Chính thức kháng nghị vụ án Huỳnh Văn Nén
Với kháng nghị của VKSND Tối cao, có khả năng ông sẽ được minh oan và là người độc nhất vô nhị trong lịch sử tố tụng Việt Nam: Bị kết án oan đến hai lần, trong hai vụ án khác nhau.
Theo VKSND Tối cao, vụ án này thiếu cơ sở khoa học, thiếu chứng cứ nhưng tòa vẫn kết tội và xử chung thân bị cáo.
Ngày 24-10, viện trưởng VKSND Tối cao đã ký kháng nghị giám đốc thẩm vụ án Huỳnh Văn Nén. Theo đó, viện trưởng VKSND tối cao quyết định kháng nghị một phần bản án hình sự sơ thẩm số 96/2000/HSST của TAND tỉnh Bình Thuận, đề nghị TAND Tối cao xem xét vụ án theo hướng hủy phần tội danh giết người và cướp tài sản đối với Huỳnh Văn Nén, giao hồ sơ về cấp sơ thẩm để điều tra lại theo thủ tục chung.
Ông Nén là người bị quy kết đã giết bà Lê Thị Bông ở xã Tân Minh, Hàm Tân (Bình Thuận) để cướp tài sản và bị TAND tỉnh Bình Thuận kết án chung thân về các tội giết người, cướp tài sản và hủy hoại tài sản.
Ở tuổi 52, ông Nén đã ngồi tù hơn 14 năm, nhiều hơn ông Nguyễn Thanh Chấn ở tỉnh Bắc Giang bốn năm. Ông hiện vẫn đang chấp hành án tại Trại giam Z30A của Bộ Công an ở tỉnh Đồng Nai.
Ông Nén còn là người từng bị oan trong vụ án “vườn điều” vụ án oan kinh điển nổi tiếng cả nước, từng được viết thành sách nhưng ông chưa được minh oan. Với kháng nghị này có khả năng ông sẽ được minh oan và là người độc nhất vô nhị trong lịch sử tố tụng Việt Nam: Bị kết án oan đến hai lần, trong hai vụ án khác nhau.
Cùng lúc “phá” được hai vụ án
Như vậy sau 16 năm, vụ án giết người, cướp của từng gây chấn động ở xã Tân Minh, Hàm Tân (Bình Thuận) đã chính thức được lật lại.
Lật lại hồ sơ, đêm 23-4-1998, bà Lê Thị Bông ở xã Tân Minh bị hung thủ đột nhập vào nhà dùng dây dù siết cổ chết tại chỗ và cướp đi chiếc nhẫn một chỉ vàng 24K. Ngay sau đó, Công an tỉnh Bình Thuận đã khởi tố vụ án và cử điều tra viên Cao Văn Hùng tiến hành điều tra.
Thời điểm trên người nào ở xã Tân Minh cũng đều biết Huỳnh Văn Nén là kẻ tưng tửng, suốt ngày lê la ngoài chợ, ai kêu gì làm nấy để kiếm tiền cơm rượu. Sau vụ án mạng nói trên xảy ra, trong khi cơ quan điều tra (CQĐT) chưa tìm ra hung thủ, rượu vô Nén thường vỗ ngực cho rằng chính mình là người đã giết bà Bông. Không ngờ lời nói đùa của kẻ say xỉn lại trở thành “manh mối” quan trọng để người ta vin vào và “nhanh chóng phá án”.
Gần một tháng sau ngày nạn nhân bị giết, ông Nén bị khởi tố, bắt giam. Sau này tại tòa, ông Nén khai rằng điều tra viên Cao Văn Hùng đã đánh đập, mớm cung, ép cung nhiều ngày liền để buộc Nén phải khai nhận tội.
Sau khi ông Nén nhận giết bà Bông, điều tra viên Cao Văn Hùng thừa thắng xông lên, tiếp tục buộc Nén phải khai nhận đã cùng với gia đình bên vợ giết chết bà Dương Thị Mỹ trong vụ án “vườn điều” đã xảy ra năm năm trước đó.
Để thoát án tử hình, theo mớm cung của điều tra viên, Nén khai một mạch chín người trong gia đình vợ mình tham gia giết người trong vụ án “vườn điều”. Từ lời khai này, ba thế hệ trong một gia đình gồm chín người và cả Nén bị truy tố và kết án. Tại thời điểm vừa phá xong hai vụ án, điều tra viên Cao Văn Hùng đã được khen thưởng về thành tích phá hai vụ án giết người nghiêm trọng.
