Chính sách ngoại giao của Mỹ thay đổi ra sao dưới thời Mike Pompeo?
Với việc chỉ định Mike Pompeo thay Ngoại trưởng Tillerson, Nhà Trắng nhiều khả năng sẽ đưa ra những quyết định cứng rắn hơn trong chính sách đối ngoại.
Những ngày gần đây, dư luận đang hướng sự tập trung vào việc Tổng thống Mỹ bất ngờ sa thải Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson và thay thế bằng Giám đốc Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) Mike Pompeo. Như vậy, sau nhiều tháng “cơm chẳng lành canh chẳng ngọt” với ông Tillerson, Tổng thống Donald Trump đã tìm kiếm được nhân vật cùng chiến tuyến với ông trước thềm một loạt sự kiện đối ngoại quan trọng.
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson (phải) và ông Mike Pompeo, giám đốc Cục tình báo trung ương Mỹ (CIA) (trái). Ảnh: CNN.
Chiếm được thiện cảm của Donald Trump
Ông Mike Pompeo được cho là người có phong cách tương đồng với Donald Trump từ quan điểm cho đến phát ngôn gây tranh cãi, nhờ vậy ông rất được lòng Tổng thống Mỹ.
Hãng tin Tân Hoa Xã (Trung Quốc) dẫn nhận định của chuyên gia Darrell West, thuộc Viện nghiên cứu Brookings cho biết: “Nhà Trắng chắc chắn sẽ “rắn tay” hơn trong chính sách đối ngoại bởi giờ đây sẽ có ít rào cản hơn và có nhiều tiếng nói ủng hộ hơn đối với Tổng thống Donald Trump.”
Theo giới phân tích Mỹ, ông Tillerson chịu trách nhiệm điều hành bộ máy ngoại giao của Mỹ, tuy nhiên trong thời gian qua, ông đã thất bại trong việc bảo vệ cơ quan này trước sự cắt giảm ngân sách, cũng như để trống nhiều chức vụ cao cấp trong Bộ Ngoại giao. Trái lại, ông Mike Pompeo lại được sự tín nhiệm cao của CIA và được đánh giá là một người quản lý tốt. Tiếng nói của ông rất có trọng lượng và luôn được Tổng thống Donald Trump lắng nghe. Đây sẽ là một lợi thế đối với ông cũng như với các nhân viên ngoại giao dưới quyền. Họ có lý do hợp lý để tin tưởng rằng khi Pompeo lên tiếng thì ít nhiều sẽ thể hiện quan điểm của Tổng thống Donald Trump, điều mà ông Rex Tillerson hiếm khi thực hiện.
Trong khi Tillerson nhiều lần đưa ra những phát ngôn kiềm chế hoặc phản đối những quyết định của Tổng thống Donald Trump đối với vấn đề Iran, Nga, Triều Tiên, thương mại và khí hậu, thì Pompeo đã chứng minh được ông là người trung thành với mọi quyết sách của nhà lãnh đạo Mỹ.
Nhà phân tích Darrell West nhận định, với việc trao cho Mike Pompeo vị trí chủ chốt này, Tổng thống Donald Trump sẽ có nhiều tự do hơn để thực thi các quyết sách về đối ngoại và ông sẽ ít kiềm chế hơn trong hành động.
Bảo đảm chính sách “Nước Mỹ trên hết”
Video đang HOT
Nhiều chuyên gia nhận định, sự thay đổi trong đội ngũ nhân sự của chính quyền Tổng thống Donald Trump sẽ không gây ảnh hưởng nhiều đến việc thúc đẩy chính sách ngoại giao “nước Mỹ trên hết”. Ông Dan Mahaffee, Phó Chủ tịch cấp cao, kiêm Giám đốc Chính sách của Trung tâm nghiên cứu Quốc hội và Tổng thống (Mỹ) cho rằng, việc sa thải Ngoại trưởng Rex Tillerson và thay thế bằng ông Mike Pompeo sẽ giúp tổng thống gạt bỏ được “chướng ngại” và đưa học thuyết “Nước Mỹ trên hết” tiến gần hơn với thực tiễn, bởi ông Mike Pompeo luôn có quan điểm ủng hộ xu thế này.
Ông Pompeo đồng quan điểm với Tổng thống Trump về biến đổi khí hậu khi cho rằng hiệp định về biến đổi Paris sẽ là “gánh nặng tốn kém” đối với Mỹ. Bên cạnh đó, ông cũng ủng hộ nhà lãnh đạo Mỹ rút hoặc chỉnh sửa một số thỏa thuận thương mại mà Tổng thống Donald Trump cho là gây tổn hại đến lợi ích của Mỹ như thỏa thuận NAFTA hay Hiệp định thương mại song phương (FTA) giữa Mỹ và Hàn Quốc.
