Chính quyền thuê “người ngoài” trông coi đầm ông Vươn!
Ngay sau khi ông Đoàn Văn Vươn bị bắt, chính quyền huyện Tiên Lãng tuyên bố đã giao cho UBND xã Vinh Quang bảo vệ khu đầm, nhưng lãnh đạo xã Vinh Quang lại thuê người bảo vệ đầm để rồi sau đó, hàng chục tấn thủy sản trong đầm đã bị vét sạch.
Chiều 31.1, trả lời PV Thanh Niên, ông Lê Thanh Liêm, Chủ tịch UBND xã Vinh Quang, cho rằng: “Toàn bộ khu đầm của gia đình ông Đoàn Văn Vươn sau khi bị cưỡng chế ngày 5.1, UBND huyện mới chỉ có thông báo giao cho xã quản lý chứ không có biên bản bàn giao cụ thể. Vì thế xã chưa giao cho bất kỳ ai làm gì ở đó mà chỉ giao cho lực lượng công an xã bảo vệ khu vực đầm đã cưỡng chế”. Theo ông Liêm, công an xã phân công theo ca trực, mỗi ca có từ 3 đến 5 người.
“Xã có bàn bạc thuê thêm một người tên Vũ Văn Hội”
Trả lời câu hỏi, tại sao có nhiều người không thuộc lực lượng công an xã nhưng vẫn có mặt ở khu đầm và tại sao hàng chục tấn thủy sản (theo em vợ chủ đầm, gồm 7.000 con cá trắm nặng 3-4 kg/con, 5.000 con cá vược loại 1-1,5 kg/con) đã bị vét sạch?
Tài sản của anh em ông Vươn sau khi giao cho UBND xã quản lý đã trở thành đống gạch vụn hoang tàn – Ảnh: Lê Quân
Ông Liêm nói: “UBND xã giao công an xã bảo vệ. Tuy nhiên, do vào thời điểm tết Nguyên đán nên Thường vụ và lãnh đạo xã có bàn bạc thuê thêm một người tên Vũ Văn Hội, cũng ở xã Vinh Quang phối hợp cùng với công an xã trông coi, giữ nguyên hiện trạng khu đầm đã cưỡng chế trên từ ngày 15 đến 29.1. Hôm qua 30.1, xã đã thanh lý hợp đồng với ông này. Hiện công an xã vẫn đang quản lý khu vực đó”.
Về việc thủy sản trong đầm của gia đình ông Vươn bị “bốc hơi”, ông Liêm, nói: “Hôm nay các anh nói tôi mới biết việc này. Tôi sẽ yêu cầu trưởng công an xã báo cáo ngay, nếu có sẽ bàn trong lãnh đạo xã và có hướng điều tra cụ thể”.
Ông Vũ Đức Bốn, Trưởng công an xã Vinh Quang, cũng xác nhận với Thanh Niên: “Đúng là công an xã được UBND xã giao cho bảo vệ an ninh trật tự khu đầm đã cưỡng chế. Gần tết UBND xã có hợp đồng một người trông coi, người được thuê là ai tôi cũng không nhớ. UBND xã cũng đứng ra làm hợp đồng chứ công an xã không biết”. Trả lời về việc ngoài công an xã, có rất nhiều người lạ mặt ở tại khu đầm trên, ông Bốn đáp: “Tôi chỉ phân công anh em trong công an xã ra hiện trường chứ tôi không ra ngoài đó nên không biết việc này và cũng không thấy anh em báo cáo”.
Video đang HOT
Ông Bốn xác nhận công an xã Vinh Quang có một người tên Lâm, anh này được cử ra bảo vệ khu đầm, trong khi theo ghi nhận của PV, công an xã tên Lâm chính là người đã cùng nhóm đối tượng của Phường “tố”, Chương “sực” ngăn cản các phóng viên tác nghiệp, thậm chí còn chửi bới, lao vào giằng máy ảnh của một phóng viên vào chiều ngày 10.1.
Một chủ đầm gần đầm nhà ông Vươn bức xúc: “Chính quyền xã đã được huyện giao bảo vệ khu đầm, họ lại thuê cả người ngoài vào bảo vệ. Người ta tháo cạn đầm để bắt hàng chục tấn thủy sản, trị giá hàng tỉ đồng. Chính quyền xã phải chịu trách nhiệm về việc này, chứ không thể nói là không biết?”.
Chủ đầm Kết là ai?
