‘Chính quyền mới nhưng lợi ích của Mỹ ở VN không đổi’
Hai tuần trước khi ông Trump nhậm chức, Zing.vn đã phỏng vấn độc quyền Đại sứ Ted Osius về chính sách của Mỹ tại châu Á, hiệp định TPP và hợp tác Việt – Mỹ trong tương lai.
- Vài ngày trước, ông đến thăm mộ Ngô Quyền – một địa danh lịch sử của Việt Nam. Xin ông chia sẻ lý do chuyến thăm đó?
- Tôi nghĩ việc hiểu nhiều về Ngô Quyền là điều quan trọng. Ông có vai trò lớn trong thống nhất nước Việt, một vị tướng rất thông minh, nhà chiến lược khôn ngoan để đánh bại một đối thủ lớn và hùng mạnh hơn rất nhiều.
Đại sứ Ted Osius tìm hiểu về Ngô Quyền vì cho rằng ông có ảnh hưởng quan trọng tới lịch sử Việt Nam. Ảnh: Tiến Tuấn.
Nếu tôi hiểu đúng, có hơn 3.000 thuyền đối phương được đưa tới khúc sông ông đã giăng cọc – khi đó ông chỉ có khoảng 300 thuyền – nhưng Ngô Quyền đã diệt được toàn bộ đoàn thuyền địch. Ông làm được vậy vì thông minh, có chiến thuật rất tốt. Tôi đến mộ ông để bày tỏ sự ngưỡng mộ. Tôi muốn hiểu thêm về Ngô Quyền.
Ngô Quyền là vị tướng kiệt xuất, nhà chiến lược tài ba. Tôi đi bộ trên đường Ngô Quyền hàng ngày và tôi muốn tìm hiểu về ông.
Tương lai của Mỹ là ở châu Á
- Khoảng 2-3 tuần nữa ông sẽ có sếp mới ở Washington DC (ứng viên Ngoại trưởng Rex Tillerson). Theo ông, có những thay đổi gì từ Washington?
- Mọi chính quyền mới đều có thay đổi về chính sách, nhưng tôi đã trải qua nhiều chính quyền, nhiều đời tổng thống, một điều không đổi chính là lợi ích của nước Mỹ. Tôi nghĩ lợi ích của Mỹ ở khu vực, cụ thể là lợi ích tại Việt Nam, là rất thống nhất và không thay đổi.
Chúng ta có lợi ích chung về một khu vực hoà bình, về sự tôn trọng đối với luật pháp quốc tế, tôn trọng đối với quyền tự do đi lại, lợi ích chung về thịnh vượng ở đây.
Khi tôi nói về nước Việt Nam mạnh, thịnh vượng và độc lập, thì đó cũng là lợi ích của Mỹ. Một nước Việt Nam như vậy sẽ là đối tác mạnh cho nước Mỹ. Đó là lợi ích vượt qua lợi ích đảng phái (ở Mỹ).
Theo Đại sứ Ted Osius, Ngoại trưởng John Kerry vẫn có thể thăm Việt Nam trong thời gian tại nhiệm. Ảnh: Tiến Tuấn.
- Có mối lo ngại châu Á sẽ bị lãng quên khi đội hình an ninh – đối ngoại mới có sự nghiệp và mối quan tâm của họ trong thời gian dài là châu Âu hoặc Trung Đông. Ông có nghĩ vậy?
- Ứng viên Bộ trưởng Quốc phòng mới (tướng Mattis) là người có nhiều kinh nghiệm ở Trung Đông. Ứng viên Ngoại trưởng có rất nhiều kinh nghiệm ở châu Á, ông ta hiểu châu lục rất rõ. Tôi có thể hơi thiên vị chút khi cả sự nghiệp tôi là ở châu Á, nhưng tôi nghĩ là tương lai của nước Mỹ sẽ gắn rất chặt ở châu lục này.
