Chính sách kinh tế “không giống ai” khuấy đảo Trung Quốc
“Thị trường chứng khoán TQ là một vấn đề hết sức đặc thù; không giống sự phát triển của nền kinh tế thị trường đã phát triển, mà đây là một mô hình phương Tây lai ghép trên điều kiện kinh tế TQ”.
LTS: Tuần Việt Nam tiếp tục cuộc trao đổi về kinh tế Trung Quốc với hai chuyên gia: TS Phạm Sỹ Thành, GĐ Chương trình Nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) thuộc Trường ĐH Quốc gia HN; TS Trương Minh Huy Vũ, GĐ Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế (SCIS) thuộc ĐH Khoa học Xã hội – Nhân văn TP HCM.
TQ đang mất ưu thế vốn có
Hoàng Hường: Những ưu thế của thị trường Trung Quốc như lao động rẻ và xuất khẩu dường như đang mất đi, ông có nghĩ vậy không?
TS Phạm Sỹ Thành: Hiện nay sức cạnh tranh của TQ trên thị trường quốc tế đã không còn như trước. Nguồn gốc lợi thế cạnh tranh của Trung Quốc trước hoàn toàn dựa trên lao động giá rẻ, vốn rẻ, lãi suất thấp. Nhờ vào hai nguồn lực rẻ ấy TQ xuất khẩu hàng hóa thâm dụng lao động với giá rất rẻ. Điều này cộng thêm hiệu ứng kinh tế nhờ quy mô khiến Trung Quốc có lợi thế cạnh tranh khổng lồ so với các nước khác.
Tuy nhiên, chính sách một con khiến cho dân số TQ già hóa rất nhanh và cung lao động không bắt đầu giảm. Có thể nói là nguồn lợi dân số trước đây của Trung Quốc không còn.
Khi mất đi nguồn lợi này áp lực tăng lương ngày càng mạnh. Trong khi lương của công nhân TQ mỗi năm tăng khoảng 10%, thì sản xuất công nghiệp tăng trưởng khoảng 7% và lợi nhuận 4%, rõ ràng là không theo kịp được mức tăng về chi phí lao động.
Điều này khiến không chỉ doanh nghiệp nước ngoài mà rất nhiều doanh nghiệp TQ cũng đã phải đầu tư ra nước ngoài để tránh áp lực ngày càng gia tăng về chi phí lao động ở trong nước. Bên cạnh đó các chính sách nhà nước về vấn đề vốn không còn nhiều ưu đãi như thời điểm TQ bắt đầu cải cách mở cửa.
TS Trương Minh Huy Vũ: Một điểm quan trọng là việc chuyển đổi mô hình kinh tế của Trung Quốc hay đi tìm một trạng thái thông thường mới; tức là trên căn bản phải đi tìm một trạng thái thông thường mới về mặt năng lực thể chế. Trong những điểm đó thì việc kích hoạt một nền kinh tế thị trường đầy đủ, cũng như kích thích sự sáng tạo, sử dụng ít lao động mang tính chiến lược cao hơn là vấn đề quan trọng.
Trong giai đoạn “vùng nước sâu và xoáy”, chúng ta hình dung những bước sắp tới của cải cách Trung Quốc lâm vào một tình thế khác hoàn toàn so với 10 năm trước đó. Trong một khoảng thời gian rất dài, chúng ta đã thảo luận về sự trỗi dậy của Trung Quốc và phản ứng của các quốc gia, như của Mỹ, của Nhật Bản với sự trỗi dậy của TQ thế nào. Đặc biệt ứng biến của các nước Đông Nam Á cũng như Việt Nam thế nào? Đó là ứng biến của các quốc gia với một cường quốc đang trỗi dậy, đang mạnh.