Sau này, cả chín người này đều được minh oan, riêng Nén đang phải ngồi tù trong vụ án bà Bông thì chẳng ai đoái hoài gì đến chuyện xin lỗi, bồi thường, còn hung thủ trong vụ án “vườn điều” mãi đến nay vẫn chưa ló dạng.
Ông Huỳnh Văn Nén tại phiên tòa sơ thẩm năm 2000 của TAND tỉnh Bình Thuận kết án ông tù chung thân. Ảnh: PHƯƠNG NAM
Điều tra sơ sài, thiếu căn cứ khoa học
Trở lại vụ án bà Bông, trong bản kháng nghị, viện trưởng VKSND Tối cao cho rằng đây là vụ án không quả tang, quá trình điều tra, xét xử đối với Nén về hai tội giết người, cướp tài sản có nhiều thiếu sót, vi phạm.
Cụ thể: CQĐT không thu giữ được số vật chứng như sợi dây dù Nén khai dùng siết cổ bà Bông, ổ khóa nhà bà Bông và một chỉ vàng 24K của nạn nhân. Các sợi dây thu giữ trong quá trình điều tra không liên quan đến sợi dây Nén khai dùng siết cổ nạn nhân. CQĐT không lấy lời khai của chị Hồng (con bà Bông) để làm rõ cách buộc môtơ nhằm thực nghiệm lại cách thức cắt, vị trí cắt dây.
Theo viện trưởng VKSND tối cao, khám nghiệm hiện trường thu được hai loại dấu chân. Tại sân gần hiên nhà chính có dấu bàn chân phải dài 23 cm, rộng 9 cm, rộng gót 4,5 cm. Trên mặt ghế salon trong nhà có ba vết dấu chân kích thước dài 22 cm, rộng bàn chân 8,5 cm, rộng gót 4 cm.
Video đang HOT
Ngày 12-5-2000, CQĐT đưa ghế salon của gia đình nạn nhân đến trại giam để Nén đứng lên ghế. Kết quả thu được dấu chân của Nén dài 22,5 cm, rộng bàn 8,5 cm, rộng gót 4 cm. Theo giải thích của CQĐT thì khó tiến hành giám định so sánh được giữa dấu vết bàn chân thu của Nén và dấu vết bàn chân thu tại hiện trường do có nhiều yếu tố tác động nên kích thước bàn chân có thể bị sai lệch.
Bản án sơ thẩm căn cứ vào các dấu chân để lại hiện trường, kết quả so sánh kích thước dấu chân nhưng không tiến hành xác định được sự đồng nhất giữa dấu chân để lại hiện trường và dấu chân của Nén (như so sánh khoảng cách và chiều dài các ngón chân, so sánh về diện tích, khoảng cách các mu bàn chân, so sánh về các vân trong lòng bàn chân…). Thế nhưng án sơ thẩm lại giải thích “do có nhiều yếu tố tác động nên kích thước có thể bị sai lệch” để xác định đó là dấu chân của Nén. Viện trưởng VKSND tối cao nhận định việc giải thích này là không có cơ sở khoa học.
“Kịch bản” tồi so với hiện trường vụ án
Theo viện trưởng VKSND Tối cao, các lời khai nhận tội ban đầu của Nén đều không phù hợp với hiện trường, biên bản khám nghiệm tử thi. Các lời khai nhận tội sau không thống nhất, mâu thuẫn với nhau, mâu thuẫn với lời khai của một số nhân chứng như về cách thực hiện hành vi giết bà Bông.
Ban đầu, Nén khai dùng tay bóp cổ, lời khai sau Nén khai vòng dây qua cổ từ phía sau siết cổ bà Bông. Có lời khai Nén vòng dây qua cổ rồi giật mạnh làm bà Bông ngã ngửa, sau đó mới dùng dây siết xuống cổ bà Bông.