Châu Á có những cơ hội mà các phần khác ở thế giới không có – và điều đó không phụ thuộc vào cá nhân hay đảng phái.
Mỗi lần tới Đồi Capitol (Quốc hội Mỹ), tôi luôn ngạc nhiên khi các thượng nghị sĩ, hạ nghị sĩ đều rất thống nhất trong các vấn đề châu Á. Vì vậy, sự ủng hộ cho “tái cân bằng” hoàn toàn không bị ảnh hưởng bởi đảng phái.
- Vài năm qua, các nước trong khu vực đánh giá rất cao về “tái cân bằng”. Tuy nhiên, sau bầu cử ngày 8/11, những người trong khu vực thường nói về “sự không chắc chắn”, “lo ngại”, ông có lời trấn an nào cho mọi người?
- Tôi sẽ không dự đoán những thay đổi chính sách lớn của chính quyền mới – tôi nghĩ là sẽ có. Tuy nhiên, tôi có thể nói được đâu là những lợi ích Mỹ vẫn còn ở khu vực. Những lợi ích đó là lâu dài và còn tiếp tục: lợi ích kinh tế, lợi ích an ninh, lợi ích trong duy trì tự do hàng hải, lợi ích trong xây dựng các quan hệ đối tác mạnh mẽ và có năng lực ở khu vực này.
Tất cả những điều này sẽ không thay đổi trong chính quyền mới. Cả đời làm ngoại giao của tôi là ở châu Á và tất cả những lý do cuốn hút tôi 28 năm trước tới châu Á vẫn còn nguyên tới hôm nay. Đây là nơi có những cơ hội cho nước Mỹ, đây là nơi mà tin tốt và cả tin xấu đều ngang nhau.
Đồ hoạ: Phượng Nguyễn.
Video đang HOT
- Liệu nước Mỹ có tiếp tục các nội hàm chính sách của “tái cân bằng” – có thể là bằng một cái tên khác trong chính quyền mới?
- Còn quá sớm để nói tên của chính sách mới là gì hay là nêu chi tiết chính sách. Nhưng về cơ bản tôi thấy rất khích lệ khi dù có nói chuyện với người của phe Cộng hoà hay phe Dân chủ về mối quan hệ Việt-Mỹ, thì họ đều quan tâm tới những cơ hội của mối quan hệ này.
Tôi sẽ nói rằng rộng hơn, về châu Á, thì dù bạn có nói chuyện với lãnh đạo từ phe Cộng hoà hay phe Dân chủ thì họ đều nhìn thấy cơ hội ở đây. Họ nhìn thấy tương lai của Mỹ là tương đồng với những cơ hội này.
Họ nhìn thấy cơ hội để Mỹ tăng cường quan hệ với các nước như Ấn Độ, Indonesia, Việt Nam – những nước quan trọng mà chúng tôi chưa có quan hệ liên minh nhưng đang xây dựng quan hệ đối tác ngày càng toàn diện.
- Hai năm trước, khi ông mới đến Việt Nam, trong cuộc phỏng vấn ở TP.HCM, ông đã nói hai ưu tiên: Hiệp định TPP và Đại học Fulbright. Hiệp định TPP đang bị nhiều người nói là “đã chết”. Ông có nghĩ là di sản của mình ở Việt Nam bị ảnh hưởng?
- Tôi sẽ không nói là TPP “đã chết”. Tôi tin rằng vẫn còn rất nhiều việc cần làm để xác định chính sách thương mại chung (giữa các nước) là thế nào. Nước Mỹ vừa trải qua cuộc bầu cử đầy xáo động. Rất nhiều người cảm thấy họ bị bỏ ra ngoài lề của toàn cầu hoá. Đó là sự thật và chúng tôi phải đối mặt với việc đó.
Nhưng điều đó không có nghĩa Mỹ sẽ chấm dứt quan hệ thương mại với 95% phần còn lại của thế giới. Chúng tôi sẽ tiếp tục giao thương. Nhưng câu hỏi sẽ là làm thế nào để cùng tạo ra chính sách thương mại có lợi cho cả chúng tôi và các nước châu Á.