Từ ứng biến của một quốc gia trỗi dậy, những năm sắp tới ta có câu hỏi là ứng biến với một Trung Quốc điều chỉnh thế nào? Khái niệm điều chỉnh theo ý nghĩa không phải TQ đang đi xuống, mà TQ đang có một quá trình điều chỉnh. Bất kì sự điều chỉnh nào cũng có một số sự hy sinh nhất định, lựa chọn nhất định hay xác định lại ưu tiên. Những ưu tiên đó sẽ có sự tác động tới cải cách chính trị, kinh tế Trung Quốc và những lựa chọn chính sách đối ngoại với Trung Quốc.
Một “mô hình phương Tây lai ghép trên điều kiện kinh tế Trung Quốc”
Thị trường chứng khoán TQ “không giống ai”
Hoàng Hường: Có hai ý kiến tôi chú ý: thứ nhất, thị trường chứng khoán TQ không vận động theo quy luật thị trường tự nhiên, mà bị tác động bởi truyền thông và Nhà nước. Thứ hai, có thể là năm 2016 thì Trung Quốc sẽ chính thức quốc tế hóa NDT. Bình luận của ông?
Video đang HOT
TS Phạm Sỹ Thành: Như tôi phân tích ban đầu, sự phát triển của thị trường chứng khoán TQ là một vấn đề hết sức đặc thù; không giống sự phát triển của nền kinh tế thị trường đã phát triển hoàn hảo như Mỹ, phương Tây hay Nhật Bản, Hàn Quốc… mà đây là một mô hình phương Tây lai ghép trên điều kiện kinh tế Trung Quốc.
Từ góc độ nghiên cứu, chúng tôi thấy thị trường chứng khoán TQ có hai đặc điểm: thứ nhất, không liên quan gì đến sự phát triển của kinh tế thật, dù kinh tế thật có tăng trưởng hay không thì sự tăng hay giảm của chứng khoán cũng không có liên quan; thứ hai, 80% giá trị vốn hóa này là của doanh nghiệp Nhà nước.
Trên thực tế đây là một kênh huy động vốn cho doanh nghiệp Nhà nước nhiều hơn là thị trường mở cho tất cả các doanh nghiệp do đó mang tính chất dị hình từ sơ khai. Điều này được quyết định bởi cấu trúc kinh tế cũng như vấn đề sở hữu kinh tế ở TQ từ trước đến nay. Quan điểm năm 2016 tài khoản vốn của họ có thể chuyển đổi hoàn toàn thì tôi cho rằng hơi sớm.
TS Trương Minh Huy Vũ: Cuối năm 2014 ta thấy rầm rộ dự án “Một vành đai, một con đường” của Trung Quốc. Đi kèm với đó là Ngân hàng Cơ sở hạ tầng Châu Á (AIIB), và Quỹ Con đường tơ lụa 40 tỷ đô la với dự định thiết lập, kết nối, đầu tư nhiều dự án ở Trung Á, Đông Nam Á, cũng như mở ra các cảng biển của khu vực Đông Á và xuyên Ấn Độ Dương. Khi TQ điều chỉnh phát triển, hệ thống chính trị, cải cách thì những dự án đó sẽ được điều chỉnh như thế nào? Đây là một câu hỏi cần đặt ra.
Tháng 9 sắp tới Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ có một chuyến đi đến Hoa Kỳ gặp Tổng thống Obama. Trong tư thế là điều chỉnh chính sách đối ngoại và cải cách đối ngoại trong nước cả kinh tế lẫn chính trị, thì ứng phó của Trung Quốc với cường quốc số 1 thế giới là Mỹ sẽ thế nào?
Trong một thời gian dài, có hai dòng nghiên cứu về sự tương tác giữa tình hình trong nước, tức quốc nội Trung Quốc với chính sách đối ngoại: dòng thứ nhất nói rằng khi gặp những khó khăn trong quốc nội, Trung Quốc có xu hướng đẩy lửa ra ngoài; sử dụng sự kiện hay chính sách quốc tế để chuyển trọng tâm chú ý của người dân và các nhóm xã hội ra bên ngoài. Chẳng hạn các vấn đề biển đảo, vấn đề tranh chấp với Mỹ, Nhật Bản.