Trở lại vụ việc chủ đầm Kết, người bị một số người dân quanh khu vực đầm nhà ông Vươn tố cáo đã đưa “đàn em” xuống tiếp quản khu đầm, đánh bắt thủy sản của gia đình ông Vươn. Ông Lê Thanh Liêm nói: “Theo danh sách hành chính, Kết không thuê đầm của xã Vinh Quang. Nếu ông Kết có thuê đầm nhưng không thông báo với xã thì tôi không biết”.
Trong khi đó, theo nguồn tin riêng của Thanh Niên, ông Kết có quan hệ khá thân mật với Vũ Văn Hội, người được xã thuê tham gia trông coi khu vực trên. Về việc trông coi đầm nhà ông Vươn cùng với công an xã, theo như ông Liêm là có hợp đồng thuê trông coi. Ông Hội cũng từng khẳng định, việc đưa người ra trông đầm không phải vì làm kinh tế mà là “do lãnh đạo xã, huyện đã có lời nhờ”.
PV Thanh Niên đã điện thoại cho ông Kết theo số điện thoại 0912923… (số điện thoại do nhiều chủ đầm ở Tiên Lãng cung cấp). Tuy nhiên ngay khi vừa xưng là phóng viên thì chủ máy là ông Kết đã tuôn ra những lời nói rất tục tĩu: “Tôi chơi đ. gì các ông, đ.m các ông, kệ m. các ông, tôi ảnh hưởng đ. gì đến các ông, tôi đ. nói chuyện với các ông”, sau đó cúp máy. Lần thứ hai PV tiếp tục gọi hỏi về việc có liên quan gì đến khu đầm của gia đình ông Vươn thì người xưng là Kết tiếp tục buông lời thách đố: “Mày làm sao đủ tuổi nói chuyện với tao, việc đó là của chính quyền, dân thì phải tuân theo chính quyền…”.
Tất cả đều từ chối trả lời
Chiều 31.1, đoàn cán bộ của Bộ TN-MT do ông Lê Văn Lịch, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai đã có buổi làm việc với UBND huyện Tiên Lãng về việc giao đất, thu hồi đất đối với gia đình ông Đoàn Văn Vươn. Đoàn làm việc từ 15 giờ cho đến 18 giờ mới kết thúc. Không được tham gia cuộc họp, hàng chục phóng viên các báo đã chờ cả buổi chiều để phỏng vấn thành viên công tác của Bộ TN-MT nhưng tất cả đều từ chối trả lời. Thậm chí, Chánh văn phòng UBND huyện Tiên Lãng còn không cho PV đứng ở tầng 2 trụ sở UBND huyện.
Theo Thanh Niên
Vụ thu hồi đất ở Tiên Lãng - Hải Phòng: Có bàn tay của giang hồ?
Nhiều người dân ở huyện Tiên Lãng khẳng định một nhóm giang hồ ở quận Kiến An, TP Hải Phòng có liên quan đến việc thu hồi đất của hộ ông Đoàn Văn Vươn
Dù chỉ thực hiện cưỡng chế thu hồi 19,3 ha trong tổng số 40,3 ha đầm do gia đình ông Đoàn Văn Vươn đang quản lý nhưng ngôi nhà hai tầng thuộc quyền sở hữu của gia đình ông Đoàn Văn Quý (em trai ông Vươn) trên diện tích chưa bị thu hồi cũng đã bị san phẳng.
Ai nhờ cậy giới "anh chị"?
Khi trả lời các cơ quan báo chí, ông Lê Văn Hiền, Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng, khẳng định ngôi nhà bị lực lượng chức năng phá dỡ vì ngôi nhà này là nơi đối tượng nổ súng vào lực lượng cưỡng chế ẩn nấp. Ngay sau đó, ông Đỗ Trung Thoại, Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng, lại nói do bức xúc về việc gia đình ông Vươn chống người thi hành công vụ nên người dân bất bình đã san phẳng ngôi nhà này.