Nhiều lời khai Nén khai giết bà Bông ở nhà dưới nhưng tại lời khai ban đầu lại khai giết bà Bông ở nhà trên nhưng không phủ chăn (mền) lên xác bà Bông sau khi giết. Nén khai sau khi gây án không tắt đèn trong nhà nhưng con gái của nạn nhân khai về nhà thấy đèn tắt nên mở. Nén khai không lục lọi đồ vật trong nhà bà Bông nhưng khi con gái nạn nhân về thấy trong nhà có xáo trộn ở các vị trí, nệm giường của chị bị kéo lệch, cửa tủ giường bị mở…
Về khoảng thời gian sau khi giết bà Bông thì Nén đi đâu, làm gì vẫn chưa được làm rõ. Về dấu vết trên cơ thể người bị hại, CQĐT chưa làm rõ được cơ chế hình thành vết thương. Đáng chú ý bản án sơ thẩm mô tả khi Nén vào bếp thì thấy bà Bông đang ngủ trong khi cáo trạng lại thể hiện khi Nén vào nhà bà Bông đang giũ giường ngủ. Theo viện trưởng VKSND Tối cao, tòa cấp sơ thẩm kết án Nén về tội giết người, cướp tài sản là chưa đủ căn cứ vững chắc.
Đặc biệt, ngày 16-8-2000, VKSND tỉnh Bình Thuận đã thay đổi cáo trạng ký trước đó (ngày 27-7-2000) nhưng bản án sơ thẩm lại căn cứ vào cáo trạng cũ để xét xử và cáo trạng này cũng không có trong hồ sơ. Việc xét xử là vi phạm nghiêm trọng BLTTHS.
Ngoài ra đơn của phạm nhân Nguyễn Phúc Thành tố giác người khác giết chết bà Bông chứ không phải Huỳnh Văn Nén là nguồn tin tố giác tội phạm nhưng chưa được điều tra làm rõ.
Những người tham gia trong vụ Huỳnh Văn Nén Đầu tiên là điều tra viên Cao Văn Hùng, điều tra viên thuộc CQĐT Công an tỉnh Bình Thuận. Ông Hùng sau này bị sa thải khỏi ngành công an do có sai phạm trong một vụ án ma túy. Ông Hùng hiện đang làm luật sư.
Người ký cáo trạng truy tố Huỳnh Văn Nén là bà Phạm Thị Hồng Dung, lúc đó là phó viện trưởng VKSND tỉnh Bình Thuận. Sau này bà Dung lên chức viện trưởng, bà đã về hưu và hiện đang làm luật sư.
Chủ tọa phiên tòa sơ thẩm xử ông Nén là thẩm phán Nguyễn Thanh Tâm. Ông Tâm hiện là phó chánh tòa Hình sự TAND tỉnh Bình Thuận.
Bỏ qua nghi can quan trọng Để soi kỹ từng góc nhỏ trong “kỳ án” này, chúng tôi đã làm việc với ông Bùi Minh Đăng, nguyên Phó Công an xã Tân Minh (hiện là Phó Chủ tịch UBMTTQ xã Tân Đức, Hàm Tân, Bình Thuận).
Theo ông Đăng, khi xảy ra vụ giết chết bà Lê Thị Bông vào đêm 23-4-1998, với tư cách là phó công an xã, ông được phân công thu thập và báo cáo lại tình hình cho cqđt. Ông Đăng cho biết ngay từ đầu Công an xã Tân Minh đã xác định Nguyễn Th. và Hồ Văn V. (hai người bị tố giác là thủ phạm giết chết bà Bông) thời điểm xảy ra vụ án có mặt tại địa phương. Tuy nhiên, cqđt mà cụ thể là điều tra viên Cao Văn Hùng lại cho rằng cả hai đều ngoại phạm.
“Sau khi Huỳnh Văn Nén bị bắt giam, tôi đã trực tiếp viết tay, ký tên, đóng dấu báo cáo việc này đến các cơ quan chức năng. Báo cáo này hoàn toàn phù hợp với đơn tố giác tội phạm của phạm nhân Nguyễn Phúc Thành gửi từ Trại giam Sông Cái tố cáo Th. và V. mới là thủ phạm chứ không phải là Huỳnh Văn Nén.
Điều này cũng phù hợp với lời khai của anh HNN, người chạy xe ôm chở Th. và V. đi đến tiệm vàng TP (Xuân Hòa, Xuân Lộc, Đồng Nai) để bán một chỉ vàng cướp được của nạn nhân.
Nó cũng phù hợp với nhiều nhân chứng khác. Toàn bộ những điều này tôi đã trình bày đầy đủ cho các cán bộ điều tra của VKSND Tối cao đến huyện Hàm Tân làm việc với tôi vào tháng 4-2014″ – ông Đăng khẳng định.