Xu hướng thứ hai nói ngược lại: với tư cách là sự chuyển đổi hoặc điều chỉnh chính sách, cải cách và nhiều vấn đề trong hệ thống quản trị và phát triển, Trung Quốc không phải còn mạnh như một cường quốc đang lên nữa. TQ phải tự điều tiết nhiều vấn đề trong chính sách đối ngoại, hay trong các tiếp cận trong vấn đề khu vực và thế giới.
Chúng tôi ghi nhận hai quan điểm đó, nhưng tôi nghĩ nó sẽ chỉ thể hiện một phần những gì chúng ta thấy được về điều chỉnh chính sách đối ngoại của Trung Quốc sắp tới Nói cách khác, sự tác động của tình hình đối nội và đối ngoại của Trung Quốc, một trong những cách mà chúng ta có thể thấy sắp tới là Trung Quốc sẽ lựa chọn lại một sự ưu tiên và tách chính sách đối ngoại ra từng lớp khác nhau.
Lấy trường hợp hiện giờ ở Biển Đông chẳng hạn, việc Trung Quốc có những khó khăn trong đối nội hay không thì vấn đề Biền Đông vẫn sẽ không thay đổi. TQ sẽ sử dụng cách thức lấn từ từ và tiếp tục là tạo ra những điểm semi, những lát cắt nhỏ nhưng đau ở mức dưới mức chịu đựng, hay dưới mức gây lên xung đột lớn.
Cách thức đó sẽ không phụ thuộc nhiều vào nền kinh tế TQ có tái cấu trúc không hay tình hình chính trị TQ chuyển đổi theo một trạng thái thông thường mới như thế nào.
Cái chúng ta có thể nói về chính sách đối ngoại tương lai của TQ là xem ông Tập Cận Bình sẽ lựa chọn những thành tố nào là ưu tiên, có tạo ra một sự hy sinh lớn khiến nền kinh tế TQ đi xuống như năm 2008 không; lúc đó thì mới có thể bắt đầu nói về sự tác động của tình hình đối nội với một sự điều chỉnh đối ngoại toàn diện cấu trúc và toàn thể TQ.
Hoàng Hường (thực hiện)
Theo Vietnamnet
Nhiều dự án Trung Quốc ở nước ngoài "thúc đẩy tham nhũng"
"Trong những đại dự án Trung Quốc (TQ) đầu tư ra ngoài trong vòng 15 năm lại đây, có những công trình của TQ tạo ra nhiều vấn đề" - TS Trương Minh Huy Vũ.
LTS: Thời gian vừa rồi, nền kinh tế Trung Quốc liên tục có những biến động như sự chao đảo thị trường chứng khoán, việc phá giá đồng Nhân dân tệ. Đối với một quốc gia đang lên, có ảnh hưởng toàn cầu như TQ, bất kỳ biến động nào cũng sẽ có tác động sâu sắc đến thị trường quốc tế, khu vực và đặc biệt Việt Nam, quốc gia láng giềng có nhiều quan hệ thương mại với TQ.
Chúng tôi cùng trao đổi với hai chuyên gia kinh tế: TS Phạm Sỹ Thành, GĐ Chương trình Nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) thuộc Trường ĐH Quốc gia HN; TS Trương Minh Huy Vũ, GĐ Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế (SCIS) thuộc ĐH Khoa học Xã hội - Nhân văn TP HCM.
'Bong bóng' kinh tế TQ là hiện tượng phi ý chí
Nhà báo Hoàng Hường: Ông có bình luận gì về những biến động của nền kinh tế TQ trong thời gian gần đây?
TS Phạm Sỹ Thành: Theo tôi sự sụt giá với biên độ rất lớn của thị trường TQ trong 3 đợt vừa qua có rất nhiều nguyên nhân, tuy nhiên tôi cho rằng có một nguyên nhân chính từ nội tại của nền kinh tế TQ. Đầu tiên là toàn bộ sự phát triển nóng của nền chứng khoán TQ và hiện tượng bong bóng là hiện tượng phi ý chí.
