Chính trường Myanmar sang trang
Ngày 30.3, Tổng thống Myanmar Htin Kyaw chính thức tuyên thệ nhậm chức, trở thành nguyên thủ dân sự đầu tiên của nước này trong hơn 50 năm qua.
Nghi thức chuyển giao giữa Tổng thống Htin Kyaw (trái) và Tổng thống mãn nhiệm Thein Sein – Ảnh: Reuters
Ông Htin Kyaw, phụ tá thân tín của thủ lĩnh đảng Liên đoàn Quốc gia vì dân chủ (NLD) Aung San Suu Kyi, tiếp quản chức vụ từ Tổng thống mãn nhiệm Thein Sein và sẽ nắm quyền từ ngày 1.4.
Theo BBC, tại buổi lễ nhậm chức diễn ra tại quốc hội sáng 30.3, ông khẳng định “sẽ trung thành với nhân dân Cộng hòa Liên bang Myanmar” và cam kết cố gắng hết sức mình để thực hiện mọi nhiệm vụ được giao. Hai phó tổng thống Myint Swe và Henry Van Thio cũng đã tuyên thệ nhậm chức cùng với các bộ trưởng trong nội các mới.
Ông Henry Van Thio có quan hệ tốt đẹp với NLD, còn tướng về hưu Myint Swe là một nhân vật gây tranh cãi khi vẫn còn nằm trong danh sách trừng phạt của phương Tây.
Đa số các tân bộ trưởng là người của NLD. Đặc biệt, bà Suu Kyi đóng vai trò một “siêu bộ trưởng” khi cùng lúc phụ trách Văn phòng tổng thống cùng 3 bộ ngoại giao, giáo dục, điện và năng lượng, theo AFP.
Cũng trong ngày 30.3, Myanmar thông báo thành lập Hội đồng an ninh và quốc phòng mới với 11 thành viên và do Tổng thống Htin Kyaw làm chủ tịch. Các thành viên còn lại gồm 2 phó tổng thống, chủ tịch lưỡng viện quốc hội, tư lệnh và phó tư lệnh lực lượng vũ trang, bộ trưởng nội vụ, bộ trưởng quốc phòng, bộ trưởng các vấn đề an ninh biên giới. Bà Suu Kyi cũng có chân trong hội đồng này với tư cách Ngoại trưởng.
Video đang HOT
Cũng trong bài phát biểu 30.3, tân Tổng thống Htin Kyaw nhắc lại quan điểm của NLD là thay đổi hiến pháp năm 2008 do quân đội soạn thảo. “Chúng tôi có nhiệm vụ nỗ lực vì sự ra đời của một bản hiến pháp phù hợp với đất nước và tương thích với những chuẩn mực dân chủ”, ông nói.
Trong bản hiến pháp hiện hành có điều khoản cấm người có thân nhân là công dân nước ngoài làm tổng thống. Bà Suu Kyi đã nỗ lực thương thảo với quân đội về sửa đổi hoặc diễn giải lại điều luật này nhưng không thành nên không thể ngồi vào chiếc ghế cao nhất.
Theo giới quan sát, quan hệ giữa NLD và quân đội có vai trò quyết định cho tương lai sắp tới của Myanmar. Có thể thấy ảnh hưởng của giới quân sự trên chính trường vẫn rất bao trùm. Ngoài 25% số ghế trong quốc hội, họ vẫn đảm bảo quyền bổ nhiệm nhiều vị trí chủ chốt trong chính phủ và chiếm phần lớn trong Hội đồng an ninh và quốc phòng, một trong những cơ quan quyền lực nhất nước.
Mới đây, Reuters dẫn lời nhiều tướng lĩnh cấp cao khẳng định quân đội sẽ hợp tác chặt chẽ với chính phủ nhưng giờ “chưa phải là lúc họ rời khỏi chính trường”.
Ngoài thách thức được xem là lớn nhất này, các vấn đề khác bao gồm tình trạng bị cho là “mập mờ” trong vị thế của bà Suu Kyi và ông Htin Kyaw cũng như giao tranh liên miên giữa quân đội và các nhóm vũ trang dân tộc thiểu số.
Bên cạnh đó, dư luận quốc tế cũng sẽ chú ý đến số phận người Rohingya mà LHQ xếp vào nhóm dân tộc thiểu số bị ngược đãi nhất thế giới. Người Rohingya không được nhìn nhận ở Myanmar và bà Suu Kyi từng bị chỉ trích về việc hầu như phớt lờ tình trạng bạo lực nhằm vào cộng đồng này.