Gây dựng nền tảng cho quan hệ đối tác lâu dài vẫn là công việc rất quan trọng của tôi ở châu Á. Đại học Fulbright thúc đẩy sâu quan hệ hợp tác giáo dục vẫn vô cùng quan trọng như cách đây hai năm. Chúng ta có thêm các chương trình hợp tác mới như Đội Hoà bình, sẽ thúc đẩy quan hệ hợp tác giáo dục.
Chúng ta có cơ hội rất lớn trong 2017 khi Việt Nam là nước chủ tịch APEC. Tôi nhìn đó là cơ hội rất lớn để thúc đẩy thương mại.
Ưu tiên 2 năm trước của ông Ted Osius là Hiệp định TPP và Đại học Fulbright. Ông nói sẽ tập trung vào những công việc có ảnh hưởng lâu dài cho quan hệ song phương. Ảnh: Tiến Tuấn.
APEC 2017: Cơ hội ngoại giao lớn
- Liệu tân tổng thống Mỹ có đến dự hội nghị thượng đỉnh APEC 2017?
- Những quyết định như vậy còn rất xa nhưng tôi sẽ khuyến nghị tân tổng thống Mỹ dự thượng đỉnh APEC. Tôi sẽ khuyến nghị tân ngoại trưởng Mỹ cũng như các quan chức cấp cao khác tới dự.
Một điều tuyệt cho Việt Nam khi tổ chức APEC 2017 là các bạn sẽ giới thiệu, không chỉ với các quan chức Mỹ, mà với các quan chức trên toàn thế giới sự năng động của đất nước này. Các bạn có hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo ở Đà Nẵng vào tháng 11. Nhưng trước đó, các bạn sẽ có cuộc gặp của các quan chức cấp cao tới Nha Trang, Vinh, Cần Thơ, Hạ Long, TP.HCM và Hà Nội.
Chúng tôi rất ủng hộ chương trình nghị sự APEC mà Việt Nam đưa ra. Đó cũng là những ưu tiên của chúng tôi.
Theo ông Osius, lãnh đạo Việt Nam và các nước TPP nên lên tiếng để Washington biết về nhu cầu thương mại của các nước. Ảnh: Tiến Tuấn.
Cam Ranh: Tàu Mỹ và các nước đến là bình thường
- Ông Trump nói sẽ rút khỏi TPP trong ngày đầu nhậm chức. Đó là bước lùi lớn sau rất nhiều nỗ lực của các nước. Hợp tác thương mại với Mỹ sẽ tiến thế nào từ đây?
- Tôi đã hoạt động rất tích cực cho TPP trong suốt hai năm nên tôi sẽ không giấu chuyện đó là thất vọng lớn. Tôi rất muốn thấy hiệp định được phê chuẩn. Nhưng cử tri ở nước Mỹ đã lên tiếng và các quan chức đắc cử của Mỹ sẽ lắng nghe. Chúng ta phải tìm cách để tiến lên: một cách tiếp cận bao trùm hơn, làm thế nào để lợi ích thương mại chạm được đến nhiều người hơn.
Tôi không nghĩ câu trả lời (cho những vấn đề này) là đóng cửa thương mại với tất cả các nước. Tôi nghĩ là cần tìm cách để tất cả những lợi ích có thể đến được với nhiều nhóm công dân khác nhau.
Tôi không rõ sẽ là chính sách nào nhưng nó sẽ phải phù hợp với lợi ích của cả Mỹ và các nước TPP. Tôi kêu gọi lãnh đạo Việt Nam và các nước TPP nên nêu rõ quan điểm với Washington để các lãnh đạo mới biết tầm quan trọng của việc tìm chính sách thương mại mới quan trọng thế nào.