Cứng rắn hơn người tiền nhiệm về các vấn đề ngoại giao
Ông Mike Pompeo được đánh giá là cứng rắn hơn so với Rex Tillerson về các vấn đề chủ chốt trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Điều này có thể khiến chính quyền Tổng thống Donald Trump hành xử nghiêm khắc hơn, đặc biệt là về vấn đề Iran và căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.
Việc chỉ định ông Mike Pompeo diễn ra trong bối cảnh căng thẳng leo thang giữa Mỹ và Triều Tiên bất chấp những tín hiệu nồng ấm hơn trong quan hệ liên Triều sau sự kiện Thế vận hội Mùa Đông Pyeongchang 2018. Nếu được Quốc hội Mỹ phê chuẩn, ông Pompeo sẽ đóng vai trò then chốt trong cuộc đàm phán sắp tới giữa Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un dự kiến diễn ra vào tháng 5/2018. Khác với người tiền nhiệm Rex Tillerson luôn có quan điểm dung hòa, ủng hộ tiếp xúc và đối thoại với Triều Tiên, tân Ngoại trưởng Mỹ được các chuyên gia cho là sẽ tiếp tục gây sức ép đối với Triều Tiên, thậm chí “chọc giận” nhà lãnh đạo Kim Jong-un.
Trước đó, ông Mike Pompeo đã đưa ra một loạt phát ngôn chỉ trích và lên án Triều Tiên. Tháng 10/2017, ông từng cảnh báo Bình Nhưỡng sẽ có thể tấn công hạt nhân một thành phố của Mỹ, đồng thời đổ lỗi cho các chính phủ tiền nhiệm về những thất bại trong ngăn chặn mối đe dọa tiềm ẩn này. Tiếp đến hôm 11/3, trả lời phỏng vấn hàng tin Fox News, Pompeo nhấn mạnh, Mỹ sẽ không nhượng bộ với Triều Tiên: “Đừng ảo tưởng, khi vẫn đang đàm phán, chúng tôi sẽ không có chút nhượng bộ nào”.
Troy Stangarone, giám đốc Viện Kinh tế Hàn Quốc tại Washington cho rằng, sự ra đi của ông Tillerson sẽ khiến nước Mỹ mất đi nhân vật ủng hộ chính sách đối thoại và tiếng nói ôn hòa.
“Mặc dù Tillerson không được Tổng thống Donald Trump đánh giá cao nhưng những chính sách đối ngoại của ông luôn nhận được sự ủng hộ rộng rãi. Còn ông Mike Pompeo sẽ làm gia tăng sự hoài nghi từ Triều Tiên và có thể khiến đối thoại Mỹ-Triều thành cuộc tranh cãi gay cấn.”
Liên quan đến hồ sơ Iran, trong khi ông Rex Tillerson luôn nhiệt thành bảo vệ thỏa thuận hạt nhân Iran và thuyết phục Tổng thống không nên rút khỏi thỏa thuận này, thì ông Mike Pompeo là quan chức cấp cao Nhà Trắng nổi bật nhất khuyến khích ông Trump hủy bỏ thỏa thuận và từng ủng hộ thay đổi thể chế Iran.
Theo Viện Trung Đông, ông Pompeo rất sẵn lòng tạo nền xung đột quân sự giữa Mỹ và Iran. Còn tờ Politico cho rằng, việc ông Pompeo thay thế ông Tillerson sẽ mở đường cho ông Trump hủy bỏ thỏa thuận. Một ngày trước khi Tổng thống Trump thông báo sẽ đề cử ông Pompeo viết trên Twitter rằng: “Tôi mong mỏi được quay ngược thỏa thuận tai hại với nhà nước tài trợ khủng bố lớn nhất thế giới”.
Về quan hệ với Nga, giới phân tích nhận định, những thay đổi nhân sự trong chính quyền Tổng thống Donald Trump sẽ khó có thể dẫn đến những biến chuyển tốt đẹp hơn trong quan hệ Nga-Mỹ. Phó giám đốc Trung tâm Phân tích Tình hình Chính trị Nga ông Oleg Ignatov cho biết: “Chúng ta không nên kỳ vọng có bất cứ tiến triển nào. Hiện tại, mối quan hệ giữa hai quốc gia đang rất xấu và có nhiều dấu hiệu cho thấy sẽ sụt giảm nghiêm trọng hơn. Tôi lo ngại rằng sự xung đột về ngoại giao có thể gia tăng.”
