Chính quyền Trump “chạy đua” chuẩn bị cho cuộc gặp lịch sử với Triều Tiên
Một ngày sau khi Tổng thống Donald Trump nhận lời mời của nhà lãnh đạo Kim Jong-un về cuộc gặp mặt dự kiến diễn ra vào tháng 5 tới, Mỹ đã bắt đầu lên kế hoạch chuẩn bị cho sự kiện lịch sử được đánh giá là đầy rủi ro và xa vời tới mức một số quan chức Nhà Trắng vẫn tin rằng sẽ không bao giờ diễn ra.
Truyền hình Hàn Quốc đưa tin về cuộc gặp giữa Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un (Ảnh: Getty)
Chính quyền Mỹ bắt đầu xem xét các vấn đề liên quan tới hậu cần và địa điểm tổ chức cuộc gặp giữa ông Trump và ông Kim. Một nhà ngoại giao cấp cao của Mỹ cho biết địa điểm khả thi nhất cho sự kiện lịch sử này là tại Nhà Hòa bình ở Khu Phi Quân sự liên Triều (DMZ) – nơi ngăn cách biên giới Triều Tiên và Hàn Quốc.
Địa điểm tổ chức cuộc gặp mặt đầu tiên giữa một tổng thống đương nhiệm của Mỹ và nhà lãnh đạo Triều Tiên hiện là một trong số những vấn đề cần được giải quyết. Một số quan chức cho rằng ông Trump và ông Kim Jong-un cần xây dựng một thỏa thuận khung cho cuộc gặp, đồng thời nên chuyển việc đàm phán thực sự sang các cuộc họp ở cấp thấp hơn sau cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo. Thậm chí, Mỹ và Triều Tiên cũng cần tổ chức các cuộc họp tiền trạm để bàn bạc các vấn đề hậu cần.
Bên cạnh đó, việc thiếu một kênh liên lạc trực tiếp giữa Mỹ và Triều Tiên cũng là vấn đề khiến nhiều chuyên gia quan ngại. Hiện hai nước vẫn liên lạc qua các kênh độc lập, một trong số đó là “Kênh New York” thông qua phái đoàn Triều Tiên tại Liên Hợp Quốc.
Nhà Trắng lúng túng
Tuy vậy, một số quan chức Mỹ cho rằng chính quyền Trump vẫn cần kết nối trực tiếp với Triều Tiên để xác minh thông điệp mà nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã gửi tới Tổng thống Trump thông qua các đặc phái viên Hàn Quốc trong tuần này. Các quan chức cảnh báo rằng ông Kim Jong-un có thể đổi ý hoặc không thực hiện những lời hứa do chính ông đưa ra, bao gồm việc dừng các vụ thử tên lửa và hạt nhân trong thời gian diễn ra cuộc gặp với ông Trump.
“Mỹ không đưa ra nhượng bộ nào, nhưng Triều Tiên đã hứa. Cuộc gặp sẽ không diễn ra nếu không có các hành động cụ thể phù hợp với những lời hứa do Triều Tiên đưa ra”, Thư ký báo chí Nhà Trắng Sarah Sanders nói về cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ – Triều.
Video đang HOT
Theo giải thích của Nhà Trắng, phát ngôn của Thư ký báo chí Sanders không có nghĩa là Mỹ đặt thêm điều kiện đàm phán với Triều Tiên, mà chỉ nhấn mạnh những hậu quả nếu ông Kim Jong-un tiếp tục thử tên lửa hoặc can thiệp vào cuộc tập trận quân sự chung giữa Mỹ và Hàn Quốc, dự kiến diễn ra vào cuối tháng 3.
Tổng thống Trump ngày 9/3 đã viết trên mạng xã hội Twitter rằng, “thỏa thuận với Triều Tiên đang được hình thành và sau khi hoàn tất, đây sẽ là một thỏa thuận tốt cho cả thế giới”. Cũng theo ông Trump, “thời gian và đại điểm đang được quyết định”.