Trùng Quang
Theo Thanhnien
Bà Suu Kyi làm 'siêu bộ trưởng' ở Myanmar
Quốc hội Myanmar ngày 22.3 công bố danh sách 18 bộ trưởng được đề cử cho nội các mới, bao gồm thủ lĩnh đảng Liên đoàn Quốc gia vì dân chủ Aung San Suu Kyi.
Bà Aung Suu Kyi là phụ nữ duy nhất được đề cử tham gia nội các - Ảnh: AFP
Tên của bà Aung San Suu Kyi được nêu đầu tiên trong danh sách do Chủ tịch quốc hội Mann Win Khaing Than đọc trước các nghị sĩ trong phiên họp kéo dài chỉ 15 phút.
"Tôi xin trình bày danh sách những người sẽ trở thành bộ trưởng liên bang do Tổng thống đắc cử Htin Kyaw trình lên quốc hội", AFP dẫn lời ông Khaing Than phát biểu tại cuộc họp.
Mặc dù các chức danh cụ thể của bà Suu Kyi và những người được đề cử không được công bố, nhưng một danh sách khác do Reuters và BBC thu thập được từ các nguồn tại quốc hội cho thấy tên của bà Suu Kyi được đặt cạnh đến 4 bộ và cơ quan ngang bộ, gồm Văn phòng Tổng thống, Ngoại giao, Điện lực - Năng lượng, Giáo dục.
Một thành viên cao cấp của đảng Liên đoàn Quốc gia vì dân chủ (NLD) nói với Reuters rằng tên của bà Suu Kyi được đặt trước nhiều bộ vì một số ứng viên từ chối tham gia nội các vào giờ chót.
Việc giữ chức ngoại trưởng sẽ giúp bà Suu Kyi có chân trong Hội đồng quốc phòng và an ninh, một nhóm cố vấn quan trọng của tổng thống với hầu hết thành viên thuộc quân đội.
Theo các quy định chính trị phức tạp của Myanmar, vai trò thành viên nội các đồng nghĩa với việc bà Suu Kyi phải từ bỏ chức danh chính thức là thủ lĩnh của NLD, đảng đã giành được chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử quốc hội hồi tháng 11.2015. Bị cấm trở thành tổng thống theo quy định của Hiến pháp hiện hành, bà Suu Kyi đã thề điều hành đất nước thông qua người ủy nhiệm, và trong tuần qua người phụ tá tin cẩn nhất của bà - ông Htin Kyaw - được bầu làm tổng thống mới của Myanmar.
Nội các mới của Myanmar sẽ tuyên thệ nhậm chức vào tháng tới sau khi quốc hội bỏ phiếu phê chuẩn trong tuần này.
Thông báo ngày 22.3 cũng đã chấm dứt sự đồn đoán về việc liệu bà Suu Kyi có chọn vai trò tương tự bà Sonia Gandhi ở Ấn Độ, người đã phát huy ảnh hưởng lên chính quyền của đảng Quốc đại dù không giữ vai trò nào trong chính phủ. "Bà Suu Kyi muốn là trái tim của chính phủ. Bà muốn làm điều đó một cách phù hợp, chính thức và hợp pháp", AFP dẫn lời ông Trevor Wilson, chuyên gia nghiên cứu tại Đại học Quốc gia Úc và là cựu Đại sứ Úc tại Myanmar, nhận định. Ông nói thêm rằng bằng việc tham gia nội các, nữ thủ lĩnh NLD sẽ có thể duy trì "sự quan sát chặt chẽ với những việc quan trọng đối với bà".
Ông Win Htein, một thành viên NLD thân cận với bà Suu Kyi, nói với Reuters: "Bà ấy nắm bao nhiêu bộ không thành vấn đề, vì kiểu gì bà cũng sẽ điều hành toàn bộ chính phủ".
Bà Suu Kyi cũng là phụ nữ duy nhất được đề cử tham gia nội các. Những cái tên khác bao gồm ông Thein Swe, một cựu tù chính trị, và ông Naing Thet Lwin, một người dân tộc thiểu số thuộc đảng Dân tộc Mon. Ngoài ra, một thành viên cao cấp của đảng USDP được quân đội hậu thuẫn, ông Thura U Aung Ko cũng được nêu tên trong danh sách.
Trùng Quang
Theo Thanhnien
Bà Suu Kyi chính thức làm ngoại trưởng Myanmar, kiêm thêm 3 bộ Bà Aung San Suu Kyi ngày 30.3 chính thức được bổ nhiệm làm ngoại trưởng Myanmar, đồng thời kiêm nhiệm 3 chức bộ trưởng khác trong chính phủ mới. Bà Aung San Suu Kyi nắm giữ 4 ghế bộ trưởng của Myanmar - Ảnh: AFP Người bạn thân của bà Aung San Suu Kyi, ông Htin Kyaw sáng 30.3 đã chính thức tuyên...