Chuyên gia Vladimir Batjuk lãnh đạo Trung tâm nghiên cứu quân sự-chính trị của Viện Mỹ và Canada: “Nếu nói không phải là về phong cách mà về nội dung chính sách đối ngoại của Mỹ thì ở đây rất ít thay đổi. Giống như Tillerson, Pompeo sẽ cố gắng theo đuổi chính sách đối ngoại của Tổng thống Trump”. Chuyên gia này cũng nói thêm, quyết định của Quốc hội Mỹ áp đặt trừng phạt chống Nga đang tạo ra rào cản lớn cho việc bình thường hóa quan hệ Nga-Mỹ, bất kể dưới thời chính quyền, Tổng thống, hay Ngoại trưởng nào chăng nữa.
Theo Hồng Anh
VOV
Chân dung "bông hồng thép" đầu tiên được đề cử lãnh đạo CIA
Là đặc vụ với lập trường cứng rắn, bà Gina Haspel được Tổng thống Donald Trump bổ nhiệm làm Giám đốc CIA và sẽ trở thành người phụ nữ đầu tiên lãnh đạo cơ quan tình báo hàng đầu này sau quá trình phê chuẩn của Thượng viện Mỹ.
Đặc vụ cứng rắn
Bà Gina Haspel (Ảnh: CBS)
Tổng thống Donald Trump ngày 13/3 thông báo đã đề cử Phó Giám đốc Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) Gina Haspel làm Giám đốc CIA, sau khi ông chủ Nhà Trắng sa thải Bộ trưởng Ngoại giao Rex Tillerson và đưa Giám đốc CIA Mike Pompeo vào vị trí này. Nếu được Quốc hội Mỹ phê chuẩn, bà Gina Haspel sẽ là phụ nữ đầu tiên giữ chức lãnh đạo CIA trong lịch sử của cơ quan tình báo hàng đầu này.
Trong thông cáo được đưa ra sau thông báo đề cử của Tổng thống Trump, RT dẫn lời bà Haspel cho biết: "Tôi rất vinh dự được Tổng thống Trump trao cho cơ hội được giữ chức Giám đốc Cục Tình báo Trung ương Mỹ. Nếu được phê chuẩn, tôi hy vọng sẽ mang đến cho Tổng thống Trump sự hỗ trợ xuất sắc về tình báo như ông vẫn kỳ vọng trong năm đầu tại nhiệm".
Theo CBS, bà Gina Haspel sinh ngày 1/10/1956, có nhiều tiếng tăm trong giới tình báo và là người theo đuổi lập trường cứng rắn. Bà bắt đầu làm việc tại CIA từ năm 1985, trong đó phần lớn thời gian là hoạt động bí mật, và được ông Trump đề cử làm phó Giám đốc CIA từ tháng 2/2017. Tuy nhiên, quyết định bổ nhiệm bà Haspel từng là chủ đề gây tranh cãi liên quan tới việc bà từng quản lý một nhà tù "đen" chuyên giam giữ các tội phạm khủng bố của Mỹ.
Là một sĩ quan tình báo kỳ cựu của Mỹ, trong những tháng gần đây, bà Haspel chịu trách nhiệm quản lý công việc hàng ngày tại CIA trong lúc ông Pompeo phải dành nhiều thời gian làm việc tại Nhà Trắng. Trong 30 năm công tác tại CIA, bà Haspel đã nhiều lần nắm giữ các vị trí lãnh đạo cấp cao tại các cơ quan quan trọng như Cục Bí mật Quốc gia hay Trung tâm chống khủng bố. Bà Haspel từng được trao tặng những danh hiệu cao quý, trong đó có Presidential Rank Award - phần thưởng cao nhất dành cho các cá nhân hoạt động trong lĩnh vực dân sự liên bang.
Gina Haspel là một trong những sĩ quan tình báo hàng đầu của Mỹ tham gia vào chương trình thẩm vấn nghi phạm khắc nghiệt dưới thời cựu Tổng thống George W. Bush. Các tổ chức nhân quyền đã lên án mạnh mẽ chương trình này vì cho rằng tình báo Mỹ đã sử dụng các biện pháp tra tấn tù nhân vô nhân đạo.
Bà Haspel có nhiều kinh nghiệm công tác tại các căn cứ của Mỹ ở nước ngoài và từng điều hành một nhà tù đen của Mỹ ở Thái Lan - nơi giam giữ các nghi phạm khủng bố của tổ chức al-Qaeda hồi năm 2002. Đây cũng là nhà tù bí mật ở nước ngoài đầu tiên của CIA và bị nghi ngờ áp dụng nhiều hình thức tra khảo cực hình đối với các tù nhân, trong đó có "trấn nước" - biện pháp tra tấn sử dụng vải che mặt nghi phạm và liên tục dội nước khiến nghi phạm có cảm giác sắp chết ngạt.