Thông điệp thiếu chặt chẽ của Nhà Trắng đã cho thấy sự lúng túng của chính quyền Mỹ sau quyết định chớp nhoáng của Tổng thống Trump về việc nhận lời mời gặp mặt ông Kim Jong-un. Từ chỗ theo đuổi các chính sách trừng phạt và đe dọa sử dụng quân sự với Triều Tiên, chính quyền Mỹ bây giờ phải học cách hợp tác với Bình Nhưỡng.
Sự hoài nghi
Khu phi quân sự liên Triều có thể được chọn làm nơi diễn ra cuộc gặp lịch sử giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ – Triều (Ảnh: Wikipedia)
Điều này cũng cho thấy sẽ còn rất nhiều trở ngại đặt ra trước khi Mỹ biến quyết định gặp mặt của Tổng thống Trump thành một hội nghị cấp cao thực sự giữa hai nhà lãnh đạo từng “khẩu chiến” trong thời gian dài.
“Những đề nghị của Triều Tiên thường đi kèm với những lời cảnh báo và những điều kiện mà cần kiểm tra lại. Chúng ta đều hy vọng rằng chiến dịch gây sức ép từ nhiều năm nay với Triều Tiên sẽ phát huy tác dụng, nhưng chúng ta cũng không nên ăn mừng quá sớm”, Daniel R. Russel, cựu cố vấn về khu vực châu Á cho cựu Tổng thống Barack Obama, nhận định về đề nghị đối thoại của Triều Tiên.
Trong khi đó tại Bộ Ngoại giao, nơi một số nhà ngoại giao âm thầm ủng hộ quyết định của Tổng thống Trump, vẫn có một số ý kiến lo ngại rằng những trợ lý “diều hâu” tại Nhà Trắng sẽ tạo thêm rào cản trên con đường đi tới cuộc gặp lịch sử giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ – Triều. Những trợ lý này cho rằng Nhà Trắng đã đầu tư nhiều hơn vào các lệnh trừng phạt và biện pháp quân sự, thay vì các chính sách ngoại giao với Triều Tiên. Trước đây, nhiều quan chức Nhà Trắng từng tỏ ra bất mãn khi Lầu Năm Góc chần chừ đưa ra các phương án quân sự với Bình Nhưỡng.
Xét đến tất cả những rủi ro tiềm tàng và nghi ngờ nội bộ trong chính quyền Mỹ, một số quan chức tin rằng cơ hội diễn ra cuộc gặp giữa ông Donald Trump và ông Kim Jong-un thực sự chưa đầy 50%.
Vai trò Ngoại trưởng
Quyết định của Tổng thống Trump đã gây bất ngờ cho nhiều đồng minh và thậm chí cả các cố vấn của ông, trong đó có Ngoại trưởng Rex Tillerson. Khi Tổng thống Trump nhận lời mời gặp mặt của ông Kim Jong-un, người đứng đầu Bộ Ngoại giao Mỹ đang có chuyến đi tới châu Phi và không hay biết chuyện này.
Sự thiếu vắng vai trò của Ngoại trưởng Tillerson trong quyết định quan trọng của Tổng thống Trump đã cho thấy sự xa cách giữa Bộ Ngoại giao Mỹ với chính sách về Triều Tiên của nhà lãnh đạo Mỹ. Trong khi đó, ông Joseph Yun, nhà ngoại giao kỳ cựu về Triều Tiên và là nhà đàm phán hàng đầu của chính quyền Trump, đã nghỉ việc ở Bộ Ngoại giao Mỹ hồi tuần trước.
Các quan chức khác của Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng không chỉ riêng Ngoại trưởng Tillerson mà tất cả các cố vấn khác của Tổng thống Trump đều bị ông gạt ra ngoài lề. Tuy nhiên, phát biểu với các phóng viên ở Djibouti, ông Tillerson khẳng định quyết định của ông Trump không hẳn “từ trên trời rơi xuống”.
“Đó là điều tổng thống đã ấp ủ trong đầu từ khá lâu, chứ không phải chuyện bất ngờ. Tổng thống trước đây từng công khai thể hiện sự sẵn lòng của ông trong việc gặp mặt ông Kim Jong-un”, Ngoại trưởng Tillerson nói.