Vấn đề ở chỗ là chứng khoán Trung Quốc không có bất cứ quan hệ gì với phát triển kinh tế thực của Trung Quốc, nền sản xuất thực. Thông thường phát triển nóng khi mà kinh tế đang tăng trưởng tốt, hoặc là triển vọng tăng trưởng mạnh.
Tuy nhiên, một năm vừa qua triển vọng tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc rất ảm đảm và &'sự phát triển' liên quan đến sự thúc đẩy thổi bong bóng một cách phi thị trường, hành chính của chính quyền. Những cơ quan ngôn luận chính thức của Trung Quốc như Nhân dân Nhật báo hay Tân Hoa Xã từ tháng 3 năm ngoái cũng đã gia nhập trào lưu đưa ra những bài phân tích cổ vũ việc mua, chơi chứng khoán.
Ngoài ra, còn vấn đề nữa là sự xuất hiện nhiều nhà đầu tư tư nhân sau những cỗ vũ đó cũng là nguyên nhân khiến thị trường thành &'bong bóng'. Khi xảy ra vấn đề thì xung đột nhanh chóng do tâm lý bầy đàn và số lượng nhà đầu tư đông.
Khác với những quốc gia khác, vai trò của quỹ đầu tư Trung Quốc rất hạn chế, thị trường phân tán bởi rất nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ, rất khó kiểm soát. Về mặt kỹ thuật, nguyên nhân chính là do Trung Quốc chưa không có nghiệp vụ bản khống, khiến cho bong bóng khi tăng thì rất nóng, khi vỡ thì các nhà đầu tư tìm cách lách luật bán tháo cổ phiếu, và sau đó thì đà chơi chứng khoán càng mạnh hơn.
TS Trương Minh Huy Vũ: Quan điểm của nhóm nghiên cứu chúng tôi là các cải cách của Trung Quốc hiện nay đang trong quá trình đi tìm một trạng thái thông thường mới. Khái niệm trạng thái thông thường mới do chính Chủ tịch Tập Cận Bình đưa ra. Lúc đầu chỉ nói về vấn đề kinh tế, tức là còn phải thay đổi về mô hình tăng trưởng; cần chủ động giảm tăng trưởng nóng, cũng như giảm những mô hình kinh tế xuất khẩu, kinh tế dựa trên mô hình đầu tư sang một mô hình tăng trưởng khác bền vững hơn, bao hàm các nhóm khác nhau trong xã hội hơn.
Trong quá trình nghiên cứu chúng tôi nhận thấy việc chuyển đổi mô hình kinh tế tăng trưởng hiện giờ đang tập trung nhiều vào bộ phận kỹ thuật và vấn đề chính sách mà chưa có một lộ trình dài hơi về mặt thể chế.
Chúng tôi đưa ra khái niệm là năng lực thể chế của TQ hiện giờ không đi song hành với nỗ lực cải cách của chính phủ TQ hiện nay, thể hiện qua rất nhiều yếu tố.
Sự lệch pha giữa năng lực thể chế đó, chẳng hạn như khi ta nói về quốc tế hóa NDT, câu hỏi đầu tiên là để NDT thành đồng tiền quốc tế, tự do về tài khoản vốn Trung Quốc phải được diễn ra. Như ý kiến đến năm 2016 quốc tế hóa NDT, tôi thấy là lâu hơn.
Trung Quốc liên tiếp giảm tỷ giá tham chiếu Nhân dân tệ. (Ảnh:Bloomberg)
Hoàng Hường: Không chỉ ở chứng khoán, còn những vấn đề tăng trưởng nóng ở Trung Quốc thì sao?
TS Phạm Sỹ Thành: Thực ra tăng trưởng nóng của Trung Quốc đã xảy ra từ cách đây khoảng 10 năm rồi. Lần thứ nhất là đợt khủng hoảng tài chính tiền tệ năm 2008, Trung Quốc bơm ra 4000 tỷ, lúc đấy kinh tế Trung Quốc đã ngay lập tức tăng trưởng trên mức 2 con số, đó là giai đoạn nóng, hình thành dựa trên đầu tư kích thích kinh tế quy mô lớn, tuy nhiên là ngay sau đấy các tác động của hoạt động này là không còn dài.
