện rất cay độc khi người khác sai lầm (do hoàn cảnh gia đình riêng, bố mẹ em li dị từ nhỏ). Tôi thì chỉ khao khát kiếm tiền đủ sống và đủ nuôi con, còn em thường có tham vọng lớn trong công việc và điều đó tạo áp lực cho tôi.
Vì những sự khác biệt đó nên thời gian yêu nhau tôi đã chủ động chia tay nhiều lần… Thế nhưng em lại níu kéo. Có lúc chúng tôi trở về với nhau nhưng do không hòa hợp lại chia tay. Em đã nói thẳng: Anh đã lấy đi “cái ngàn vàng” của em, anh phải có trách nhiệm. Đừng để mỗi khi nghĩ đến khuôn mặt anh, em phải rủa anh là “thằng đểu”.
Đến bây giờ tôi vẫn rùng mình khi nghĩ đến thái độ của em khi đòi tôi phải có trách nhiệm với em. Tôi có nói với bạn bè thân thiết, họ nói với tôi rằng, nhìn em hiện đại, trẻ trung thì chuyện “còn” là không thể. Có thể tôi bị “bắt vạ” hoặc một cái kế nào đó hoàn hảo của em… Tôi thì không nghi ngờ. Nhưng do trách nhiệm, tôi không thể chia tay em.
Năm 2014, không thể thoái thác được tôi đã phải làm đám cưới. Tôi đã tự lừa mình rằng, có đám cưới rồi cả hai người sẽ phải có trách nhiệm, có sự thay đổi để hòa hợp nhau hơn. Tuy nhiên điều đó là “không tưởng”.
Về sống với nhau rồi em còn tỏ vẻ quá quắt hơn. Em kiểm soát hoàn toàn thu nhập và các mối quan hệ của tôi. Là người, ai cũng cần có bạn bè, ấy thế mà em cấm tôi không được có bạn là nữ. Em còn kiểm soát toàn bộ mật khẩu của điện thoại, email, tài khoản mạng xã hội của tôi. Em ấy thường xuyên đăng lên mạng những câu chuyện buồn chán của gia đình làm tôi không thể ngẩng mặt lên với mọi người.
Lấy nhau được hơn 1 năm chúng tôi có con. Em thường xuyên giận hờn và mang con ra để dọa tôi. Cứ giận hờn là em ấy trút lên con. Tôi không chịu được mới chủ động xin li dị. Lần nào em cũng khóc và dọa tìm đến cái chết…
Thật sự, tất cả những điều mà gia đình tôi đang trải qua làm tôi sợ cuộc sống gia đình. Tôi thật sự cần li dị để giải thoát chính mình. Điều mà tôi còn băn khoăn nhất là đứa con nhỏ, chia tay con là thiệt thòi nhất. Cháu còn quá nhỏ để xa mẹ hoặc thiếu thốn tình cảm của cha.
Câu chuyện của tôi là ví dụ rõ nhất để những người đàn ông đã được “cái ngàn vàng” của một cô gái và cũng là câu chuyện để những cô gái lỡ cho đi “cái ngàn vàng” nhận diện trước khi quyết định. Mọi sự gò ép, đòi hỏi trong hôn nhân chỉ mang đến ân hận và khổ đau.
Theo Tienphong