Chính sách tài khóa: ‘Liều thuốc’ cho nền kinh tế
Năm 2022, tình hình kinh tế trong và ngoài nước còn nhiều diễn biến phức tạp, khó lường như lạm phát, giá dầu tăng cao, đòi hỏi chính sách tài khoá cần tiếp tục được thực hiện linh hoạt để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân và phục hồi kinh tế.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Bộ Tài chính đã nhanh chóng đề xuất, thực thi các chính sách tài khóa, góp phần quan trọng cho sự phục hồi và tăng trưởng khả quan của nền kinh tế.
Theo đó, Bộ Tài chính đã thực hiện chính sách tài khóa hỗ trợ phục hồi thúc đẩy nền kinh tế theo tinh thần các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ như giảm thuế suất thuế giá trị gia tăng, thuế xuất nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt và bảo vệ môi trường, hay gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước…
Và mặc dù “chưa có khi nào trong lịch sử giảm thuế nhiều như hiện nay” như Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã từng nói, nhưng kết quả, thu ngân sách nhà nước 7 tháng của năm 2022 vẫn đạt được kết quả tích cực. Tổng thu ngân sách Nhà nước 8 tháng năm 2022 ước đạt 1.208,2 nghìn tỷ đồng, bằng 85,6% dự toán năm và tăng 19,4% so với cùng kỳ năm trước.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Thúy, Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, Bộ Tài chính cho rằng, điều này phản ánh sự chuyển biến tích cực về phát triển kinh tế – xã hội trên cơ sở thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 theo tinh thần Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ ban hành quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19″và việc triển khai nhanh chóng, kịp thời các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng của dịch bệnh.
Đồng thời, phản ánh kết quả việc tăng cường quản lý thu ngân sách nhà nước, đặc biệt là các nguồn thu mới, phù hợp với thực tiễn, các cam kết hội nhập và thông lệ quốc tế tốt.
Video đang HOT
Theo TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính -Tiền tệ Quốc gia, Bộ Tài chính đã có sự chủ động, tích cực và quyết liệt trong việc đề xuất và thực thi chính sách tài khóa để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn gây ra bởi đại dịch COVID-19 theo tinh thần của Chương trình phục hồi kinh tế và đã đạt kết quả tích cực trong thu ngân sách cũng như các biện pháp miễn giảm thuế cho doanh nghiệp và người dân.
TS. Cấn Văn Lực cho rằng, vai trò các chính sách tài khóa đã thể hiện rõ qua nhiều phương diện. Nhờ các chính sách kiểm soát dịch bệnh linh hoạt, chính sách tài khóa với giảm, giãn hoãn thuế, tiền thuê đất, ổn định chi phí đầu vào cho doanh nghiệp đã giúp hoạt động sản xuất – kinh doanh phục hồi tích cực. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 8 tháng ước tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức 7,9% của cùng kỳ năm 2021 và tiệm cận mức 9,5% của cùng kỳ năm 2019, mức trước đại dịch.
Cùng với đó, chính sách tài khóa cũng góp phần kiểm soát giá cả, lạm phát trong bối cảnh đang tăng cao thông qua việc giảm thuế phí.
Đối với chi ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính cũng tiếp tục thực hiện theo hướng chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả, ưu tiên nguồn lực ổn định an sinh xã hội. Đồng thời, chính sách chi cũng được mở rộng thông qua việc tăng chi đầu tư cho hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng, trung tâm kiểm soát bệnh tật cấp vùng cũng như nâng cao năng lực phòng, chống dịch bệnh của ngành y tế; cấp bù lãi suất cho Ngân hàng Chính sách xã hội hỗ trợ vay ưu đãi tín dụng. Ngân sách nhà nước cũng chi cho đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng và hiện đại hóa các cơ sở trợ giúp xã hội, đào tạo, dạy nghề, giải quyết việc làm; hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động…
Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, việc thực hiện chính sách tài khóa vẫn còn một số khó khăn. Đó là thu ngân sách nhà nước, một số khoản thu, địa bàn đạt thấp, nhất là nguồn thu từ hoạt động xắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước, đến nay mới thực hiện thu 1,6 nghìn tỷ đồng trên tổng số 30 nghìn tỷ đồng dự toán. Việc quản lý thu vẫn còn tình trạng nợ đọng thuế của doanh nghiệp. Cụ thể, tổng số nợ thuế nội địa ước đến 31/7/2022 khoảng 133,6 nghìn tỷ đồng, tăng 16,2 % so với thời điểm cuối năm 2021; tình trạng gian lận, trốn thuế, quản lý thu thuế đối với các hoạt động kinh tế diễn biến phức tạp.
