Chính sách của Mỹ với Iran và quan điểm của 4 quốc gia quan trọng
“Can dự, kiềm chế và ngăn chặn” Iran đã được Mỹ thực hiện trong nhiều thập kỷ qua và ít nhiều có tác động đến chính sách của nhiều quốc gia khác.
Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc có tầm ảnh hưởng ngày càng tăng ở Trung Đông và có vai trò quan trọng ảnh hưởng tới chính trị trong nước và quốc tế của Iran. Chiến lược của 4 quốc gia này đối với vấn đề hạt nhân Iran liên quan tới việc cân bằng hàng loạt các yếu tố về lợi ích, trong đó có lợi ích kinh tế mà không nước nào muốn đánh mất.
Tuy nhiên, những cân nhắc của 4 nước này đều chịu tác động của chính sách “can dự, kiềm chế và ngăn chặn” Iran của Mỹ.
Chính sách “can dự, kiềm chế và ngăn chặn” kể cả bằng vũ lực là lựa chọn của chính quyền Mỹ trong quan hệ với Cộng hòa Hồi giáo Iran (Ảnh: Defencetalk)
Chính sách của Mỹ đối với Iran
Can dự là một yếu tố trong chiến lược của Mỹ đối với Iran và kể từ khi Tổng thống Barack Obama lên nắm quyền, yếu tố này càng được thể hiện rõ. Iran là nước có tầm ảnh hưởng lớn trong khu vực và Mỹ không muốn đứng ngoài cuộc đối với các vấn đề quan trọng diễn ra tại đây.
Video đang HOT
Trong khi đó, kiềm chế là trọng tâm trong chiến lược Iran của Mỹ hơn 3 thập kỷ qua. Bằng nhiều hình thức cấm vận về thương mại và đầu tư, áp lực ngoại giao và thông qua các đồng minh quân sự của mình ở Trung Đông, Mỹ đã kiềm chế khả năng Iran tấn công các quốc gia láng giềng cũng như giới hạn các hoạt động bên ngoài lãnh thổ của quốc gia này.
Trong chính sách “can dự, kiềm chế và ngăn chặn”, Mỹ sử dụng sức mạnh quân sự để chặn đứng các nỗ lực của Iran trong trường hợp Iran vượt qua các “giới hạn đỏ” như cách nói của Mỹ.
Với tầm ảnh hưởng về địa chính trị của Iran trong khu vực, ngoài Mỹ, cả 4 nước Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc đều muốn “ can dự” vào Iran vì cho rằng sự can dự sẽ giúp gỡ bỏ các lệnh trừng phạt vốn đã làm tổn hại các mối quan hệ của họ với Iran. Tuy nhiên, sự can dự cũng có thể dẫn tới việc thiết lập lại trật tự các mối quan hệ quyền lực ở vùng Vịnh và trạng thái quan hệ Mỹ – Iran. Ấn Độ và Trung Quốc có thể sẽ mong muốn kết quả như vậy, trong khi đó Thổ Nhĩ Kỳ và đặc biệt là Nga có thể sẽ có thái độ “nước đôi” với vấn đề này.
Liên quan đến yếu tố “ kiềm chế“, do Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc, Ấn Độ và Nga đều coi các mối quan hệ thương mại với Iran như là một phần của các mối quan hệ song phương bình thường, cả Nga và Trung Quốc đều đã bán vũ khí cho Iran… cho nên sẽ khó để Mỹ có thể thuyết phục các nước này đồng thuận với các lệnh trừng phạt nghiêm khắc hơn đối với Iran so với các lệnh trừng phạt Liên Hợp Quốc đưa ra.