Theo PHƯƠNG NAM
Pháp luật TP Hồ Chí Minh
"Nhân chứng mới" trong vụ án vườn mít kể gì?
"Tôi phải nói ra để lòng tôi nhẹ nhàng, dù chỉ là một hy vọng mong manh minh oan cho thằng Lê Bá Mai" - bà Nguyễn Thị Hảo, nhân chứng mới mà đại biểu Quốc hội Bùi Mạnh Hùng đề cập, trần tình như thế.
LTS: "Có một nhân chứng là người địa phương, biết tiếng S'Tiêng, ở gần nơi xảy ra vụ án, sẵn sàng cung cấp thông tin minh oan cho Lê Bá Mai". ĐBQH Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) đã cho biết như thế tại diễn đàn QH sáng 27-10.
Nhân chứng này là ai? Người này biết gì về vụ án vườn mít? Để rộng đường dư luận, chúng tôi đã hỏi chuyện "nhân chứng mới" này và xin không bình luận gì.
Chúng tôi đã liên hệ với bà Nguyễn Thị Hảo, người mà đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Bùi Mạnh Hùng đã đề cập, để làm rõ những thông tin ông Hùng nói. Bà Hảo sinh năm 1958, quê ở Bắc Giang, vào xã An Khương, huyện Bình Long (nay là huyện Hớn Quản, Bình Phước) sống từ năm 1990. Bà biết rành tiếng S'tiêng. Bà Hảo nói: "10 năm rồi nhưng mọi chuyện còn như in trong đầu tôi. Tôi phải nói ra để lòng tôi nhẹ nhàng, dù chỉ là một hy vọng mong manh minh oan cho thằng Lê Bá Mai. Tôi vừa tiếp tục làm đơn xin được trình bày những điều tôi biết với VKSND Tối cao và TAND Tối cao mà chưa thấy hồi âm".
"Ngày mai đổ hết tội cho thằng Mai"
. Xin bà cho biết bà biết gì về vụ án?
Trước giờ, công an, VKS, tòa án đều nói cháu Út mất tích ngày 12-11-2004. Tuy nhiên, hôm đó mọi việc trong sóc vẫn bình thường. Không nghe ai bàn tán chuyện hiếp dâm giết người gì cả. Cho đến tối 15-11 (một ngày trước khi phát hiện xác cháu Út), trong lúc đi ngang nhà ông Điểu Ky (anh họ nạn nhân, nhân chứng trong vụ án), tôi nghe đám đông trong ấy nói với nhau bằng tiếng S'Tiêng: "Ngày mai đổ hết tội cho thằng Mai". Tôi lại nghĩ chắc họ đổ cho thằng Mai xịt thuốc cỏ để trâu ăn chết gì đó.
Sáng hôm sau, tôi lên quán mua đồ ăn, nghe người ta nói nhà Điểu Ky đang tụ tập đông người lắm. Tôi nhớ lại chuyện tối qua, lại nghĩ chắc họ muốn đánh thằng Mai. Tôi đi theo lối tắt đến chòi thằng Mai trước để báo tin nhưng không thấy nó. Một nhóm ngang qua nhà thằng Mai nhưng không vào nhà. Tôi đi theo nhóm này, đến chỗ trồng mì thì thấy họ lao vào đánh Mai. Tôi hỏi thì họ trả lời thằng Mai chở con Út đi bỏ ở đâu từ ngày 11, 12 rồi. Tôi hỏi sao không đi kiếm liền bữa đó thì nhóm này bảo không biết.
Sau đó đám ông Ky đến. Tôi hỏi một thanh niên đi đâu thì người này trả lời đi kiếm xác Út. Tôi đi theo sau, đi bộ theo đường mòn, ra đến gốc da thấy nước mênh mông. cái suối nước ngập ngang người lội qua không được nên tôi không đi nữa. Tôi ngồi đốt thuốc thì nghe tiếng la "thấy rồi!". Tôi chạy vòng qua khu vườn tràm đến coi. Hiện trường không có dấu hiệu gì xô xát ẩu đả cả. Cây mì không đổ, không nghiêng ngả. Xác chết thì quá thối, đã rữa. Không hiểu sao khi chưa biết cháu Út sống hay chết mà họ đã đi kiếm xác, khi chưa phát hiện ra xác chết thì Mai đã bị đánh.
Nguyên ĐBQH Nguyễn Thị Hoài Thu (trái) trong một lần trò chuyện với bà Nguyễn Thị Hảo. Ảnh: PL
Băng ghi âm đã mất (?)