Hoạt động nghiệp vụ tại Kho bạc Nhà nước tỉnh Bến Tre. Ảnh tư liệu: Hoàng Hùng/TTXVN
Cùng với đó, tiến độ giải ngân vốn chậm, ước đến hết tháng 8/2022, tỷ lệ giải ngân đạt 35,49% kế hoạch, nếu so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao thì tỷ lệ giải ngân đạt 39,15%, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2021 (40,60%).
Theo Thạc sĩ Nguyễn Thị Thúy, giải ngân vốn đạt thấp không chỉ ảnh hưởng đến phát triển kinh tế, mà còn gây lãng phí do nguồn lực đã được huy động nhưng không được đưa vào nền kinh tế trong khi vẫn phải trả lãi.
Ngoài ra, áp lực bội chi và nợ công từ việc triển khai các gói hỗ trợ tài khóa để phục hồi kinh tế cũng là vấn đề đặt ra đối với việc thực hiện ngân sách nhà nước trong năm 2022.
Phân tích kĩ hơn về vấn đề này, Thạc sĩ Nguyễn Thị Thúy cho rằng, dư địa tài khóa và tình hình nợ công có xu hướng cải thiện trong những năm gần đây, tạo điều kiện thuận lợi để triển khai các biện pháp kích thích kinh tế trong bối cảnh dư địa tăng thu ngân sách nhà nước giai đoạn tới sẽ chậm lại, tỷ lệ trả nợ tăng nhanh. Điều này vừa khiến giảm dư địa cho nhiệm vụ chi đầu tư phát triển và chi thường xuyên của ngân sách nhà nước, vừa làm bội chi và nợ công tăng tiềm ẩn rủi ro đối với an ninh tài chính quốc gia, ảnh hưởng tiêu cực đến hệ số tín nhiệm quốc gia.
Để có thể triển khai tốt các chính sách tài khóa trong thời gian tới, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, cần tiếp tục phát huy phối hợp hiệu quả chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và chính sách giá cả, qua đó góp phần quan trọng kiểm soát lạm phát khoảng 4% năm nay và ổn định tỷ giá, lãi suất trong tầm kiểm soát.
Theo Bộ Tài chính, trong thời gian tới, cùng với việc triển khai quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ đã được ban hành, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục theo dõi sát tình hình thực tế để nghiên cứu, đề xuất các giải pháp phù hợp.
Đồng thời, Bộ Tài chính bám sát các chủ trương, định hướng đã được đề ra tại các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục nghiên cứu, tham mưu với cấp có thẩm quyền nhằm hoàn thiện đồng bộ hệ thống chính sách thuế phù hợp với các tiêu chuẩn của hệ thống thuế tốt theo thông lệ quốc tế. Qua đó, hệ thống thuế hướng tới đồng bộ, có cơ cấu bền vững, bảo đảm huy động hợp lý các nguồn lực cho ngân sách nhà nước, góp phần tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, công bằng, khuyến khích đầu tư, thúc đẩy cạnh tranh, điều tiết thu nhập hợp lý, phù hợp với quá trình hội nhập, phát triển của nền kinh tế…
Kiến nghị duy trì và mở rộng các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp
Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV) thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng vừa kiến nghị một số giải pháp gỡ khó cho doanh nghiệp trong quá trình phục hồi kinh tế.
Do cuộc chiến Nga - Ukraine, lạm phát ở Mỹ, Châu Âu và các chính sách thắt chặt với COVID-19 từ Trung Quốc, Nhật Bản... hiệu ứng thu hút khách quốc tế hiện nay hạn chế. Ảnh: Phan Sáu/TTXVN.
Mặc dù có nhiều giải pháp hỗ trợ của Chính phủ và các bộ, ngành, nhưng cộng đồng doanh nghiệp vẫn rất cần có sự trợ lực về tài chính để có thể duy trì hoạt động và phục hồi.
Trên cơ sở làm việc với 16 tổ chức, hiệp hội, để giải quyết khó khăn về tài chính cho doanh nghiệp, Ban IV đề xuất Chính phủ duy trì các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp về thuế, phí, tín dụng, giao Bộ Tài chính tiếp tục rà soát, mở rộng hỗ trợ, nhằm giảm gánh nặng chi phí của doanh nghiệp trong quá trình phục hồi; đẩy nhanh các gói hỗ trợ kinh tế bao gồm gói bù lãi suất bổ sung 40.000 tỷ đồng, giải ngân gói đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng trị giá 113.050 tỷ đồng, nhằm tạo điều kiện tốt hơn cho phục hồi nền kinh tế.