Vai trò tranh cãi
Trụ sở CIA (Ảnh: Rex)
The Times đưa tin bà Haspel từng đóng vai trò trực tiếp trong một chương trình của CIA, trong đó cho phép chuyển các phiến quân khủng bố bị bắt giữ cho chính phủ nước ngoài và giam giữ họ tại những cơ sở bí mật. Theo Vox, bà Haspel cho đến nay vẫn là một nhân vật gây tranh cãi trong chính quyền Mỹ vì vai trò của bà khi tham gia chương trình tra tấn của CIA.
Theo New Yorker, trong thời gian bà Haspel quản lý nhà tù ở Thái Lan, một trong số các nghi phạm khủng bố bị giam giữ là Abu Zubaydah người được cho là "bị tra tấn tàn nhẫn tới mức dường như đã thiệt mạng". Các đặc vụ CIA bị cáo buộc đã "trấn nước" Zubaydah 83 lần, thậm chí còn ném nghi phạm này vào tường nhiều lần. Một nghi phạm khác là Abd al Rahim al-Nashiri cũng từng bị "trấn nước" vào năm 2002 và đang bị giam giữ tại nhà tù khét tiếng Guantanamo Bay ở Cuba.
Ngoài ra, CIA cũng bị nghi ngờ đã tìm cách xóa các video ghi lại cảnh tra tấn các nghi phạm bên trong các nhà tù. Theo Vox, 92 đoạn băng video vẫn được lưu giữ cho tới khi CIA loại bỏ chúng vào năm 2005 và bà Haspel được cho là có liên quan tới quyết định xóa dấu vết. Bộ Tư pháp Mỹ từng vào cuộc điều tra vụ xóa các video tra tấn của CIA, song rốt cuộc không khởi kiện vụ việc này. Tới năm 2009, cựu Tổng thống Barack Obama đã ra lệnh đóng cửa các nhà tù đen của CIA và cấm sử dụng các biện pháp như "trấn nước" để tra khảo nghi phạm.
Mặc dù các nhà tù đen của CIA bị đóng cửa, song sự trở lại của bà Haspel trong vai trò Phó Giám đốc CIA hồi năm ngoái và Giám đốc CIA trong thời gian tới đã đặt ra nhiều nghi vấn về khả năng chương trình gây tranh cãi của CIA có thể được hồi sinh. Điều đáng nói là đương kim Tổng thống Donald Trump cũng từng tuyên bố rằng ông ủng hộ việc áp dụng trở lại các biện pháp tra khảo đối với các nghi phạm khủng bố. Theo CNN, trong phiên chất vấn sắp tới Thượng viện trước khi được bổ nhiệm chính thức vào vị trí lãnh đạo CIA, bà Haspel có thể sẽ phải điều trần về vai trò của bà liên quan tới nghi vấn tra khảo tù nhân tại Thái Lan.
Mặc dù Tổng thống Trump dành nhiều lời khen ngợi cho bà Haspel khi đề cử bà làm Giám đốc CIA, song bà có thể sẽ vấp phải sự phản đối từ tất cả thành viên đảng Dân chủ và một số nghị sĩ đảng Cộng hòa tại Thượng viện trong quá trình bỏ phiếu thông qua đề cử, theo Reuters.
"Việc tra tấn những người bị bắt giữ tại nhà tù Mỹ trong thập niên vừa qua là một trong những chương đen tối nhất trong lịch sử Mỹ. Bà Haspel phải đưa ra lời giải thích về bản chất cũng như mức độ liên quan của bà trong chương trình tra tấn của CIA trong quá trình phê chuẩn (đề cử Giám đốc CIA)", thượng nghị sĩ John McCain, Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ, nhấn mạnh.
Thành Đạt
Theo Dantri
Tổng thống Trump thừa nhận mâu thuẫn với Ngoại trưởng Tillerson Tổng thống Donald Trump thừa nhận ông và Ngoại trưởng Rex Tillerson từng bất đồng quan điểm về một số vấn đề trước khi nhà lãnh đạo Mỹ thông báo quyết định bổ nhiệm ngoại trưởng mới. Tổng thống Donald Trump và Ngoại trưởng Rex Tillerson (Ảnh: Reuters) Tổng thống Donald Trump hôm nay 13/3 bất ngờ thông báo trên mạng xã hội...