Chính quyền thành phố tạm ngưng dọn dẹp vỉa hè vì bị dân phản ứng
Hoạt động này bắt đầu hơn một tuần thì phải ngưng lại để chấn chỉnh vì một số người dân phản ứng về tính công bằng và cách thức triển khai. Thông tin trên vừa được Chủ tịch UBND TP. Mỹ Tho ( tỉnh Tiền Giang) Nguyễn Văn Hồng cho biết.
Một căn nhà trên đường Lý Thường Kiệt bị đục bỏ tam cấp.Hoàng Phương
Theo ông Hồng, lý do khiến người dân bức xúc bởi vì một vài phường, xã chưa chuẩn bị kỹ đã tiến hành giải tỏa, trong khi lẽ ra cơ quan chức năng phải khảo sát từng tuyến đường, xác định những hộ vi phạm lộ giới để tiến hành đo đạc, đánh mốc, hướng dẫn, đồng thời yêu cầu người dân cam kết thời gian tự tháo dỡ.
Một căn nhà trên đường Lý Thường Kiệt bị đục bỏ tam cấp. Ảnh: HOÀNG PHƯƠNG
“Phải tuyên truyền, giải thích, làm cho thấu tình đạt lý để tạo sự đồng thuận của người dân. Đến lần thứ 3, nếu người dân chưa thực hiện mới tiến hành xử lý”, ông Hồng nói.
Kế hoạch ra quân lập lại trật tự lòng lề đường tại TP.Mỹ Tho bắt đầu từ ngày 8.5. Theo đó, đối với những ngôi nhà hoặc công trình xây dựng đúng mốc chỉ giới quy định thì ban công được phép nhô ra từ 90-140cm, bậc tam cấp là 30cm. Ngoài phạm vi đó sẽ bị buộc phải tháo dỡ.
Một khách sạn trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa bị đục bỏ gờ dành cho xe hơi trong khi các căn nhà khác trồi ra sát mặt đường vẫn không bị giải tỏa. Ảnh: HOÀNG PHƯƠNG
Video đang HOT
Tuy nhiên, điều mà nhiều người dân thắc mắc chính là sự không công bằng. Họ nêu ví dụ như đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa có lộ giới 24m, từ tim đường vô mỗi bên 12m.
Nằm trên con đường đó, khách sạn Song Nghi Cát Tường (số 111) cách mép đường 5m nhưng có làm 2 cái gờ để xe hơi chạy lên nhà, thụt sâu vào bên trong, vẫn bị đập bỏ.
Hàng rào kiên cố sơn màu vàng là nhà của một cựu quan chức tỉnh vẫn tồn tại mặc dù chỉ cách mép đường hơn 2m. Ảnh: HOÀNG PHƯƠNG
Trong khi đó các căn nhà khácnhô ra cách mép đường chỉ chừng 2m nhưng được phép tồn tại.
Tương tự, ở bên kia đường có nhà hàng rào xây kiên cố cách mép đường khoảng 2,8m, cũng “bình an vô sự”.
Trong khi căn nhà này (đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa) nằm sâu bên trong vẫn bị đục bỏ bậc tam cấp “theo đúng quy định”, thì các căn nhà khác vẫn nhô ra khiến người dân thắc mắc Ảnh: HOÀNG PHƯƠNG
Giải thích về các trường hợp bất bình đẳng nói trên, ông Trần Minh Đức, Trưởng phòng Quản lý đô thị Mỹ Tho, cho rằng nguyên nhân vì các căn nhà đó trước đây đã được cấp chủ quyền, kể cả phần nhô ra sát mặt đường. Nếu tháo dỡ thì phải bồi thường. Vì vậy vẫn cho phép tồn tại.
Trong lúc TP.Mỹ Tho ra quân rầm rộ chiến dịch giải tỏa lòng lề đường, thì trên đường Trần Hưng Đạo, một công trình xây dựng ngang nhiên chiếm lòng đường làm nơi đổ vật liệu và trộn bê tông
Thế nhưng những “tồn tại” như vậy sau khi giải tỏa ở các tuyến đường đã xuất hiện rất nhiều. Và những trường hợp đó không chỉ làm cho mặt tiền nhiều con đường bị xấu đi vì có những căn nhà lòi ra, thụt vào như hình răng cưa rất khó coi, mà còn là cái cớ phát sinh khiếu nại vì sự không công bằng.
Theo ông Đức thì đó là một vấn đề khác vì trong đợt giải tỏa, chỉnh trang đô thị lần này không có kinh phí để đền bù cho những trường hợp như vậy. Nếu có ý kiến của dân thì sẽ đề xuất cấp trên điều chỉnh, bổ sung.
(Theo Thanh Niên)
Ông Đoàn Ngọc Hải xác nhận ngưng xuống đường vì bị hai văn bản 'trói chân'
"Tình trạng lấn chiếm vỉa hè đã tái diễn, sau khi tôi bị buộc phải tạm ngưng chiến dịch chấn chỉnh trật tự lòng lề đường. Công sức của anh em trong hai tháng gần như đã trở về con số 0. Hàng ngày đi ra đường, tôi thấy rõ cảnh vỉa hè nhếch nhác, bề bộn. Rất khó chịu nhưng làm sao được khi tôi không còn đứng đầu chiến dịch và có quyền xử lý vi phạm, cũng như khiển trách cán bộ cấp dưới?" - Ông Đoàn Ngọc Hải - Phó chủ tịch UBND Quận 1 nói.