- Trên Twitter, ông Trump viết rằng, sẽ cứng rắn với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông, liệu tổng thống đắc cử có thực hiện?
- Một lần nữa, tôi không biết chính sách cụ thể sẽ thế nào. Nhưng cách tiếp cận của chúng tôi là Mỹ sẽ chở hàng, bay và đi tàu ở bất cứ khu vực nào mà luật pháp quốc tế cho phép. Đó là chính sách được cả hai đảng đều ủng hộ.
Mỹ đã ủng hộ tự do hàng hải trong suốt 241 năm qua, vì vậy cách tiếp cận này sẽ không thay đổi. Từ những gì tôi đọc về nội các mới thì những người này cũng ủng hộ chuyện sẽ Mỹ sẽ bay và đi tàu vào bất cứ khu vực nào luật pháp quốc tế cho phép.
Việc Mỹ ủng hộ các quy tắc ứng xử ở Biển Đông, luật pháp quốc tế ở biển Đông là rất quan trọng trong giải quyết các vấn đề của khu vực, cũng như là câu chuyện Biển Đông. Trong vấn đề này chúng tôi rất tương đồng quan điểm với Việt Nam.
Đồ hoạ: Phượng Nguyễn.
- Tàu USS Mustin đã thăm cảng Cam Ranh vào tháng 12/2016, hồi tháng 10 tàu USS John McCain và USS Frank Cable cũng đã ghé Việt Nam. Ông nói gì về khả năng tàu Mỹ tiếp tục ghé thăm Việt Nam trong tương lai, cũng như hợp tác quân sự Việt-Mỹ?
- Những chuyến thăm của tàu Mỹ cho thấy việc tàu các nước tới Cam Ranh ngày càng trở nên bình thường. Đó là các hoạt động dịch vụ tàu biển có trả phí. Tàu của Mỹ tới đây bảo trì và nạp nhiên liệu.
Trong chuyến thăm của tàu USS Mustin, một số hoạt động cũng diễn ra. Ví dụ như tổ chức đá bóng, các hoạt động trên bờ cho thủy thủ tàu. Tôi hy vọng những điều này sẽ trở nên bình thường.
Mỹ là một trong những nhiều nước có tàu ghé vào Cam Ranh để hưởng các dịch vụ ở cảng. Tàu Nga, Trung Quốc, Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines… đều đã đến đây. Tôi nghĩ việc tàu các nước tận dụng cảng quốc tế Cam Ranh là bình thường. Hy vọng Mỹ sẽ tiếp tục làm vậy.
Về hợp tác quân sự chúng ta không còn giới hạn gì nữa. Hồi tháng 5, Tổng thống Obama tới Việt Nam đã gỡ bỏ lệnh cấm vũ khí sát thương hoàn toàn. Nên khi Việt Nam muốn hướng tới Mỹ để hợp tác quân sự, chúng tôi luôn sẵn sàng. Mỹ muốn một Việt Nam mạnh, thịnh vượng và độc lập. Việt Nam mạnh là từ đầu tiên chúng tôi dùng.
Đại học Fulbright: Đầu tư cho 60-100 năm nữa
- Quan hệ Việt – Mỹ có những bước tiến rất lớn trong 2-3 năm trở lại đây, trong đó có đóng góp rất lớn của ông. Ông muốn để lại di sản gì?
- Tôi muốn những việc mình làm ở đây sẽ duy trì lâu dài. Tôi không muốn những gì mình làm chỉ dừng lại ở màn ký kết giấy tờ hay chụp ảnh ngoại giao… Tôi muốn chúng ta tạo ra khác biệt dài hạn.
Đó cũng là lý do tôi nhấn mạnh tới hợp tác giáo dục. Đây là đầu tư cho thế hệ tương lai. Nếu bạn nhìn vào Đại học Fulbright, đó là đầu tư cho 60-100 năm nữa của mối quan hệ. Nhiều trường đại học khác của Mỹ cũng đang đầu tư vào Việt Nam: ĐH Portland, ĐH California và nhiều trường khác. Điều này tạo nền tảng cho mối quan hệ lâu dài.
