Chính sách đặc thù chưa thỏa mãn nhu cầu đột phá của TPHCM?
Theo GS-TS Nguyễn Ngọc Giao, Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học – Kỹ thuật TPHCM, Nghị quyết 54 chưa thực sự thỏa mãn để thành phố phát triển đột phá vì quy định quá cụ thể, vẫn là “vòng kim cô”. Ông cho rằng thành phố nên khai thác, tích hợp nghị quyết vào từng chương trình đột phá cụ thể như thu hút nhân tài, giảm ngập…
Ngày 6/7, Hội nghị lần thứ 17 Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM khóa X bước vào ngày làm việc thứ ba với phiên thảo luận tại hội trường.
Tại đây, bà Nguyễn Thị Thu Hà – Bí thư Quận ủy quận Bình Thạnh – cho rằng chương trình chỉnh trang đô thị gặp khó khăn về nguồn vốn. Theo kế hoạch, dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm (quận Bình Thạnh) sẽ hoàn thành giải phóng mặt bằng trong năm 2018. Thế nhưng đến nay vẫn chưa có nhà đầu tư.
Hội nghị dành nhiều thời gian để thảo luận về việc thực hiện 7 chương trình đột phá của TPHCM
Bà Hà kiến nghị cần phải đánh giá lại tất cả các dự án đã nêu trong chương trình như tiến độ giải phóng mặt bằng, các thủ tục triển khai các dự án tới đâu, khả năng triển khai nguồn vốn của thành phố như thế nào…
Theo đó, thành phố cần xác định ưu tiên dự án nào có thể hoàn thành giải phóng mặt bằng vào năm 2018-2019, dự án nào có thể hoàn thành thủ tục, dự án khởi công cuối nhiệm kỳ này, như thế mới có thể hoàn thành một số dự án.
Cũng theo bà Hà, khi dự án chậm thì có sự đùn đẩy trách nhiệm qua lại giữa địa phương với sở, ngành. Do đó, bà đề nghị phải có quy trình kiểm tra để xác định trách nhiệm của các đơn vị liên quan khi triển khai dự án.
“Phải mạnh dạn phân công một sở, ngành chủ trì dự án. Khi mời họp thì lãnh đạo các sở, ngành liên quan phải đi. Như thế thì dự án mới triển khai đồng bộ và đánh giá được trách nhiệm”, bà Hà nói.
Trong khi đó, GS-TS Nguyễn Ngọc Giao, Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học – Kỹ thuật TP, cho rằng hội nghị giữa nhiệm kỳ mà đánh giá cho một nhiệm kỳ của đại hội thì rất khó vì một nhiệm kỳ dài 5 năm có nhiều điều xảy ra.
Theo ông, 7 chương trình đột phá chắc vĩnh viễn chỉ sơ kết chứ không bao giờ tổng kết vì tổng kết thì phải hoàn thành. Trong khi thành phố khó hoàn thành các chương trình này và vẫn tiếp tục làm.
“Cải cách thủ tục hành chính chưa hoàn thành. Sắp xếp lại bộ máy cũng chưa xong, đào tạo nguồn nhân lực chưa xong, ngập nước cũng đang giải quyết, năm nào tới mưa lại bàn. Có thể các chương trình có nhiều bước tiến nhưng chỉ sơ kết thôi. Vì vậy, nên chăng đổi tên thành 7 chương trình trọng tâm”, ông Giao nói.
Video đang HOT
Theo ông Giao, đột phá là phải giải quyết trong một khoảng thời gian nhất định, phải vượt qua rào cản để làm được việc. Còn chương trình trọng tâm thì có thể làm nhiều năm, nhiều nhiệm kỳ.
Vấn đề khai thác nghị quyết 54 của Quốc hội được xem là giải pháp quan trọng để thành phố phát triển đột phá
Bên cạnh đó, GS-TS Nguyễn Ngọc Giao cho rằng Nghị quyết 54 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù cho thành phố mang lại niềm phấn khởi chung cho thành phố nhưng bản thân ông chưa thấy thỏa mãn. Bởi lẽ, nghị quyết quy định có rộng hơn trước nhưng quá cụ thể. “Cảm giác “vòng kim cô” mở rộng nhưng vẫn là “vòng kim cô”. Cá nhân tôi thấy không thỏa mãn lắm”, ông Giao nói.