Khu đầm trên cùng thửa đất đã được bồi thường
... và biên bản bồi thường của UBND TP Hải Phòng
Trong khi đó, một số người chứng kiến vụ cưỡng chế cho biết việc hủy hoại ngôi nhà hai tầng của gia đình ông Đoàn Văn Quý có bàn tay của giang hồ đất Cảng. Theo nguồn tin riêng của phóng viên Báo Người Lao Động, trước khi diễn ra vụ cưỡng chế, một số đối tượng giang hồ có "số má" tại quận Kiến An đã được nhóm "anh chị" ở huyện Tiên Lãng tên là Trọng "phồn", Độ... điều về khu vực đầm của ông Vươn để gây thanh thế. Sau khi "biểu dương lực lượng", nhóm giang hồ này đã được trả thù lao mỗi người 2 triệu đồng. Nhóm "anh chị" huyện Tiên Lãng là những đàn em có quan hệ mật thiết với một chủ đầm nuôi trồng thủy sản tên là K. trên địa bàn xã Vinh Quang.
Nhiều người dân ở Tiên Lãng cũng khẳng định chủ đầm này có mối quan hệ thân thiết với lãnh đạo một số cơ quan ở huyện Tiên Lãng. Ngay sau khi tổ chức cưỡng chế, nhóm "anh chị" Trọng "phồn", Phường "tố", Chương "sực" đã có mặt ngay tại đầm nuôi trồng thủy sản của ông Vươn.
Ngày 10-1, khi một số phóng viên đến chụp ảnh, thu thập tài liệu tại khu đầm của ông Vươn thì bị nhóm "anh chị" này cản trở. Chiều 30-1, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, một số chủ đầm trong khu vực này khẳng định chủ đầm K. cũng có một chiếc máy xúc giống với chiếc máy xúc đã phá hủy ngôi nhà của ông Quý. Vũ Văn H., một tay anh chị "số má" tại địa phương, tiết lộ anh ta cùng với những tay giang hồ cộm cán như Phường "tố", Chương "sực" hiện diện tại khu vực đầm nuôi trồng thủy sản của hộ gia đình ông Vươn là do có người nhờ cậy.
Đã từng được bồi thường
Tại các cuộc họp sau khi tổ chức cưỡng chế, thu hồi 19,3 ha đầm nuôi trồng thủy sản của gia đình ông Vươn, ông Lê Văn Hiền luôn khẳng định: Căn cứ để UBND huyện Tiên Lãng ra quyết định thu hồi đất là hết thời hạn giao đất. Cũng chính vì vậy huyện không bồi thường chi phí xây dựng hạ tầng kỹ thuật của người dân.
Tuy nhiên, trước đó, năm 2005, UBND TP Hải Phòng đã có quyết định thu hồi đất nuôi trồng thủy sản trên địa bàn xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng để giao cho Thành đoàn Hải Phòng triển khai dự án "Xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu nuôi tôm xuất khẩu". Theo quyết định thu hồi đất này, gia đình ông Vươn bị thu hồi hơn 4,8 ha trong số 40,3 ha đầm nuôi trồng thủy sản tại khu Cống Rộc. Khu đất bị thu hồi được xác định là đất nông nghiệp hạng 5, loại đất nuôi trồng thủy sản.
Ông Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng (hiện là Bí thư Thành ủy Hải Phòng), đã đồng ý phê duyệt phương án đền bù. Theo phương án này, chỉ với hơn 4,8 ha đất nuôi trồng thủy sản bị thu hồi, hộ ông Vươn đã được bồi thường 271 triệu đồng. Các hạng mục như khối lượng đắp bờ bao, nhà chòi, cống, chi phí cải tạo đầm... đều được bồi thường, thậm chí được hỗ trợ cả về công lao động...
Luật sư vào cuộc Chiều 30-1, luật sư Nguyễn Duy Minh, Văn phòng Luật sư Duy Minh thuộc Đoàn Luật sư TPHCM, cho biết sáng cùng ngày, ông đã làm việc với Cơ quan Điều tra Công an TP Hải Phòng để làm thủ tục bào chữa miễn phí cho bị can Đoàn Văn Vươn và người nhà. Tuy nhiên, ông vẫn chưa được cơ quan chức năng cấp giấy chứng nhận bào chữa cho bị can nên ông chưa được tiếp cận hồ sơ vụ án và chưa được tiếp xúc với bị can.
Theo Người Lao Động
Lập đoàn giám sát vụ cưỡng chế đất Hải Phòng Tại cuộc họp sáng 18/1, Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam đã thống nhất lập đoàn giám sát để tìm hiểu về dấu hiệu vi phạm pháp luật trong quy trình giao, thu hồi đất, thực hiện cưỡng chế của UBND huyện Tiên Lãng (Hải Phòng). Nhiều ý kiến tại cuộc họp cho rằng hệ thống chính trị địa phương, bao...