Một mảng nữa là hợp tác thương mại và khối tư nhân hai nước. Nó là quá trình lâu và sẽ mang lại lợi ích dài hạn, giúp ổn định quan hệ song phương.
Yếu tố thứ ba cho quan hệ dài hạn là hòa giải. Tôi đã thấy sự hòa giải này với các nước có cộng đồng di cư lớn ở Mỹ, và các cộng đồng di cư này có đóng góp rất nhiều cho quan hệ hợp tác.
Tôi tin mạnh mẽ cộng đồng người Mỹ gốc Việt có thể đóng góp rất nhiều cho mối quan hệ song phương. Cộng đồng này đang đóng góp nhiều cho hợp tác giáo dục, cho các NGO, các hoạt động y tế, môi trường, cho mối quan hệ của khối tư nhân,…
Chúng ta có quyền tôn trọng và tự hào về quá khứ, nhưng sẽ nhìn tới tương lai và nghĩ cách để hợp tác.
Đồ hoạ: Phượng Nguyễn.
- Nhiều người ở Việt Nam giờ vẫn không rõ chính quyền mới ở Washington sẽ hành xử thế nào. Ông có lời khuyên gì về cách ứng xử với chính quyền mới?
- Một trong những lý do có sự không rõ ràng này là vì tổng thống mới chưa bao giờ có kinh nghiệm điều hành chính quyền, nên chúng ta không rõ quan điểm của ông trong nhiều vấn đề.
Một số thành viên trong nội các mới cũng vậy. Nếu được phê chuẩn, ông sếp mới của tôi cũng là người cả đời làm kinh doanh. Nhưng ông ấy (Rex Tillerson) là người rất hiểu châu Á và xung quanh ông là những người rất hiểu các thách thức chúng ta đối mặt.
Lời khuyên của tôi là hãy tận dụng cơ hội năm 2017 khi Việt Nam chào đón đại diện của nước Mỹ cũng như những nền kinh tế APEC khác.
Tôi thấy việc chuẩn bị APEC cũng đang được thực hiện rất nghiêm túc, không chỉ ở góc độ hậu cần mà cả ở nội dung. Những đầu tư nghiêm túc vậy sẽ hái được thành quả lớn.
Ngoài ra, tôi nhìn thấy khả năng của các chuyến thăm cấp cao của lãnh đạo Việt Nam tới Mỹ. Tôi rất ủng hộ và khuyến khích các chuyến thăm vậy. Các chuyến thăm vậy sẽ thể hiện mối quan hệ này rất quan trọng với cả hai bên.
- Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã điện đàm với tổng thống đắc cử Trump, ông có được thông tin về cuộc điện đàm?
- Tôi có được báo về cuộc gọi. Cuộc điện đàm đó diễn ra rất tích cực. Về chi tiết, đội ngũ của tổng thống mới sẽ tiết lộ. Tôi chỉ chắc chắn cuộc trao đổi tốt, và điều đó sẽ chỉ dẫn tới những kết quả tích cực.
- Vậy ông nghĩ đó là thông điệp tốt mà lãnh đạo hai nước gửi tới nhau?
- Chắc chắn là vậy.
Ngoại trưởng Kerry vẫn có thể thăm Việt Nam
Chúng tôi vẫn hy vọng ông Kerry có thể thăm Việt Nam trong thời gian tại nhiệm (sau khi hoãn chuyến thăm tháng 12/2006) – đương nhiên thông tin đó sẽ phải do những người khác xác nhận và thông báo về thời điểm.
Ông Kerry rất yêu đất nước này. Khi giao vị trí Đại sứ ở Việt Nam cho tôi, ông nói: “Ted, anh sẽ đến đất nước của tôi.” Kerry có tình cảm sâu đậm và gắn bó với Việt Nam. Tôi tin là chừng nào ông còn thở, ông sẽ còn tiếp tục đóng góp cho mối quan hệ này.