Thành Đạt
Theo Dantri
Ông Trump tính bổ nhiệm quan chức đặc biệt về Triều Tiên
Tổng thống Mỹ Donald Trump đang xem xét khả năng bổ nhiệm một đặc phái viên phụ trách vấn đề Triều Tiên bên cạnh Ngoại trưởng Rex Tillerson sau khi Bình Nhưỡng phát tín hiệu đàm phán.
Tổng thống Donald Trump (Ảnh: Getty)
CBS dẫn lời một quan chức Mỹ cho biết chính quyền Trump đang xem xét khả năng bổ nhiệm một chuyên gia giữ vai trò là đặc phái viên phụ trách các vấn đề liên quan tới Triều Tiên bên cạnh Ngoại trưởng Rex Tillerson nếu các cuộc đối thoại giữa hai nước có thể diễn ra. Thông tin trên được đưa ra trong bối cảnh nhà lãnh đạo Kim Jong-un được cho là đã thông báo với phía Hàn Quốc về ý định đàm phán với Mỹ về vấn đề phi hạt nhân hóa.
Mặc dù chưa có quyết định chính thức được đưa ra, song thông tin Tổng thống Trump tính tới phương án bổ nhiệm đặc phái viên về Triều Tiên cũng phần nào cho thấy sự thiếu sót của chính quyền Mỹ trong việc xử lý một trong những vấn đề hóc búa nhất của chính sách đối ngoại.
Bộ Ngoại giao Mỹ đang thiếu trầm trọng đội ngũ các nhà ngoại giao cấp cao với bề dày kinh nghiệm để xử lý vấn đề Triều Tiên. Tuần trước, nhà ngoại giao kỳ cựu của Mỹ về Triều Tiên, ông Joseph Yun, cũng đã thông báo quyết định thôi chức sau hàng chục năm gắn bó. Trong khi đó, Mỹ cho đến nay vẫn chưa bổ nhiệm vị trí đại sứ thường trực tại Hàn Quốc kể từ khi ông Trump lên nắm quyền.
Vị trí trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao về Đông Á hiện vẫn chưa được xác nhận, trong khi bà Susan Thornton mới chỉ được bổ nhiệm làm quyền trợ lý. Bộ trưởng Rex Tillerson vẫn đang cần một nhân vật đặc biệt chuyên xử lý vấn đề Triều Tiên.
Các quan chức Mỹ cho biết chính quyền Trump đang cân nhắc tìm kiếm một chuyên gia bên ngoài Bộ Ngoại giao - người có đủ năng lực và kinh nghiệm để phụ trách vấn đề Triều Tiên. Chuyên gia này có thể sẽ chịu trách nhiệm chuẩn bị các cuộc đàm phán trước khi Ngoại trưởng Tillerson trực tiếp tham gia đàm phán.
Việc lựa chọn chuyên gia đặc biệt về Triều Tiên có thể cho thấy cách tiếp cận của chính quyền Trump trong bối cảnh tồn tại hai trường phái khác biệt trong nội các Mỹ về vấn đề này. Ngoại trưởng Tillerson cùng Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis kêu gọi gia tăng sức ép tối đa về kinh tế và cô lập ngoại giao với Triều Tiên để buộc Bình Nhưỡng bước vào bàn đàm phán. Trong khi đó, một số tiếng nói khác tại Nhà Trắng, bao gồm cố vấn an ninh quốc gia H.R. McMaster, ủng hộ tiến hành cuộc tấn công phủ đầu Triều Tiên nếu Bình Nhưỡng tiếp tục đe dọa Mỹ bằng chương trình vũ khí.
Thành Đạt
Theo Dantri
Nhật cảnh báo về chiêu "tấn công quyến rũ" của Triều Tiên Ngoại trưởng Nhật Bản cảnh báo tại Hội nghị Vancouver về Triều Tiên rằng, thế giới không nên bị mờ mắt vì chiêu "tấn công quyến rũ" của Bình Nhưỡng. Triều Tiên đang có các cuộc đàm phán với Hàn Quốc. Trong ảnh là nhà lãnh đạo Kim Jong-un và binh sĩ Triều Tiên. Ảnh: Getty Images Phát biểu của Ngoại trưởng Nhật...