Ông Đoàn Ngọc Hải xuống đường chấn chỉnh trật tự lòng lề đường tại Quận 1 cách đây một tháng - Ảnh: Dương Cầm
Người dân quan tâm, ủng hộ chiến dịch giải cứu vỉa hè do ông Đoàn Ngọc Hải trước đây hồ hởi, hy vọng bao nhiêu, giờ càng cảm thấy thất vọng bấy nhiêu, trước tình trạng tái chiếm vỉa hè tại Quận 1, sau khi vị Phó chủ tịch đột ngột ngừng xuống đường. Nhiều lời đồn đoán ông Hải đã bị cấp trên khiển trách, kỷ luật.
Sáng nay, 19.5, ông Đoàn Ngọc Hải đã cho báo điện tử Một Thế Giới biết rõ lý do ngưng xuống đường và những khó khăn, đụng chạm.
"Quận Ủy quận 1 ra một văn bản và thêm một văn bản của UBND Quận 1, yêu cầu tôi phải ngưng xuống đường dẹp dọn trật tự lòng lề đường. Tôi phải tuân thủ", vị Phó chủ tịch cho biết.
Ông Đoàn Ngọc Hải trên đường Sương Nguyệt Anh kiểm tra công tác chấn chỉnh trật tự vỉa hè - Ảnh: Dương Cầm
Trước thắc mắc của nhiều người về tính đúng, sai và có đúng luật hay không, khi đoàn kiểm tra liên ngành Quận 1 quá "mạnh tay", tháo dỡ, đập bỏ những vật cản trên vỉa hè ngay tức khắc. Ông Đoàn Ngọc Hải nói: "Tôi khẳng định là mình làm đúng luật Giao thông đường bộ. Những vật cản trên lòng lề đường là phải giải tỏa ngay, nhường đường cho người đi bộ, tránh tai nạn giao thông. Tôi không áp dụng luật xử lý Vi phạm hành chính vì đó là những vật cản nằm trên vỉa hè. Khi nào trên công trình dân dụng có sai phạm thì mới xử phạt hành chính".
Vị Phó chủ tịch Quận 1 nói tiếp về những khó khăn: "Lãnh đạo các phường làm không xong, cứ ngồi nhìn và chờ đợi cấp trên thì làm sao xong việc được? Biết bao giờ vỉa hè mới thông thoáng, khi ai cũng nghĩ phần đường dành cho người đi bộ là của riêng mình? Tôi phải đích thân làm là vì vậy. Nếu muốn được lòng tin của nhân dân Quận 1 thì mọi cán bộ phải quyết tâm hơn nữa, cũng như không ngại đụng chạm và lợi ích nhóm".
Về những việc mình đã làm được trong thời gian qua, nhận được cả sự ủng hộ và phản ứng, ông Đoàn Ngọc Hải nói: "Cái quan trọng là chúng ta đang lập lại trật tự, kỷ cương phép nước. Đó là điều quan trọng mà mọi cán bộ, nhân dân Quận 1 phải hướng đến, nếu muốn có một xã hội tốt đẹp".
Trước khi chiến dịch giải cứu vỉa hè tại Quận 1 tạm ngừng khoảng 1 tháng, đích thân ông Đoàn Ngọc Hải thường xuyên dẫn đầu đoàn kiểm tra liên ngành trực tiếp xuống đường, chỉ đạo đập bỏ, tháo dỡ hàng ngàn bậc thềm cản chân người đi bộ, nhiều bảng hiệu lấn chiếm không gian, xử phạt và cẩu về kho cả nghìn chiếc xe ô tô đậu sai quy định...
Vỉa hè Quận 1 đã bị tái chiếm, trở nên bề bộn như trước khi chiến dịch giải cứu vỉa hè diễn ra. Ảnh chụp tối 17.5, trên đường Huỳnh Thúc Kháng, phường Bến Nghé - Ảnh: Dương Cầm
Vị Phó chủ tịch Quận 1 không chừa một "vùng cấm" nào, có thể ra lệnh đập bỏ một bậc thềm lấn chiếm của một cơ quan nhà nước, xử phạt và cẩu xe biển số xanh 80B, biển số đỏ, ngoại giao...đậu sai nơi quy định, mang về nhập kho. Tình trạng buôn bán nhếch nhác, bầy hầy trên vỉa hè ăn sâu vào tâm khảm nhiều người cũng tạm thời bị xóa bỏ. Quận trung tâm thành phố đã trở nên thông thoáng, là đô thị hình mẫu cho cả nước, chỉ sau hơn 2 tháng chấn chỉnh trật tự.
Thế nhưng, tình trạng tái chiếm vỉa hè tại quận 1 đã mạnh mẽ trở lại, sau khi chiến dịch "giải cứu vỉa hè" tại Quận 1 đột ngột tạm dừng. Hàng quán đã có thể bày bán ghế trên vỉa hè vô tư. Tài xế ung dung tự tin đậu xe thoải mái trên vỉa hè, không còn nơm nớp lo sợ xe bị "cẩu" về nhập kho, bị phạt nặng ...
Mọi "thành quả" của Quận 1, cũng như cá nhân ông Đoàn Ngọc Hải gần như bị xóa sổ. Giấc mơ "biến quận trung tâm TP.HCM thành Singapore" của người dân Quận 1 tan tành như mây khói theo những vỉa hè bề bộn, nhếch nhác.
(Theo Một Thế Giới)
Hà Nội sẽ kỷ luật cán bộ phường nếu để vỉa hè bị tái chiếm Bí thư Thành uỷ Hoàng Trung Hải cho biết, Hà Nội sẽ thành lập 5 đoàn kiểm tra việc duy trì trật tự đô thị và sẽ xử lý cán bộ lãnh đạo ở những nơi buông lỏng quản lý. Tại cuộc làm việc với Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội chiều 16/5, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải nhận định,...