Về yếu tố “ ngăn chặn” – việc sử dụng vũ lực đối với Iran nếu nước này vượt qua “giới hạn đỏ”, nhiều khả năng sẽ không tạo ra vấn đề quan ngại lớn đối với 4 nước Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc, Ấn Độ và Nga bởi: một chính sách ngăn chặn có hiệu quả cần phải đảm bảo tính tin cậy và điều này dựa trên nguồn lực quân sự đủ lớn. Rõ ràng Mỹ đủ năng lực trong khía cạnh này, đặc biệt là về vũ khí hạt nhân. Mặc dù Nga, Trung Quốc và Ấn Độ cũng có vũ khí hạt nhân, nhưng chỉ riêng với năng lực của Mỹ cũng đủ để cho Iran thấy rằng, họ sẽ bị thất bại trước Mỹ (thậm chí trước Israel) trong trường hợp xảy ra một cuộc đối đầu hạt nhân.
Quan điểm của 4 quốc gia có lợi ích tại khu vực
Trong bối cảnh Mỹ thực hiện chính sách “ can dự, kiềm chế và ngăn chặn“, 4 nước có lợi ích quan trọng ở khu vực đều có quan điểm chính sách của riêng mình.
Chiến lược của Thổ Nhĩ Kỳ đối với Iran phụ thuộc vào cả sự kết nối sâu rộng và sự đối đầu sâu sắc với nước này. Quan điểm của Thổ Nhĩ Kỳ thừa nhận chương trình phát triển hạt nhân của Iran hơn là trực tiếp đối đầu, khiến Thổ Nhĩ Kỳ không thể có vai trò lớn hơn trong nỗ lực tham gia vào chiến lược của Mỹ.
Sau nhiều thập kỷ tự cô lập khỏi các vấn đề chính trị ở Trung Đông, gần đây Thổ Nhĩ Kỳ đã nổi lên như một thực thể chính trị “quyết đoán” nhất trong khu vực. Dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Recep Tayyip Erdogan, vai trò năng động của Thổ Nhĩ Kỳ tại Trung Đông đã tạo ra tầm ảnh hưởng lớn trong các mối quan hệ phức tạp của nước này với Iran và Mỹ.
Trong khi đó, chiến lược của Nga đối với Iran và Mỹ được thể hiện rõ ở mục tiêu duy trì vị thế ảnh hưởng kinh tế của Nga ở Iran và gián tiếp thách thức tầm ảnh hưởng của Mỹ ở Trung Đông.
Với Ấn Độ, mặc dù là một cường quốc hạt nhân, nhưng Ấn Độ lại thường dựa vào Mỹ khi đối mặt với vấn đề về chương trình hạt nhân của Iran, ngay cả khi Ấn Độ không tán thành các cách thức cụ thể trong việc ngăn chặn chương trình này. Lợi ích kinh tế gắn liền với một khu vực vùng Vịnh ổn định và các mối quan hệ tích cực với Mỹ đã khiến cho Ấn Độ trở thành “một đối tác phụ thuộc” trong giải quyết vấn đề hạt nhân của Iran.
Cuối cùng là vị thế của Trung Quốc đối với khu vực này. Trên thực tế, quan hệ của Trung Quốc với Iran chủ yếu là về kinh tế, vì thế quan điểm của Trung Quốc đối với chương trình hạt nhân của Iran gắn liền với các nỗ lực duy trì các lợi ích kinh tế.
Mặc dù phụ thuộc khá nhiều vào Mỹ trong việc bảo vệ các tuyến đường thương mại về năng lượng và hàng hóa, nhưng Trung Quốc coi các nỗ lực chống Iran của Mỹ như là việc hy sinh vai trò ưu tiên của mình trong việc khai thác các kênh này.
Về quan điểm đối với yếu tố “ ngăn chặn“, cũng giống như Thổ Nhĩ Kỳ, Nga và Ấn Độ, Trung Quốc có thể sẽ bớt chỉ trích Mỹ hơn bởi một nhận định trong tương lai rằng, Iran có thể vượt qua “ngưỡng cửa hạt nhân” và tạo ra mối đe dọa thực sự đối với toàn bộ các quốc gia láng giềng, bao gồm cả các đồng minh thân cận của Trung Quốc trong khu vực như Pakistan.
Xét trên một khía cạnh cụ thể hơn, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ và Trung Quốc là 3 quốc gia nhập khẩu ròng nguyên liệu hóa thạch của Trung Đông và trong những năm tới sẽ càng phụ thuộc vào các nguồn tài nguyên này. Cả 3 quốc gia này đều có lợi ích kinh tế quan trọng tại khu vực và sẽ chịu tổn thất nếu khu vực này trở nên bất ổn.