. Ngoài ra bà có chứng cứ gì khác?
Có. Đó là cuốn băng ghi âm cuộc trò chuyện của tôi với Điểu N.
. Điểu N. là ai?
Khi chuyện cháu Út rùm beng cả sóc, tôi mới nhớ lại lời kể của ông Tư Queo rằng đêm trước hôm đó thấy thằng Điểu N. đi vào khu vườn mít. Điểu N. suốt ngày say xỉn, từng hiếp dâm một người câm trong sóc. Mấy lần nó đi xuống rẫy tôi uống rượu. Tôi hỏi nó: "Mắc mớ gì mày giết con Út?". N. nói: "Sao mợ biết?". Nó còn nói: "Có hay không đi hỏi công an Sinh" (công an viên Nguyễn Văn Sinh, người có mâu thuẫn với Mai, người ghi lời khai ban đầu nhân chứng Hằng, sau này làm nhân chứng của vụ án).
Lần thứ hai, tôi lại hỏi: "Sao mày giết con Út rồi đổ cho thằng Mai?". Điểu N. trả lời: "Con đâu có đổ. Mợ hỏi công an Sinh". Lần thứ ba, nó đến nhậu, tôi nói: "Tao hỏi mày lần cuối, mày có nhận không, nếu không tao kêu công an bắt". Lúc này nó quỳ xuống nói: "Con xin mợ đừng báo. Công an Sinh giết cả nhà con".
. Bà đã giao nộp chứng cứ này chưa?
Tiếc là cuốn băng mất rồi. Bởi thời gian đó tôi thường phân trần thằng Mai bị oan, tôi có trong tay chứng cứ minh oan cho nó... Ai ngờ một buổi tối, nhà tôi bị trộm đột nhập. Cuốn băng tôi để trong nhà biến mất.
Từng được mời lấy lời khai?
. Sao bà không khai những điều này từ hồi vụ án mới xảy ra?
Tôi nói với ông Lê Bá Triệu (cha của Mai) làm đơn cho tôi được khai báo. Ông Huấn (điều tra viên) mời tôi ra xã làm việc. Tôi yêu cầu được ghi âm nhưng họ không cho. Vì vậy tôi về. Trước phiên tòa phúc thẩm lần ba, thông qua luật sư Huỳnh Thế Tân - người bào chữa cho Mai - tôi gửi đơn xin tòa được ra làm chứng nhưng không thấy tòa gọi.
. Nghe nói bà bị đe dọa khi đề nghị được làm nhân chứng?
Tôi nhận được nhiều số điện thoại lạ. Có khi đầu dây bên kia nói bằng tiếng S'Tiêng, đại ý muốn mua lại chứng cứ của tôi giá 100 triệu đồng. khi thì một số khác gằn giọng hỏi: "Bà đang ở đâu? Bà coi chừng đó!".
. Ra làm chứng như vầy, bà có sợ liên lụy không?
Tôi nói ra sự thật để minh oan cho một con người nên tôi tin rằng sẽ được những người yêu công lý bảo vệ.
. Xin cảm ơn bà.
Thông tin đủ để xem xét lại vụ án
Ngày 25-10, tại diễn đàn QH, ĐBQH Bùi Mạnh Hùng đã chất vấn Viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Hòa Bình về vụ án vườn mít. Ông Hùng đề nghị VKSND Tối cao xem xét lại vụ án vườn mít với tinh thần không được bỏ lọt tội phạm nhưng nhất thiết không được để xảy ra oan sai. Viện trưởng Nguyễn Hòa Bình khẳng định: "Mai không có đơn thư kêu oan gì cả. Vụ này không có yếu tố để tái thẩm, giám đốc thẩm" và "dù trong quá trình điều tra cũng có việc nọ, việc kia và sơ xuất nhưng những sơ xuất đó không làm thay đổi bản chất vụ án".
Sau đó, ngày 27-10, cũng tại diễn đàn QH, ông Hùng tiếp tục đề nghị VKSND Tối cao xem xét lại vụ án. Theo ông Hùng, ngay sau khi bị tuyên án chung thân, Lê Bá Mai đã gửi đơn kêu oan; cha mẹ và luật sư của Mai cũng liên tục gửi đơn kêu oan cho con và thân chủ nhưng đến nay vẫn chưa có phản hồi.
