Chính sách chào đón lao động nước ngoài của Hàn Quốc phát huy hiệu quả
Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, ngày 11/8, tại khu triển lãm KINTEX, thành phố Isan, Kyonggido, đã diễn ra lễ kỷ niệm lần thứ 20 Hệ thống cấp phép lao động (EPS) của Hàn Quốc.
Đông đảo khách mời từ 16 quốc gia có lao động phái cử đã đến tham dự chương trình này.
Ông Lee Woo Yeong, Chủ tịch Cơ quan phát triển nguồn nhân lực Hàn Quốc (HRDK) phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: Đức Thắng/Pv TTXVN tại Seoul
Trong bối cảnh tỷ lệ sinh thấp và tốc độ già hóa dân số cao, Hàn Quốc rất thiếu lao động trong các ngành nghề. EPS cho phép các doanh nghiệp thiếu nhân lực tại Hàn Quốc tuyển dụng lao động nước ngoài một cách hợp pháp.
Việc giới thiệu, cung cấp, quản lý lao động nước ngoài do Chính phủ Hàn Quốc và các cơ quan chuyên trách thực hiện, trong đó có Cơ quan phát triển nguồn nhân lực Hàn Quốc (HRDK).
Video đang HOT
Phát biểu tại buổi lễ, ông Mr. Lee Woo Yeong, Chủ tịch HRDK cho biết hệ thống EPS quyết định quy mô tuyển dụng lao động nước ngoài hằng năm căn cứ vào xu hướng cung – cầu của nguồn nhân lực như thị trường lao động và triển vọng kinh tế của Hàn Quốc. Theo ông Lee, EPS cho phép các ngành sản xuất vừa và nhỏ có ít hơn 300 lao động thường xuyên và các ngành thiếu nhân lực như nông nghiệp và chăn nuôi, ngư nghiệp, xây dựng… tuyển dụng thêm lao động nước ngoài
Các nước cung cấp lao động theo diện EPS cho Hàn Quốc cũng đáp ứng được nhiều nhu cầu trong bố trí việc làm cho người lao động, đặc biệt là phát triển nguồn nhân lực có tay nghề trong quá trình này. Nhiều tấm gương điển hình trong diện lao động EPS đã được tôn vinh trong dịp lễ kỷ niệm 20 năm Hệ thống cấp phép lao động.
Chị Ngô Thị Út Luân, một lao động Việt Nam theo chương trình EPS có quá trình khởi nghiệp thành công ở Việt Nam, được Ban Tổ chức vinh danh. Ảnh: Đức Thắng (P/v TTXVN tại Seoul)
Chị Ngô Thị Út Luân, từng lao động tại Hàn Quốc theo các diện visa E9, E7 và F2 trước khi trở về Việt Nam thành lập doanh nghiệp riêng, tham dự sự kiện với tư cách tấm gương tiêu biểu của lao động Việt Nam tại Hàn Quốc. Chị cho biết đã không ngừng học tiếng Hàn, trau dồi kiến thức văn hóa của Hàn Quốc.
Chị chia sẻ với phóng viên TTXVN tại Seoul như sau: “Thông điệp tôi muốn nhắn nhủ tới các bạn lao động Việt Nam tại Hàn Quốc là tận dụng cơ hội học hỏi tiếng Hàn, văn hóa Hàn Quốc và học nghề. Các bạn cần tuân thủ cam kết trong Hợp đồng lao động để có thể quay trở lại Hàn Quốc khi hết hạn hợp đồng lần thứ nhất. Khi chín muồi mọi điều kiện, các bạn có thể trở về lập nghiệp ở Việt Nam và đóng góp vào quá trình phát triển quê hương đất nước”.
Những tấm gương điển hình đến từ 16 quốc gia được Ban tổ chức vinh danh. Ảnh: Đức Thắng/Pv TTXVN tại Seoul
Chị Nanthavong Phaisy. một tấm gương điển hình đến từ Lào thì chia sẻ: “Từng làm việc tại một nhà hàng Hàn Quốc ở Lào nên văn hóa Hàn Quốc không phải là điều hoàn toàn xa lạ với tôi. Sau khi trở về Lào vào năm 2022, tôi sử dụng các kỹ năng ngôn ngữ tiếng Hàn mà tôi đã học được ở Hàn Quốc để dạy lại tiếng Hàn cho những người Lào khác. Tôi mong các bạn đang ở Hàn Quốc tích cực lao động và trau dồi tiếng Hàn để thực hiện được giấc mơ của mình ở Hàn Quốc”.
Trải qua 20 năm thực hiện, Hệ thống cấp phép việc làm EPS đã đem lại nhiều thành quả tốt đẹp cho Hàn Quốc, nước tiếp nhận lao động nước ngoài đến từ 16 quốc gia, chủ yếu là châu Á, bao gồm Việt Nam, Lào, Campuchia, Philippines, Myanmar, Thái Lan, Indonesia, Timor Leste, Trung Quốc, Mông Cổ, Bangladesh, Kyrgyzstan, Nepal, Uzbekistan, Pakistan và Sri Lanka.