Ông Giao đưa ra dẫn chứng, thành phố có nhiều biện pháp thu hút nhân tài để phát triển nguồn nhân lực nhưng vẫn bị Trung ương quy định mức lương tối đa. Mà thủ tục để được hưởng lương đó cũng rất “trần ai”.
Theo ông, đúng ra không nên hạn chế lương. Tùy theo nhu cầu của các cơ quan, đơn vị mà người ta thu hút nhân tài. Kinh phí chi như thế nào thì sẽ báo chứ không nên quy định mức tối đa.
Một dẫn chứng khác là trường Đại học Hoa Sen bổ nhiệm GS Trương Nguyện Thành làm hiệu trưởng nhưng Bộ Giáo dục – Đào tạo bác vì không đúng quy định của Bộ.
“Nếu cần thiết bổ nhiệm thì thành phố có quyền bổ nhiệm không? Nếu ông này xứng đáng được bổ nhiệm thì với cơ chế đặc thù thành phố được bổ nhiệm hay vẫn theo quy định của bộ?”, ông Giao đặt vấn đề.
Trong lĩnh vực chống ngập, GS Giao cho biết vừa qua có một đơn vị trình bày phương án chống ngập, trong đó phải sửa miệng cống. Tuy nhiên, miệng cống do Bộ Xây dựng quy định thống nhất và các địa phương áp dụng.
“Nếu cần thay đổi miệng cống thì đưa ra Bộ Xây dựng. Nhưng có khi ra đó thì lại nghiên cứu vài năm. Vậy với cơ chế đặc thù thành phố có quyền quyết định hay không? – GS Giao nói.
GS-TS Nguyễn Ngọc Giao cho rằng thành phố phải lồng cơ chế đặc thù vào từng chương trình đột phá, từng việc cụ thể mới khai thác được quyền lợi từ nghị quyết 54.
Theo ông, hiện có rất nhiều vấn đề vướng mắc thành phố đã thấy rõ nhưng không đưa ra giải pháp quyết liệt hoặc làm nửa vời, không tới nơi tới chốn.
“Chúng ta không giải quyết quyết liệt, làm nửa vời rồi để đó, hay là chờ Trung ương đồng ý mới thực hiện tiếp. Cái này nên khai thác Nghị quyết 54. Chúng ta có cơ chế đặc thù nên có quyền trong một số việc cụ thể chứ không phải chỉ những việc mà trong Nghị quyết nêu”, ông Giao nói.
Theo ông, để thành phố phát triển đột phá thì từng người, từng ngành cố gắng nhưng nhân tố quan trọng nhất, nhân tố dẫn đầu là chính quyền phải sáng suốt, mạnh dạn, quyết liệt thì mới làm được.
Quốc Anh
Theo Dantri
Cơ chế đặc thù là thời cơ để TPHCM đột phá, sáng tạo
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết, để được Quốc hội thông qua Nghị quyết về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển, TPHCM đã chuẩn bị 12 năm. Theo Bí thư Nhân, đây là thời cơ chính trị để thành phố đột phá, sáng tạo, tăng tốc phát triển.
Phát biểu khai mạc tại Hội nghị lần thứ 15 của Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM khóa X, nhiệm kỳ 2015-2020, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân đã nhấn mạnh tầm quan trọng của hội nghị lần này, nhất là trong bối cảnh TPHCM vừa được Quốc hội thông qua Nghị quyết thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố.
Hội nghị lần thứ 15 của Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM khóa X, nhiệm kỳ 2015-2020 diễn ra trong 2 ngày sẽ quyết định nội dung quan trọng về thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù cho thành phố
Theo Bí thư Nhân, hội nghị lần này Đảng bộ TP sẽ thảo luận và ra Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ TP lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM và kế hoạch của Ban Thường vụ Thành ủy lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện kết luận số 21 của Bộ Chính trị về sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị.
Ông Nguyễn Thiện Nhân cho biết để được Quốc hội thông qua Nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù thì TPHCM đã có quá trình chuẩn bị 12 năm, từ năm 2005.