Ông Hùng cho biết có một nhân chứng đứng ra cung cấp thông tin minh oan cho Mai đã khai báo cho cơ quan điều tra ngay từ đầu nhưng không rõ vì lý do gì bà không được mời làm nhân chứng. Theo ông Hùng, người này đã có đơn xin ra làm chứng nhưng sau khi làm đơn, bà liên tiếp nhận được nhiều lời đe dọa.
Trao đổi sau đó, ông Hùng cho biết thêm nhân chứng đó là bà Nguyễn Thị Hảo (bộ đội phục viên, quê ở Bắc Giang, sống ở xã An Khương gần nơi Mai sinh sống). Do biết tiếng S'Tiêng nên bà nắm được nhiều thông tin, sau khi đối thoại với người dân tại đó, bà khẳng định Mai không phải là thủ phạm. "Tôi phải đưa ra thông tin này trước QH vì sau khi làm đơn, bà Hảo đã nhận được những đe dọa, yêu cầu ngừng ngay việc bà đang làm. Lo sợ sự an toàn tính mạng, bà Hảo không dám ở lại tỉnh Bình Phước nữa. Những thông tin trên đủ để cho tòa án và VKS phải xem xét lại vụ án" - ĐB Hùng nói.
Từng một lần được tuyên trắng án
Quá trình tố tụng kéo dài 10 năm, Lê Bá Mai từng hai lần bị tòa sơ thẩm và phúc thẩm tuyên tử hình về hai tội giết người và hiếp dâm trẻ em. Sau đó, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao đã hủy hai bản án này theo kháng nghị của viện trưởng VKSND Tối cao. Tại phiên sơ thẩm lần hai, TAND tỉnh Bình Phước đã tuyên bị cáo không phạm tội, sau đó bị cấp phúc thẩm hủy án.
Đến phiên sơ thẩm lần ba, tòa tỉnh Bình Phước lại tuyên bị cáo có tội nhưng thay vì tuyên tử hình, tòa lại tuyên mức án chung thân. Bản án này bị VKS cùng cấp kháng nghị đề nghị tăng nặng hình phạt, đồng thời Mai tiếp tục kháng cáo kêu oan.
Lê Bá Mai, người từng hai lần bị tuyên án tử, một lần tuyên vô tội và lần cuối bị kết án chung thân. Ảnh: PL
Đến phiên phúc thẩm lần ba (ngày 30-8-2013), Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM đã tuyên y án chung thân đối với Mai. Sau đó Mai và người nhà liên tục kêu oan. Nhiều ĐBQH và các vị nguyên là lãnh đạo VKSND Tối cao đã có văn bản kiến nghị xem xét lại vụ án.
Theo hồ sơ, ngày 16-11-2004, người nhà phát hiện thi thể cháu Thị Út (11 tuổi) tại vườn mít trong trang trại của ông Dương Bá Tuân ở Hớn Quản (Bình Phước). Sau đó Mai bị bắt.
Toàn bộ vụ án chỉ có Hằng (khi ấy mới chín tuổi) là nhân chứng trực tiếp và duy nhất thấy người đã chở Út đi. Trong lời khai đầu tiên (ngày 15-11-2004), Hằng khai thấy một thanh niên đầu quấn khăn, đội nón lá, đi xe máy, mang bình xịt, bình nước đá màu đỏ chở Út đi. Trong đơn trình báo cùng ngày, ông Điểu Ky, cha cháu Hằng, cũng nêu nhân dạng người thanh niên chừng đó, theo lời kể của cháu Hằng. Nhưng ngay sau khi Mai bị bắt, nhân chứng Hằng và ông Điểu Ky bắt đầu thay đổi lời khai, từ "thấy người thanh niên" đến "người thanh niên giống Mai" và cuối cùng là "người thanh niên chở Út đi là Mai"...
Theo PHƯƠNG LOAN
Pháp luật TP Hồ Chí Minh
Nữ tiếp viên cùng bạn trai cướp tài sản của khách để mua nhẫn cưới Thấy vị khách lớn tuổi có nhiều tài sản, cô nhân viên bán cà phê liền rủ bạn trai siết cổ rồi cướp tài sản của ông. Ngày 26/9, TAND TPHCM xử phúc thẩm đã tuyên y án 7 năm tù với bị cáo Nguyễn Bá Minh Hiếu (SN 1994) và 6 năm tù với Ngụy Thanh Hằng (SN 1996, cùng ngụ Q.Bình...