(Theo Zing News)
Thứ trưởng Ngoại giao: 'Thành viên APEC đều quyết tâm thúc đẩy TPP'
Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn cho biết đại diện các nền kinh tế APEC tham dự hội nghị đầu tiên của năm APEC 2017 đều thể hiện quyết tâm thông qua Hiệp định Xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Thứ trưởng ngoại giao Bùi Thanh Sơn. Ảnh: Giang Huy
"Hiện Nhật Bản đã thông qua TPP, các nền kinh tế thành viên khác cũng tỏ quyết tâm tiếp tục thúc đẩy tiến trình phê chuẩn hiệp định này. Điều đó thể hiện quyết tâm thúc đẩy quá trình tự do hoá thương mại, đầu tư, liên kết giữa các nền kinh tế thành viên", ông Bùi Thanh Sơn, Chủ tịch quan chức cao cấp APEC (SOM) Việt Nam, trả lời câu hỏi của VnExpress trong họp báo chiều nay.
Theo ông Sơn, qua các trao đổi tại Hội nghị cấp cao APEC tại Peru tháng trước và Hội nghị quan chức cấp cao APEC không chính thức (ISOM) lần này, có thể thấy rõ một điều là mặc dù hiện nay nơi này nơi kia có xu thế gia tăng chủ nghĩa bảo hộ nhưng các đại diện của APEC đều khẳng định quyết tâm tiếp tục đẩy mạnh quá trình tự do hoá thương mại, đầu tư ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Nguyên nhân là từ khi hình thành các hoạt động của APEC trong thúc đẩy liên kết tự do hoá thương mại và đầu tư đã tạo ra lợi ích rất lớn cho các nền kinh tế thành viên, cho các doanh nghiệp và người dân.
Theo thứ trưởng Sơn, tiến trình này có hai vấn đề đặt ra, một là hướng tới khu vực mậu dịch tự do trên toàn bộ khu vực châu Á - Thái Bình Dương, điều mà tại Lima đã có tuyên bố của các nhà lãnh đạo về khu vực tự do chung. Để tiến tới mục tiêu đó cũng có các con đường khác nhau, trong đó có TPP, Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực (RCEP) cũng đang được tiến hành.
Góp thêm ý kiến về vấn đề này, ông Alan Bollard, Giám đốc điều hành Ban Thư ký APEC, cho biết New Zealand đã thông qua TPP trước Nhật Bản và nhận được sự ủng hộ của lãnh đạo các nước ở hội nghị tại Lima. Việc TPP có hoạt động mà không có sự tham gia của Mỹ hay không sẽ phụ thuộc vào chính các nền kinh tế APEC.
Trước đó, ông Bùi Thanh Sơn cho biết trong năm APEC 2017, khi Việt Nam chủ trì, dự kiến có khoảng 200 hoạt động lớn nhỏ, trong đó quan trọng nhất là Tuần lễ cấp cao diễn ra tại Đà Nẵng vào tháng 11 năm sau. Khoảng 1.000 lãnh đạo các tập đoàn hàng đầu thế giới cũng sẽ đến Việt Nam dự các hoạt động liên quan.
Ông Alan Bollard, ngoài cùng bên trái, cùng chủ trì họp báo chiều nay. Ảnh: Giang Huy
Việt Anh
Theo VNE
Nhật Bản nỗ lực thuyết phục APEC duy trì TPP Đại diện Nhật Bản khẳng định nước này đang tích cực trao đổi để các nước thành viên APEC cùng xúc tiến Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Đại diện của các nền kinh tế APEC dự cuộc họp không chính thức Quan chức cao cấp (ISOM) sáng nay. Ảnh: Giang Huy "Chúng tôi sẽ sẵn sàng đưa TPP trở...