Bên cạnh việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục kiểm soát kỹ lưỡng dòng vốn tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro cao như: Bất động sản, chứng khoán, Ban IV đề xuất NHNN nghiên cứu phương án nâng "trần" tăng trưởng tín dụng đối với các ngân hàng thương mại để ưu tiên thúc đẩy các lĩnh vực sản xuất và dịch vụ, đặc biệt các lĩnh vực kinh doanh trọng điểm như: Du lịch, công nghiệp, xuất nhập khẩu, nông, lâm, thủy sản.
Để hỗ trợ ngành Du lịch nhanh chóng phục hồi, đặc biệt phục hồi lượng khách quốc tế tới Việt Nam, nhiều doanh nghiệp đề xuất Chính phủ chỉ đạo Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (Tổng cục Du lịch), các đại sứ quán Việt Nam tại nước ngoài, Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục phối hợp chặt chẽ và tăng cường hợp tác công tư để lên kế hoạch đồng bộ đẩy mạnh truyền thông quốc tế và tiếp thị du lịch ra quốc tế, đặc biệt tìm cơ chế phát huy mạnh mẽ vai trò của các Văn phòng xúc tiến du lịch Việt Nam tại một số nước (như Anh, Úc - đã được Hội đồng tư vấn du lịch TAB và các doanh nghiệp du lịch chủ động phát triển bước đầu).
Ban IV kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Ngoại giao, Bộ Công an nghiên cứu, đề xuất phương án cải thiện chính sách thị thực/thị thực điện tử theo hướng mở rộng thêm danh sách miễn thị thực cho các thị trường tiềm năng như: Hoa Kỳ, Ấn Độ, Canada, Úc, New Zealand, Thụy Sĩ, Bỉ, Hà Lan... nhằm đa dạng hóa thị trường, không để bị lệ thuộc vào một vài thị trường truyền thống, nhất là các thị trường chi phối trong khu vực nhưng du khách chưa sẵn sàng đi du lịch trở lại như: Nga, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản; tăng thời gian miễn thị thực cho các thị trường xa như thị trường châu Âu (Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Ý và các nước Bắc Âu) từ 15 ngày lên 30 ngày; áp dụng thị thực xuất - nhập cảnh nhiều lần và có giá trị miễn nhiều ngày hơn nhằm thu hút và giữ chân khách ở lại Việt Nam lâu hơn, qua đó tăng doanh thu cho ngành du lịch; giảm bớt giấy tờ và thủ tục với các doanh nghiệp lữ hành hoặc trực tiếp với du khách, đơn giản hóa thị thực điện tử và thị thực tại cửa khẩu để phát huy hiệu quả hơn nữa các hình thức thị thực này.
Ngoài ra, đối với các cải cách tới đây liên quan tới hệ thống cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch, đề xuất Chính phủ tăng cường các chương trình đối thoại, chia sẻ công - tư để doanh nghiệp nhận thức được tác dụng, hiệu quả và gia tăng sự ủng hộ, niềm tin với nỗ lực của ngành.
Qua nhiều phản ánh từ các tổ chức, hiệp hội, đại diện Ban IV cho biết: Hầu hết doanh nghiệp vẫn đứng trước khó khăn hết sức lớn về tài chính do thiếu vốn lưu động. Hệ lụy của hơn 2 năm đại dịch, nhiều doanh nghiệp đối mặt với tình trạng không có hoặc ít doanh thu nhưng vẫn phải đảm bảo chi trả tiền nợ, lãi vay ngân hàng cùng các khoản khác để duy trì, vận hành doanh nghiệp ở mức độ tối thiểu.
Sự thắt chặt của điều kiện tài chính toàn cầu cộng với đứt gãy chuỗi cung ứng, làm giảm triển vọng tăng trưởng của kinh tế toàn cầu, dẫn đến nhu cầu đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam thấp đi rất nhiều ở hầu hết các thị trường. Ngoài ra, việc đồng Việt Nam mạnh hơn tương đối so với những đồng tiền khác như: Yên Nhật hay đồng tiền chung châu Âu (Euro), khiến cho các doanh nghiệp có thị trường xuất khẩu tại Liên minh châu Âu hay Nhật Bản chịu nhiều bất lợi do thu về những đồng tiền đang mất giá mạnh.
IMF đánh giá cao các biện pháp của Việt Nam nhằm giảm tác động của đại dịch Ban Điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đánh giá cao việc các nhà chức trách Việt Nam đã áp dụng các chính sách để giảm bớt tác động của đại dịch COVID-19 trong lúc vẫn duy trì thành công sự ổn định ngân sách, năng lực trả nợ quốc tế và ổn định tài chính, đồng thời triển khai chiến dịch...