Khác với 3 quốc gia trên, Nga là quốc gia xuất khẩu ròng về dầu và khí đốt và ở mức độ nhất định nào đó, đang cạnh tranh với các nước vùng Vịnh về thị trường năng lượng toàn cầu. Nga có lợi ích khác tại khu vực này, trong đó liên quan nhiều hơn đến tầm nhìn về địa chính trị và chiến lược ở Caucasus và Trung Á.
Những phân tích và nhận định trên cho thấy, Mỹ là cường quốc có tầm ảnh hưởng lớn nhất và có tiếng nói quan trọng nhất đối với sự ổn định của Iran và khu vực dựa trên khả năng về sức mạnh quân sự của nước này. Ngoài Mỹ, 4 quốc gia là Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc cũng có những lợi ích quan trọng tại khu vực, trong đó chủ yếu là lợi ích về mặt kinh tế mà không nước nào muốn bỏ qua./.
Theo VOV
150 tàu chiến hùng mạnh của Mỹ sẽ đổ về Châu Á
Lầu Năm Góc sẽ triển khai 60% hạm đội tàu chiến hùng hậu của nước này đến Châu Á-Thái Bình Dương trong vài năm tới. Dự kiến, vào năm 2020, sẽ có khoảng 150 tàu chiến Mỹ đóng tại khu vực. Đây là một phần trong chiến lược tăng cường sự hiện diện của Mỹ ở Châu Á. Những thông tin này vừa được Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta tiết lộ ngày hôm nay (2/6) tại cuộc Đối thoại Shangri-La - một diễn đàn an ninh khu vực đang diễn ra ở Singapore.
Hải quân Mỹ cũng sẽ tiếp tục duy trì hơn một nửa trong số tàu sân bay khổng lồ của Mỹ ở Thái Bình Dương. Hiện tại, đang có 6 trong số 11 tàu sân bay hùng mạnh của Mỹ đang làm nhiệm vụ ở Châu Á. Tuy nhiên, con số này sẽ giảm xuống 5 khi tàu USS Enterprise "nghỉ hưu" trong năm nay. Đến năm 2015, số tàu sân bay ở Thái Bình Dương sẽ lại quay về con số 6 khi một con tàu mới mang tên USS Gerald R. Ford được hoàn thiện. Tàu sân bay vốn được mệnh danh là bá chủ của đại dương. Việc Mỹ cử một số lượng tàu sân bay lớn như vậy đến Châu Á cho thấy, họ thực sự coi trọng khu vực nổi tiếng năng động này.
Hiện tại, Hải quân Mỹ đang có trong tay lực lượng hùng hậu gồm 282 tàu chiến. Con số này có thể giảm xuống còn 276 tàu trong vòng 2 năm tới trước khi tăng lên 300 tàu. Theo mục tiêu của ngành đóng tàu Hải quân Mỹ được công bố hồi tháng 3 vừa rồi, lực lượng này đang hướng tới một hạm đội tàu chiến gồm 300 chiếc trong vòng 30 năm tới.
Theo ông chủ Lầu Năm Góc, Thái Bình Dương sẽ là nơi tập hợp phần lớn tuần dương hạm, tàu khu trục, tàu ngầm, tàu chiến đấu ven biển... của Mỹ. Tuy nhiên, con số không phải là tất cả.
Bộ trưởng Panetta khẳng định, các tàu chiến của Mỹ được triển khai đến Châu Á sẽ được trang bị những khả năng công nghệ tối tân. Ông Panetta không cho biết cụ thể đó là những công nghệ gì. Tuy nhiên, ông này nhấn mạnh, Mỹ mong chờ sẽ đưa đến Thái Bình Dương một loạt tàu ngầm và máy bay chiến đấu tối tân. Các loại vũ khí đó sẽ được sở hữu những công nghệ đỉnh cao, hệ thống thông tin, liên lạc và hệ thống chiến tranh điện tử mới hiện đại.