Người đứng đầu Đảng bộ TP nhận định, việc được thí điểm thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù là thời cơ chính trị để TPHCM đột phá, phát huy sáng tạo để thành phố phát triển nhanh, tăng tốc bền vững.
"Đây là trách nhiệm lớn với cử tri cả nước và Quốc hội, thành phố phải làm xứng đáng với niềm tin của Quốc hội vào Đảng bộ TP. Do đó, nhiệm vụ của thành phố là phải triển khai nhanh Nghị quyết 54", Bí thư Nhân nói.
Tại hội nghị, Bí thư Nhân cho biết công tác kiểm tra Đảng quyết liệt giúp Đảng bộ TP thành phố hoàn thành tốt nhiệm vụ, trong công tác kiểm tra có nhiều điểm mới.
Tuy nhiên, theo người đứng đầu Đảng bộ TP, qua thực tiễn kiểm tra cũng chỉ ra một số hạn chế. Một số nơi người đứng đầu chưa làm tốt công tác tập trung, dân chủ, đoàn kết cấp ủy. Người đứng đầu về Đảng và chính quyền có một số quyết định sai.
"Đây là một trong số ít năm mà cán bộ thuộc diện Thành ủy quản lý bị xem xét kỷ luật nhiều", ông Nhân nói.
Bí thư Nhân đề nghị hội nghị lần này phải làm rõ, xem xét vì sao có những sai phạm đó. Đây là điều rất đáng suy nghĩ. Ông mong muốn năm 2018 tình hình này sẽ có chuyển biến.
Theo Bí thư Nhân, từ thực tế trên có thể rút ra được bài học kinh nghiệm: "Sai phạm thì thường vụ cấp ủy đều biết nhưng đấu tranh, phê bình chưa đúng mức nên sai phạm kéo dài. Việc này cũng liên quan đến tính chiến đấu của thường trực, thường vụ cấp ủy".
Bí thư Nguyễn Thiện Nhân trao đổi với đại biểu bên lề hội nghị
Ông Nguyễn Thiện Nhân dẫn chứng trường hợp tại chợ An Đông quận 5. Theo ông Nhân, sở dĩ sự việc kéo dài nhiều năm, người dân bức xúc "xuống đường" là do cấp quản lý chưa đi sâu vào trọng tâm vấn đề, Ban quản lý chợ chưa thực sự quan tâm đến đời sống, hoạt động kinh doanh của tiểu thương, dẫn đến mất niềm tin. Đến khi thay Trưởng ban quản lý chợ thì tình hình thay đổi hẳn.
Theo Bí thư Nhân, để tiếp nhận và xử lý hiệu quả ý kiến phản ánh của người dân, hội nghị lần này sẽ bàn thảo để tiến tới ký ban hành quy chế tiếp nhận ý kiến của người dân. Công tác tiếp nhận phản ánh của người dân có hệ thống và chặt chẽ hơn.
Đánh giá về việc triển khai 7 chương trình đột phá của Đảng bộ TP, Bí thư Nhân cho biết một số chương trình thực hiện còn chậm. Ông Nhân cũng lưu ý về tính hiệu quả của các dự án hạ tầng giao thông.
Theo ông Nhân, thành phố bỏ tiền ra nâng đường sau đó thì nhà dân ngập. Để đảm bảo đời sống người dân thì tiếp tục kiến nghị hỗ trợ kinh phí cho dân nâng nhà. Ông đề nghị phải suy nghĩ về hiệu quả đầu tư các dự án để có cách làm tốt hơn.
Hội nghị lần thứ 15 của Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM khóa X, nhiệm kỳ 2015-2020 sẽ diễn ra trong 2 ngày, 1-2/12/2017.
Quốc Anh
Theo Dantri
Hai "mối lo" lớn trong việc đánh giá cán bộ, thu hút nhân tài Nhiều đại biểu HĐND TPHCM băn khoăn về cách đánh giá cán bộ, công chức để đảm bảo chi thu nhập tăng thêm đúng thực chất, không "cào bằng". Trong khi đó, yêu cầu thu hút nhân tài là phải làm sao tạo được môi trường làm việc tốt, giữ chân chuyên gia, nhà khoa học gắn bó với thành phố. Trong phiên...