Trên thực tế từ năm 2008 đến nay kinh tế Trung Quốc bắt đầu suy giảm tăng trưởng rõ nét, và suy giảm tăng trưởng đã định hình chứ không phải là một xu thế mờ nhạt nữa.
TS Trương Minh Huy Vũ: Những vấn đề như đầu tư ra ngoài hay sử dụng khái niệm, một đại dự án &'Một vành đai, một con đường' để xây dựng, kết nối Trung Á, Đông Nam Á và các khu vực khác nhau bằng những đại công trình lớn trên thế giới. Trong những đại dự án TQ đầu tư ra ngoài trong vòng 15 năm lại đây, có những công trình TQ có những công trình tạo ra nhiều vấn đề. Những vấn đề đó thường tạo ra hệ quả là thúc đẩy tham nhũng những ở nước đó; hoặc là không minh bạch, hoặc là mức độ lan tỏa của dự án đối với người dân địa phương đó rất thấp, thấp hơn nhiều so với các dự án khác.
Phá giá Nhân dân tệ chưa ảnh hưởng nhiều tới VN
Hoàng Hường: Việc phá giá đồng nhân dân tệ của Trung Quốc sẽ tác động thế nào đến thị trường khu vực và Việt Nam?
TS Phạm Sỹ Thành: Với biên độ phá giá tương đối nhỏ và sau đó các hoạt động nó mua lại, mua vào của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc khiến cho tỷ giá nhân dân tệ đã tăng trở lại nhất định, thì tác động của việc TQ phá giá lên các thị trường xung quanh thì không nhiều, không mạnh như là phản ứng ban đầu của các thị trường này.
Một phần là khi đồng nhân dân tệ (NDT) phá giá thì tất cả các quốc gia có mặt ở TQ cũng được lợi. Khi TQ xuất khẩu hàng hóa thì các nước bán nguyên vật liệu hoặc các linh phụ kiện cho TQ sẽ được lợi từ quá trình xuất khẩu đấy.
Ngoài ra, khi TQ phá đồng nhân dân tệ, các quốc gia -chẳng hạn như VN - cũng được lợi nhất định khi hạ được giá thành nhập khẩu, nhưng điều này phải xem xét rất cụ thể đến cơ cấu thương mại của từng quốc gia.
Hoàng Hường: Cụ thể thị trường VN, hay những người làm ăn như TQ cần chuẩn bị tâm thế nào?
TS Phạm Sỹ Thành: Trong dài hạn, tác động của việc đồng NDT hạ giá sẽ phụ thuộc vào việc hoạt động thương mại thanh toán bằng đồng tiền nào? Bằng dollar thì việc NDT mất giá so với USD và tiền Việt Nam cũng phá giá so với dollar thì có thể có tác động. Thực tế, ảnh hưởng đến hoạt động thanh toán của doanh nghiệp không nhiều, là một tác động gián tiếp, giống như biến động tỷ giá thị trường tự do tạo ra một áp lực điều hành tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước.
Tuy nhiên, tôi cho rằng thời điểm hiện tại, Ngân hàng Nhà nước có đủ công cụ và thực lực để giải quyết bài toán tỷ giá. Vừa rồi tỷ giá tăng lên 3% là dữ liệu lớn với hướng giải quyết bài toán tỷ giá.
(Còn nữa)
Hoàng Hường (thực hiện)
Theo Vietnamnet
Nhiều nước sẵn sàng từ chối "ông nhà giàu" Trung Quốc Sự trỗi dậy của Trung Quốc về quân sự và những tranh chấp lãnh thổ-lãnh hải với khu vực láng giềng khiến cho chính phủ các nước nghi ngại các dự án đầu tư sẽ được dùng làm vũ khí chính trị. Năm 2014, vốn đầu tư trực tiếp ra nước ngoài (ODI) của Trung Quốc đạt mức kỷ lục 102 tỷ USD...