Bộ trưởng Quốc phòng Panetta cho biết thêm, việc Mỹ tăng cường sự hiện diện hải quân ở Thái Bình Dương sẽ cho phép nước này tăng cường số lượng cũng như quy mô của các cuộc tập trận trong khu vực trong những năm tới. Mỹ cũng có kế hoạch thực hiện nhiều chuyến thăm hơn nữa đến các khu vực biển, trong đó có Ấn Độ Dương. Năm ngoái, quân đội Mỹ đã tham gia 172 cuộc tập trận trong khu vực với 24 nước.
Ông Panetta còn nhấn mạnh đến cam kết của Mỹ đối với khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Washington đã thiết lập các mối quan hệ liên minh chặt chẽ, đặc biệt là về an ninh, quân sự, với một loạt nước Châu Á gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Philippines, Austrlia... Mỹ cũng thiết lập quan hệ đối tác với Ấn Độ, Singapore, Indonesia và nhiều nước khác.
Mỹ xoa dịu Trung Quốc
Sau khi làm Trung Quốc "giật mình" bởi tiết lộ về việc điều phần lớn tàu chiến đến khu vực Châu Á, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Panetta đã tìm cách dập tắt những đồn đoán cho rằng, chiến lược quay trở lại Châu Á của họ là nhằm kiềm chế sự nổi lên của Trung Quốc.
Ông Panetta thừa nhận, giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới còn tồn tại một loạt sự khác biệt, trong đó có vấn đề Biển Đông. "Chúng tôi không ngây thơ trong các mối quan hệ và Trung Quốc cũng vậy. Cả hai nước đều hiểu rằng, không có sự lựa chọn nào khác dành cho hai nước ngoài việc phải cùng tăng cường giao lưu, trao đổi, đối thoại với nhau để củng cố mối quan hệ quân sự song phương. Đó là kiểu quan hệ trưởng thành mà chúng tôi cần phải xây dựng với Trung Quốc", ông Panetta phát biểu tại cuộc Đối thoại Shangri-La. Cuộc đối thoại này thu hút sự tham gia của quan chức quân sự, dân sự đến từ hơn 30 quốc gia Châu Á-Thái Bình Dương.
Bộ trưởng Panetta cho biết, ông cam kết xây dựng một mối quan hệ quân sự song phương "bền vững, ổn định, lâu dài, lành mạnh và đáng tin cậy". Tuy nhiên, ông chủ Lầu Năm Góc không quên nhắc nhở Bắc Kinh về vấn đề Biển Đông. Không trực tiếp nói đến Trung Quốc nhưng ông Panetta đã đưa ra lời cảnh báo về việc sử dụng vũ lực ở Biển Đông.
Ông chủ Lầu Năm Góc thừa nhận, một số người coi sự hiện diện của Mỹ ở Châu Á là thách thức trực tiếp đối với Trung Quốc. Bản thân Bắc Kinh cũng tin rằng, chiến lược chuyển trọng tâm quân sự vào khu vực Châu Á là một nỗ lực của Washington nhằm bao vây, kiềm chế Trung Quốc. Tuy nhiên, ông Panetta đã bác bỏ quan điểm này. Bộ trưởng Quốc phòng Panetta cho rằng, sự hiện diện của Mỹ ở Châu Á-Thái Bình Dương sẽ có lợi cho Trung Quốc đồng thời giúp tăng cường an ninh trong khu vực.
Theo VNMedia
Bắc Kinh kêu gọi "kiềm chế" sau khi Bình Nhưỡng phóng tên lửa Bắc Kinh đã lên tiếng kêu gọi tất cả các bên "kiềm chế" và "bình tĩnh" sau khi Triều Tiên tiến hành phóng tên lửa. AFP ngày 13/4 đưa tin cho biết, Bắc Kinh đã lên tiếng kêu gọi tất cả các bên "kiềm chế" và "bình tĩnh" sau khi hoạt động phóng tên lửa mang vệ tinh viễn thông của Triều Tiên...