Hàn Quốc ngày càng cần thêm nhiều nhân lực nước ngoài có chuyên môn cao
Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, giới chức Hàn Quốc nhận định trong bối cảnh dân số già hóa nhanh, Hàn Quốc sẽ ngày càng cần thêm nhiều nhân lực nước ngoài có chuyên môn từ nhiều lĩnh vực.
Ông Kim Young-Jung, Tổng Giám đốc Dịch vụ Thông tin việc làm Hàn Quốc (KEIS) - một tổ chức bán công trực thuộc Bộ Lao động chuyên cung cấp thông tin việc làm và hướng nghiệp - đưa ra nhận định trên khi trả lời phỏng vấn của báo chí. Ông cho biết trong tương lai gần, Hàn Quốc sẽ ngày càng cần nhiều kỹ sư, nhà khoa học, giáo viên, nhà quản lý, chuyên gia công nghệ thông tin (CNTT) người nước ngoài.
Theo ông Kim, trong bối cảnh dân số già hóa và tỷ lệ sinh thấp, Hàn Quốc không có lựa chọn nào khác là ngày càng chuyển sang sử dụng lao động nước ngoài đảm nhận những vai trò quan trọng. Cho đến nay, lao động nước ngoài vào Hàn Quốc chủ yếu tập trung ở những công việc phổ thông được trả lương thấp, nhưng trong tương lai, nhiều người sẽ được thuê làm những công việc tay nghề cao. Ông Kim khẳng định sự thiếu hụt nhân lực ở Hàn Quốc không chỉ giới hạn ở lao động phổ thông hoặc không chuyên nghiệp, mà cả ở những khu vực cần trình độ học vấn cao. Viễn cảnh này cho thấy xã hội Hàn Quốc phải chuẩn bị cho việc tiếp nhận người nhập cư.
Ông Kim trước đây là chuyên gia cấp cao về hoạch định chính sách của Bộ Lao động Hàn Quốc. Ông lưu ý rằng trong vài năm tới Hàn Quốc vẫn có thể dựa vào việc khai thác lực lượng lao động tiềm năng từ nhóm dân số không hoạt động kinh tế, bao gồm cả những người về hưu và cha mẹ nội trợ. Tuy nhiên, bắt đầu từ năm 2028, dân số hoạt động kinh tế vốn ổn định trong nhiều năm sẽ bắt đầu sụt giảm, đẩy Hàn Quốc vào tình trạng thiếu lao động chưa từng có. Tình trạng này sẽ khiến Hàn Quốc phụ thuộc nhiều hơn vào lực lượng lao động nhập khẩu cũng như phải đẩy mạnh tận dụng nguồn lao động chưa tham gia hoạt động kinh tế trong nước.
Người đứng đầu KEIS dự đoán sẽ có những thay đổi mạnh hơn nữa trong hệ thống dịch vụ thông tin việc làm, đặc biệt tập trung cho người lao động nhập cư.
Hiện tại, số lượng lao động nhập cư còn ít so với công dân Hàn Quốc nên chưa có hệ thống dịch vụ việc làm riêng biệt được tối ưu hóa cho nhóm đối tượng này. Trong thời gian tới, KEIS sẽ tập trung kết hợp công nghệ mới vào dịch vụ việc làm.
Theo chuyên gia Kim, Hàn Quốc không chỉ là cường quốc có nền công nghệ phát triển mà còn là cường quốc văn hóa sở hữu đủ loại nội dung như K-pop, K-drama và K-movie. Vì vậy, Hàn Quốc cần nhiều nhân lực cho các lĩnh vực hết sức đa dạng. Đối với người nước ngoài, đây là cơ hội cho các lao động có chuyên môn cao đang tìm kiếm cơ hội làm việc chuyên nghiệp tại Hàn Quốc.
Hiện tại, KEIS tham gia hệ thống cấp phép lao động của chính phủ (EPS) cho phép các công ty Hàn Quốc không tìm được lao động trong nước được tuyển dụng lao động nước ngoài. KEIS vận hành 14 hệ thống thông tin việc làm, bao gồm cổng thông tin WorkNet, cũng như các hệ thống bảo hiểm việc làm và phát triển nguồn nhân lực (HRD-Net). Khi người Hàn Quốc muốn tìm việc, họ có thể truy cập WorkNet để kiểm tra các tin tuyển dụng và trên HRD-Net, người lao động có thể kiểm tra danh sách các lớp đào tạo nghề do chính phủ cung cấp để củng cố năng lực chuyên môn. KEIS cũng sử dụng dữ liệu việc làm và lao động để đóng góp khuyến nghị chính sách về xu hướng việc làm, nhu cầu thị trường lao động, dịch vụ việc làm, hướng nghiệp, đánh giá việc làm, chính sách đối với thanh niên và xây dựng chính sách việc làm.
IMF giữ nguyên dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2024 Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) giữ nguyên dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2024 tuy giảm dự báo tăng trưởng kinh tế ở Mỹ và Nhật Bản, đồng thời cảnh báo về rủi ro lạm phát và căng thẳng thương mại sắp tới. Cảng container ở Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: AFP/TTXVN Trong báo cáo cập nhật Triển vọng kinh tế thế...